Marketer Nguyễn Tô Thanh An
Nguyễn Tô Thanh An

Senior Content Executive @ Brands Vietnam

Data Station #43: Báo cáo Talentnet – Nhu cầu tuyển dụng Project Management tăng 44% trong ba năm qua

Vào ngày 19/10/2023, trong khuôn khổ sự kiện về chủ đề đổi mới doanh nghiệp The Makeover, Talentnet và Mercer đã công bố hai báo cáo là “Báo cáo xu hướng nhân tài Châu Á – Thái Bình Dương” và “Báo cáo lương, thưởng, phúc lợi 2023 tại thị trường Việt Nam" với nhiều số liệu nổi bật và đáng chú ý.

Trong bối cảnh kinh tế bất ổn dẫn đến các cuộc sa thải hàng loạt, tình trạng thiếu hụt nhân tài vẫn tiếp tục diễn ra tại khắp các doanh nghiệp lớn nhỏ trên toàn cầu. Theo đó, 75% nhà tuyển dụng trên toàn cầu thừa nhận họ gặp khó khăn khi tìm kiếm nhân tài, vào năm 2021, con số này chỉ chiếm 69%. Được biết, tình trạng này diễn ra nhiều nhất ở những ngành nghề như Sales, Marketing và Product Management (44%), Engineering & Science (32%), IT, Telecom & Internet (27%)... Như vậy, đâu là những số liệu quan trọng mà chủ doanh nghiệp và các nhân sự cần lưu ý?

Không chỉ đơn thuần chia sẻ những báo cáo hữu ích, Data Station là loạt bài phỏng vấn đào sâu vào các kết quả nghiên cứu, dưới góc nhìn của người trong cuộc, nhằm đưa ra những quan điểm sâu sắc và đề xuất có tính ứng dụng cao cho kế hoạch marketing sắp tới của bạn.

Tổng quan về báo cáo

“Báo cáo lương, thưởng, phúc lợi 2023 tại thị trường Việt Nam” là báo cáo thường niên được thực hiện bởi Talentnet Corporation, với phương pháp của Mercer. Talentnet cho biết năm nay có 638 doanh nghiệp tham gia khảo sát, trong đó có 578 đến từ nước ngoài và 60 doanh nghiệp trong nước, tăng 30 doanh nghiệp so với năm 2022. Số lượng người lao động tham gia cũng tăng so với năm ngoái, với hơn 3.000 vị trí đến từ hơn 500.000 người lao động trên khắp Việt Nam.

Nhu cầu tuyển dụng Project Management tăng lên 44% trong ba năm qua

Trong năm 2023, các vị trí công việc quan trọng và được ưu tiên tuyển dụng khá quen thuộc, bao gồm Sales & Marketing, Information Technology và Consumer & Commercial Banking. Dẫu vậy, trong vòng 3 năm vừa qua, có một số lĩnh vực khác có nhu cầu tuyển dụng ngày càng tăng, đó là Project Management (44%), Data Analytics / Warehousing / Business Intelligence (32%), Communications & Corporate Affairs (21%).

Nhu cầu tuyển dụng của ba vị trí trên tăng lên là bởi vì trong những năm gần đây, nền kinh tế và thị trường có nhiều thay đổi nên phần lớn doanh nghiệp đang tiến hành chuyển đổi số, đổi mới hoặc tái cấu trúc doanh nghiệp.

Ngược lại, những công việc có nhu cầu tuyển dụng giảm nhiều nhất trong 3 năm vừa qua là Occupational Health Nurse (giảm 50%), Information Technology and Cybersecurity (giảm 23%) và Translation (giảm 18%). Theo đó, nguyên nhân khiến nhu cầu tuyển dụng vị trí Occupational Health Nurse giảm đi là vì mức thu nhập không cao, cũng như doanh nghiệp sản xuất đang dần chuyển sang các hệ thống bệnh viện hoặc phòng khám tư nhân thay vì thuê y tá – điều dưỡng nội bộ.

