Marketer Lam Phương
Lam Phương

Content Executive @ Brands Vietnam

Data Station #54: LinkedIn Algorithm Insights 2024 – Cần lưu ý điều gì khi 95% tài khoản LinkedIn bị giảm reach?

Data Station #54: LinkedIn Algorithm Insights 2024 – Cần lưu ý điều gì khi 95% tài khoản LinkedIn bị giảm reach?

Tính đến đầu năm 2025, LinkedIn có 8,9 triệu thành viên tại Việt Nam, chiếm 8,8% tổng dân số và 12,1% nhóm người từ 18 tuổi trở lên. Đáng chú ý, số lượng người dùng đã tăng thêm 1,4 triệu (+18,7%) so với năm trước.

Mặc dù số liệu của LinkedIn phản ánh tổng số thành viên đã đăng ký, không phải người dùng hoạt động hàng tháng (MAU) như các nền tảng khác, nhưng đà tăng trưởng mạnh mẽ này vẫn cho thấy đây là một kênh quan trọng, đặc biệt đối với những cá nhân và doanh nghiệp sử dụng nền tảng này để xây dựng thương hiệu, mở rộng kết nối và phát triển nội dung.

Nhưng làm thế nào để tối ưu hóa sự hiện diện trên LinkedIn? Câu trả lời năm ở việc hiểu cách thuật toán phân phối nội dung.

LinkedIn Algorithm Insights là một trong những nghiên cứu thường niên, cung cấp góc nhìn toàn diện về những thay đổi cơ chế phân phối nội dung và ảnh hưởng của những điều chỉnh này đến mức độ tiếp cận (reach), tương tác (engagement) và tăng trưởng số lượng người theo dõi (follower growth) trên nền tảng LinkedIn.

Nghiên cứu được thực hiện bởi nhóm chuyên gia đến từ Just Connecting, đứng đầu là ông Richard van der Blom, một chuyên gia về thuật toán LinkedIn. Dự án còn sự hợp tác và tài trợ từ AuthoredUp, phân tích hơn 1,5 triệu bài đăng từ 34.000 hồ sơ cá nhân và 26.000 trang công ty trên 50 quốc gia, sử dụng 25 ngôn ngữ khác nhau. Để đảm bảo độ chính xác, nhóm nghiên cứu đã dành hơn 1.100 giờ làm việc, sử dụng các công cụ phân tích như Shield, SproutSocial, Hootsuite, cùng chính nền tảng LinkedIn để thu thập và xử lý dữ liệu.

Không chỉ đơn thuần chia sẻ những báo cáo hữu ích, Data Station là loạt bài phỏng vấn đào sâu vào các kết quả nghiên cứu, dưới góc nhìn của người trong cuộc, nhằm đưa ra những quan điểm sâu sắc và đề xuất có tính ứng dụng cao cho kế hoạch marketing sắp tới của bạn.

Tổng quan

Nghiên cứu LinkedIn Algorithm Insights 2024 ghi nhận phần lớn nhà sáng tạo nội dung trên LinkedIn đang đối mặt với sự sụt giảm mạnh về tỷ lệ tiếp cận tự nhiên. Cụ thể, 95% người dùng bị giảm reach lên đến 50%, trong khi tốc độ tăng trưởng follower chỉ còn 40% so với cùng kỳ năm trước.

Data Station #54: LinkedIn Algorithm Insights 2024 – Cần lưu ý điều gì khi 95% tài khoản LinkedIn bị giảm reach?

Data Station #54: LinkedIn Algorithm Insights 2024 – Cần lưu ý điều gì khi 95% tài khoản LinkedIn bị giảm reach?

Phần lớn nhà sáng tạo nội dung trên LinkedIn đang đối mặt với sự sụt giảm mạnh về tỷ lệ tiếp cận tự nhiên.
Nguồn: LinkedIn Algorithm Insights 2024

Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng chỉ ra sự khác biệt rõ rệt trong hành vi sử dụng LinkedIn giữa thiết bị di động và máy tính. 65% tổng lượng engagement đến từ thiết bị di động, nhưng có sự phân hóa theo từng loại hoạt động. Người dùng chủ yếu tương tác và sáng tạo nội dung trên điện thoại (lần lượt là 88% và 62% mobile; 12% và 38% desktop/laptop), nhưng lại ưu tiên chỉnh sửa hồ sơ cá nhân trên máy tính (83% desktop/laptop; 17% mobile).

