Re-think CSR #10 – KMS Technology: Bàn về CSR trong ngành công nghệ 

Chúng ta thường gặp các hoạt động trách nhiệm xã hội từ những doanh nghiệp sở hữu sản phẩm hữu hình. Với các công ty hoạt động trong lĩnh vực đặc thù như công nghệ, liệu họ có những loại hình hoạt động CSR nào? Liệu có “công thức” dành riêng cho các nhóm ngành này?

Ở số thứ 10 của series Re-think CSR, Brands Vietnam đã có buổi gặp gỡ với ông Đại Trần, hiện là Managing Director tại KMS Technology Việt Nam để chia sẻ góc nhìn về CSR từ một doanh nghiệp công nghệ.

“Re-think CSR” là series do Brands Vietnam thực hiện, phỏng vấn các chuyên gia đến từ nhiều ngành hàng và quy mô doanh nghiệp khác nhau, chia sẻ về quan điểm, chiến lược, thực thi và kết quả thực tế có được từ hoạt động CSR của chính những doanh nghiệp tham gia chuyên mục. Từ đó, cung cấp những ý tưởng và cách tiếp cận đa dạng đối với một vấn đề tưởng chừng quen thuộc nhưng vẫn còn khá xa lạ tại thị trường Việt Nam.

* Đầu tiên, ông có thể chia sẻ kinh nghiệm và quan điểm của bản thân về các hoạt động CSR tại Việt Nam?

Đối với quan điểm cá nhân, Việt Nam là một nước đang phát triển và cuộc sống người dân vẫn đang gặp nhiều bất cập. Trước bối cảnh như vậy, các hoạt động trách nhiệm xã hội là điều cần thiết.

Đối với cá nhân tôi nói riêng và toàn thể công ty KMS nói chung, trong quá trình hoạt động kinh doanh, chúng tôi đã được hưởng lợi rất nhiều từ cộng đồng từ chính sách, con người cho đến tài nguyên. Vì vậy, khi đã thu về được những thành công nhất định, chúng tôi nghĩ doanh nghiệp cũng cần trao lại cho cộng đồng.

* Ông có thể chia sẻ tầm nhìn của KMS Technology về hoạt động CSR cũng như chiến lược CSR của tập đoàn?

Ông Đại Trần, Managing Director KMS Technology Việt Nam

Nói về chiến lược CSR, chúng tôi thực hiện các hoạt động theo hướng decentralized (phi tập trung hoá). Hướng tiếp cận này có nghĩa là mỗi nhóm, mỗi phòng ban và mỗi cá nhân đều có khả năng đóng góp cho cộng đồng xung quanh, với sự hướng dẫn và hỗ trợ của công ty. Và với cách tiếp cận như vậy chúng tôi có thể nhân rộng tinh thần đó để mỗi nhân viên đều đóng góp ở những khía cạnh khác nhau, mang đến những chương trình hỗ trợ đảm bảo về cả số lượng và chất lượng.

Xét trên góc độ doanh nghiệp, KMS Technology có hai thế mạnh cốt lõi có thể đóng góp lâu dài cho cộng đồng gồm: công nghệ và kinh nghiệm xây dựng những startup trong lĩnh vực công nghệ. Với năng lực công nghệ hiện có, chúng tôi đã và đang tập trung hỗ trợ các tổ chức phi lợi nhuận và cá nhân có hoàn cảnh khó khăn trong việc tiếp cận, đào tạo và ứng dụng công nghệ. Bên cạnh đó, thế mạnh của KMS còn nằm ở năng lực sáng tạo và quản trị giúp công ty thành lập và phát triển những startup công nghệ thuộc top đầu thế giới. Chúng tôi sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm của mình để giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam, đồng thời chọn lọc một số doanh nghiệp với tiềm năng và tầm nhìn để hướng dẫn và hỗ trợ họ phát triển nhanh hơn. Từ đó, góp phần đưa tên tuổi các doanh nghiệp Việt Nam đi xa hơn cũng như tạo thêm nhiều việc làm và giá trị cho xã hội.

