Digital Transformation #27: AsiaPay – Cổng thanh toán trong bối cảnh Chuyển đổi số

Liệu có phải cổng thanh toán là một giải pháp phức tạp về mặt công nghệ, bảo mật, phải liên kết với nhiều đơn vị, và chỉ dành cho các doanh nghiệp có nhiều nguồn lực?

Để hiểu thêm về cổng thanh toán trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay, Brands Vietnam đã có buổi trao đổi với ông Nguyễn Khánh Hùng, Giám đốc Kinh doanh tại AsiaPay.

Xu hướng thanh toán sau đại dịch COVID-19

* Thương mại điện tử trở nên tất yếu hơn sau đại dịch COVID-19. Hành vi mua sắm trực tuyến dần phổ biến hơn, người mua hàng cũng bớt ngần ngại hơn. Theo quan sát của ông, xu hướng thanh toán hiện nay có gì thay đổi?

Ông Nguyễn Khánh Hùng, Giám đốc Kinh doanh tại AsiaPay

Trong thời đại kỷ nguyên số 4.0, các hình thức thanh toán trực tuyến đang ngày càng phát triển mạnh mẽ và khẳng định vị trí của mình. Các kênh thanh toán chiếm ưu thế khi có thể giúp khách hàng dễ dàng giao dịch tại bất kỳ đâu, vào bất cứ thời điểm nào.

Đặc biệt, trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát từ năm 2020, thanh toán trực tuyến càng bùng nổ. Theo báo cáo gần đây của Facebook, doanh số bán hàng thương mại điện tử năm 2021 tại Việt Nam tăng 80% so với năm trước và tăng gấp đôi trong vòng 5 năm qua. Việt Nam được kỳ vọng là thị trường tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á, với tổng giá trị hàng hoá thương mại điện tử ước tính đạt 56 tỉ USD vào năm 2026, tăng 4,5 lần so với năm 2021.

* Nỗi lo sợ bị mất cắp thông tin thẻ tín dụng có còn ảnh hưởng đến hành vi mua sắm trực tuyến của người dùng?

Việc bị lộ thẻ tín dụng không phải hiếm ở Việt Nam hay trên thế giới. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến sự tin tưởng và hành vi mua sắm của khách hàng hiện nay. Theo quan sát của tôi, số người lo lắng khi sử dụng thẻ tín dụng trong mua sắm trực tuyến vẫn còn khá cao.

* Tỷ lệ thanh toán không tiền mặt (cash-less) so với giao hàng nhận tiền (COD) như thế nào?

Chính vì nỗi lo bị lộ thông tin thẻ, mất thẻ mà nhiều người vẫn còn ngại dùng thẻ tín dụng để mua sắm trực tuyến. Chưa kể thói quen thanh toán dùng tiền mặt của người dân còn phổ biến. Tuy nhiên, từ sau đại dịch COVID-19 bùng phát, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt đã tăng trưởng đáng kể.

Dữ liệu thống kê cho thấy trong 9 tháng đầu năm 2021, thanh toán qua internet tăng hơn 51% về số lượng và 29% về giá trị so với cùng kỳ trong khi thanh toán qua kênh di động tăng hơn 76% về số lượng và 88,3% về giá trị. Các chính sách giảm phí từ ngân hàng hay những ưu đãi từ doanh nghiệp kinh doanh trực tuyến góp phần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong người dân.

Vì nỗi lo bị lộ thông tin thẻ, mất thẻ mà nhiều người vẫn còn ngại dùng thẻ tín dụng để mua sắm trực tuyến
Nguồn: Pexels

* Như vậy, đối với nhóm cash-less, tỷ trọng giữa các hình thức này như thế nào: (1) thẻ tín dụng, ghi nợ, (2) thẻ nội địa / ATM, (3) chuyển khoản ngân hàng, (4) ví điện tử?

Các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng tiện lợi cho người dân và doanh nghiệp. Khách hàng có thể chủ động thanh toán mọi lúc, mọi nơi và qua nhiều hình thức đa dạng như thẻ tín dụng/ghi nợ, thẻ nội địa, chuyển khoản ngân hàng hay ví điện tử.

