Marketer Lam Phương
Lam Phương

Content Executive @ Brands Vietnam

Data Station #42: LinkedIn Algorithm Research 2022 – 10 điểm đáng chú ý để hoạt động hiệu quả trên LinkedIn

LinkedIn là mạng xã hội uy tín kết nối doanh nghiệp và cá nhân với hơn 810 triệu thành viên toàn cầu, trong đó có 5,2 triệu người dùng Việt Nam. Do đó, để hoạt động hiệu quả trên nền tảng này, người dùng cần nắm được sự thay đổi của thuật toán, từ đó ra quyết định phù hợp.

Bài viết dưới đây sẽ cung cấp 10 điểm cần lưu ý để người dùng hoạt động hiệu quả trên LinkedIn, đúc kết từ LinkedIn Algorithm Research 2022. Nghiên cứu được thực hiện bởi Just Connecting với sự hỗ trợ từ các công cụ như Shield, SproutSocial, Hootsuite và LinkedIn.

Không chỉ đơn thuần chia sẻ những báo cáo hữu ích, Data Station là loạt bài phỏng vấn đào sâu vào các kết quả nghiên cứu, dưới góc nhìn của người trong cuộc, nhằm đưa ra những quan điểm sâu sắc và đề xuất có tính ứng dụng cao cho kế hoạch marketing sắp tới của bạn.

Tổng quan về nghiên cứu

LinkedIn Algorithm Research 2022 là một nghiên cứu quy mô lớn, được thực hiện trong hơn 1.100 giờ, với sự tham gia của hơn 9.500 bài đăng từ 200 thành viên trên toàn thế giới, nhằm mang đến một số insights mới đáng chú ý về cách thức hoạt động của thuật toán LinkedIn.

Trong thời gian nghiên cứu, LinkedIn liên tục phát triển và bổ sung thêm các tính năng mới hầu như mỗi tuần. Trong những tháng mùa hè (tháng 7 và 8), lượt tiếp cận (reach) và tương tác (engagement) thường giảm do nghỉ lễ. Tuy nhiên, vào đầu tháng 9, LinkedIn đã thực hiện một số cập nhật quan trọng đối với thuật toán.

10 điểm chú ý trong thuật toán LinkedIn

Nhìn chung, LinkedIn đã cập nhật thuật toán để ưu tiên nội dung của những nhà sáng tạo nội dung hoạt động tích cực và những bài đăng ngắn gọn. Điều này có thể khiến những người dùng mới hoặc ít hoạt động trên LinkedIn nhận thấy lượt Reach và Engagement của họ giảm. Tuy nhiên, hiệu quả hoạt động vẫn có thể được cải thiện bằng cách tạo nội dung chất lượng cao và tương tác với những người dùng khác.

LinkedIn ưu tiên hiển thị các bài đăng ngắn gọn và nhận được nhiều tương tác trong 90 phút đầu tiên.

1. 90 phút đầu tiên sẽ quyết định hiệu quả của post

Dwell time là thời gian mà một người dùng dành cho một bài đăng (post) trên LinkedIn trước khi cuộn xuống hoặc nhấp vào một liên kết khác. Đây là yếu tố quan trọng trong thuật toán LinkedIn và là cơ sở để nền tảng này ưu tiên hiển thị nội dung mà người dùng quan tâm và tương tác.

Tuy nhiên, so với năm 2021, tầm quan trọng của dwell time đã bị giảm sút. Thay vào đó, LinkedIn ưu tiên hiển thị các bài đăng ngắn gọn và nhận được nhiều tương tác trong 90 phút đầu tiên.

2. Tần suất đăng dày đặc không ảnh hưởng hiệu quả tăng trưởng Company Page

Đối với tài khoản cá nhân (Personal Profile), việc đăng nhiều bài liên tiếp trong thời gian ngắn sẽ làm giảm lượt tiếp cận của các bài đăng đó.

Cụ thể, việc đăng 2 bài trong vòng 18 giờ sẽ giảm 15% lượt tiếp cận, và 3 bài sẽ giảm 30%.

Ngược lại, tài khoản doanh nghiệp (Company Page) có thể đăng nhiều bài trong ngày mà không ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận của các bài đăng trước đó.

Tuy nhiên, để đạt hiệu quả tốt nhất, tài khoản doanh nghiệp nên đăng 4-5 bài mỗi tuần. Nếu ít hơn 2 bài mỗi tuần, hiệu quả tăng trưởng của page sẽ giảm 50%.

Nguồn: LinkedIn Algorithm Research 2022

3. Độ dài post lý tưởng từ 1.200 đến 1.600 ký tự

LinkedIn đã thay đổi thuật toán phân phối nội dung. Năm 2021, bài đăng dài từ 1.500-2.500 ký tự có xu hướng được hiển thị nhiều hơn. Tuy nhiên, hiện nay, LinkedIn ưu tiên hiển thị các bài đăng ngắn gọn và súc tích với độ dài lý tưởng dao động từ 1.200 đến 1.600 ký tự.