Thời lượng phiên truy cập trung bình trên điện thoại là 1,39 phút, trong khi trên máy tính là 3,02 phút. Đặc biệt, tổng thời gian tương tác trong tháng trên di động chỉ đạt 19 phút, thấp hơn đáng kể so với các nền tảng khác – chẳng hạn như TikTok với gần 35 giờ mỗi tháng trên ứng dụng này.

Ngoài ra, cách thuật toán LinkedIn đo lường và phân phối nội dung cũng có sự khác biệt theo từng định dạng bài đăng. Cụ thể:

  • Bài viết dạng văn bản, hình ảnh hoặc tài liệu (PDF, carousel) được đo bằng lượng reach.
  • Bài viết dạng Article hoặc Newsletter được đo dựa trên số lần nhấp (clicks).
  • Nội dung video chỉ được tính khi người xem dừng lại ít nhất 6 giây.

Những cập nhật mới về thuật toán của LinkedIn sẽ được phân tích chi tiết hơn trong các phần sau, tập trung vào hiệu quả hoạt động của 7 định dạng bài đăng phổ biến trên LinkedIn, cũng như cách Creator Mode ảnh hưởng đến khả năng hiển thị nội dung và chiến lược phát triển của từng nhóm người dùng.

So sánh hiệu quả hoạt động của các định dạng bài đăng phổ biến

Nghiên cứu LinkedIn Algorithm Research 2024 chủ yếu sử dụng Median Reach (phạm vi tiếp cận trung vị) thay vì Average Reach (phạm vi tiếp cận trung bình) để đánh giá hiệu suất nội dung trên nền tảng.

Lý do là vì Average Reach có thể bị ảnh hưởng mạnh bởi một số ít bài đăng viral hoặc có reach cực thấp, làm cho kết quả tổng thể bị lệch. Trong khi đó, Median Reach phản ánh chính xác hơn mức reach phổ biến nhất mà phần lớn bài đăng đạt được, giúp cung cấp cái nhìn thực tế hơn về hiệu suất của từng loại nội dung.

Dưới đây là bảng tổng quan về tỷ trọng của 7 định dạng bài đăng phổ biến, kèm theo hiệu quả so với phạm vi tiếp cận trung vị.

Data Station #54: LinkedIn Algorithm Insights 2024 – Cần lưu ý điều gì khi 95% tài khoản LinkedIn bị giảm reach?

Bảng tổng quan về tỷ trọng của 7 định dạng bài đăng phổ biến, kèm theo hiệu quả so với phạm vi tiếp cận trung vị.
Nguồn: Brands Vietnam

1. Text + Image

Trong các định dạng nội dung trên LinkedIn, Text + Image vẫn giữ vị trí quan trọng khi chiếm gần 50% tổng số bài đăng. Dù mức giảm reach tương đối cao, đây vẫn là định dạng phổ biến nhất, đứng thứ ba về hiệu suất với mức +1,26 lần so với median reach. Điều này cho thấy dù thuật toán LinkedIn có thay đổi, người dùng vẫn ưa chuộng hình thức này để truyền tải thông tin một cách trực quan.

Gợi ý:

  • Tránh đăng liên tiếp 3 bài dạng Text + Image, vì điều này có thể làm giảm reach lên đến 20%.

Data Station #54: LinkedIn Algorithm Insights 2024 – Cần lưu ý điều gì khi 95% tài khoản LinkedIn bị giảm reach?

Trong các định dạng nội dung trên LinkedIn, Text + Image vẫn giữ vị trí quan trọng.
Nguồn: Brands Vietnam

2. PDF/Document

PDF/Document – bài đăng dạng tài liệu (còn được gọi là Carousel), dù chỉ chiếm 8% tổng số bài đăng, nhưng đã từng là một công cụ giúp các nhà sáng tạo nội dung tạo dấu ấn riêng trên LinkedIn.

Tỷ lệ bài đăng dạng Carousel đã tăng từ 4,2% vào tháng 11/2022 lên 8,1% vào tháng 12/2023, phản ánh mức độ phổ biến ngày càng cao của định dạng này. Tuy nhiên, sự gia tăng về số lượng không đồng nghĩa với hiệu suất cao hơn, khi LinkedIn dần điều chỉnh thuật toán để tránh tình trạng lạm dụng. Đến tháng 6/2023, organic reach của Carousel đã giảm mạnh – lên đến 45%, cho thấy nền tảng này đang giảm bớt ưu tiên cho nội dung tài liệu tĩnh.

