Data Station #56: Vietdata – Thị trường tuyển dụng Việt Nam: Công nghệ “nhập cuộc”, các trang tìm việc online “nở rộ”

Thị trường tuyển dụng Việt Nam những năm gần đây đã có bước chuyển mình mạnh mẽ. Với sự gia nhập của hàng loạt doanh nghiệp mới cùng sự thay đổi trong hành vi tìm việc của lực lượng lao động trẻ, ngành tuyển dụng không chỉ mở rộng quy mô mà còn đa dạng hơn về mô hình hoạt động.
Trong bài viết Data Station số 56, Brands Vietnam đã có buổi trò chuyện cùng chị Hằng Nguyễn – Founder của Vietdata – để cùng chia sẻ những xu hướng đáng chú ý trong bức tranh “Ngành dịch vụ tuyển dụng nhân sự Việt Nam” thông qua các kết quả nghiên cứu từ báo cáo chuyên sâu do Vietdata thực hiện vào tháng 10/2024.
Không chỉ đơn thuần chia sẻ những báo cáo hữu ích, Data Station là loạt bài phỏng vấn đào sâu vào các kết quả nghiên cứu, dưới góc nhìn của người trong cuộc, nhằm đưa ra những quan điểm sâu sắc và đề xuất có tính ứng dụng cao cho kế hoạch marketing sắp tới của bạn.
* Trước hết, chị hãy chia sẻ sơ lược về phương pháp thực hiện báo cáo về thị trường tuyển dụng ở Việt Nam?
Về phương pháp thực hiện báo cáo, chúng tôi triển khai theo ba bước chính: Thứ nhất là gặp gỡ và phỏng vấn các chuyên gia trong ngành nhằm làm rõ các phân khúc, mô hình hoạt động, cũng như những thách thức và xu hướng nổi bật. Thứ hai, chúng tôi tiến hành nghiên cứu chi tiết từng doanh nghiệp tuyển dụng, tập trung vào mô hình kinh doanh, danh mục dịch vụ và hiệu quả hoạt động của họ dựa trên các thông tin giới thiệu trên website và thông qua các công cụ đo lường chuyên sâu. Thứ ba là khảo sát hành vi người tìm việc nhằm hiểu rõ hơn về xu hướng tiếp cận thông tin tuyển dụng hiện nay.
* Từ kết quả nghiên cứu, chị có thể chia sẻ sơ lược về các kênh tuyển dụng phổ biến hiện nay?
Hiện nay thị trường tuyển dụng có 4 kênh phổ biến, bao gồm: các công ty dịch vụ nhân sự (HR agency) với các dịch vụ như headhunting, staffing, HR outsourcing; các cổng thông tin việc làm trực tuyến (online job portal); mạng xã hội (social media); và các hội chợ việc làm hoặc triển lãm chuyên ngành.
Trong đó, HR agency từng là kênh tuyển dụng truyền thống quan trọng. Tuy nhiên, với sự phổ cập của internet và sự thay đổi trong thói quen sử dụng điện thoại thông minh, thị phần của kênh này dần thu hẹp. Hiện nay, dịch vụ headhunting chủ yếu phục vụ tuyển dụng các vị trí quản lý cấp cao hoặc chuyên gia có kỹ năng/chuyên môn đặc thù, khó tìm kiếm thông qua các kênh phổ thông khác.
Bên cạnh đó, các cổng thông tin việc làm trực tuyến và mạng xã hội đang phát triển mạnh mẽ và ngày càng chiếm lĩnh thị phần lớn hơn. Đây cũng là xu hướng chung trên toàn cầu.
Tổng quan thị trường tuyển dụng tại Việt Nam (báo các phát hành ngày 20/10/2024).
Nguồn: Vietdata
* Chị có thể chia sẻ thêm về quy mô và tốc độ tăng trưởng chung của ngành dịch vụ tuyển dụng và quy mô của từng phân khúc hiện nay?
Trong thập kỷ qua, cùng với sự gia tăng số lượng doanh nghiệp, và quy mô lực lượng lao động trong nền kinh tế, nhu cầu tuyển dụng nhân sự cũng tăng theo, qua đó thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ ngành dịch vụ tuyển dụng.
