Young Agencies #17: Ivy+Partners – PR không chỉ là “Press Relations”

“Dù là khách hàng, nhà cung cấp hay nhân viên, Ivy+Partners cũng đều xem họ là những cộng sự, cùng đóng góp giá trị tích cực cho xã hội. Đó là lý do mà công ty có tên gọi Ivy+Partners với dấu ‘+’ ở giữa thể hiện sự gắn kết với những Partners”.

Đó là những chia sẻ của chị Ivy Nhi Châu, Founder của Ivy+Partners, một PR Consulting Agency. Dù chỉ mới thành lập vào năm 2021, Ivy+Partners đã sở hữu danh sách khách hàng trải dài đa dạng ngành hàng như: Toyota, Marou, L’Alya Ninh Vân Bay, Ascend Vietnam Ventures, Billboard Vietnam, Schindler Việt Nam, Betolar, Vietcetera, Maersk Việt Nam…

Hãy cùng Brands Vietnam khám phá hành trình xây dựng và phát triển của Ivy+Partners qua những chia sẻ của chị Ivy Nhi Châu trong bài viết dưới đây.

Young Agencies là series do Brands Vietnam sản xuất nhằm giới thiệu những agency trẻ, triển vọng trong lĩnh vực tiếp thị, truyền thông và quảng cáo của Việt Nam hiện nay. Bởi những nhân tố trẻ, tài năng cần được trao cơ hội để làm mới cũng như nâng cao chuẩn mực của ngành.

Nếu bạn là một agency trẻ thoả mãn hai điều kiện sau: Founder khởi nghiệp trước 30 tuổi và Agency hoạt động dưới 3 năm, hãy gửi portfolio cho chúng tôi qua email: [email protected]. Có thể bạn sẽ trở thành nhân vật tiếp theo của series này.

* Đầu tiên, chị hãy chia sẻ về động lực thành lập Ivy+Partners?

Trước khi thành lập Ivy+Partners, tôi có hơn 7 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực truyền thông với nhiều vai trò khác nhau. Thời sinh viên, tôi đã có cơ hội cộng tác với một số trang tin như YAN News, Yeah1, L’Officiel Vietnam Magazine… Sau khi rời ghế nhà trường, tôi bắt đầu công việc toàn thời gian đầu tiên tại Amberstone Media – công ty chuyên về tổ chức sự kiện âm nhạc và quản lý nghệ sĩ. Đây là công việc giúp tôi tích lũy kinh nghiệm liên quan đến mảng truyền thông, sự kiện và có cơ hội làm việc với nhiều nghệ sĩ trong và ngoài nước.

Chị Ivy Nhi Châu, Founder của Ivy+Partners.

Tôi tiếp tục hành trình của mình tại Vero – một agency truyền thông tích hợp trong khu vực Đông Nam Á. Đây là nơi tôi được tiếp cận với PR một cách chuyên sâu hơn, thực tiễn hơn thông qua việc lập kế hoạch chiến lược PR, quản lý quan hệ truyền thông và Influencer của công ty. Khép lại hành trình với Vero, tôi đã được giao đảm nhiệm vị trí Head of Partnerships lại Vietcetera Media.

Thời điểm đó, bên cạnh công việc full-time, tôi cùng một nhóm bạn – những người đam mê PR đã cùng nhau tham gia vào một vài project nhỏ như làm PR cho dự án ra mắt nhà hàng, triển lãm nghệ thuật của những người bạn… Những “phi vụ” nhỏ đó là nền móng cho quyết định thành lập Ivy+Partners sau này.

Sau một thời gian, tôi quyết định bước ra ngoài “comfort zone” để thỏa mãn đam mê về PR. Tôi thành lập PR Consulting Agency với mục đích trở thành cầu nối để gắn kết thương hiệu với các bên liên quan như đơn vị tổ chức sự kiện, báo chí... và mang các thông điệp thương hiệu lan tỏa qua những kênh khác nhau, chạm đến đối tượng mục tiêu. Và Ivy+Partners được thành lập, ngay sau khi lệnh cách ly COVID-19 được gỡ bỏ.