Đối với nhóm ngành Information Technology and Cybersecurity, dù nhu cầu của ngành vẫn còn đang ở mức cao và có sức hút lớn trên thị trường, số lượng tuyển dụng lại đang giảm bởi vì các tập đoàn đang tiến hành tinh gọn lại hệ thống nhân sự hoặc chuyển sang thuê ngoài.

Với vị trí Translation, bởi vì năng lực ngoại ngữ của phần lớn nhân sự đều đang được nâng cao và cải thiện nên nhu cầu tuyển dụng biên – phiên dịch vì vậy cũng giảm đi so với giai đoạn trước.

Ngoài ra, khi nói về mức thu nhập, Asset/ Investment Management là công việc có mức thu nhập cao nhất thuộc cấp độ quản lý ở các công ty nước ngoài. Hai vị trí còn lại là Communications/ Corporate Affairs và Data Analytics. Ngược lại, ba vị trí quản lý ở công ty MNC (Multinational Corporation: công ty đa quốc gia) có mức thu nhập thấp nhất là Transportation Services, Administration và Production.

Với cấp độ mới đi làm (entry-professional) tại các công ty MNC, ba vị trí có mức thu nhập hàng đầu là Project Management, Data Analytics và IT, Telecom & Internet. Ba công việc có mức thu thập thấp nhất là Health Nursing, Banking Operation và Transportation Services.

68% lực lượng lao động là thế hệ Millennial

Theo báo cáo, nhân sự thuộc thế hệ Millennial vẫn chiếm phần lớn với 68%, trong đó có 36,8% thuộc Gen Y1 (sinh năm 1981 – 1989) và Gen Y2 (sinh năm 1990 – 1996) chiếm 31,2%. Trong khi đó, Gen Z hiện đang chiếm 20,4% lực lượng lao động.

Báo cáo cũng đề cập đến mức độ gắn bó với công việc, cũng như thời gian mong muốn được thăng chức. Theo đó, không quá khó hiểu số năm trung bình gắn bó với công việc của thế hệ Baby Boomers lên đến 16,6 năm. Ngược lại, số năm gắn bó với công việc của các thế hệ sau ngày càng giảm đi, Gen X là 12,7 năm, Gen Y1 là 7,7 năm, Gen Y2 là 3,8 năm, còn Gen Z là 1,7 năm.

Bên cạnh đó, hầu như nhân sự thuộc các thế hệ đều có kỳ vọng sẽ được thăng tiến sau khoảng 3 năm làm việc. Đối với Gen Z thì họ có mong muốn được thăng chức sau 2 năm làm việc, thế nhưng số năm gắn bó trung bình với công việc của họ chỉ có 1,7 năm.

Từng thế hệ cũng có những nhu cầu và quan điểm khác nhau đối với công việc. Chẳng hạn như 35% Millennial là muốn làm chủ công việc, chủ động lựa chọn công việc giàu ý nghĩa. Trong khi Gen X lại làm việc để phục vụ cho cuộc sống, do đó họ không muốn để công việc tác động và ảnh hưởng đến cuộc sống cá nhân. Chỉ có 2% cho biết họ vẫn giữ quan điểm “truyền thống” là gắn bó với một công ty duy nhất trong suốt quá trình làm việc.

Qua đó, có thể thấy rằng đối với từng thế hệ nhân sự khác nhau, Ban Lãnh đạo và người đứng đầu của từng bộ phận nên có chiến lược và kế hoạch phù hợp để giữ chân nhân tài ở lại với doanh nghiệp lâu hơn.

Ngoài ra, ở phần tiếp theo, báo cáo của Talentnet cho thấy các vị trí thuộc cấp Quản lý trở lên hầu hết đều thuộc nhân sự thuộc Gen Y hoặc Gen X. Cụ thể hơn, ở những vị trí thuộc Ban Điều hành (Executive) thì Gen X chiếm 69,5%, Gen Y1 chiếm 25,3%. Còn đối với cấp độ Quản lý (Management) thì phần lớn là Gen Y1 với 55,2% và Gen X chiếm 32%. Ở mức độ Nhân viên có nhiều kinh nghiệm (Professional), Gen Y vẫn chiếm phần lớn khi Gen Y1 là 52,5%, kế đến là Gen Y2 với 32,8%. Đáng chú ý là ở cấp độ Quản lý và Nhân viên có nhiều kinh nghiệm thì Gen Z chiếm số lượng khá thấp, lần lượt là 0,1% và 0,9%.