Hiện cả nước có hơn 1.500 đơn vị cung cấp dịch vụ giới thiệu việc làm, với doanh thu phí ước tính gần 7.100 tỷ đồng. Giai đoạn 2015-2019, doanh thu phí của ngành tăng trưởng kép khoảng 25-27%/ năm. Tuy nhiên, trong 5 năm gần đây, khi thị trường lớn dần thì tốc độ tăng trưởng đã thu hẹp còn khoảng 10,5%/năm.
Số lượng doanh nghiệp trong ngành tuyển dụng (theo dịch vụ).
Nguồn: Vietdata tổng hợp
Mặc dù số lượng đơn vị cung cấp dịch vụ tuyển dụng nhiều như vậy, nhưng gần 95% trong số này là doanh nghiệp siêu nhỏ, chủ yếu là môi giới lao động phổ thông và việc làm bán thời gian, chiếm gần 62% doanh thu phí toàn ngành.
Trong khi đó, toàn ngành chỉ có khoảng 85 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tuyển dụng chuyên nghiệp cho khối văn phòng, nhà máy lớn hoặc tập đoàn đa quốc gia. Nhóm này chiếm 38% thị phần doanh thu phí còn lại. Trong nhóm này gồm 48 HR agency với gần 21% thị phần, và 37 doanh nghiệp có job portal.
* Trong nhóm HR agency phân khúc cao, các dịch vụ phổ biến và mô hình thu phí hiện nay là gì, thưa chị?
Hầu hết trong số 48 HR agency này cung cấp dịch vụ tuyển dụng đa ngành (tạm gọi là mass recruitment). Chỉ có 3 đơn vị chuyên phục vụ thị trường ngách là RECO (tuyển các vị trí IT và Sales/Marketing), JT1 và JobSeeker (tuyển dụng IT).
Các dịch vụ phổ biến của nhóm HR agency này bao gồm: headhunting cho các vị trí cấp cao, tuyển dụng nhân sự quy mô lớn, dịch vụ tính lương và phúc lợi (payroll) cho các tập đoàn đa quốc gia, và tư vấn nhân sự.
Về mô hình tính phí dịch vụ, một số công ty áp dụng mức phí cố định cho từng vị trí tuyển dụng, trong khi phần lớn sử dụng phương thức tính phí dựa trên lương của ứng viên, dao động bình quân từ 1,2 đến 2,5 tháng lương của vị trí tuyển dụng. Ngoài ra, nhiều công ty headhunting cũng cung cấp chính sách bảo hành kéo dài từ 3 đến 6 tháng. Nếu ứng viên rời bỏ công ty trong thời gian bảo hành, công ty sẽ tìm kiếm ứng viên thay thế mà không tính thêm phí.
* Đối với phân khúc job portal, mô hình kinh doanh chủ yếu là gì và đâu là những job portal phổ biến hiện nay thưa chị?

Các gói dịch vụ phổ biến mà các job portal đang cung cấp cho nhà tuyển dụng hiện nay là đăng tin, lọc hồ sơ, PR thương hiệu nhà tuyển dụng...
Nguồn: @tapanakorn
Trong nhóm 35 doanh nghiệp vận hành cổng thông tin việc làm (job portal), có 25 doanh nghiệp chỉ vận hành job portal và 12 doanh nghiệp “mix” cả 2 dịch vụ job portal và HR agency (ví dụ Vietnamworks là cổng việc làm thuộc Navigos group).
Đa số các job portal hiện nay phục vụ đăng tin đa ngành nghề (mass market). Tuy nhiên, cũng có một số nền tảng tập trung vào các thị trường ngách (vertical job portals) nhằm đáp ứng nhu cầu chuyên biệt, bao gồm: IT & Công nghệ, Quảng cáo & Truyền thông, thực tập sinh, freelancer, hay lao động ngắn hạn số lượng lớn (cho mảng logistics/ nhân sự cho các sàn TMĐT/ giao hàng nhanh…). Và hiện một số job portal lớn cũng phát triển thêm các cổng riêng phục vụ thị trường ngách, ví dụ như vieclamsales.vn chuyên về bán hàng (thuộc sở hữu của VIECLAM24h).
Các gói dịch vụ phổ biến mà các job portal đang cung cấp cho nhà tuyển dụng hiện nay là đăng tin, lọc hồ sơ, PR thương hiệu nhà tuyển dụng, và các giải pháp công nghệ liên quan đến tuyển dụng và quản lý nhân sự. Một số nền tảng còn có chuyên mục riêng cho dịch vụ Xây dựng thương hiệu nhà tuyển dụng (Employer Branding), trong đó nhà tuyển dụng có thể đăng tải các tài nguyên quảng bá doanh nghiệp nhằm tăng mức độ nhận diện và thu hút ứng viên.
