Du học Marketing #1: Minh Đoàn @ Bournemouth University – “Đi để làm việc tốt hơn và hiểu chính mình hơn”

Với hy vọng “đi một ngày đàng, học một sàng khôn”, liệu những kỳ vọng có đủ để chiến thắng thực tại nơi đất khách? Hãy cùng Brands Vietnam tìm câu trả lời qua những trải nghiệm đủ thăng và cũng không thiếu trầm của những du học sinh đã và đang “dùi mài kinh sử” nơi trời Tây qua series Du học Marketing.

Ở số đầu tiên này, khách mời là chị Minh Đoàn, hiện đang là Brand Manager của thương hiệu skincare dành cho giới trẻ, từng tốt nghiệp loại xuất sắc khoá Thạc sĩ MA Advertising tại Bournemouth University (UK).

* Đầu tiên, chị có thể chia sẻ khoảnh khắc nhen nhóm ý định du học và những khoảnh khắc mang tính bước ngoặt trong quá trình hiện thực hoá ý định này?

Thực chất tôi cũng như nhiều bạn trẻ khác, quyết định du học không được đưa ra trong thời khắc nào đó mà được ấp ủ trong một khoảng thời gian dài. Mong muốn du học của tôi đã được ươm mầm từ những ngày học đại học. Giai đoạn chuẩn bị hành trang du học của tôi cũng không ít lận đận khi phải tạm hoãn liên tục vì nhiều yếu tố khác nhau.

Chị Minh Đoàn hiện đang là Brand Manager của thương hiệu skincare dành cho giới trẻ.

Nghe có vẻ lạ nhưng nước Anh vốn dĩ không nằm trong danh sách các quốc gia tôi tìm hiểu ban đầu, mà đó là Singapore, Đức, hay Ý… Nhưng duyên số đã đưa tôi đến với xứ sở sương mù, và tôi chính thức đặt chân đến nước Anh chỉ sau 3 tháng tính từ ngày “chốt kèo”.

Thú thật trước kia, tôi luôn cho rằng du học Anh rất đắt đỏ nên chưa từng dám ngó ngàng đến việc học tại đây. Ấy thế trong một lần ngồi tâm sự với người bạn đang chuẩn bị cắp sách đến Anh, tôi vỡ ra nhiều điều và bắt đầu nghiên cứu thêm. Nhờ vậy, tôi nhận thấy nhiều mặt lợi của việc du học Anh so với những quốc gia bản thân đang dự tính. Đấy là nguồn cơn cho sự thay đổi địa điểm du học một cách đột ngột nhưng lại diễn ra nhanh chóng.

Việc đi du học còn là kết quả tổng hợp của nhiều yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hoà. Cụ thể, đó là chi phí hợp lý, khoá học phù hợp, và hơn cả là sự ủng hộ, giúp đỡ từ gia đình, đồng nghiệp, bạn bè. Nếu không có sự hỗ trợ tích cực của ba mẹ, có lẽ ước nguyện du học của bản thân tôi sẽ không thể thành sự thật. Về phần đồng nghiệp, họ hết mình giúp đỡ, tạo điều kiện để tôi có thể vừa chuẩn bị cho việc du học vừa làm việc hiệu quả. Bạn bè cũng không ngừng cổ vũ bằng những câu chuyện du học trời Tây thú vị, tạo động lực cho tôi tiếp bước trên con đường của mình.

* Thế những yếu tố nào được đặt lên bàn cân để chị lựa chọn theo học khối thạc sĩ tại trường Bournemouth University?

Như đã nói, tôi từng nghĩ rằng du học Anh sẽ “ngốn” một số tiền khổng lồ. Cách nhìn nhận vấn đề du học dưới góc độ tiền nong đã phần nào ảnh hưởng đến quá trình ra quyết định của mình. Chẳng hạn như tôi mải lo tìm kiếm trường miễn phí học phí, chọn học những khoá với chi phí thấp… mà ít để tâm tới chất lượng hay nội dung các môn học. Nhưng may mắn thay suy nghĩ này của tôi thay đổi hoàn toàn sau khi nói chuyện với bạn bè, cộng với việc ngày càng hiểu rõ mong muốn của bản thân sau thời gian đi làm.

Nhìn chung, để đi đến lựa chọn sau cùng là Bournemouth University, tôi cân nhắc dựa trên 3 yếu tố chính.

Đầu tiên là lựa chọn khoá học mà bản thân cảm thấy hứng thú, muốn đào sâu học hỏi kiến thức và có thể phục vụ cho công việc tương lai.

