Marketer Phương Quyên
Phương Quyên

Content Executive @ Brands Vietnam

Young Agencies #22: Mì – Sáng tạo theo kiểu “anti” những ý tưởng “mì ăn liền”

“Ai cũng có thể nấu mì, nhưng muốn đủ ngon thì phải là nghệ nhân”. Dù mới 2 năm tuổi nhưng với định hướng nâng tầm những điều tưởng chừng quen thuộc, Mì Agency đã giải nhiều bài toán “lối mòn” của các thương hiệu bằng những góc nhìn thú vị và đầy nghệ thuật.

Young Agencies là chuyên mục do Brands Vietnam sản xuất nhằm giới thiệu những agency trẻ, triển vọng trong lĩnh vực tiếp thị, truyền thông và quảng cáo của Việt Nam hiện nay.

Cùng đi vào hành trình nấu những “bát mì nghệ thuật” qua chia sẻ của anh Tuấn Hiệp – Founder & CEO và chị Thu Trang – Co-Founder & Creative Director tại Mì Agency.

* Đầu tiên, anh chị hãy chia sẻ cơ duyên thành lập Mì? Kinh nghiệm đi làm trước đây đã giúp anh chị trong quá trình khởi nghiệp như thế nào?

Chị Thu Trang – Co-Founder & Creative Director tại Mì Agency.

Chị Trang: Câu chuyện của tụi mình bắt đầu từ cơ duyên ở môi trường các công ty lớn. Mình từng làm cho các thương hiệu thuộc VinGroup như Vinpearl, VinID và sau đó là One Mount – nơi mà mình biết anh Hiệp. Cả hai anh em đều không có background về Marketing, anh Hiệp làm ở bộ phận Marketing Procurement (Thu mua dịch vụ marketing) còn mình làm mảng Internal Communications (Truyền thông nội bộ).

Tuy nhiên, công việc của mình có một phần khá tương đồng với Marketing ở chỗ phải giải được “bài toán” làm sao để cùng là các sự kiện, sản phẩm truyền thông nội bộ nhưng qua mỗi năm đều đặc sắc, sáng tạo hơn trước, đồng thời đảm bảo sự nhất quán với văn hóa doanh nghiệp và thương hiệu. Sau một khoảng thời gian tiếp cận các “đề bài” này ở góc độ client, với hệ thống công việc mang tính bao quát, từ lên kế hoạch, kiểm soát chất lượng ý tưởng và theo dõi thực thi, mình muốn thử sức với môi trường agency để tập trung chuyên sâu hơn vào một lĩnh vực.

Còn với anh Hiệp, anh là một người yêu nghệ thuật và không muốn các sản phẩm có sự lửng lơ nào về mặt hình ảnh. Vậy nên, thời điểm đó anh Hiệp cũng nung nấu ý định thành lập một agency để vừa thỏa lòng yêu cái đẹp vừa đảm bảo mặt hiệu quả cho khách hàng.

Khi chúng mình làm agency, cả hai cùng tham gia “giải bài” với thương hiệu và học hỏi thêm kiến thức ở nhiều lĩnh vực. Điều đó giúp cho mình nói riêng, có cơ hội soi chiếu và khám phá những ngóc ngách khác của bản thân. Ngoài ra, nhờ kinh nghiệm “đã từng là client” nên khi ở góc độ một agency, tụi mình có thể phần nào hiểu được những khó khăn phía khách hàng.

* Hiện nay, Mì cung cấp những dịch vụ nào và phân khúc khách hàng Mì hướng tới là ai?

Anh Hiệp: Hiện tại, Mì cung cấp những giải pháp cho thương hiệu, bao gồm:

  • Tư vấn truyền thông và xây dựng thương hiệu
  • Thực hiện kế hoạch truyền thông
  • Thiết kế, Art Illustration
  • Sáng tạo và Tổ chức sự kiện
  • Truyền thông nội bộ
  • Sản xuất quà tặng thương hiệu

Anh Tuấn Hiệp – Founder & CEO tại Mì Agency.

Trong đó, mọi người thường nghĩ Mì là agency về event và truyền thông, nhưng tụi mình định vị Mì như một Creative Services. Cụ thể, thế mạnh của Mì là tư duy sáng tạo và định hướng hình ảnh cho các đơn vị thực thi. Team Mì tuy không trực tiếp thực thi toàn bộ nhưng sẽ có những yêu cầu rõ ràng và quản lý các đơn vị thực thi sát sao trong suốt quy trình.