Riêng Anphabe có lợi thế khi là đối tác phân phối dịch vụ của LinkedIn và Workplace từ Meta, mang đến giải pháp kết nối nhân sự chuyên sâu hơn. Ngoài ra, gần đây cũng xuất hiện một số mô hình mới như: mô hình kết nối 3 bên (Nhà tuyển dụng – Ứng viên – Người giới thiệu) (điển hình như FreelancerViet, Dework, Alipay); mô hình job aggregator hay còn gọi là trang tổng hợp việc làm) là một nền tảng tự động thu thập và tổng hợp thông tin tuyển dụng từ nhiều nguồn khác nhau (ví dụ Ybox và Jobstreet).
Hầu hết các job portal đều áp dụng mô hình thu phí từ nhà tuyển dụng, trong khi ứng viên có thể đăng tải CV miễn phí. Nhà tuyển dụng có thể chọn các gói dịch vụ tính phí dựa trên:
- Thời gian sử dụng dịch vụ (ví dụ: thuê bao theo tháng/quý/năm).
- Số lượng tin tuyển dụng được đăng tải.
- Vị trí hiển thị tin tuyển dụng/banner quảng cáo.
- Các giải pháp công nghệ nhân sự khác đi kèm.
Các nền tảng dành cho freelancer như Vlance.vn hay Freelancerviet.vn thường áp dụng cơ chế đấu giá, cho phép nhà tuyển dụng đưa ra yêu cầu công việc và ứng viên sẽ đặt giá thầu để cạnh tranh nhận dự án. Ngoài ra, các trang này cũng tích hợp tính năng quản lý dự án và thanh toán trực tuyến, giúp đảm bảo giao dịch giữa hai bên an toàn và minh bạch.
Mặc dù mô hình dịch vụ trong phân khúc này phát triển nhanh và đa dạng, nhưng mức độ cạnh tranh cũng rất cao – đặc biệt là cạnh tranh về phí và chất lượng dịch vụ thông qua ứng dụng công nghệ. Các công ty dẫn đầu thị trường trong phân khúc này đều là những doanh nghiệp có hơn 10 năm kinh nghiệm, khẳng định được vị thế và độ phủ sóng trên thị trường tuyển dụng Việt Nam. Một số job portal dẫn đầu thị trường về số tin đăng và lượt truy cập có thể kể đến là TopCV, CareerViet, Vieclam24h, ITViec, 123Job, Careerlink... Trong đó, các nền tảng như TopCV, Navigos, CareerViet, ITviec, JobOKO được đánh giá cao về các tính năng công nghệ hỗ trợ tuyển dụng và quản lý ứng viên.
Top 30 website tuyển dụng có lượt xem cao.
Nguồn: Vietdata
* Về phía hành vi của người tìm việc, có những yếu tố nào thúc đẩy sự chuyển dịch của ngành tuyển dụng hiện nay, thưa chị?
Trong bối cảnh Việt Nam đang có cơ cấu dân số “vàng” với tỷ lệ lao động trẻ cao, việc thay đổi hành vi tìm việc của giới trẻ, đặc biệt là Gen Z, đang trở thành một yếu tố quan trọng cần được chú ý.
Gen Z, với đặc điểm năng động và sáng tạo, có xu hướng không ngần ngại thay đổi công việc để tìm kiếm cơ hội phát triển nghề nghiệp và sự nghiệp cá nhân tốt hơn. Điều này phản ánh sự thay đổi trong cách thức tiếp cận công việc và sự nghiệp của thế hệ này, với ưu tiên cho sự linh hoạt, sáng tạo và môi trường làm việc mang lại sự thỏa mãn hơn là chỉ đơn thuần là một công việc ổn định.
Cơ cấu lao động trong khu vực chính thức theo độ tuổi.