Xét trên góc độ cá nhân mỗi nhân viên, chúng tôi không giới hạn khả năng đóng góp của họ nhằm đẩy mạnh tinh thần đóng góp bất cứ khi nào có thể cho cộng đồng xung quanh của mỗi người. Công ty hỗ trợ cho các cá nhân khi họ có những kế hoạch triển khai hoạt động CSR của mình, giúp họ có thêm động lực và niềm tin để đóng góp và giúp đỡ nhiều hơn cho cộng đồng.

* Lĩnh vực hoạt động của KMS Technology khá đặc thù với các sản phẩm công nghệ vô hình. Như vậy, khi không sở hữu các sản phẩm hữu hình để “cho đi”, KMS Technology đã có những hoạt động hoặc nền tảng CSR nào để thực hiện tầm nhìn và sứ mệnh của mình?

Sản phẩm vô hình hay hữu hình đều có những giá trị riêng và đều có cách để chúng ta cho đi, đóng góp cho cộng đồng.

Đây là một câu hỏi khá thú vị. Theo tôi, sản phẩm vô hình hay hữu hình đều có những giá trị riêng và đều có cách để chúng ta cho đi, đóng góp cho cộng đồng. Quan điểm của KMS Technology là cho “cần câu” chứ không cho “con cá”, vì tiềm lực doanh nghiệp có hạn và nhu cầu của xã hội lại rất nhiều. Vì vậy, thay vì trao cho họ “con cá” vốn chỉ giải quyết được vấn đề trong ngắn hạn, chúng tôi muốn giúp mọi người có thể tự tạo ra giá trị và cải thiện cuộc sống của mình từ những giá trị đó.

Như các bạn cũng biết, thế mạnh của KMS là công nghệ. Ngành công nghệ thông tin hiện tại đang là ngành phát triển cực thịnh và sẽ tiếp tục phát triển cao hơn nữa trong tương lai. Đặc biệt, lợi thế của ngành này nằm ở tính “phẳng” khi bạn chỉ cần có một máy tính, có điện và mạng internet là có thể làm việc ở bất cứ đâu với mức thu nhập ngang bằng ở các nước phát triển khác trên thế giới. Vì vậy, đây là một ngành nghề phù hợp với con người Việt Nam – vốn là những người thông minh, giỏi kỹ thuật, luôn có đam mê và khát vọng tạo ra những sản phẩm hiện đại để giúp cuộc sống ngày một dễ dàng hơn. Tận dụng thế mạnh đi đầu trong công nghệ của mình, KMS có thể giúp cho nhiều người tiếp cận được với công nghệ thông tin, tạo công ăn việc làm để họ có thể tự tạo ra giá trị cho bản thân, từ đó tăng thêm thu nhập đồng thời tạo ra những sản phẩm và thành quả mang mang dấu ấn Việt Nam trên trường thế giới.

* Ông có thể chia sẻ một vài hoạt động/ nền tảng CSR cụ thể mà bản thân cảm thấy tâm đắc?

Đối với các hoạt động CSR tại KMS Technology, khi tiếp cận theo hướng decentralized sẽ có các hoạt động từ hai góc độ: công ty và từng cá nhân, phòng ban.

Ở góc độ công ty, hiện chúng tôi có 4 chương trình dài hạn được thực hiện ở quy mô lớn và mang lại nhiều giá trị. Cụ thể, trụ sở tại Mỹ hiện đang có 2 chương trình: (1) tạo công việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin cho những người thu nhập thấp – Per Scholas; (2) dự án 48in48.

