Marketer Phương Quyên
Phương Quyên

Content Executive @ Brands Vietnam

Fashion Icon #6: Karl Lagerfeld – “Phù thủy” không bao giờ tin vào “lề lối” trong thời trang

Được ví như “linh hồn thứ hai” của Chanel và là người cứu lấy sự “già cỗi” của Fendi, huyền thoại làng mốt Karl Lagerfeld chỉ có 2 nguyên tắc gắn liền với cuộc đời mình: không ngừng làm việc và đừng quá tin vào những “truyền thống”.

Nếu đã từng biết đến Karl Lagerfeld với hình ảnh nhà thiết kế tóc bạc xuất hiện ở nhiều show diễn của Chanel thì trong số thứ 6 của Fashion Icons, hãy cùng Brands Vietnam một lần nữa đi vào cuộc đời của huyền thoại này dưới lăng kính về sự táo bạo trong tư duy, cũng như cách ông hồi sinh những thương hiệu trong nghịch cảnh.

Fashion Icon là chuỗi bài về gương mặt đứng sau các biểu tượng thời trang đình đám trên thế giới do Brands Vietnam thực hiện. Thông qua chuỗi bài này, marketers có thể hiểu hơn về lịch sử hình thành và sự phát triển của các đế chế thời trang trên toàn cầu.

“Tôi có một tuổi thơ bình thường: Chỉ đọc và thiết kế”

Trả lời CNBC, Karl Lagerfeld thừa nhận ông không có một tuổi thơ truyền cảm hứng với những biến cố và thử thách. Trong trí nhớ của ông, đó là những ngày tháng mà ông miệt mài đọc, phác họa thiết kế và ước rằng mình lớn thật nhanh để hiện thực hóa những ước mơ. Những ước mơ đó, đã trở thành huyền thoại với giới thời trang.

Thiết kế thắng giải của Karl Lagerfeld trong cuộc thi International Wool Association năm 1954.
Nguồn: Vogue British

Karl Lagerfeld sinh ra và lớn lên ở Hamburg, Đức vào năm 1933 trong một gia đình không có truyền thống về thời trang. Nhưng ông luôn được nuôi dạy bằng những tư duy tiến bộ, rằng đàn ông không quá quan trọng như xã hội tung hô, rằng phụ nữ thời bấy giờ cần một lối thoát khỏi ba guồng quay là căn bếp, nhà thờ và những đứa trẻ. Gia đình không chỉ nuôi lớn một cậu bé Karl, mà còn vun trồng một hạt giống tư duy định hình văn hóa thời trang hiện đại.

Từ nhỏ, Karl đã bị thế giới của những bộ cánh “hớp hồn”, vậy nên cậu bé ngày đó say sưa cắt dán những quyển tạp chí thời trang và ấp ủ giấc mơ sống ở kinh đô thời trang Paris. Nhưng chế độ độc tài của phát xít Đức những năm 30 khiến gia đình ông phải tạm lánh đến vùng nông thôn ở phía Bắc nước Đức. Đến khi gia đình Karl quay lại Hamburg, ông mới thực sự được đắm chìm trong “thực tại” của riêng mình. Năm 14 tuổi, ông quyết nghe theo tiếng gọi con tim, chuyển đến Paris – nơi ông tin rằng tương lai của mình ở đó.

Bước ngoặt đầu tiên đến với ông vào năm 1954, khi Karl tham gia cuộc thi International Wool Association do hai nhà thiết kế Hubert De GivenchyPierre Balmain làm giám khảo, ông đã xuất sắc vượt qua hơn 200.000 thí sinh để dành chiến thắng ở hạng mục áo khoác. Từ đó, sự nghiệp thời trang của Karl chính thức mở ra, đánh dấu chương đầu tiên trên hành trình “thầy phù thủy” làm nên những phép màu tốn bao giấy mực của giới phê bình thời trang.