Việc không trực tiếp tham gia toàn bộ vừa giúp Mì sử dụng hiệu quả nguồn lực hiện tại vừa đem lại đa dạng sự lựa chọn cho khách hàng. Mì có thể hợp tác và định hướng sáng tạo cho các bạn artist, các đơn vị thực thi đồng thời kiểm soát chất lượng hiệu quả. Vậy nên khi khách hàng chọn Mì, họ có nhiều màu sắc để cân nhắc sao cho phù hợp với mục tiêu thương hiệu. Lúc này Mì không chỉ đơn thuần đưa ra các giải pháp Marketing mà còn là One-stop hub cho thương hiệu.

Về khách hàng mục tiêu, Mì nhắm đến các thương hiệu lớn nhưng có sự chọn lọc nhất định. Tụi mình sẽ là điểm đến phù hợp nhất với các khách hàng cần những góc nhìn mới cho một campaign “quen mặt” ví dụ như các sự kiện hàng năm, các chương trình diễn ra thường xuyên….

* Đâu là những giá trị cốt lõi của Mì trong các giải pháp cung cấp?

Chị Trang: Tôn chỉ của tụi mình xoay quanh 3 từ khóa: Hà Nội – Mì – Nghệ nhân.

Trước tiên là Hà Nội, đây là nơi gặp gỡ của 3 nhân tố sáng lập nên Mì. Hà Nội là thành phố lịch sử với những giá trị văn hóa đa dạng, phong phú. Với mình, các yếu tố dân tộc, văn hóa bản sắc là “chất liệu” độc đáo cho những sáng tạo đắt giá và ngày càng đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực truyền thông.

Mì luôn nỗ lực tìm tòi, khai thác và chắt lọc những câu chuyện văn hóa với nhiều tầng sâu ý nghĩa để chuyển tải các giá trị đó với đa dạng cách thức thể hiện, thông qua thông điệp và sản phẩm truyền thông.

Ngoài ra, Mì muốn mang vào trong các ấn phẩm tinh thần của người trẻ Hà Nội thế hệ mới: hiện đại, giàu năng lượng, khát khao vươn tới những trải nghiệm sống rực rỡ và phong phú, nhưng vẫn luôn có nét trầm mặc, khiêm tốn để học hỏi, tĩnh lặng để tìm về chiều sâu văn hóa và cuộc sống.

Tôn chỉ của Mì Agency xoay quanh 3 từ khóa: Hà Nội – Mì – Nghệ nhân.

Thứ hai là về Mì, như mình đã chia sẻ, đó là một món ăn dung dị, nhưng khi mở rộng góc nhìn, mì có thể “kể” cho chúng ta câu chuyện về dấu ấn văn hóa và bản sắc cá nhân.

Cùng là bát mì, nhưng mỗi vùng miền có khẩu vị riêng, mỗi người đầu bếp với tài nghệ khác nhau sẽ tạo nên những hương vị đặc trưng không thể nhầm lẫn. Chính vì thế, với tụi mình, Mì là hình ảnh ẩn dụ cho sự linh hoạt, sáng tạo trong việc sử dụng các nguyên liệu, biến tấu với nhiều “công thức” khác nhau – từ đơn giản đến phức tạp, từ truyền thống đến hiện đại, từ những “gia vị” bí truyền đến những thứ đang là xu hướng...

Thông qua đó, bát mì hàng ngày có thể nâng tầm thành “bát mì đầy nghệ thuật”. Hành trình sáng tạo của Mì Agency cũng tương tự như thế, tụi mình luôn tự đặt ra thách thức cho bản thân để không ngừng tạo ra những “bát mì” – những ấn phẩm mới mẻ và độc đáo.

Và quan trọng là các “thực khách” khi thưởng thức món “Mì” của tụi mình trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng cảm thấy phù hợp, “ngon” và “đậm đà hương vị”. Nói cách khác, mục tiêu của tụi mình là tạo nên các sản phẩm truyền thông vừa sáng tạo, hấp dẫn, vừa phù hợp với bối cảnh, cũng như đề bài của khách hàng và thương hiệu.

Mục tiêu của Mì là tạo nên các sản phẩm truyền thông vừa sáng tạo, hấp dẫn, vừa phù hợp với bối cảnh, cũng như đề bài của khách hàng và thương hiệu.

Thứ ba là Nghệ nhân, từ này chỉ một người không chỉ có chuyên môn cao mà họ còn yêu nghề và yêu từng sản phẩm mình làm ra. Trong các tác phẩm của người nghệ nhân luôn tồn tại một câu chuyện thể hiện niềm đam mê của họ trong đấy.

Chính vì thế, mình mong Mì không chỉ là một “món ăn” mà còn thể hiện được sự sáng tạo của những “nghệ nhân” team mình. Bên cạnh đó, những sản phẩm Mì làm ra không chỉ chất lượng về thẩm mỹ mà sẽ luôn có những câu chuyện truyền cảm hứng phía sau.