Với tôi, đây thực sự là một quyết định liều lĩnh vì mở công ty trong một giai đoạn khá là nhạy cảm. Nhưng khi nhìn lại tôi vẫn cảm thấy rất tự hào bởi vì quyết định đó đã mở ra cho tôi rất nhiều cơ hội lớn.

* Những khó khăn mà Ivy+Partners phải đối mặt khi mới thành lập là gì?

Như bất kỳ agency non trẻ nào, chúng tôi cũng cần giải quyết thử thách về sự tin tưởng và nhân sự. Vì là một agency vẫn còn khá trẻ nên ở giai đoạn đầu, Ivy+Partners đã gặp không ít khó khăn để lấy được sự tin tưởng từ những client lớn. Nhưng với tôi, yếu tố "trẻ" cũng chính là điểm sáng để thuyết phục khách hàng. Vì không bị giới hạn trong những quy trình sẵn có nên chúng tôi có được sự linh hoạt và đáp ứng được nhiều nhu cầu khác nhau của khách hàng.

Còn về nhân sự, dù đưa ra những chính sách tuyển dụng khá hấp dẫn nhưng chúng tôi vẫn còn gặp khó khăn trong việc “hấp dẫn” và duy trì nhân tài. Hiện nay, chúng tôi ưu tiên “ươm mầm” các “hạt giống” trẻ, có cùng tầm nhìn với công ty để tìm kiếm những “partners” lâu dài.

Đội ngũ Ivy+Partners.

* Hiện tại, Ivy+Partners đang cung cấp những dịch vụ nào? Và phân khúc khách hàng nào mà công ty đang tập trung hướng tới?

Những ngày đầu, phân khúc khách hàng mà Ivy+Partners hướng tới là những doanh nghiệp SMEs. Đây là nhóm khách hàng có ngân sách PR khiêm tốn hoặc đang có nhu cầu tìm kiếm đối tác thực thi các dự án nhỏ. Khi đã "vững" hơn, công ty cũng có cơ hội cộng tác với những khách hàng tên tuổi ở đa dạng lĩnh vực. Để đáp ứng được đa dạng nhu cầu của từng đối tượng khách hàng, các gói dịch vụ cũng được tùy chỉnh khá linh hoạt. Hiện nay, chúng tôi có cơ hội làm việc với những khách hàng không chỉ ở Việt Nam mà còn ở các nước trong khu vực Đông Nam Á hay xa hơn nữa là Phần Lan, Nhật Bản…

Hiện tại, Ivy+Partners đang cung cấp 5 dịch vụ chính gồm: PR, Digital Communication, KOLs Engagemnent, Business Matching và Personal Branding.

Ba dịch vụ đầu tiên khá quen thuộc trong lĩnh vực PR. Thế mạnh của chúng tôi là định vị tư vấn, thiết kế các chiến lược phù hợp với quy mô và nhu cầu của từng khách hàng. Hai dịch vụ Personal Branding và Business Matching là 2 dịch vụ mà theo tôi vẫn còn khá mới trong ngành.

Đối với Personal Branding, theo quan sát của tôi việc xây dựng thương hiệu cá nhân không chỉ dành cho các nghệ sĩ. Đơn cử như thương hiệu cá nhân của người sáng lập một start-up phần nào hỗ trợ lan tỏa tư duy, tầm nhìn của tổ chức và tố chất lãnh đạo để thu hút các nhà đầu tư, nhân tài...

Còn về Business Matching, đây là gói dịch vụ nhằm giới thiệu, kết nối đối tác, nhà tài trợ, hoặc giữa nhà đầu tư với start-up… các bên có chung mục tiêu và tầm nhìn để có thể đi cùng nhau đạt được những mục đích chung trong dài hạn. Là một PR consulting agency, chúng tôi thấu hiểu “PR” không chỉ là “press relations” mà còn đóng vai trò như “connector” (người kết nối) hay “community builder” (người xây dựng cộng đồng).

