Marketer Brands Vietnam
Brands Vietnam

Community Admin @ Brands Vietnam

Brands Vietnam 2022 Review: Top 10 bài viết chọn lọc

Dưới đây là 10 bài viết tiêu biểu do ban chuyên môn Brands Vietnam gạn lọc để giới thiệu đến bạn đọc. Chúng tôi cho rằng mỗi bài viết đều chứa hàm lượng kiến thức bổ ích và nhiều quan điểm đáng để suy ngẫm trong năm 2022 này.

1. Mua kem đánh răng có nên khiến khách hàng lo lắng? | Bởi Nigel Hollis

Bài viết thể hiện quan điểm của ông Nigel Hollis – Former Executive Vice President & Chief Global Analyst tại Kantar Millward Brown. Ông chia sẻ sự lo lắng của bản thân mỗi khi phải tìm mua loại kem đánh răng thay thế vì không tìm thấy loại mà ông thường dùng. Ông đứng trước kệ trưng bày kem đánh răng trông đẹp mắt mà không ngừng bối rối: “Mình nên mua hãng Tom’s, Crest hay Colgate? Mình muốn dùng loại tẩy trắng răng, giúp hơi thở thơm mát, hay dành riêng cho nướu nhạy cảm? Mình nên chọn loại gel hay kem? Mình thích kem đánh răng có hương gì?...”.

Đấy không chỉ là khó khăn của riêng tác giả mà nhiều người tiêu dùng khác cũng gặp phải tình trạng tương tự. Thế marketer có thể làm gì để người tiêu dùng mua thương hiệu của mình dễ dàng hơn?

Mời marketer tham khảo “công thức” mà ông Nigel Hollis đề xuất tại đây.

2. Ba ngộ nhận khi đặt KPI nhận biết thương hiệu | Bởi Mai Hồng Ngọc

Từng nhiều năm giữ vị trí quản lý tại công ty quảng cáo Dentsu Redder và làm truyền thông tích hợp cho nhiều thương hiệu trong nước và đa quốc gia, tác giả Mai Hồng Ngọc cho biết marketer dễ bắt gặp mục tiêu tăng Brand Awareness trong nhiều chiến dịch. Ví dụ điển hình là tăng mức độ nhận biết của thương hiệu A sau chiến dịch. Cách đặt KPI chung chung như vậy tưởng là “ngầu” nhưng không giúp cho việc thực thi trở nên cụ thể hơn.

Theo tác giả, có 3 ngộ nhận về KPI Brand Awareness phổ biến: (1) Tăng nhận biết thương hiệu chỉ đơn giản là nhớ đến thương hiệu; (2) Quảng cáo chỉ tác động đến những người có nhận thức về chúng; (3) Các chỉ số xây dựng Brand Awareness đều có thể áp dụng cho mọi thương hiệu.

Để đọc chi tiết nội dung của từng ngộ nhận, mời marketer xem tại đây.

3. Trường hợp nào doanh nghiệp cần agency tư vấn chiến lược? | Bởi Nguyễn Quang Hiệp

Tác giả Nguyễn Quang Hiệp từng có 10 năm kinh nghiệm làm Brand Marketing ở Unilever, Masan Consumer, Wilmar, CJ Hàn Quốc, và 7 năm kinh nghiệm huấn luyện Brand Marketing tại CASK, AIM Academy & BMG. Bài viết chia sẻ quan điểm từ kinh nghiệm cá nhân của tác giả về sự khác biệt giữa hình thức coaching và consulting cũng như những trường hợp cần tư vấn thường gặp của doanh nghiệp. Qua đó phần nào phản ánh được tầm quan trọng của năng lực tư vấn ở những agency khác nhau trong hành trình giúp doanh nghiệp vượt qua sóng gió khi triển khai các hoạt động kinh doanh.

Mời marketer đọc đầy đủ bài viết tại đây.

4. Vì sao Netflix muốn chặn chia sẻ tài khoản? Câu trả lời là phễu mua hàng | Bởi Mark Ritson

Tác giả trích dẫn phát biểu của CEO Netflix, ông Reed Hastings trong một bài phỏng vấn 2016 rằng việc chia sẻ tài khoản không hẳn là điều xấu với doanh nghiệp. Tuy nhiên đến tháng 3/2021, Netflix bỗng nhiên yêu cầu người dùng xác thực tài khoản kèm theo lời nhắn nhủ: “Nếu bạn không sống cùng chủ tài khoản, thì hãy tự mua tài khoản để tiếp tục xem phim nhé”.