Từ những “cái lắc đầu” đến sự nổi loạn được công nhận

Sau cuộc thi, Lagerfeld đến làm việc ở Balmain, một hãng thời trang cao cấp lúc bấy giờ và đảm nhiệm công việc trợ lý cho Pierre Balmain. Chỉ sau ba năm trau dồi ở đây, Karl được Jean Patou, một thương hiệu thời trang cao cấp thành lập năm 1914, chú ý và bổ nhiệm ông vào vị trí Giám đốc Sáng tạo. Nhà mốt này nổi tiếng với những thiết kế giải phóng phụ nữ khỏi khuôn khổ với bộ váy dạ hội không corset, váy ngắn và dòng sản phẩm thể thao đầu tiên cho nữ.

Chiếc váy trong BST 1960 khiến Karl Lagerfeld nhận nhiều chỉ trích của giới phê bình.
Nguồn: The New York Times

Có lẽ không chỉ vì đây là vị trí quan trọng đầu tiên trong ngành thời trang mà còn vì những sự đồng điệu giá trị giữa ông và Jean Patou nên trong 5 năm, Karl đã cho ra mắt 10 bộ sưu tập thời trang cao cấp cho nhà mốt danh tiếng này.

Năm 1960, Karl giới thiệu bộ sưu tập đầu tiên của ông, trong đó có nhiều thiết kế táo bạo như bộ váy được cho là ngắn nhất trước nay ở Paris. Và giới phê bình sẽ làm gì với một bộ sưu tập thể hiện sự nổi loạn và khác biệt với thời trang thời điểm đó? Đúng vậy: lắc đầu và chỉ trích. Nhưng Karl Lagerfeld không có vẻ gì là sẽ e dè và đi vào “lề lối” mà thời trang sắp đặt sẵn, ngược lại ông giống một người tin tưởng chính mình hơn những khuôn mẫu, như cách ông được nuôi dạy.

Đến năm 1963, ông rời Patou và bắt đầu hoạt động tự do sau khi đã chán buộc mình vào việc thiết kế những bộ cánh cao cấp đặt riêng cho giới thượng lưu. Sau 3 năm làm việc tự do cho Chloé, Karl trở thành nhà thiết kế chính thức cho thương hiệu này – một trong những thương hiệu thời trang may sẵn (ready-to-wear) đầu tiên ở Paris. Ở đây, ông đã định nghĩa Prêt-à-Porter (ready-to-wear) bằng những thiết kế của mình, từ vài mẫu trong một mùa, cho đến khi ông đảm nhiệm hoàn toàn những bộ sưu tập của Chloé.

Quyết định dấn thân vào lĩnh vực thời trang may sẵn của Karl được cho là táo bạo, thậm chí là liều lĩnh. Một người bạn của ông thời điểm đó, nhà thiết kế Fernando Sanchez tin rằng lí do Karl làm vậy vì ông nhận thấy bối cảnh thời trang đang thay đổi: “Anh ấy hoàn toàn nắm bắt được sự chuyển mình của thời đại. Và anh ấy hiểu mình muốn thiết kế theo cách riêng chứ không phải ở một hãng thời trang cao cấp cũ nào đó”.

Một số thiết kế của Karl Lagerfeld khi làm việc cho Chloé.
Nguồn: Tổng hợp

Khi trở thành nhà thiết kế chính của Chloé 1974, những bộ sưu tập đầu tiên của Karl là một sự cân bằng khó tả. Nhiều người ngạc nhiên vì cách ông chơi đùa với họa tiết in và cách khắc họa Chủ nghĩa siêu thực (Surrealism). Với ông, thương mại chưa bao giờ là điều gì thấp hèn, vậy nên Karl luôn cân bằng được vẻ ngoài sang trọng nhưng vẫn có tính ứng dụng cao của những thiết kế dưới con mắt thương mại.

Trong show diễn của Chloé năm 1974, Karl “trình làng” 200 mẫu thiết kế, biến nó thành show diễn được đánh giá là “định hình hướng đi mới của làng mốt” bởi cách thiết kế những item tách biệt nhau. Trong đó nổi bật là những kiểu dáng áo len cardigan rộng khoác bên ngoài một chiếc áo cổ chữ V, hay áo blouse có cổ với tay áo xếp nếp.

Vực dậy Chanel bên bờ vực bị “lãng quên”, thổi hồn cho một Fendi thú vị

Với Karl Lagerfeld, thương mại chưa bao giờ là điều gì thấp hèn.