Thứ hai, tôi tra cứu những trường cung cấp khoá học với nội dung giảng dạy mà mình đang tìm kiếm.

Khi chọn tôi không quá chú trọng xếp hạng của trường, mà thay vào đó quan tâm về xếp hạng của khoá học so với những khoá khác cùng ngành, nội dung các môn học của khoá, những nhận xét từ cựu sinh viên và tỉ lệ đầu ra sinh viên làm đúng ngành hoặc phát triển nghề nghiệp tại các công ty lớn.

Khuôn viên Bournemouth University
Nguồn: Bournemouth University

Tiêu chí đánh giá không chỉ gồm chất lượng giảng dạy mà còn là những hỗ trợ của trường cho du học sinh. Ví dụ, trong khoá học có những dự án thực tế được làm việc trực tiếp với các agency hoặc các brand để mình có thể quan sát xem những công ty ở nước ngoài làm việc như thế nào. Hoặc trường có hỗ trợ học sinh tìm internship, tạo cơ hội cho sinh viên networking để mình có thể gặp nhiều người làm cùng ngành để thêm thông tin kiến thức và dễ hoà nhập với môi trường làm việc quốc tế. Đấy là một số thông tin tôi lưu ý khi chọn trường học phù hợp với mong muốn, điều kiện của bản thân.

Thứ ba là nơi cập bến. Tôi lựa chọn nước Anh vì nơi đây có một trong những mạng lưới truyền thông phát triển và lớn mạnh nhất trên thế giới, và là cái nôi của Planning trong quảng cáo. Thứ 2 là UK có bề dày lịch sử và văn hoá lâu đời nên ngoài học kiến thức, có thể dễ dàng dùng ngôn ngữ thứ 2 mà mình có thể giao tiếp để khám phá thêm về văn hoá và con người so với những quốc gia mà tiếng Anh chỉ là ngôn ngữ thứ 2 như Ý, Đức…

* Được biết trước khi đi du học, chị có đi làm một thời gian. Liệu trải nghiệm làm việc trước đó có ảnh hưởng đến quyết định chọn ngành học và trường học của chị không?

“Tôi phải công nhận bản thân may mắn vì không vội vàng đi du học khi vừa tốt nghiệp đại học.”

Tôi phải công nhận bản thân may mắn vì không vội vàng đi du học khi vừa tốt nghiệp đại học. Sau khi tốt nghiệp, tôi đi làm tại một Digital Agency và vẫn nuôi dưỡng ước mơ du học. Trong 2 năm đó, tôi hiểu hơn về ngành cũng như có nhiều băn khoăn về công việc mình đang làm như “Vì sao các agency lại có các framework khác nhau?”, “Có cách nào giúp mình học nhanh hơn mà không cần phải té đau mới rút được bài học không?” hay “Để chuyển từ account sang làm planner mình cần phải có những kỹ năng gì?” Điều này tiếp thêm cho tôi động lực tìm kiếm câu trả lời và tôi chọn cách đi du học ở đất nước có ngành truyền thông, quảng cáo phát triển như Anh.

Đồng thời, tôi bắt đầu nhận thấy nếu có nền tảng chuyên môn bài bản thì sự nghiệp có thể phát triển bền vững hơn. Nhờ vậy, tôi định hình rõ ràng hơn mục đích học tập của bản thân cũng như chuyên môn mình theo đuổi trong kỳ du học này. Không những thế, kinh nghiệm làm việc trước đó giúp tôi rất nhiều trong quá trình học tập ở nước ngoài. Có thể kể đến là việc tiếp thu kiến thức nhanh hơn, đào sâu hay tranh luận với giảng viên về đa dạng đề tài liên quan đến ngành. Nhờ đó, kiến thức về ngành không những được hệ thống hoá mà còn được mở rộng.

* Chị Minh có thể giới thiệu sơ lược về chương trình học của mình tại Bournemouth University?

Khoá tôi theo học tại Bournemouth University có tên MA Advertising. Nói một cách đơn giản thì nội dung giảng dạy liên quan đến những chuyên môn của tất cả các vị trí quan trọng trong một agency như Research, Strategy and Planning, Applied Creativity, Digital… Trong đó, “Consumer Culture Insights” là một môn học bắt buộc mà tôi tâm đắc vì tôi được tiếp xúc với rất nhiều cách tiếp cận và framework khác nhau để tìm ra một insight phù hợp nhất với đề bài của thương hiệu – điều mà trong lúc làm ở Việt Nam tôi rất tò mò và luôn muốn tìm hiểu cách thức làm đúng đắn nhất.