Tại sao Netflix lại tập làm người nghiêm khắc? Theo ông Mark, đơn giản là vì Netflix trở thành nạn nhân cho sự thành công của chính mình. Netflix nổi tiếng với sự phát triển “thần tốc”; và tốc độ tăng trưởng còn mạnh mẽ hơn nữa trong đại dịch. Nhưng bỗng chốc, đà tăng trưởng của các dịch vụ streaming tại các thị trường chủ lực như Mỹ và Anh có xu hướng chững lại trong thời gian gần đây.

Sử dụng nhiều năm kinh nghiệm làm việc với vai trò Global Brand Consultant cho McKinsey, Johnson & Johnson, Sephora..., tác giả dùng phễu mua hàng (Purchase Funnel) để giúp marketer hình dung dễ dàng hơn về những thách thức mà Netflix đối diện và nguồn cơn của việc yêu cầu mật khẩu từ người dùng.

Cùng tìm hiểu cách ông Mark Ritson dùng phễu mua hàng để giải thích về hành động của Netflix tại đây.

5. “Mình có lẽ đã trở thành Senior sớm hơn, nếu biết những điều này” | Bởi Hoàng Nguyễn

Tác giả Hoàng Nguyễn là Head of Product Design, GEEK Up, và còn được biết đến với vai trò Giám khảo chuyên môn cho Behance Portfolio Review tại Việt nam từ năm 2016.

“Senior” là thuật ngữ mô tả những người có nhiều kinh nghiệm, sự hiểu biết và khả năng chuyên môn được nâng cao qua nhiều năm làm việc. Thông thường, người đi làm sẽ phải trải qua các giai đoạn từ Intern, Fresher, Junior – những thử thách ở các giai đoạn này sẽ giúp nâng cao năng lực và trình độ để bắt đầu có hiệu suất nổi bật.

Người viết cho rằng điều làm nên Senior không chỉ là năng lực chuyên môn, mà nó là sự trưởng thành trong suy nghĩ và nhận thức của họ trong môi trường công việc. Vì thế, lời khuyên của tác giả cho những bạn đang bắt đầu sự nghiệp là ngay từ lúc này “hãy cư xử như một Senior, trước khi được gọi là Senior”.

Vậy thế nào là “cư xử như một Senior”? Cùng tìm hiểu qua chia sẻ của tác giả Hoàng Nguyễn tại đây.

6. Performance Marketing #9: Data Analytics – Ứng dụng phân tích dữ liệu để xác định vấn đề và giải pháp | Bởi Hạnh Lê

Tác giả cho biết một trong những đặc điểm điển hình của Performance Marketing chính là việc hiểu rõ những chỉ số cần thu thập và đo lường, từ đó sử dụng các dữ liệu này như xương sống cho mọi hoạt động và quyết định trong quá trình lên kế hoạch, thực thi, tối ưu hoạt động marketing. Trong bài viết này, tác giả Hạnh Lê đưa marketer đi sâu vào thế giới dữ liệu với cách diễn giải dễ hiểu những khái niệm liên quan đến dữ liệu. Đi kèm theo mỗi khái niệm là những ví dụ rõ ràng, cụ thể nhằm giúp marketer dễ hình dung hơn và phần nào cảm thấy "dễ thở" hơn khi làm việc với số liệu.

Cùng hiểu thêm về bức tranh tổng quan của lĩnh vực e-Commerce và người làm nghề tại đây.

7. 6 chiến dịch marketing toả sáng hơn khi tận dụng thế mạnh đặc thù của Mobile | Bởi Thảo Nguyên

Theo tác giả, Mobile Marketing được xem là “trợ thủ đắc lực” trong bất kỳ chiến dịch nào ngày nay. Bởi nhờ sự tăng trưởng mạnh mẽ của lượng người dùng smartphone cũng như tần suất dùng, Mobile Marketing có khả năng làm thay đổi hiệu quả hoạt động kinh doanh của thương hiệu.

Trong bài viết, tác giả điểm lại những chiến dịch marketing tận dụng hiệu quả thế mạnh đặc thù của Mobile như SMS (“Hệ thống cảnh báo dịch bệnh tự động” của Lifebuoy), AR ( “Nông trại bay” của Dutch Lady Vietnam), QR Code (chiến dịch đánh dấu hành trình 10 năm có mặt tại Việt Nam của ALDO), Bluetooth (“Đặc vụ X” từ X-Men), Location Based (“Whopper Detour” của Burger King), và Native Mobile App (“The protection ad” của Nivea Brazil).