Đặc biệt, đối với bài đăng video, độ dài lý tưởng là từ 20 đến 60 giây. Nếu video dài quá 3 phút, 95% số người xem sẽ nhanh chóng bỏ qua.

4. Ưu tiên bài đăng hình ảnh, tài liệu và liên quan dịch vụ LinkedIn

Việc lựa chọn đúng định dạng không chỉ khiến bài đăng trở nên thu hút mà còn trực tiếp ảnh hưởng đến lượt tiếp cận và hiển thị post trên bảng tin (newsfeed) của mạng lưới bạn bè LinkedIn.

Nguồn: LinkedIn Algorithm Research 2022

So với năm 2020, LinkedIn đang ưu tiên hiển thị các bài đăng có hình ảnh (một hoặc nhiều), tài liệu (PDF/ Slide Deck) và liên quan đến dịch vụ của mình (Ads for Jobs / LinkedIn Learning).

Trong đó, định dạng phổ biến nhất vẫn là bài đăng văn bản (text) kết hợp với một hình ảnh (image).

Text post và video vẫn được sử dụng nhiều (chiếm 1 trong 10 bài đăng), nhưng lượt tiếp cận của chúng đã giảm so với hai năm trước.

Việc sử dụng liên kết ngoài (external links) giảm lượt tiếp cận từ 7% đến 9%.

Các cuộc thăm dò ý kiến ​​(polls) cũng ngày càng sụt giảm kể từ năm 2021 song song với sự biến mất hoàn toàn của các bài báo hoặc newsletter trong dòng thời gian.

5. Định dạng Document tăng hiệu quả Reach từ 2,2 đến 3,4 lần

Bài đăng tài liệu như PDF hoặc Slide là một cách hiệu quả để thu hút người xem trên LinkedIn. Khi kết hợp với text liên quan, document post có thể mang lại số lượt tiếp cận cao hơn từ 2,2 đến 3,4 lần so với bài đăng thông thường.

Để tối ưu hóa phạm vi tiếp cận cho bài đăng tài liệu, người dùng có thể tham khảo các mẹo sau:

  • Sử dụng ít nhất 4 và không quá 11 slide, lý tưởng là 7 slide.
  • Slide đầu tiên nên có ít hơn 15 chữ và có màu sắc tương phản mạnh để thu hút sự chú ý.
  • Slide cuối nên có lời kêu gọi hành động (CTA).
  • Caption post nên ngắn gọn, súc tích và không quá 2.000 từ.

* Fun fact: Màu sắc slide mang lại hiệu quả cao nhất là đen, vàng và đỏ.

6. 1 tuần là thời gian lý tưởng cho bài đăng khảo sát

Dạng bài poll khi đặt đúng câu hỏi có liên quan sẽ là một “cầu nối” để doanh nghiệp bắt đầu cuộc trò chuyện với khách hàng và ứng viên.

So với bài đăng văn bản hay một hình ảnh, poll có số lượt tiếp cận cao hơn từ 2,1 đến 2,9 lần. Lý do chính là thuật toán LinkedIn tính mỗi phiếu bầu tương đương với một lần tương tác (nhấp chuột).

Số lượng lựa chọn trong khảo sát có ảnh hưởng đến phạm vi tiếp cận. Khảo sát có 2 lựa chọn sẽ đạt số lượt reach tối ưu nhất, trong khi khảo sát có 4 lựa chọn sẽ giảm 30% lượt reach. Tuy nhiên, trong thực tế, nhiều khảo sát hiện tại có 4 lựa chọn để đảm bảo đủ ý và cho người dùng nhiều sự lựa chọn hơn.

Ngoài ra, thời gian tốt nhất để thực hiện khảo sát là 1 tuần. Nếu kéo dài 2 tuần thì lượt xem (views) sẽ tăng nhưng tỷ lệ phiếu bầu tính trên 1.000 lượt xem sẽ ít hơn.

7. Chèn video giúp tăng 30% hiệu quả của Newsletter

Số lượng Newsletter trên LinkedIn đã tăng lên đáng kể trong năm 2022, với hơn 40.000 ấn phẩm được xuất bản. Tuy nhiên, hiệu quả đã giảm so với năm 2021.

Cụ thể, số lượng người đăng ký giảm 75%, lượt tiếp cận giảm 65% và mức độ tương tác giảm 80%.

Để cải thiện hiệu quả của Newsletter, người dùng nên chú ý đến các yếu tố sau:

  • Độ dài lý tưởng: 1.100-1.300 từ
  • Video có thể giúp tăng 30% hiệu quả của Newsletter.

8. Comment là cách hiệu quả nhất để tăng Reach

Trên LinkedIn, một lượt thích đơn giản sẽ cung cấp thêm 1 lượt xem. Người dùng nhấp vào “xem thêm” sẽ dẫn đến thêm 4 lượt xem. Chia sẻ sẽ dẫn đến thêm 7 lượt xem và bình luận sẽ dẫn đến thêm 12 lượt xem.