* Có quan điểm cho rằng “Hễ nhắc đến những điều tiêu cực liên quan đến truyền thông, nhiều người nghĩ ngay đó là PR”. Vậy chị nghĩ gì về việc PR bị “gắn mác” như vậy?

“PR” không chỉ là “press relations” mà còn đóng vai trò như “connector” (người kết nối) hay “community builder” (người xây dựng cộng đồng).

Với tôi, đây thực sự là một quan điểm đáng buồn, bởi vì điều đó chứng tỏ rằng nhiều người vẫn chưa hiểu hết về PR. Lý do cho việc “gắn mác” này đến từ việc PR chỉ được nhìn nhận ở khía cạnh báo chí. Trong khi, bản chất của PR là Public Relations, liên quan nhiều bên từ nội bộ đến đối tác bên ngoài như stakeholder, association, government, public… Ví dụ quản lý Public Relations của một công ty sẽ có các nhiệm vụ liên quan đến quản lý mối quan hệ với client, partner, cổ đông… hoặc là các Sở, Bộ ban ngành liên quan.

Và theo tôi, việc làm PR có hiệu quả hay không nằm ở việc khai thác “power of story, power of connections” – nghĩa là xây dựng nên câu chuyện đủ “sức nặng” và chiến lược vận dụng những mối quan hệ, những kênh truyền thông để lan toả câu chuyện đó. Việc thông tin, câu chuyện truyền đi chính xác, đúng thời điểm, đúng đối tượng mục tiêu có thể tạo nên ảnh hưởng nhất định. Khi đó, công chúng có thể hình thành một cái nhìn bao quát và tạo nên lòng tin, “brand love” dành cho một cá nhân hay tổ chức.

Những chiêu trò PR còn có tên gọi khác là “PR đen”. Nhiều người cho rằng đây là cách nhanh nhất để có thể tiếp cận và thu hút được sự chú ý của công chúng. Tôi không khuyến khích cách làm này vì mỗi thông tin đưa ra bên ngoài cần được truyền tải đúng mục đích và chính xác để tối ưu được hiệu quả truyền thông. Việc lôi kéo sự chú ý của công chúng về một vấn đề bên lề, một scandals có thể tạo ra sự chú ý trong nhất thời nhưng không đạt được mục đích cuối cùng là tạo nên lòng tin, sự trung thành hay yêu mến dành cho thương hiệu đó. Và một thông tin không chính thống một khi đã được đưa lan truyền thì khó có thể xóa bỏ được, nhất là trong thời đại số như ngày nay.

“PR có hiệu quả hay không nằm ở việc khai thác ‘power of story, power of connections’ – xây dựng nên câu chuyện đủ ‘sức nặng’ và vận dụng mối quan hệ, kênh truyền thông để lan toả câu chuyện đó”.

* Chị hãy chia sẻ một vài case-study Ivy+Partners từng thực hiện mà bản thân cảm thấy ấn tượng.

Đối với tôi, một trong những case-study đáng nhớ nhất là lần hợp tác cùng với Betorla – công ty công nghệ vật liệu tại Phần Lan chuyên cung cấp bê tông bền vững thay thế xi-măng. Lúc đó, Betolar đang có kế hoạch tổ chức lễ ký thỏa thuận hợp tác với CTCP Phát triển Trung Hiếu nhằm giới thiệu giải pháp vật liệu thay thế xi-măng đến thị trường Việt Nam. Ivy+Partners đảm nhận vai trò tư vấn, lên kế hoạch về nội dung và phương án lựa chọn những đơn vị báo chí phù hợp trong ngành hàng này.

Ivy+Partners tại sự kiện họp báo của Betorla.