Hiện nay, việc mở tài khoản ngân hàng, thẻ tín dụng hay ví điện tử cũng thuận tiện hơn, chỉ cần ngồi tại nhà tải ứng dụng ngân hàng, xác thực eKYC là có ngay tài khoản, đăng ký xong thẻ ngân hàng hoặc có ngay 1 ví điện tử. Đặc biệt, hình thức thanh toán bằng thẻ tín dụng/ghi nợ đang lên ngôi, được các doanh nghiệp ngày càng ưu tiên chọn lựa.

* Liệu xu hướng cash-less có sự khác biệt trong các ngành hàng khác nhau?

Rõ ràng các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt có sự khác biệt giữa các ngành hàng khác nhau. Ví dụ như các shop bán hàng thời trang, phụ kiện... vẫn ưa chuộng hình thức chuyển khoản hay ví điện tử để hưởng nhiều ưu đãi. Các khách sạn/resort, công ty du lịch, tổ chức giáo dục trực tuyến… chọn hình thức thẻ tín dụng/ghi nợ là phương thức thanh toán chính vì có nhiều ưu điểm cho đối tượng khách hàng của họ. Đặc biệt, các doanh nghiệp bán hàng xuyên biên giới (như dropshipping) hay các nhà cung cấp nội dung số (máy chủ, cloud, giải trí số…) có nhu cầu thanh toán tự động thì hình thức thanh toán thẻ tín dụng/ghi nợ là lựa chọn hàng đầu.

* Xu hướng này có sự chuyển biến rõ rệt như thế nào trước và sau đại dịch COVID-19?

Đối với các doanh nghiệp bán hàng xuyên biên giới, tôi thấy hầu như không có sự chuyển biến rõ rệt về nhu cầu thanh toán vì họ gần như bắt buộc dùng thẻ tín dụng/ghi nợ. Sự dịch chuyển rõ nhất nằm ở nhóm bán hàng trong nước. Như đã nói ở trên, với việc mở thẻ ngân hàng ngày càng dễ dàng cùng với các hoạt động hỗ trợ từ ngân hàng như giảm phí, tăng khuyến mãi giao dịch thẻ, nhất là trong giai đoạn đại dịch COVID-19, các doanh nghiệp thương mại điện tử bắt đầu chú ý đến các hình thức thanh toán thẻ tín dụng/ghi nợ hay thẻ nội địa ATM bởi nó mang đến sự an tâm cho họ khi đơn hàng được thanh toán ngay lập tức, không bị tình trạng “bom” hàng như hình thức COD (thanh toán tiền mặt khi giao hàng).

Hình thức chuyển khoản hay ví điện tử được các shop bán hàng thời trang, phụ kiện... ưa chuộng
Nguồn: Hires

Cổng thanh toán và cơ hội dành cho SME

* Nhiều người cho rằng (1) cổng thanh toán phức tạp về mặt công nghệ, bảo mật; (2) phải liên kết với nhiều đơn vị; (3) chỉ dành cho các doanh nghiệp lớn có nhiều nguồn lực, ông nghĩ như thế nào về nhận định này?

Tôi xin khẳng định, tích hợp cổng thanh toán không phức tạp như nhiều người nghĩ, và không chỉ dành cho các doanh nghiệp lớn. Ngày nay, bán hàng đa kênh đang bùng nổ dẫn đến lượng khách hàng của các doanh nghiệp thương mại điện tử tăng đột biến với nhiều phương thức thanh toán đa dạng hơn.

Thị trường hiện đang có quá nhiều kênh thanh toán điện tử khác nhau mà mỗi kênh thanh toán đều có những đối tượng khách hàng riêng. Nếu doanh nghiệp thiếu kênh này hoặc kênh khác thì sẽ khó mang đến trải nghiệm tốt cho khách hàng, thế nên, họ đang khá vất vả và tốn kém nguồn lực, chi phí trong việc kết nối.

Ví dụ khi doanh nghiệp muốn sử dụng nhiều hình thức như thẻ ngân hàng, thẻ quốc tế, ví điện tử, hay thậm chí cổng PayPal thì mỗi đối tác thanh toán cần phải kết nối riêng, từ đó dẫn đến một số khó khăn về vận hành và quản lý khi phải kết nối cùng lúc nhiều đối tác khác nhau. Ngoài ra, mỗi đối tác thanh toán đều có quy trình và vận hành khác nhau nên quá trình đối soát và báo cáo không được đồng bộ thống nhất, tạo thêm nhiều việc cho nhân viên vận hành, đặc biệt đối với các doanh nghiệp xử lý lượng đơn hàng lớn.