Một trong những điểm nổi bật của khoá học cũng như cách giảng dạy của trường là chủ yếu xây dựng mindset cho sinh viên. Theo đó, người học có thể hiểu vai trò của từng vị trí và đánh giá được chất lượng sản phẩm đầu ra của những phạm trù công việc khác nhau.

Không những vậy, các giáo sư sẽ không “cầm tay chỉ việc” mà chỉ hướng dẫn nguồn tài liệu nghiên cứu để sinh viên tự tìm câu trả lời. Khả năng tự tìm tòi, quản lý tốt công việc giúp tôi rất nhiều trong việc chủ động hơn khi học tập hay làm bất kỳ việc gì khác. Đồng thời, tôi cũng xây dựng được khả năng linh hoạt của mình, tuỳ biến cách giải quyết vấn đề mà vẫn đảm bảo hiệu quả công việc.

Chị Minh Đoàn từng tốt nghiệp loại xuất sắc khoá Thạc sĩ MA Advertising tại Bournemouth University (UK).

* Chị hãy chia sẻ về một kỷ niệm câu chuyện đáng nhớ trong quá trình học tập tại Anh?

Có 2 câu chuyện và cũng là bài học xương máu mà có lẽ tôi không bao giờ quên.

Đầu tiên phải kể đến là việc triển khai những bài viết học thuật trong thời gian đầu học tập. Ví dụ điển hình là môn học Consumer Culture Insight với nhiều kiến thức hay ho, thú vị. Mọi việc đều ổn cho đến khi tôi bước sang khâu làm bài luận. Để hoàn thành bài viết đòi hỏi bạn phải đọc ít nhất 5 đến 10 cuốn sách và trích dẫn quan điểm. Không những vậy, bạn còn cần nêu quan điểm của mình đối với từng trích dẫn đó và lý giải nhằm thuyết phục giảng viên. “Đau đớn” hơn là khi tôi nhận ra việc không quen với viết luận một cách học thuật làm mất thời gian của tôi rất nhiều khi làm bài. Dù nắm bắt bài nhanh hơn, hào hứng hơn nhưng khi bạn cùng lớp đã viết được 70% bài, tôi chỉ mới hoàn thành được 20% bài tập. Để theo kịp các bạn, tôi dành cả tuần quanh quẩn trong phòng chỉ để làm quen và viết hoàn chỉnh 1 bài luận học thuật “đúng chuẩn”.

Sau khi nộp bài, tôi có thời gian trò chuyện với các bạn cùng lớp nhiều hơn thì tôi ngạc nhiên nhận ra hoá ra không phải chỉ du học sinh mới gặp khó khăn, ngay cả học sinh bản địa cũng phải làm quen với các viết học thuật và cách trình bày các luận điểm trong bài. Nhờ những chia sẻ đó tôi mới biết mức độ yêu cầu học thuật của của khoá Thạc sĩ cũng cao hơn Đại học rất nhiều, nên ngay cả với học sinh từ Anh, Mỹ hay Châu Âu nếu không tập trung và cố gắng nhiều thì cũng sẽ khó đáp ứng được những yêu cầu của khoá học. Chắc vì nhờ vậy nên đầu ra của các khoá học tại UK luôn đạt chuẩn tốt hơn hẳn.

Câu chuyện thứ hai là học nhóm. Tôi còn nhớ như in cái lần mình được thầy cô phân nhóm để làm bài thi. Đúng nghĩa của làm việc nhóm là có sự hợp tác giữa các thành viên với nhau. Thế nhưng, 2 bạn cùng nhóm lúc bấy giờ vì quá bận bịu với việc làm thêm mà mất tập trung vào việc học. Trong khi đó, tôi một mình vật lộn với môn học khá nặng khiến tinh thần, sức khoẻ có phần đi xuống.

Không phải chỉ du học sinh mới gặp khó khăn, ngay cả học sinh bản địa cũng phải làm quen với các viết học thuật và cách trình bày các luận điểm trong bài.
Nguồn: Bournemouth University

Tôi quyết định trình bày sự việc với thầy cô và muốn làm bài một mình hoặc đổi nhóm. Ngạc nhiên thay khi thầy cô nhất định không thay đổi cách thức làm bài nhóm và thuyết phục chúng tôi cùng ngồi lại, nhìn nhận sự việc và tự bàn bạc với nhau cách xử trí trước. Hơn nữa, quy trình chấm điểm cũng minh bạch khi điểm số còn được đánh giá dựa trên những nhận xét lẫn nhau giữa các thành viên. Kết quả là tôi đã hẹn 2 bạn và cả thầy cô để 3 bên cùng nhau thẳng thắn tìm giải pháp. Cuối cùng 2 bạn cũng đồng ý và nhận ra những vấn đề cá nhân không những ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả học tập của chính họ mà còn ảnh hưởng đến cả tập thể và đến sự nỗ lực của người khác. Thế là họ tự sắp xếp và chúng tôi phải tìm ra cách hoàn thành bài một cách tốt nhất khi thời gian không còn nhiều.