Nguồn: KMS Technology

Đối với chương trình Per Scholas, chúng tôi tập trung hỗ trợ đối tượng có thu nhập thấp dưới 10.000 USD/năm. Chương trình sẽ đào tạo cho họ những kỹ năng công nghệ thông tin giúp họ tìm được công việc với mức thu nhập mới lên đến 30-40.000 USD/năm. Hàng năm, theo tôi được biết có đến hàng trăm người tham gia chương trình thành công.

Về dự án 48in48, trong vòng 48 giờ, đội ngũ nhân viên KMS tại Việt Nam và Mỹ cùng tham gia hỗ trợ phát triển 48 websites miễn phí cho các tổ chức phi lợi nhuận trên phạm vi toàn cầu. Họ là những đơn vị luôn nỗ lực giúp đỡ rất nhiều cho cộng đồng nhưng lại không có tiềm lực về kỹ thuật nên việc làm của KMS đã tiếp sức cho họ, giúp quá trình vận hành được thuận tiện hơn.

Tại Việt Nam, từ năm 2018, KMS Technology hỗ trợ tổ chức Passerelles Numeriques ở Đà Nẵng để giúp đỡ các em thiếu niên có hoàn cảnh khó khăn tại miền Trung được tiếp cận công nghệ thông tin, thông qua các hình thức: trao học bổng, tài trợ trang thiết bị học tập, giảng dạy, nâng cao kỹ năng mềm cũng như kỹ năng chuyên môn. Đặc biệt, hằng năm, công ty cung cấp các suất thực tập, trong đó, nhiều em đã được nhận làm nhân viên chính thức với mức thu nhập từ hàng trăm lên đến 1.000 USD, tạo điều kiện giúp các em thay đổi cuộc sống của bản thân cũng như gia đình.

Ông Vũ Lâm – Chairman KMS Technology Việt Nam

Một chương trình dài hạn khác đang được triển khai ở Việt Nam là Endeavor Vietnam. Ông Vũ Lâm – Chairman của công ty là một trong những founder đầu tiên của tổ chức, với mục tiêu tìm kiếm và hỗ trợ những công ty khởi nghiệp có ảnh hưởng tích cực cho xã hội và có những người lãnh đạo mong muốn đóng góp cho cộng đồng trong quá trình phát triển công ty .

Ở góc độ nhân viên, dựa trên định hướng của tập đoàn là lan rộng tinh thần giúp đỡ ở mức tối đa, bất kỳ nhân viên nào có những ý tưởng, tổ chức mà họ muốn được đóng góp, giúp đỡ thì công ty luôn hỗ trợ để các bạn trở thành leader cho những chương trình hoạt động trách nhiệm xã hội do chính các bạn lên kế hoạch và triển khai. Cứ như vậy, mỗi năm KMS Technology đều có rất nhiều leader mới cho các hoạt động CSR, với mong muốn mỗi người sẽ tiếp tục nhân rộng tinh thần và hoạt động đóng góp cho cộng đồng về sau, ngay cả khi họ không còn làm việc ở công ty.

* Theo chia sẻ ở trên, KMS Technology hiện đang triển khai đa dạng các hoạt động trách nhiệm xã hội, ông có thể chia sẻ phương pháp phân bổ nguồn lực và quản lý vận hành như thế nào để đảm bảo chất lượng cho từng hoạt động CSR của doanh nghiệp?

Như đã đề cập ở câu hỏi trước, hướng tiếp cận của KMS Technology cho các hoạt động CSR là decentralized (phi tập trung hoá). Chúng tôi muốn các hoạt động trách nhiệm xã hội được thực hiện theo hướng từ dưới đi lên, đi từ từng cá nhân và các phòng ban. Hiện tại công ty có KMS Gives đóng vai trò là đơn vị định hướng, điểm trung gian cung cấp thông tin và hỗ trợ các cá nhân, phòng ban trong quá trình lên kế hoạch và thực hiện các hoạt động trách nhiệm xã hội của họ.