Nhân nói về cảm hứng vui, thì nguồn gốc cái tên Mì đến từ một buổi OT (over time) của cả hai, hai anh em đi úp mì cùng nhau. Lúc đó tụi mình tự hỏi sao phải làm lại những ý tưởng như mì ăn liền. Nói vui là hai đứa đều “anti” mì ăn liền, không thích sự lặp lại nên đặt tên agency là Mì.

Với Mì Agency, mì là hình ảnh ẩn dụ cho sự linh hoạt, sáng tạo trong việc sử dụng các nguyên liệu, biến tấu với nhiều “công thức” khác nhau.

* Anh chị hãy chia sẻ về một dự án của Mì mà mình tâm đắc.

Chị Trang: Mì có dự án “Sống đậm chất đêm” khá đáng nhớ cùng làm với Leo Burnett cho Samsung. Thời điểm đó vừa sau dịch, Samsung muốn tổ chức một sự kiện tri ân cho Samfans (những người yêu thích sản phẩm của Samsung) đồng thời truyền thông cho dòng Samsung S22 với tính năng nổi bật là chụp đêm.

Với đề bài này, Mì đề xuất một ý tưởng nghệ thuật là tổ chức triển lãm tất cả những bức ảnh chụp bằng S22 với chủ đề cuộc sống Hà Nội về đêm. Không chỉ giới thiệu tính năng sản phẩm bằng các thuật ngữ công nghệ thông thường, team Mì “làm mềm” thông điệp thông qua việc tôn vinh những cống hiến của các nhiếp ảnh gia. Những bức ảnh mọi người nghĩ chỉ máy ảnh mới chụp được thì nay một chiếc Samsung S22 hoàn toàn có thể làm được điều đó.

Về mặt hình ảnh, trong các phương án Mì đề xuất thì khách hàng thích hình ảnh Tháp Rùa của Hà Nội. Thế nên Mì chọn tổ chức sự kiện ở một studio có view nhìn ra Hồ Gươm và vẽ hình ảnh tháp rùa theo phong cách Van Gogh để thể hiện sự chuyển động bên trong.

Lời giải của Mì dành cho Samsung là sự kết hợp giữa niềm tự hào của Samfans, tình yêu với phố đêm Hà Nội và lời tri ân đến những nhiếp ảnh gia.

Lời giải của Mì cho bài toán này là sự kết hợp giữa niềm tự hào của Samfans, tình yêu với phố đêm Hà Nội và lời tri ân đến những nhiếp ảnh gia. Sau dự án đấy team Mì nhận được cúp BSI – “The Best Event With Social Media Strategy” như một sự công nhận xứng đáng. Tuy nhiên, bài học quan trọng hơn với tụi mình là cách Marketing đánh vào cảm xúc khách hàng. Trong thời đại mọi sản phẩm đều chạy đua công nghệ và người dùng có thể biết được tính năng sản phẩm chỉ với vài dòng tìm kiếm, câu hỏi đặt ra là làm sao chạm đến cảm xúc người dùng để vào một thời điểm nhất định họ nhớ đến sản phẩm của mình.

* Đâu là dự án anh chị thấy thử thách nhất đối với team Mì?

Anh Hiệp & chị Trang: Với team Mì thì đó là “đề bài” gần đây nhất từ Masterise Homes – một trong những nhà phát triển bất động sản hàng đầu tại Việt Nam. Khó khăn đầu tiên là lĩnh vực bất động sản đang gần như đóng băng, phần lớn các thương hiệu cao cấp và hạng sang đều bị cuốn vào cuộc chạy đua của ngôn từ, để gây ấn tượng với nhóm khách hàng mục tiêu là những người thành công. Có thể thấy trên phương diện truyền thông là sự phủ sóng đến mức gần như “bão hòa” các cụm từ như: tinh hoa, vương giả, phồn hoa...

Đứng trước yêu cầu này, tụi mình đã thử đặt ra hàng loạt câu hỏi: Liệu có nhiều hơn một định nghĩa về sự thành công hay không? Đâu là “huyệt tâm lý” của nhóm siêu giàu hiện nay?

Với campaign “Tâm điểm Giá trị sống”, một chiến dịch với màu sắc và phân khúc khách hàng mới, Mì muốn làm mới khái niệm “thành công”, truyền tải tinh thần của chủ đầu tư, đồng hành với khách hàng trong quá trình tạo dựng phong cách sống bắt nhịp với thời đại mới.

