Data Station #34: Bàn về báo cáo trực tuyến ngành bất động sản cùng đại diện YouNet Media

YouNet Media chính thức ra mắt báo cáo trực tuyến “Theo dõi 250 dự án bất động sản mở bán được thảo luận trên mạng xã hội & Báo chí trực tuyến” vào tháng 9/2022. Cấu trúc báo cáo đi từ thống kê số lượng thảo luận về dự án đến phân tích chất lượng dự án thông qua sắc thái của thảo luận. Marketer ngành bất động sản có thể tận dụng các số liệu này như thế nào?

Hãy cùng Brands Vietnam tìm câu trả lời qua chia sẻ của chị Mai Cẩm Linh – Business Development Director tại YouNet Media, về những điểm nổi bật trong báo cáo trên.

Không chỉ đơn thuần chia sẻ những báo cáo hữu ích, Data Station là loạt bài phỏng vấn đào sâu vào các kết quả nghiên cứu, dưới góc nhìn của người trong cuộc, nhằm đưa ra những quan điểm sâu sắc và đề xuất có tính ứng dụng cao cho kế hoạch marketing sắp tới của bạn.

* Trước hết, chị có thể chia sẻ về bối cảnh ra mắt báo cáo “Theo dõi 250 dự án bất động sản mở bán được thảo luận trên mạng xã hội & Báo chí trực tuyến”?

Chị Mai Cẩm Linh – Business Development Director tại YouNet Media

Có thể thấy sau đại dịch, ngành bất động sản rục rịch trở lại hoạt động và nhiều dự án đồng loạt được mở bán. Điều này dẫn đến việc xuất hiện nhiều nguồn cung cấp thông tin cho người mua như nguồn cung, sức mua hay giá bán… Và chúng tôi cũng nhận thấy trên thị trường, chưa có báo cáo thể hiện được toàn diện mức độ quan tâm và thảo luận của người dùng về dự án bất động sản trên nền tảng kỹ thuật số, cụ thể là mạng xã hội và báo trực tuyến (online news). Với thế mạnh về Social Listening, chúng tôi quyết định ra mắt báo cáo “Theo dõi 250 dự án bất động sản mở bán được thảo luận trên mạng xã hội & Báo chí trực tuyến”. Qua đó, thương hiệu và chủ đầu tư có thể cập nhật dữ liệu về sự chuyển động của toàn ngành bất động sản định kỳ hằng tháng.

Trong quá trình hình thành báo cáo, chúng tôi thu thập thảo luận, bài viết dựa trên từ khoá liên quan đến dự án, xử lý dữ liệu rồi trực quan hoá chúng để việc theo dõi dễ dàng hơn. Những chỉ số, biểu đồ thể hiện trên báo cáo được đúc kết dựa trên kinh nghiệm tư vấn của YouNet Media. Nghĩa là chúng tôi chọn ra những thông tin quan trọng với thương hiệu, chủ đầu tư trong quá trình cải thiện hoạt động kinh doanh.

* Vậy những nội dung chính nào được đề cập trong báo cáo hằng tháng?

Trước hết tôi muốn chia sẻ rằng báo cáo này sẽ phù hợp với những cá nhân đang làm việc trong lĩnh vực bất động sản như chủ đầu tư, nhà phát triển dự án, sàn giao dịch bất động sản… Việc theo dõi chuyển động ngành hằng tháng giúp họ nắm được những thông tin như: dự án đang mở bán có nằm trong top các dự án được người mua bất động sản quan tâm thảo luận nhiều hay không, dự án nào trong khu vực, cùng tỉnh thành hoặc tỉnh thành lân cận đang vượt trội hơn về mức độ quan tâm, và sự quan tâm thảo luận có tỉ lệ tích cực, tiêu cực ra sao. Như vậy, với những thông tin trên, những cá nhân đang làm Marketing/ PR/ Branding/ Communications trong lĩnh vực bất động sản có thể theo dõi nhanh danh tiếng dự án đang được đầu tư quảng bá.

