Marketer Trinh Đặng
Trinh Đặng

Marketing Manager lĩnh vực công nghệ, Founder @ Shecrets & Creator @ trulytrinh.com

Làm rõ những khác biệt giữa Brand Ambassador, Influencer, Brand Advocate và Affiliate

Lĩnh vực Marketing ngày càng đa dạng với sự xuất hiện của nhiều vai trò khác nhau, từ Brand Ambassador, Influencer đến Brand Advocate và Affiliate. Mỗi vị trí này đóng một vai trò quan trọng trong việc xây dựng và thúc đẩy thương hiệu. Tuy nhiên, giống như các khái niệm khác trong marketing, 4 vị trí này thường bị nhầm lẫn với nhau do thường xuyên có kết hợp hoặc pha trộn nhiều vai trò trong cùng một vị trí.

Bài viết này sẽ giúp các bạn marketer có thêm một góc nhìn về sự khác biệt và cách mỗi vai trò đóng góp vào chiến lược marketing của thương hiệu. Cùng tham khảo nhé!

1. Brand Ambassador: Đại diện thương hiệu

Brand Ambassador là những đối tượng được chọn lựa kỹ lưỡng để đại diện cho thương hiệu. Họ thường có mối quan hệ hợp đồng dài hạn với thương hiệu và cam kết đại diện thương hiệu theo cách tích cực. Vai trò chính của Brand Ambassador là tạo sự trung thành mạnh mẽ đối với thương hiệu và thường tham gia vào các chiến dịch lớn. Mục tiêu chính của họ là tăng cường trung thành và lòng yêu thương của người tiêu dùng đối với thương hiệu.

Dưới đây Trinh sẽ đi qua các vai trò còn lại đi kèm đó là hình ảnh so sánh Brand Ambassador với các vai trò ấy nhé!

2. Influencer: Tạo nội dung, tăng nhận diện và doanh số

Khác với Brand Ambassador, Influencer là cá nhân hoặc người nổi tiếng trên mạng xã hội, có lượng người theo dõi lớn và tạo ra nội dung liên quan đến nhiều lĩnh vực. Họ thường hợp tác với thương hiệu thông qua hợp đồng tài chính và thường nhận tiền hoặc các giao dịch tài chính từ thương hiệu, nhưng sẽ ngắn hạn và theo từng dự án/ chiến dịch hơn so với Brand Ambassador. Vai trò chính của Influencer là tạo nội dung và thường thúc đẩy doanh số bán hàng. Mục tiêu của họ là tạo hiệu suất bán hàng và tăng tương tác trên mạng xã hội.

3. Brand Advocate: Khách hàng trung thành

Brand Advocate là những khách hàng hoặc người mua hàng thường xuyên của thương hiệu, đặc biệt hài lòng với sản phẩm hoặc dịch vụ và chia sẻ tích cực về thương hiệu đó. Họ không thường xuyên được hỗ trợ hoặc trả phí bởi thương hiệu, mà thường là người dùng thực sự của sản phẩm hoặc dịch vụ. Mục tiêu của Brand Advocate là tạo ảnh hưởng tích cực thông qua chia sẻ và đánh giá cá nhân, giúp thương hiệu xây dựng sự tin tưởng từ cộng đồng.

4. Affiliate: Tạo lượng truy cập và thúc đẩy doanh số

Affiliate thường là các đối tác, website, blog, hoặc người bán hàng trực tuyến hợp tác với thương hiệu để tạo ra lưu lượng truy cập và marketing sản phẩm hoặc dịch vụ của thương hiệu thông qua các liên kết hoặc mã giảm giá. Họ nhận hoa hồng hoặc phí dựa trên doanh số bán hàng hoặc hành động cụ thể của người mua (click, add to cart…). Mục tiêu chính của Affiliate là thúc đẩy doanh số bán hàng và lưu lượng truy cập.

5. Phân biệt bốn vị trí để chọn đúng vai trò

Sau khi đã khám phá sự khác biệt giữa Brand Ambassadors, Influencer, Brand Advocate và Affiliate, chúng ta sẽ tổng kết các điểm quan trọng trong bảng dưới đây. Điều này sẽ giúp bạn có cái nhìn tổng quan và hiểu rõ hơn về cách mỗi vai trò ảnh hưởng đến thương hiệu và chiến lược marketing của bạn.

6. Lời kết

Mỗi vai trò trong marketing đóng góp đặc biệt vào sự phát triển và thúc đẩy thương hiệu. Brand Ambassador tạo sự trung thành mạnh mẽ, Influencer thúc đẩy nhận diện và bán hàng, Brand Advocate tạo niềm tin và ảnh hưởng tích cực về thương hiệu, và Affiliate thúc đẩy doanh số bán hàng và lưu lượng truy cập. Khi hiểu rõ sự khác biệt giữa các vai trò này, thương hiệu có thể xây dựng chiến lược marketing hiệu quả hơn để đáp ứng mục tiêu kinh doanh của mình.

Trinh Đặng
* Bài viết gốc: TrulyTrinh.com