Nguồn: scmp

Để giải quyết bài toán khó khăn trên, AsiaPay (đơn vị vận hành cổng thanh toán PayDollar tại Việt Nam và các nước Châu Á) cung cấp một nền tảng thanh toán duy nhất bao gồm đa dạng các phương thức thanh toán khác nhau như thẻ tín dụng/ghi nợ quốc tế, thẻ nội địa ngân hàng trong nước, ví điện tử (MoMo, Alipay…), bất kể doanh nghiệp nào có quy mô nhỏ hay lớn đều có thể kết nối nền tảng của AsiaPay và sử dụng đầy đủ các kênh thanh toán này. Với chi phí vài triệu đồng đầu tư ban đầu cộng với một ít phí duy trì hàng tháng thì chắc chắn đây không phải vấn đề lớn của các doanh nghiệp, kể cả các chủ cửa hàng trực tuyến vừa và nhỏ.

Thế mạnh của AsiaPay không chỉ đến từ giải pháp đa dạng, chúng tôi còn có sẵn kết nối với các nền tảng thương mại điện tử và hệ thống đặt phòng/đặt chỗ (booking) phổ biến trên thế giới, cụ thể như: Wordpress, Magento, Shopify, Prestashop, Sabre, SiteMinder, Micros, GHS, Checkfront, Hotel Link Solutions… Điều này giúp các doanh nghiệp không cần phải lo lắng việc tích hợp, thậm chí không cần có đội ngũ kỹ thuật, chỉ cần vài thao tác nhấp chuột là có thể kích hoạt cổng thanh toán của AsiaPay để hoạt động.

Ông Nguyễn Khánh Hùng trong buổi trao đổi với Brands Vietnam.

* Các đơn vị trung gian nói chung và AsiaPay nói riêng bảo mật thông tin thẻ tín dụng như thế nào?

Về vấn đề bảo mật, AsiaPay hiện có chứng chỉ PCI DSS Level 1 (chứng chỉ bảo mật cao nhất trong lĩnh vực thanh toán điện tử) từ năm 2006, nằm trong danh sách các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán toàn cầu của tổ chức thẻ quốc tế Visa (tham khảo tại đây). Chúng tôi cũng đặt ra yêu cầu tối thiểu đối với tên miền website bán hàng phải có SSL nhằm đảm bảo dữ liệu được truyền giữa web server và trình duyệt an toàn, đáng tin cậy.

Nhu cầu của khách hàng không ngừng gia tăng, đòi hỏi chúng tôi không ngừng đổi mới và cung cấp thêm nhiều giải pháp, tiện ích mới, không chỉ đơn thuần là cổng thanh toán thông thường. Đơn cử các doanh nghiệp muốn gia tăng trải nghiệm khách hàng trung thành, chúng tôi có giải pháp lưu trữ thông tin thẻ (tokenization), khách hàng quay lại thanh toán lần sau không phải nhập lại thông tin thẻ. Thậm chí doanh nghiệp có thể trừ tiền tự động (recurring) nếu được khách hàng cho phép, phù hợp các loại hình trả phí thuê bao hàng tháng (như thuê kho bãi, thuê hosting, xem phim giải trí trực tuyến…).

* Tôi biết có một số doanh nghiệp lớn (app taxi, thương mại điện tử...) tự xây dựng app nhưng chưa tích hợp được cổng thanh toán. Theo ông, cổng thanh toán đóng vai trò như thế nào trong cuộc cách mạng số như hiện nay?

Tin tôi đi, các doanh nghiệp này rồi cũng sẽ tìm đến các công ty cung ứng dịch vụ thanh toán thôi. Thanh toán không dùng tiền mặt không chỉ là xu thế tất yếu mà còn là chỉ đạo của chính phủ. Cụ thể mục tiêu đến cuối năm 2025, giá trị thanh toán không dùng tiền mặt phải gấp 25 lần GDP, thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử đạt 50%, từ 80% người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác, tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ thanh toán của người dân. Chúng ta sẽ chứng kiến sự bùng nổ của thanh toán không dùng tiền mặt của người dân trong những năm sắp tới.

* Cảm ơn những chia sẻ của ông.

Xem thêm bài viết cùng chuyên mục tại đây.

Diệu Uyên / Brands Vietnam
* Nguồn: Brands Vietnam