Nguồn: Tổng cục thống kê, Vietdata ước tính
Gen Z tìm kiếm những cơ hội không chỉ dựa trên mức lương mà còn quan tâm đến các yếu tố như văn hóa công ty, cơ hội học hỏi và phát triển, cũng như môi trường làm việc không gò bó. Vì vậy, việc thay đổi công việc và “nhảy” việc là một điều dễ hiểu trong bối cảnh mà các bạn trẻ này có thể dễ dàng tiếp cận nhiều cơ hội qua các nền tảng trực tuyến. Điều này cũng tạo ra một sự thúc đẩy lớn cho các nhà tuyển dụng trong việc điều chỉnh chiến lược thu hút và giữ chân nhân tài.
Tuy nhiên, chính vì sự linh hoạt và sẵn sàng thử thách của phân khúc lao động trẻ, các nhà tuyển dụng sẽ phải đối mặt với những thách thức nhất định, như việc duy trì sự ổn định của đội ngũ nhân sự, hay phải thiết kế các chính sách tuyển dụng và giữ chân nhân viên phù hợp hơn với nhu cầu và kỳ vọng của thế hệ này. Đây chính là lý do mà các công ty cần phải hiểu rõ hơn về những xu hướng và đặc điểm hành vi này để có thể thu hút và duy trì nguồn lao động trẻ tài năng.
Việc thay đổi công việc và “nhảy” việc là một điều dễ hiểu trong bối cảnh mà các bạn trẻ có thể dễ dàng tiếp cận nhiều cơ hội qua các nền tảng trực tuyến.
Nguồn: Pexels
* Chị đánh giá thế nào về triển vọng thị trường dịch vụ tuyển dụng nói chung và job portal nói riêng trong thời gian tới?
Trong ngắn hạn, xu hướng cắt giảm nhân sự do chuyển đổi số và AI chắc chắn ảnh hưởng đến thị trường dịch vụ tuyển dụng. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng cũng tùy vào phân khúc việc làm.
Nếu nhìn xa hơn (trong 3-5 năm tới), triển vọng tăng trưởng của ngành dịch vụ tuyển dụng trong dài hạn vẫn được đánh giá tích cực. Tuy nhu cầu nhân sự bình quân trên 1 đơn vị/doanh nghiệp có thể giảm giữa làn sóng chuyển đổi số đang ở nhiều ngành nghề, nhưng nhu cầu luân chuyển việc (các nhân sự bị mất việc sẽ tìm kiếm công việc ở lĩnh vực khác) vẫn cao.
Phân khúc job portal được dự báo sẽ duy trì đà tăng trưởng tốt do thói quen tìm việc trực tuyến ngày càng phổ biến và nhu cầu tối ưu hóa quy trình tuyển dụng của doanh nghiệp.
Ngoài ra, số lượng vị trí việc làm có thể vẫn tăng nhờ sự gia tăng số lượng doanh nghiệp. Cụ thể, chủ trương Chính phủ đặt mục tiêu từ nay đến 2030, cả nước có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp – con số gấp đôi so với hiện tại. Đồng thời, hành vi “nhảy việc” của thế hệ Gen Z cao hơn các thế hệ trước, góp phần thúc đẩy thị trường tăng trưởng.
Và phân khúc job portal được dự báo sẽ duy trì đà tăng trưởng tốt trong thời gian tới do thói quen tìm việc trực tuyến ngày càng phổ biến (đặc biệt với giới trẻ) và nhu cầu tối ưu hóa quy trình tuyển dụng của các doanh nghiệp. Với khả năng tiếp cận số lượng lớn ứng viên nhanh chóng, linh hoạt và chi phí thấp hơn so với các phương thức tuyển dụng truyền thống, các job portal sẽ ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong thị trường nhân sự.
Tuy vậy, thị trường này cũng có tính thanh lọc cao, cơ hội chỉ thực sự dành cho các doanh nghiệp có nội lực mạnh về vốn và đầu tư nghiêm túc cho công nghệ. Các job portal sẽ phải tích hợp AI và tự động hóa quy trình sàng lọc ứng viên để nâng cao trải nghiệm tìm việc, và tiết kiệm thời gian và nâng cao tỷ lệ tuyển dụng thành công cho doanh nghiệp. Trong khi đó các HR agency cần mở rộng dịch vụ tư vấn và cung cấp giải pháp nhân sự thay vì chỉ làm trung gian tuyển dụng.
* Cảm ơn những chia sẻ thú vị của chị.
Xem thêm các bài viết khác cùng chuyên mục tại đây.
Phương Quyên / Brands Vietnam
* Nguồn: Brands Vietnam