Chỉ có 10,4% nhân sự nghỉ việc tự nguyện trong năm 2023

So với những năm trước, bởi vì tình hình kinh tế và thị trường lao động của năm 2023 có nhiều biến động nên tỷ lệ nhân viên nghỉ việc tự nguyện có xu hướng giảm mạnh. Cụ thể hơn, tỷ lệ nghỉ việc tự nguyện của nửa đầu năm 2023 là 10,4%, trong khi năm 2022 là 22,1%.

Trong đó, ba nhóm ngành có tỷ lệ nghỉ việc tự nguyện cao nhất là Retail (17,3%), Financial Services – Non Banking (10,9%) và Various Manufacturing (9,5%). Tình trạng này không quá khó hiểu khi bán lẻ và dịch vụ tài chính phi ngân hàng là lĩnh vực sở hữu lực lượng lao động đông đảo. Thế nhưng, mức thu nhập thấp hoặc không có sự tăng trưởng trong bối cảnh cạnh tranh cao khiến người lao động cảm thấy chán nản và muốn rời đi. Bởi vì nền kinh tế đang suy thoái nên ngành sản xuất không còn nhiều đơn hàng.

Ngược lại, ba lĩnh vực có tỷ lệ nghỉ việc tự nguyện thấp nhất là Oil & Mining (1,8%), Chemicals (3,2%) và Sourcing (3,4%). Đây là ba nhóm ngành đặc thù, yêu cầu chuyên môn cao và mức thu nhập khá cao so với mặt bằng chung của các công việc khác nên nhân sự không có nhiều lý do để chủ động nghỉ việc.

23% là tỷ lệ chênh lệch tổng thu nhập giữa công ty nội địa và tập đoàn đa quốc gia

Theo kết quả khảo sát, trung bình tổng thu nhập tại các công ty Việt Nam thấp hơn khoảng 23% so với tập đoàn đa quốc gia. Với cấp độ chuyên môn càng cao thì mức độ chênh lệch thu nhập cũng ngày càng lớn khi các vị trí Management có mức chênh lệch lên đến 30%.

Khi xét về mức độ chênh lệch thu nhập giữa các tỉnh thành Việt Nam, có thể thấy rằng TP. Hồ Chí Minh vẫn là khu vực có mức trả lương cao nhất, kế đến là các tỉnh miền Nam. Đáng ngạc nhiên là Hà Nội và Đà Nẵng lại có mức trả lương khá thấp dù đều là khu vực kinh tế trọng điểm. So với TP. Hồ Chí Minh, mức lương cơ bản năm tại Hà Nội thấp hơn 12%, đối với Đà Nẵng thì con số đó là 26%.

Bởi vì tình hình lạm phát nên xu hướng tăng lương của các công ty nội địa và quốc tế giảm hoặc chững lại trong thời gian gần đây. Theo số liệu từ báo cáo, vào năm 2023, tỷ lệ gia tăng ngân sách lương của các công ty Việt Nam là 7,9%, cao hơn mức của doanh nghiệp quốc tế (7,1%). Tuy nhiên, với tình hình kinh tế Việt Nam hiện nay, Talentnet dự đoán rằng tỷ lệ tăng lương trong năm 2024 sẽ giảm xuống còn 6,9% trong khi các công ty nước ngoài vẫn giữ nguyên tỷ lệ 7,1%.

Hy vọng những số liệu này có thể mang đến cho chủ doanh nghiệp, cấp quản lý và nhân sự cái nhìn toàn cảnh về thị trường lao động hiện nay, từ đó vạch ra kế hoạch xây dựng và củng cố đội ngũ nhân sự.

Xem báo cáo đầy đủ tại đây.

Xem thêm các bài viết khác cùng chuyên mục tại đây.

Thanh An / Brands Vietnam
* Nguồn: Brands Vietnam