Báo cáo gồm 3 nội dung chính: (1) tổng quan tình hình thảo luận về 250 dự án bất động sản đang mở bán trên toàn quốc; (2) top 10 tỉnh thành đang có dự án bất động sản mở bán được bàn luận nhiều nhất; (3) top 10 dự án bất động sản mở bán có nhiều thảo luận nhất.

Tôi điểm qua một vài con số thú vị mà YouNet Media ghi nhận được trong 3 tháng gần nhất. Từ tháng 6-8/2022, 10 dự án dẫn đầu về tổng thảo luận trên mạng xã hội và báo trực tuyến luôn chiếm hơn 50% thảo luận từ tổng số 250 dự án đang mở bán. Tính riêng trong tháng 8/2022, top 10 dự án thống trị lượng thảo luận trên mạng xã hội và báo trực tuyến là Tập đoàn Hưng Thịnh (1 dự án), Vinhomes (4 dự án), Masterise (2 dự án), Novaland (1 dự án), Xuân Mai Corp (1 dự án) và Meyland của Tập đoàn Tân Á Đại Thành (1 dự án).

10 dự án dẫn đầu về tổng thảo luận trên mạng xã hội và báo trực tuyến luôn chiếm hơn 50% thảo luận từ tổng số 250 dự án đang mở bán

Ở chiều ngược lại, 240 dự án còn lại cũng có được số liệu toàn cảnh thị trường, cũng như nắm được mức độ quan tâm dự án của doanh nghiệp, từ đó, điều chỉnh chiến lược phù hợp hơn.

* Báo cáo tháng 8/2022 có đề cập đến Top 10 dự án mở bán trên toàn quốc được người dùng quan tâm nhất ở 2 phương diện: (1) Lượt tìm kiếm trên Google và (2) Lượng thảo luận của người dùng trên MXH. Điều gì làm nên sự khác biệt về top 10 dự án ở 2 nền tảng này?

Tôi cũng muốn chia sẻ một câu chuyện đằng sau quá trình triển khai báo cáo. Vì năng lực chính của YouNet Media là Social Listening, nên ban đầu, chúng tôi muốn cung cấp thông tin liên quan đến mức độ quan tâm dự án trên mạng xã hội, báo trực tuyến. Nhưng chúng tôi nhận thấy thế là chưa đủ để mang đến cho người đọc báo cáo cái nhìn toàn diện hơn về thị trường.

Nên cuối cùng, đội ngũ thực hiện báo cáo quyết định bổ sung thêm góc nhìn về lượt tìm kiếm trên Google Search. Đối với ngành bất động sản, lượt tìm kiếm trên Google là một trong những thước đo cho thấy mức độ quan tâm về dự án. Bởi theo quan sát của YouNet Media, tìm hiểu dự án bất động sản thông qua Google Search là một trong những hành vi nổi bật của nhiều người mua.

Vậy câu hỏi đặt ra là liệu dự án được thảo luận/ nói đến nhiều trên mạng xã hội có đồng nghĩa với việc dự án đó sẽ được tìm kiếm nhiều trên công cụ Google Search không? Trong quá trình thu thập dữ liệu và phân tích, chúng tôi nhận thấy mối tương quan rõ rệt giữa 2 dữ liệu này trong top 5 dự án dẫn đầu về lượng thảo luận trên mạng xã hội. Cụ thể, top 5 dự án có nhiều thảo luận nhiều nhất trên mạng xã hội cũng là top 5 dự án được tìm kiếm nhiều nhất trên Google Search. Tôi ví dụ trong báo cáo tháng 8/2022, dự án của Tập đoàn Hưng Thịnh (Merry Land Quy Nhơn) và Vinhomes (Vinhomes Ocean Park, Vinhomes Grand Park, Vinhome Smart City) là top 5 dự án vừa được thảo luận nhiều nhất trên mạng xã hội vừa dẫn đầu về lượt tìm kiếm trên Google.

* Được biết báo cáo có đo lường sắc thái cảm xúc của người dùng khi thảo luận về các dự án BĐS. Chị có thể chia sẻ thêm định nghĩa các sắc thái cảm xúc và cách xác định thảo luận tích cực/ tiêu cực/ trung lập?