Điểm đặc biệt của chiến dịch này là trong quá trình giải bài, team đã liên hệ đến nghiên cứu được đề cập trong 2 quyển sách “Lược sử thời gian” và “Sapiens: Lược sử loài người”, rằng để đạt đến thành công, con người cần đảm bảo cân bằng được giá trị bên trong và bên ngoài, vật chất và tinh thần; từ hệ giá trị cốt lõi mà con người coi trọng sẽ tạo ra trường năng lượng riêng và “kích hoạt” sự vận hành của những yếu tố xung quanh mỗi cá nhân, góp phần định hình cuộc đời của mỗi con người.

Theo đó, team chọn ra 6 giá trị sống trọng yếu nhất để đưa vào concept chung của dự án, như một “lời giải” cho đề bài hóc búa của khách hàng, cũng là “lời giải” cho những người thành công đang tìm kiếm sự cân bằng sau đại dịch COVID-19 và vươn tới những đỉnh cao mới. Với sự bắt tay cùng Phương Vũ – đạo diễn trẻ gây nhiều tiếng vang với những dự án triệu đô gần đây, chắc chắn sẽ đưa đến những chất liệu ấn tượng hơn nữa sẽ được hé lộ trong thời gian tới.

Campaign đã có thành công nhất định khi đạt 456 bookings chỉ trong 6 ngày khởi động là một kết quả ấn tượng trong lĩnh vực bất động sản.

Với campaign “Tâm điểm Giá trị sống”, Mì làm mới khái niệm “thành công”, truyền tải tinh thần của chủ đầu tư, đồng hành với khách hàng trong quá trình tạo dựng phong cách sống bắt nhịp với thời đại mới.

* Anh chị thấy cuộc sống khởi nghiệp khác với đi làm trước đây như thế nào?

Anh Hiệp & chị Trang: Lúc mới thành lập, team Mì chỉ có 3 người và tụi mình vẫn còn làm song song hai việc. Trong tuần đi làm ở công ty, cuối tuần tụi mình tuyển thêm nhân sự cho Mì, xử lý các dự án của khách hàng.

Mọi người hay nghĩ khởi nghiệp là tự làm chủ nên thoải mái thời gian hơn. Nhưng từ khi làm Mì, tụi mình không còn có khái niệm về thời gian nữa, ngày nào cũng có thể là thứ hai và ngày nào cũng có thể là chủ nhật. Nếu trước đây đi làm ở công ty mình sẽ có các task cần làm hàng ngày thì sang agency với tính chất công việc theo từng dự án (project-based) đôi khi tụi mình lại không biết hôm sau sẽ làm gì cụ thể, đa số sẽ đi theo các deadline của dự án.

Mì phát triển theo văn hóa doanh nghiệp Agile, lấy sự linh hoạt làm trọng tâm và xoay quanh từ khóa chính là Dynamic – Năng động.

* Team Mì đã gặp những khó khăn gì ở giai đoạn mới thành lập?

Anh Hiệp: Đối với mình khó khăn nhất là vấn đề vốn vì có những dự án Mì tổ chức sự kiện hoặc activation sẽ cần ứng tiền trước. Thế nên câu chuyện xoay vòng vốn lúc đó khá nan giải vì nếu không giải quyết thì tụi mình sẽ mãi ở một quy mô như thế.

Mình quyết định chuyển dần từ việc dùng tiền tích lũy cá nhân sang kêu gọi nhà đầu tư. May mắn vì Mì đã có những dự án trước đó và sở hữu được đội ngũ có kinh nghiệm về cả mảng sáng tạo và quản lý dự án. Đó là một yếu tố quan trọng giúp Mì thuyết phục nhà đầu tư về năng lực và tiềm năng phát triển của team.

Nhờ có thêm nguồn vốn, Mì có khả năng nhận những dự án quy mô lớn và có cơ hội tiến xa hơn trong 1 năm trở lại đây.

* Anh chị có thể chia sẻ thêm về văn hóa doanh nghiệp của Mì được không ạ?

Anh Hiệp: Mình phát triển Mì theo văn hóa doanh nghiệp Agile, lấy sự linh hoạt làm trọng tâm và xoay quanh từ khóa chính là Dynamic – Năng động. Ví dụ như chỗ ngồi ở văn phòng của mọi người không cố định mà linh động từ đứng đến ngồi, từ quầy cà phê đến căng-tin. Khi có dự án, các bạn sẽ tự ngồi một chỗ chung với nhau và cùng làm việc để chốt phương án cuối cùng. Việc thoải mái như vậy giúp mọi người kết nối với nhau giữa các phòng ban dễ dàng hơn.

Xem thêm bài viết cùng chuyên mục tại đây.

Nghe thêm podcasts cùng chuyên mục tại đây.

Phương Quyên / Brands Vietnam
* Nguồn: Brands Vietnam