Mời marketer tìm hiểu cụ thể các chiến dịch Mobile Marketing điển hình tại đây.

8. Bookaholic #15 – How Brands Grow: Vén màn 5 đúc kết từ cuốn sách “bóc trần” sự thật về marketing | Bởi Thu Nga

Cuốn sách dành cho “con dân” ngành marketing, những bạn đọc hứng thú với việc tìm hiểu cách khoa học tác động lên quá trình lên chiến lược và triển khai các hoạt động Marketing. Hoặc nếu bạn chỉ đơn giản là người muốn hiểu thế giới quảng cáo vận hành như thế nào, cuốn sách này cũng là một lựa chọn không tồi.

Theo đó, người viết đã đúc kết 5 điều từ cuốn sách “How Brands Grow” và giới thiệu đến cộng đồng Brands Vietnam như sau: (1) Hoạt động Marketing nên dựa trên những đúc kết được khoa học chứng minh thay vì dựa vào những quan điểm phổ biến; (2) Khách hàng có tần suất mua cao không thể nào “gánh” đến 80% doanh số; (3) Cam kết về mặt cảm xúc của người tiêu dùng với thương hiệu không thực sự mạnh đến thế; (4) Marketing nên tập trung vào việc khiến thương hiệu trở nên dễ nhận biết thay vì cố trở nên khác biệt; (5) Quảng cáo hiệu quả là nhờ khả năng tác động lên trí nhớ con người với nhóm đối tượng chính là nhóm light buyers.

Marketer có thể đọc chi tiết các đúc kết tại đây.

9. Thị trường giấc ngủ trị giá hàng nghìn tỉ USD và đang được khai phá | Bởi SocialPeta Marketing

Mất ngủ ngày càng trở nên phổ biến ở các thành phố và quốc gia phát triển, kéo theo những cơ hội kinh doanh liên quan tới giấc ngủ. Thị trường này tại Mỹ đã vượt mốc 100 tỉ USD và trở nên phổ biến nhất trong ngành chăm sóc sức khoẻ, thu hút nhiều công ty tham gia thị trường. Có đến 30% trong 100 sản phẩm sức khoẻ và thể dục bán chạy nhất tại Mỹ là các ứng dụng dành cho giấc ngủ. Và nền kinh tế giấc ngủ toàn cầu cũng đang bùng nổ.

Theo đó, trong phạm vi bài viết này, SocialPeta Marketing đã tổng hợp và chia sẻ đến marketer sự tương đồng giữa các ứng dụng giấc ngủ. Đấy là thử thách lớn cho các nhà phát triển để tạo nên sự khác biệt cho sản phẩm, dịch vụ. Thế nên, SocialPeta đã đưa ra một số đề xuất với hy vọng giúp marketer có thể tạo sự khác biệt thông qua quảng cáo.

Cùng xem thêm những kiểu quảng cáo điển hình của ứng dụng giấc ngủ tại đây.

10. 5 bài học cho marketer đúc kết từ vòng loại World Cup 2022 | Bởi Mai Hồng Ngọc

Khi mà cả thế giới đang hướng về giải bóng đá lớn nhất hành tinh, dưới góc nhìn của một marketer, thật sự có rất nhiều bài học có thể ứng dụng cho “Quản lý dự án truyền thông”. Tác giả đã đúc kết được 5 bài học thú vị từ vòng loại World Cup 2022 và chia sẻ đến cộng đồng marketer trên Brands Vietnam.

Trong đó, người viết đưa ra một ví dụ về chiến thắng của Nhật Bản trước hai cựu vô địch là Đức và Tây Ban Nha. Trong khi Đức và Tây Ban Nha giữ lối chơi chủ quan, phiêu lưu trong cả 2 hiệp, Nhật Bản đổi chiến thuật ở hiệp 2, đẩy mạnh tấn công song song duy trì hàng phòng ngự chặt chẽ. Từ đó, tác giả cho rằng khi tham gia bất kỳ dự án nào, marketer cũng cần giữ sự tập trung cao độ, và quan sát kỹ lưỡng mọi sự vật, sự việc trong quá trình triển khai dự án. Hãy loại bỏ những tư tưởng, suy nghĩ chủ quan, kiêu ngạo, và đặc biệt thận trọng với đối thủ. Có như vậy, marketer mới sẵn sàng đối diện và nhanh chóng ứng phó với bất kỳ tình huống bất ngờ nào.

Cùng xem 4 bài học còn lại chị Ngọc đề cập trong bài viết tại đây.

Theo Thảo Nguyên / Brands Vietnam
* Nguồn: Brands Vietnam