Cấu trúc báo cáo đi từ thống kê số lượng thảo luận về dự án đến phân tích chất lượng dự án thông qua sắc thái của thảo luận. Theo dữ liệu nghiên cứu của YouNet trong 3 năm qua, bất động sản luôn nằm trong top 5 ngành hàng thường xuyên gặp khủng hoảng và nhận nhiều tin tiêu cực trên mạng xã hội. Người mua lại dễ bị ảnh hưởng bởi thông tin tiêu cực, ảnh hưởng đến quá trình ra quyết định mua. Vì vậy, việc theo dõi, phân tích sắc thái tiêu cực, tích cực, trung lập của thảo luận về dự án giúp thương hiệu, chủ đầu tư có thể nắm bắt nhanh tình hình, và đưa ra giải pháp kịp thời.

Trong phạm vi báo cáo này, chúng tôi dùng trí tuệ nhân tạo (AI), và cụ thể là hệ thống phân tích ngôn ngữ tự nhiên (Natural Language Processing – NLP). Nói một cách dễ hiểu, hệ thống sẽ được học một bộ từ điển gồm các từ, cụm từ thể hiện sắc thái cảm xúc tích cực, tiêu cực, trung tính của người dùng mạng xã hội khi nói về các thông tin, dự án bất động sản. Sau khi hệ thống máy học xong những dữ liệu trong từ điển có sẵn, máy sẽ bắt đầu quét, đánh giá và rồi phân loại các thảo luận đúng như bộ từ điển định nghĩa ban đầu. Và đồng thời, với những thảo luận, “từ vựng” mới được người dùng MXH tạo ra mỗi ngày, kho từ điển của hệ thống sẽ liên tục được cập nhật, nhằm đảm bảo độ chính xác của việc phân loại bởi AI trên mức 70%.

* Chị hãy cho biết các nhóm đối tượng thảo luận và những chủ đề thảo luận nổi bật mà báo cáo ghi nhận được là gì?

Báo cáo ghi nhận 4 nhóm đối tượng thảo luận chính là (1) Salesman, (2) sàn giao dịch bất động sản, (3) khách mua nhà/đầu tư, (4) chủ đầu tư/nhà phát triển bất động sản. Trong báo cáo tháng 8/2022, lượng thảo luận của khách mua nhà/ đầu tư trên mạng xã hội chiếm 20%. Trong khi đó, lượng thảo luận đến từ chủ đầu tư, nhà phát triển chỉ chiếm 14% tổng thảo luận. Phần trăm thảo luận còn lại thuộc về Salesman và các sàn giao dịch. Vì vậy, so với nhiều ngành hàng khác, việc quản trị thông tin quảng bá về dự án là thách thức lớn đối với chủ đầu tư/nhà phát triển trong ngành bất động sản.

2 chủ đề mà người mua đặc biệt quan tâm thảo luận nhiều khi dự án ra mắt trên mạng xã hội là “Uy tín Chủ đầu tư” và “Pháp lý dự án”. Đây cũng là 2 chủ đề phổ biến thường xuất hiện trong các tin tiêu cực của ngành bất động sản. Thế nên, chủ đầu tư, nhà phát triển hoặc sàn giao dịch cần quản trị, theo dõi chặt chẽ nhóm thông tin này.

* Còn về nguồn thảo luận, chị có thể chia sẻ vì sao báo cáo chia Facebook thành các kênh thảo luận như Facebook Profile, Facebook Fanpage, Facebook Group? Vai trò của Facebook Group đối với thị trường bất động sản là gì?

Có thể nói, Facebook là một trong những nền tảng quan trọng trong quá trình quản trị thông tin của thương hiệu bất động sản. Bởi có hơn 80% thảo luận về dự án bất động sản đến từ nền tảng này.

Để phân tích sâu thêm đặc trưng của từng nhóm người dùng tạo ra thảo luận trên nền tảng Facebook, chúng tôi phân loại thành 3 loại tài khoản: Facebook Profile, Facebook Fanpage và Facebook Group. Mỗi nhóm này sẽ có những vai trò về mặt thông tin khác nhau.