Đấy là những trải nghiệm để lại cho cá nhân tôi nhiều bài học quý báu về cách cân bằng cảm xúc khi gặp khó khăn và chủ động tìm cách giải quyết vấn đề.

* Vậy đâu là những thay đổi lớn nhất so với trước khi đi du học? Và chị có những lời khuyên nào dành cho các bạn du học sinh đang và sẽ “xuất cảnh” trong tương lai?

Khoá học này không dạy tôi hết kiến thức và cũng không cho tôi một công thức chung để giải quyết mọi bài toán, cái tôi được nhiều nhất có lẽ là mindset. Đó là mindset trong việc nhìn nhận vấn đề từ nhiều góc độ và những cách thức, những phương hướng khác nhau để tự mình đi tìm lời giải hợp lý nhất. Và hiển nhiên, tôi cũng được mở mang kiến thức, có được một nền tảng kiến thức vững chắc hơn, có một vài framework đắt giá "lận lưng" và phần nào tự trả lời được những băn khoăn ban đầu về nghề.

Hay giữ cho mình tâm thế luôn đón nhận những điều đi ngược lại với định kiến bản thân và sẵn sàng từ bỏ những điều đã biết để phát triển – Unlearn to Learn.

Và một điều không thể không nhắc đến là tôi đã hiểu bản thân nhiều hơn, hay tôi gọi đó là sự trưởng thành. Tôi thường nói vui với bạn bè rằng 1 năm học tập tại Anh giúp tôi trưởng thành bằng 3 năm sinh sống, làm việc ở Việt Nam. Thật vậy, trong hơn 1 năm ở Anh, tôi sống hết mình vì sự phát triển của bản thân và dành thời gian nhiều nhất để tìm hiểu & khám phá bản thân mình. Khi đưa ra bất kỳ quyết định nào, tôi cũng tự hỏi bản thân nhiều hơn, suy nghĩ cẩn trọng, thấu đáo hơn. Để rồi càng về sau, việc càng hiểu bản thân phần nào giúp tôi giải quyết mọi vấn đề dễ dàng hơn và giúp tôi có những trải nghiệm mới mà tôi chưa bao giờ nghĩ bản thân có thể làm được.

Về lời khuyên, tôi nghĩ các bạn trẻ cần xác định kế hoạch sau khi du học ngay từ trước khi lên máy bay để cho mình một tâm thế sẵn sàng cho những thử thách tương ứng. Ví dụ, nếu bạn muốn ở lại làm việc sau khi học, bạn phải luôn tập trung và tìm kiếm cơ hội internship, cơ hội networking ngay từ những ngày đầu tiên đặt chân đến trời Tây. Ở Việt Nam, có thể kinh nghiệm làm việc của bạn dễ dàng có được offer từ nhiều công ty lớn nhỏ, tuy nhiên khi là một du học sinh ngành truyền thông tại một đất nước khác văn hoá và ngôn ngữ, đó là một mục tiêu lớn cần rất nhiều thời gian và công sức. Ngay cả chỉ để có một tháng internship tại UK, bạn phải apply ít nhất 30 agencies và phỏng vấn không dưới 5 nơi.

Qua những trải nghiệm ở trời Tây, tôi nhận thấy đây là khoảng thời gian lý tưởng để hiểu về chính bản thân mình vì bạn sẽ có nhiều thời gian hơn cho bản thân và sẽ luôn là người phải cân nhắc và đưa ra những quyết định quan trọng nhất cho chính mình. Bên cạnh đó, đừng ngần ngại tìm kiếm sự giúp đỡ vì khó khăn không chỉ đến với một mình bạn, hãy chia sẻ nhiều hơn với bạn bè, gia đình Việt Nam và cả con người tại nước bạn học; và quan trọng nhất là giữ cho mình tâm thế luôn đón nhận những điều đi ngược lại với định kiến bản thân và sẵn sàng từ bỏ những điều đã biết để phát triển – Unlearn to Learn.

* Cảm ơn những chia sẻ thiết thực và thú vị của chị.

Xem thêm bài viết cùng chuyên mục tại đây.

Thảo Nguyên / Brands Vietnam
* Nguồn: Brands Vietnam