Hay nói cách khác, bình luận là cách hiệu quả nhất để tăng phạm vi tiếp cận cho bài đăng. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải viết những bình luận có giá trị và có liên quan.

Để làm được điều này, cần chú ý đến hai yếu tố chính:

  • Thời điểm: Nên tránh là người bình luận đầu tiên trên bài đăng của chính mình, vì điều này có thể làm giảm hiệu quả của bài đăng. Thay vào đó, hãy reply tất cả các comment nhận được trong vòng 1 tiếng sau khi đăng, để tăng 20% khả năng bài đăng của bạn được nhìn thấy bởi nhiều người hơn.
  • Độ dài: Những bình luận ngắn có tác dụng bằng một nửa so với những bình luận dài hơn 12 từ.

9. Bài đăng từ Company Page được hiển thị trung bình cho 2,4% người theo dõi

Các bài đăng từ Company Page được hiển thị trung bình cho 2,4% người theo dõi trang đó trong lượt đăng đầu tiên. Sự tham gia từ những người không phải nhân viên có thể giúp tăng phạm vi tiếp cận.

Cụ thể, một bình luận có sức mạnh gấp 8 lần một lượt thích, mạnh hơn 12 lần hơn một lượt Chia sẻ và mạnh hơn 6 lần so với số lượt nhấp vào “xem thêm”.

Tuy nhiên, so với người dùng bình thường, tương tác từ nhân viên có thể mang lại hiệu quả cho Reach và Performance ít hơn 30% dù vẫn góp phần lan truyền tin tức.

10. Tips tăng lượt Reach cho Company Page

Mặc dù đa số người dùng LinkedIn đã bị giảm lượt tiếp cận khoảng 15% và lượt tương tác khoảng 10%. Thế nhưng vẫn có một số nhà sáng tạo nội dung ghi nhận sự gia tăng về lượt tiếp cận (khoảng 20 - 25%) và lượt tương tác (khoảng 15 - 20%).

Dưới đây là một số mẹo và thủ thuật hữu ích để marketer áp dụng vào chiến lược quảng bá thương hiệu trên LinkedIn.

Bình luận là cách hiệu quả nhất để tăng phạm vi tiếp cận cho bài đăng. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải viết những bình luận có giá trị và có liên quan.

  • Tương tác với ít nhất 3 post khác trên newsfeed sau khi đăng bài viết giúp tăng khoảng 20% lượt tiếp cận: Bên cạnh đó, marketer nên sử dụng tài khoản doanh nghiệp để bình luận trên các bài viết của các trang liên quan đến lĩnh vực kinh doanh của mình như marketing, creative hay business.
  • Khuyến khích người dùng “Repost” và “Save” những bài đăng chất lượng của thương hiệu: Thuật toán LinkedIn sẽ theo dõi mức độ liên quan dựa trên lượt engagement, dwell time và clicks của 10-15 bài đăng gần đây nhất của thương hiệu. Nếu đăng nhiều bài liên tiếp mà không có nhiều người tương tác, LinkedIn sẽ nghĩ rằng bài đăng của bạn không liên quan và giảm phạm vi tiếp cận của bài đăng tiếp theo.
  • Sử dụng ít nhất 3 và nhiều nhất 10 hashtag trong 1 bài đăng song song với 1 personal hashtag xuyên suốt: Ví dụ, Brands Vietnam luôn nhất quán hashtag #brandsvietnam trọng mọi bài đăng.
  • Đăng tải đa dạng các định dạng nội dung khác nhau: Hình ảnh, video, tài liệu và bài viết là những định dạng nội dung mang lại lượt tiếp cận cao hơn 10%. Trong đó, hình ảnh và liên kết bên ngoài là những nội dung chiếm ưu thế nhất.
  • Sử dụng tính năng “Target Audience” thay vì “Anyone” trong 2 giờ đầu tiên: Tính năng này sẽ giúp LinkedIn hiển thị bài đăng của thương hiệu cho những người có nhiều khả năng quan tâm hơn.
  • Lên lịch đăng bài vào thời gian lý tưởng: Những ngày tương tác tốt nhất cho Company Post là thứ Ba đến thứ Năm và thứ Bảy. Việc đăng bài vào thứ Hai và thứ Sáu làm giảm 25% lượt tiếp cận và giảm 70% vào Chủ Nhật.
  • Chạy ads giúp tăng lượt Reach và Engagement trên trang lên 15-20%: Nguyên nhân là do quảng cáo giúp tiếp cận được nhiều người hơn, từ đó họ sẽ nhấp vào trang của bạn để xem thêm nội dung.

Hy vọng những đúc kết cơ bản trên sẽ hữu ích trong việc xây dựng chiến lược nội dung trên LinkedIn thời gian tới.

Xem thêm các bài viết khác cùng chuyên mục tại đây.

Lam Phương / Brands Vietnam
* Nguồn: Brands Vietnam