Trong chiến dịch này, Ivy+Partners phải đối mặt với hai thách thức lớn. Một là thời gian diễn ra sự kiện ký kết hợp tác khá gấp rút khi chúng tôi xác nhận tham gia chiến dịch này trước đó khoảng 7 ngày. Hai là đây là lĩnh vực khá đặc thù, chúng tôi phải “tiêu thụ” và tìm cách truyền tải đúng một lượng lớn các thông tin liên quan đến chuyên ngành và về một sản phẩm hoàn toàn mới tại Việt Nam.

Nhưng sau cùng, kết quả dự án đã vượt xa mong đợi, và đa phần các chỉ số đều cao gấp 3 đến 4 lần so với những thị trường khác như Ấn Độ, Indonesia… Khách hàng đã rất hài lòng và nhìn nhận việc ra mắt tại Việt Nam được xem là thành công nhất trong các thị trường khác tại cùng thời điểm.

* Vậy Ivy+Partners xây dựng văn hóa doanh nghiệp như thế nào?

Hiện tại, 5 giá trị chính mà công ty đang xây dựng là: trust, never still, well-being, shared-value, và authentic.

Đội ngũ Ivy+Partners luôn nỗ lực khám phá và tiếp thu những điều mới mẻ

  • Trust: Niềm tin sẽ giúp hai bên có sự gắn kết chặt chẽ hơn. Bởi vì khi làm PR, điều quan trọng là bạn phải hiểu và tin tưởng vào sản phẩm đó để có thể thay khách hàng kể câu chuyện của thương hiệu sao cho trọn vẹn.
  • Never still: Đội ngũ Ivy+Partners luôn mong muốn được khám phá và tiếp thu những điều mới mẻ. Bởi vì một tập thể đang đi lên đồng nghĩa với việc mỗi cá nhân trong đó cũng đang dần phát triển và ngược lại.
  • Well-being: Chúng tôi khuyến khích và tạo cơ hội cho nhân viên quan tâm và chăm sóc bản thân từ thể chất đến tinh thần để có thể làm việc và tận hưởng cuộc sống trong điều kiện tốt nhất. Trong tương lai, chúng tôi đang xây dựng các chính sách phù hợp để chăm sóc sức khỏe tinh thần cho đội ngũ.
  • Authentic: Với giá trị này, Ivy+Partners muốn thể hiện đúng giá trị của mình khi làm việc cùng khách hàng. Chúng tôi cũng mong muốn được kể câu chuyện của khách hàng theo một cách nguyên bản và chân thật nhất.
  • Shared-value: Dù là khách hàng, nhà cung cấp hay nhân viên, Ivy+Partners cũng đều xem họ là những cộng sự, cùng đóng góp giá trị tích cực cho xã hội. Đó là lý do mà công ty có cụm “Partners” trong tên gọi của mình. Và cũng là lý do Ivy+Partners cam kết đồng hành cùng những project NGO để góp phần “giving back to community” bằng khả năng của mình ít nhất mỗi quý 1 lần.

* Định hướng phát triển trong tương lai của Ivy+Partners là gì?

Trong 3 năm tới, Ivy+Partners muốn mở rộng thêm network sang nhiều thị trường khác trong khu vực. Chúng tôi cũng đánh giá và bổ sung thêm dịch vụ để có thể phục vụ khách hàng sâu sát hơn. Sau cùng, đội ngũ nhân sự sẽ đầu tư vào công nghệ để nâng cấp quá trình vận hành, giúp mang lại kết quả tốt nhất cho khách hàng, nhân viên làm việc hiệu quả hơn và tiết kiệm chi phí hơn.

* Cảm ơn những chia sẻ thú vị của chị.

Để tìm hiểu thêm dịch vụ của Ivy+Partners mời bạn tham khảo website: https://ivynpartners.com/

Xem thêm bài viết cùng chuyên mục tại đây.

Thảo Nguyên / Brands Vietnam
* Nguồn: Brands Vietnam