Dù vậy, reach của Carousel vẫn cao hơn 1,6 lần so với bài đăng text, dù trước đây con số này từng là 2,2 lần. Điều này cho thấy LinkedIn không loại bỏ hoàn toàn lợi thế của Carousel, nhưng đã chuyển trọng tâm từ hình thức sang chất lượng nội dung. Việc sử dụng định dạng này một cách hiệu quả đòi hỏi nhiều hơn là chỉ tận dụng tính trực quan – nội dung cốt lõi vẫn là yếu tố quyết định sự thành công của một bài đăng trên LinkedIn.

Data Station #54: LinkedIn Algorithm Insights 2024 – Cần lưu ý điều gì khi 95% tài khoản LinkedIn bị giảm reach?

PDF/Document – bài đăng dạng tài liệu (Carousel) vẫn là một công cụ giúp các nhà sáng tạo nội dung tạo dấu ấn riêng trên LinkedIn.
Nguồn: Brands Vietnam

Gợi ý:

  • Tránh đăng liên tiếp 3 bài dạng Carousel, vì điều này có thể làm giảm reach 35%.
  • Nên kết hợp với các loại nội dung khác để duy trì hiệu suất.

3. Poll

Poll (khảo sát) là một trong những định dạng bài đăng có hiệu suất cao trên LinkedIn, mặc dù chiếm tỷ lệ rất thấp – chỉ 1,2% tổng số bài đăng. Đây là một con số khá khiêm tốn so với tiềm năng tương tác mà Poll mang lại. Poll đạt reach cao hơn 1,99 lần so với median reach và thậm chí đạt 2,16 lần trên các trang công ty.

Việc Poll có mức reach cao có thể xuất phát từ cơ chế thúc đẩy tương tác tự nhiên, khi người dùng dễ dàng tham gia bằng một thao tác bấm chọn. LinkedIn cũng có xu hướng ưu tiên những nội dung tạo ra đối thoại và phản hồi, giúp Poll trở thành một trong những định dạng được thuật toán nền tảng này hỗ trợ mạnh mẽ.

Data Station #54: LinkedIn Algorithm Insights 2024 – Cần lưu ý điều gì khi 95% tài khoản LinkedIn bị giảm reach?

Poll là một trong những định dạng bài đăng có hiệu suất cao trên LinkedIn.
Nguồn: Brands Vietnam

Gợi ý: Nếu đăng liên tiếp 3 Poll có thể reach giảm một nửa reach.

4. Text Only

Mặc dù không có yếu tố trực quan đi kèm, bài đăng chỉ chứa văn bản (Text Only) vẫn duy trì được hiệu quả trên LinkedIn. Định dạng này chiếm 16% tổng số bài đăng, một con số khá cao so với nhiều loại nội dung khác nhờ tính đơn giản và dễ thực hiện. Đối với tài khoản cá nhân, bài đăng text-only đạt mức reach cao hơn 1,17 lần so với median, giúp nó trở thành định dạng có mức độ tác động thứ tư trên nền tảng.

Tuy nhiên, điều này không đúng với các trang công ty, khi hiệu suất của bài đăng text-only lại kém hơn đáng kể. Reach của loại bài đăng này trên trang công ty chỉ bằng 0,46 lần median, thấp hơn nhiều so với khi đăng trên tài khoản cá nhân.

Dù vậy, so với một số định dạng như Carousel Post, những bài đăng chỉ có văn bản vẫn cho thấy hiệu suất khá ổn định, đặc biệt là với những tài khoản cá nhân biết cách tận dụng sự cô đọng và súc tích trong nội dung.

Data Station #54: LinkedIn Algorithm Insights 2024 – Cần lưu ý điều gì khi 95% tài khoản LinkedIn bị giảm reach?

Mặc dù không có yếu tố trực quan đi kèm, bài đăng chỉ chứa văn bản vẫn duy trì được hiệu quả trên LinkedIn.
Nguồn: Brands Vietnam

Gợi ý: Đăng liên tiếp mà không ảnh hưởng đến reach, nhưng nếu đăng hơn 1 lần trong ngày thì hiệu quả reach giảm 30%.