Trước đó vào năm 1965, năm chị em nhà Fendi sau khi thừa kế công việc kinh doanh từ cha mẹ, đã tìm đến Karl để mời ông về thiết kế các bộ sưu tập lông thú và quần áo may sẵn của họ. Khoảnh khắc này quan trọng với Fendi đến nỗi tờ The New York Times từng nhận định rằng lúc đó chị em Fendi nghĩ rằng đã tìm được một nhà thiết kế thông minh mà không biết mình vừa mang về được một đối tác đi cùng Fendi hơn 50 năm.

Khi Karl đến, điều ông làm không phải bắt tay thiết kế những bộ cánh mà là xây dựng lại thương hiệu với phần “hồn” rõ ràng hơn bằng hình vẽ logo hai chữ F huyền thoại cùng slogan “Fendi Fur Fun”. Sau 40 năm nhà mốt này trung thành với những thiết kế lông thú nghiêm túc, truyền thống, Karl đã xác định chiến lược sáng tạo mới cho Fendi vào thời khắc ông vẽ logo đó: vui vẻ, trẻ trung và nổi loạn hơn.

Về sau khi xu hướng logomania (quần áo in nhiều logo thương hiệu) bùng nổ những năm 80, “cái tôi thương hiệu” thể hiện ngay trên những mẫu thiết kế, Fendi cũng đã thành công xây dựng độ nhận diện nhờ logo 2 chữ F. Dưới bàn tay của Karl, Fendi không chỉ hiện lên với diện mạo mới từ cách xử lý lông như nhuộm và thay mới chất liệu thiết kế mà còn hiện lên một “con người thương hiệu” chân thật hơn.

Bản phác thảo và thiết kế của Karl Lagerfeld cho các show diễn của Fendi.
Nguồn: Tổng hợp

Sau Fendi và Chloé, một lần nữa, Karl Lagerfeld đã có quyết định để đời trong sự nghiệp vào năm 1983. Từ khi Coco Chanel qua đời, người người ráo riết suy đoán cái tên tiềm năng có thể cứu lấy biểu tượng thời trang cao cấp một thời. Chính Karl là người quyết định bước vào đánh thức thương hiệu đã ngủ quên 12 năm qua ở Paris. Người đồng sở hữu thương hiệu Chanel – ông Alain Wertheimer cũng không còn nhiều hi vọng cho đến khi mời Karl, và nếu lần “đặt cược” này bất thành, Alain sẽ bán thương hiệu. May mắn thay, Alain đã thắng cược, và Karl đã thực sự làm sống dậy “cô gái” Chanel với một diện mạo “mới trong cũ”.

Những mẫu thiết kế trong bộ sưu tập đầu tiên của Karl Lagerfeld khi đến Chanel.
Nguồn: WWD

Ngay trong bộ sưu tập đầu tiên, Karl đã “thẳng tay” cải tiến các thiết kế biểu tượng của nhà mốt này. Ông quyết định tạm biệt tông màu trung tính hay những bộ suit boxy danh tiếng của Chanel, bộ cánh dạ tweed huyền thoại cũng được ông cách tân ngắn hơn.

Bà Anna Wintour mặc bộ váy từ BST cao cấp đầu tiên của ông Karl Lagerfeld tại Chanel. Thiết kế bày tỏ lòng kính trọng đối với thiên hướng đeo dây chuyền vàng và ngọc trai của Coco Chanel.
Nguồn: The New York Times

Vì sự táo bạo này, nhiều người ở Chanel “không vừa mắt” Karl khi ông đến. Nhưng lời hồi đáp của giới mộ điệu với bộ sưu tập năm 1984 chính là sự công nhận xác đáng cho tài năng của Karl. Bộ sưu tập kết hợp áo khoác có ve rộng, áo khoác dạ tweed, áo len… biến Chanel từ nàng thơ mộng mơ thành cô gái của thời trang đương đại.