Trong đó, Facebook Fanpage bao gồm Fanpage chính thức của thương hiệu, nhà phát triển dự án, sàn đăng tải thông tin chính thống, hay tương tác với khách hàng tiềm năng. Facebook Profile được nhắc đến ở báo cáo thường là trang cá nhân của những người dùng có nhu cầu mua dự án, đăng bài nhờ bạn bè góp ý. Sau cùng, Facebook Group là những nhóm cộng đồng được chia theo khu vực (miền Nam, miền Bắc, tên các tỉnh thành..), chia theo mục đích sử dụng (cho thuê, mua bán, review…) hoặc chia theo các hội nhóm cư dân (Vinhomes, An Gia...).

Trong 3 kênh kể trên, Facebook Group là kênh chiếm nhiều lượng thảo luận nhất với khoảng 30%. Đáng chú ý, đây cũng là kênh mà chúng tôi ghi nhận có hơn 50% tin tiêu cực được phát tán trong 3 năm trở lại đây. Các thông tin tiêu cực được chia sẻ trong Facebook Group rất dễ lan truyền sang nhiều nền tảng khác và khó kiểm soát hơn.

Như vậy, thương hiệu cần siết chặt việc theo dõi, quản trị thông tin về dự án trên Facebook Group. Tôi lưu ý rằng quản trị thông tin không đồng nghĩa với việc gỡ bỏ những bình luận xấu. Thay vào đó, thương hiệu cần biết được thảo luận về dự án là tích cực, hay tiêu cực. Từ đó cung cấp thông tin đúng, khách quan hơn để người dùng có thể đối chiếu và đưa ra quyết định chính xác hơn.

Facebook Group là kênh chiếm nhiều lượng thảo luận nhất

* Sau cùng, với kinh nghiệm bản thân, chị có lưu ý gì cho marketer ngành bất động sản khi theo dõi và quản trị thông tin trên mạng xã hội?

Dựa trên kinh nghiệm tư vấn của bản thân, tôi thấy nhu cầu theo dõi và quản trị thông tin chia thành nhiều cấp độ từ cơ bản đến nâng cao.

Đầu tiên là nhu cầu liên quan đến việc theo dõi liên tục để cảnh báo thông tin tiêu cực liên quan đến dự án của doanh nghiệp. Và việc phát hiện càng sớm sẽ giúp thương hiệu giải quyết vấn đề sớm hơn, giảm thiểu tối đa rủi ro có thể xảy ra.

Thứ hai là theo dõi để biết dự án đang được đón nhận ra sao và so sánh với những dự án trong cùng thị trường, phân khúc. Thương hiệu có thể đối chiếu dữ liệu thu về với mục tiêu đề ra ban đầu; từ đó xác định được điểm mạnh hay thiếu sót mà đề ra hướng giải quyết phù hợp.

Tiếp theo là Advocacy Marketing, nghĩa là thương hiệu có thể chủ động lan toả hình ảnh tích cực của dự án, thương hiệu. Quan trọng hơn cả, thương hiệu cần đính chính thông tin sai lệch tức thời, đặc biệt là kênh Facebook Group. Không chỉ vậy, thương hiệu cũng có thể xây dựng cộng đồng hội tụ những người quan tâm tới dự án của thương hiệu. Lúc đó, việc chia sẻ thông tin với cộng đồng trở nên dễ dàng hơn. Nhờ vậy, việc quản trị và theo dõi thông tin của thương hiệu cũng suôn sẻ hơn.

Nhu cầu sau cùng mà nhiều thương hiệu đang cùng YouNet Media triển khai trong thời gian dài là thu thập tất cả thảo luận trên mạng xã hội để thấu hiểu hơn về đối tượng mục tiêu. Theo đó, thương hiệu có thể kết hợp những dữ liệu bạt ngàn từ nền tảng này cùng kết quả từ nghiên cứu thị trường truyền thống để đưa ra chiến lược phát triển sản phẩm tốt hơn.

* Cảm ơn những chia sẻ thú vị của chị.

Tải về báo cáo phiên bản đầy đủ tại đây.

Xem thêm bài viết cùng chuyên mục tại đây.

Thảo Nguyên / Brands Vietnam
Nguồn: Brands Vietnam