5. Video

Bài đăng video trên LinkedIn không chỉ là một xu hướng thoáng qua mà đã trở thành một phương tiện quan trọng để chia sẻ thông tin và câu chuyện. Dạng bài đăng này chiếm 8,2% tổng số nội dung trên LinkedIn, cho thấy mức độ phổ biến tương đối cao. Mặc dù reach của video bị ảnh hưởng bởi cách tính lượt xem đặc thù của nền tảng (chỉ tính khi người dùng xem tối thiểu 6 giây), nhưng video vẫn đạt mức tương tác tốt hơn so với nhiều loại nội dung khác.

Thuật toán LinkedIn từng ưu tiên video vào năm 2019, nhưng sau đó định dạng này mất dần lợi thế. Tuy nhiên, từ tháng 9/2023, video đã bắt đầu lấy lại được mức độ tiếp cận tốt hơn. Hiện tại, với tài khoản cá nhân, video xếp thứ tư về hiệu suất với mức reach cao hơn 1,21 lần so với median, trong khi đối với trang công ty, video thậm chí còn xếp hạng cao hơn, đạt 1,44 lần median reach, đứng thứ ba trong các loại nội dung có hiệu suất tốt nhất.

Data Station #54: LinkedIn Algorithm Insights 2024 – Cần lưu ý điều gì khi 95% tài khoản LinkedIn bị giảm reach?

Bài đăng video trên LinkedIn không chỉ là một xu hướng thoáng qua mà đã trở thành một phương tiện quan trọng để chia sẻ thông tin và câu chuyện.
Nguồn: Brands Vietnam

Gợi ý: Tần suất lý tưởng là 1 video/tuần cho tài khoản cá nhân, tối đa 2 video/tuần cho trang công ty để duy trì hiệu suất reach ổn định.

6. Article

Article (bài viết) trên LinkedIn là một công cụ quan trọng giúp đào sâu vào các chủ đề, cho phép các chuyên gia xây dựng hình ảnh như những nhà lãnh đạo tư duy. Dù có mức reach thấp nhất trong các định dạng bài đăng trên LinkedIn (chỉ đạt 0,57 lần median reach), nhưng chúng vẫn có giá trị lớn đối với tối ưu hóa công cụ tìm kiếm (SEO) và nâng cao chất lượng nội dung trong newsletter.

Chỉ 4% trong tổng số bài đăng trên LinkedIn™ là định dạng Article và 34% trong số bài viết đó được tích hợp vào newsletter. Đáng chú ý, các bài viết được đưa vào newsletter có hiệu suất cao hơn gần 4 lần so với các bài viết độc lập, chứng minh rằng LinkedIn đang ưu tiên các nội dung dài hạn được xây dựng trong hệ sinh thái newsletter thay vì các bài viết đơn lẻ.

Newsletter là một công cụ dành riêng cho Creator Mode, chỉ khả dụng với những người đã kích hoạt tính năng này. Kể từ Q2/2023, người dùng có thể tạo nhiều newsletter từ một hồ sơ cá nhân, giúp họ có cơ hội khai thác nhiều chủ đề hơn hoặc tiếp cận các nhóm đối tượng đa dạng hơn. Nếu Creator Mode bị tắt, nội dung cũ vẫn có thể truy cập được, nhưng người dùng sẽ không thể xuất bản bài viết hoặc newsletter mới cho đến khi bật lại Creator Mode.

Data Station #54: LinkedIn Algorithm Insights 2024 – Cần lưu ý điều gì khi 95% tài khoản LinkedIn bị giảm reach?

Article (bài viết) trên LinkedIn có giá trị lớn đối với tối ưu hóa công cụ tìm kiếm (SEO) và nâng cao chất lượng nội dung trong newsletter.
Nguồn: Brands Vietnam

7. External Link

Dù chỉ chiếm 3% tổng số bài đăng, nhưng lại bị LinkedIn hạn chế hiển thị. Với mức suy giảm reach đáng kể (-14,4% average reach, -23,5% median reach), rõ ràng LinkedIn không ưu tiên nội dung dẫn người dùng ra ngoài nền tảng.

Data Station #54: LinkedIn Algorithm Insights 2024 – Cần lưu ý điều gì khi 95% tài khoản LinkedIn bị giảm reach?

LinkedIn không ưu tiên nội dung dẫn người dùng ra ngoài nền tảng.
Nguồn: Brands Vietnam

Tác động của chế độ Creator

Ngoài các định dạng nội dung, cách LinkedIn ưu tiên hiển thị bài đăng cũng phụ thuộc vào việc người dùng có bật Creator Mode hay không. Nghiên cứu cũng đã phân loại các nhóm người dùng theo follower để chỉ ra ảnh hưởng của chế độ này đến reach và tốc độ tăng trưởng người theo dõi.