Trả lời tờ Vogue America về những quyết định có phần đi ngược số đông, Karl đã nói: “Truyền thống là thứ mà ta phải hết sức cẩn thận, vì nó có thể ‘bóp chết’ ta. Và sự tôn trọng tuyệt đối sẽ giết chết sáng tạo”. Ông biết những điều mình đang làm có thể bà Coco sẽ không bao giờ làm (hoặc thậm chí ghét nó), nhưng đó là cách một thương hiệu phải chuyển mình theo dòng chảy thời đại: thay đổi vỏ ngoài nhưng vẫn giữ lại linh hồn. Tuy ông cải tiến thiết kế của thương hiệu nhưng luôn duy trì những biểu tượng cổ điển làm nên bản sắc Chanel như hoa trà, vòng ngọc trai, thánh giá Malta…

Năm 1984, trong khi vẫn đang bận rộn với Fendi và Chanel, Karl Lagerfeld đã thành lập thương hiệu thời trang riêng cùng tên với mình và hướng đến phong cách thời trang gợi cảm. Có thể tên tuổi của thương hiệu sẽ khó theo kịp danh tiếng của Fendi và Chanel, nhưng nó là một “thực tại” của riêng Karl để ông định hình và phát triển thương hiệu này theo cách mình muốn.

Mỗi show diễn là một bữa tiệc, người xem là thực khách

Bên cạnh năng lực thiết kế, Karl là một nhân vật được biết đến với tài năng tạo ra những sàn catwalk “không tưởng”. Nhà thiết kế huyền thoại luôn biết cách hòa hợp giữa sản phẩm, cái tôi sáng tạo của bản thân và cuối cùng là trải nghiệm của những người tham dự buổi diễn. Karl phá vỡ khuôn mẫu về một sàn diễn catwalk thẳng tắp và thêm vào đó gia vị của sự sáng tạo.

Đơn cử là show diễn Thu – Đông của Chanel năm 2014 đã được thầy “phù thủy” dựng cả mô hình trung tâm thương mại trên sàn catwalk. Hay như trong show diễn Cruise 2007, sân bay Santa Monica được biến hóa thành sàn catwalk và các người mẫu là những hành khách bước ra khỏi máy bay trong những thiết kế xa xỉ của hãng. Còn rất nhiều concept khó tin đã được Karl hiện thực hóa, như dựng một thác nước, tái hiện tháp Eiffel, hay một sòng bạc. Mỗi show diễn của Chanel dưới thời của Karl Lagerfeld luôn là một ẩn số thú vị khiến giới thời trang hồi hộp ngóng chờ.

Show diễn Thu – Đông của Chanel năm 2014 dựng cả mô hình trung tâm thương mại trên sàn catwalk.
Nguồn: Tổng hợp

Kết

Karl Lagerfeld đã thực sự làm việc cả quãng đời, trong khi hầu hết đồng nghiệp nghỉ hưu thì ở ngưỡng cửa 80 tuổi, ông vẫn thiết kế trung bình 14 bộ sưu tập mới mỗi năm. Ông từng nói rằng “Vì sao tôi phải ngừng làm việc? Nếu ngừng, tôi sẽ chết và mọi thứ sẽ chấm dứt”. Do vậy, trong những tháng ngày không ngừng cống hiến, thương hiệu dưới bàn tay Karl biến hóa muôn hình vạn trạng, nhưng với bản thân, ông đơn giản luôn xuất hiện dưới bộ vest đen, mái tóc bạc cùng chiếc kính đen to mà ông nói giúp tránh bị “đọc suy nghĩ”.

Nhưng vào ngày thứ Ba 19/2/2019 đen tối, sau 85 năm miệt mài đắm chìm trong công việc, “phù thủy tóc bạc” đã chính thức khép lại sứ mệnh của ông ở cõi đời, và phép màu ông để lại cho Fendi, Chanel và nhiều nhà mốt khác sẽ luôn là huyền thoại. Nếu như nửa thế kỷ trước giới phê bình tốn bao giấy mực để tranh cãi về những thiết kế nổi loạn của Karl thì giờ đây thời trang phải ghi lại những đóng góp to lớn của ông trong nỗi khắc khoải. Dù “người phù thuỷ” ấy đã không còn nhưng những “phép màu” mà ông đã mang lại cho lĩnh vực thời trang sẽ còn mãi với thời gian.

Xem thêm bài viết cùng chuyên mục tại đây.

Theo Phương Quyên / Brands Vietnam
* Nguồn: Tổng hợp