Với những tài khoản mới trên LinkedIn (dưới 1.000 người theo dõi), lợi ích khi bật Creator Mode sẽ thể hiện rõ ràng nhất nếu duy trì tần suất đăng bài ổn định. Cụ thể, đăng ít nhất 4 lần/tuần có thể giúp tăng 20% phạm vi tiếp cận (reach) và tăng trưởng người theo dõi thêm 8%.

Khi bước sang nhóm người dùng có từ 1.001 đến 5.000 người theo dõi, hiệu quả của chế độ này có thể đạt mức tăng reach 35%, đồng thời tốc độ thu hút người theo dõi cũng tăng lên 26% – khi duy trì tần suất đăng bài 3 lần/tuần.

Tuy nhiên, với những người có ảnh hưởng đang lên (5.001 – 10.000 người theo dõi), tác động của Creator Mode phụ thuộc rất lớn vào tần suất đăng bài. Nếu đăng ít hơn 4 lần/tuần, gần như không có lợi ích đáng kể, nhưng nếu duy trì từ 4 lần trở lên, reach có thể tăng 20%, và số lượng người theo dõi cũng tăng nhanh hơn 14%.

Với những influencer thực thụ (10.001 – 25.000 người theo dõi), 4 đến 5 bài đăng/tuần là con số tối ưu, giúp tăng reach thêm 35% và tăng trưởng người theo dõi thêm 12%. Tuy nhiên, nếu đăng quá thường xuyên, hiệu quả có thể bị giảm sút do thuật toán giới hạn khả năng hiển thị.

Với nhóm tài khoản lớn nhất (Giants) – những người có hơn 25.000 người theo dõi, lợi ích lớn nhất đến từ việc đăng bài 3 đến 5 lần mỗi tuần, giúp tăng reach lên 25% và tăng trưởng người theo dõi 16%. Nếu đăng hàng ngày, tỷ lệ tăng trưởng tính theo phần trăm có thể giảm nhẹ, nhưng do số lượng nội dung được chia sẻ lớn, tác động tổng thể vẫn rất đáng kể.

Data Station #54: LinkedIn Algorithm Insights 2024 – Cần lưu ý điều gì khi 95% tài khoản LinkedIn bị giảm reach?

Ngoài các định dạng nội dung, cách LinkedIn ưu tiên hiển thị bài đăng cũng phụ thuộc vào việc người dùng có bật Creator Mode hay không.
Nguồn: Pexels

Một điểm quan trọng cần lưu ý là khi Chế độ Creator được kích hoạt, thuật toán LinkedIn sẽ ưu tiên hiển thị nội dung đến những người theo dõi thay vì các kết nối thông thường. Điều này đồng nghĩa với việc bài đăng của bạn sẽ tiếp cận nhiều hơn đến những người thực sự quan tâm và theo dõi nội dung, từ đó giúp nâng cao tầm ảnh hưởng và độ nhận diện thương hiệu trên nền tảng.

Data Station #54: LinkedIn Algorithm Insights 2024 – Cần lưu ý điều gì khi 95% tài khoản LinkedIn bị giảm reach?

Bảng tóm lược báo cáo LinkedIn Algorithm Insights 2024 dưới dạng Infographic.
Nguồn: Richard van der Blom

Phía trên là một số điểm đáng chú ý trong thuật toán LinkedIn năm 2024. Tuy nhiên, sự sụt giảm reach không chỉ là vấn đề riêng của nền tảng này, mà đang trở thành xu hướng chung trên mọi mạng xã hội. Thay vì cố gắng “đánh bại thuật toán”, trọng tâm vẫn nên đặt vào chất lượng nội dung – tạo ra giá trị thực sự, thúc đẩy tương tác tự nhiên và xây dựng kết nối lâu dài.

Riêng với LinkedIn, quy mô tài khoản ảnh hưởng trực tiếp đến cách nền tảng này phân phối nội dung. Những tài khoản nhỏ cần duy trì tần suất đăng bài hợp lý để từng bước mở rộng mức độ hiển thị, trong khi những tài khoản lớn nên kết hợp đa dạng định dạng nội dung để duy trì sự quan tâm của follower.

Đọc toàn bộ nghiên cứu tại đây.

Xem thêm các bài viết khác cùng chuyên mục tại đây.

Lam Phương / Brands Vietnam
* Nguồn: Brands Vietnam