Nguồn: KMS Technology

Có 2 ưu điểm từ cách tiếp cận này: tinh thần giúp đỡ vì cộng đồng được lan rộng đảm bảo tính thống nhất cho các hoạt động CSR của công ty. Khi thực hiện theo hướng decentralized, số lượng đội ngũ, cá nhân thực hiện các hoạt động trách nhiệm xã hội sẽ ngày một đông vì tinh thần này luôn được nhân rộng trong nội bộ công ty. Một người, một phòng ban thực hiện thành công sẽ truyền cảm hứng cho các phòng ban và cá nhân khác. Cứ như thế, mỗi người một tay sẽ thực hiện được rất nhiều chương trình có ý nghĩa tích cực cho cộng đồng. Mọi hoạt động đóng góp cho cộng đồng đều đến từ sự tình nguyện của nhân viên.

Ưu điểm thứ hai là giữ được tính thống nhất. Điều này nghĩa là các hoạt động dù có nhiều, có đa dạng về mục đích nhưng vẫn xuất phát từ một định hướng chung, triết lý chung của công ty. Từ đó, các dự án, chương trình CSR vẫn mang dấu ấn riêng của KMS chứ không theo kiểu đại trà, càng nhiều càng tốt. Nhờ vào phương pháp này mà chúng tôi có thể quản lý và triển khai rất nhiều dự án CSR mà không cần phải có một bộ máy cồng kềnh hay những quy định quá khắt khe.

Nguồn: KMS Technology

* Những hoạt động CSR đã đem lại những kết quả cụ thể nào cho thương hiệu và công ty?

Để trả lời câu hỏi này, trước hết tôi xin phép chia sẻ về yếu tố thương hiệu. Thật ra, thương hiệu đối với chúng tôi là cách mình muốn xây dựng công ty như thế nào, cách mình kỳ vọng mọi người nhìn nhận về công ty theo đúng với định hướng ban đầu đề ra. Đối với KMS, định hướng đó là thành công trong các hoạt động kinh doanh, và thành công đó được thực hiện bằng phương pháp đúng đắn. Hiện tại, công ty đã phần nào thực hiện được định hướng này và đạt được khá nhiều cột mốc trong cộng đồng công nghệ thông tin tại Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung, đồng thời cũng được đánh giá cao vì tính chính trực và tinh thần đóng góp cho cộng đồng của mình.

Với mong muốn giữ vững định hướng của mình, hoạt động CSR đã trở thành một phần trong chiến lược phát triển của tập đoàn. Ban lãnh đạo công ty luôn bảo đảm rằng ngoài việc kinh doanh thành công, chúng tôi vẫn luôn kiên định với triết lý ban đầu: càng thành công thì càng cần phải đóng góp được nhiều hơn cho xã hội.

Chỉ cần cố gắng thực hiện và lan toả được tinh thần tích cực cho nội bộ công ty, tiềm lực của từng cá nhân trong công ty sẽ là “nguồn lực” rất lớn và hoàn toàn có thể giúp đỡ được rất nhiều trường hợp khó khăn ngoài xã hội.

Từ những hoạt động CSR thống nhất và đều đặn, tạo được nhiều giá trị bền vững và tích cực, chúng tôi đã xây dựng được một thương hiệu uy tín, tích cực. Chính điều này đã thu hút được rất nhiều người giỏi, có tâm tham gia vào đội ngũ công ty. Hiện tại, KMS Technology và các công ty thành viên có gần 1.500 nhân sự đều làm việc với cùng một mong muốn dùng chính thành công của doanh nghiệp để tạo nên những ảnh hưởng tích cực lên cộng đồng xung quanh. Theo tôi, đó là kết quả tích cực và tốt nhất mà các hoạt động CSR, ngoài việc đóng góp cho xã hội, mang lại cho thương hiệu và công ty nói riêng và cộng đồng nói chung.

* Ông có thể chia sẻ những điểm các doanh nghiệp công nghệ cần lưu ý (khó khăn, thử thách) khi thực hiện các hoạt động trách nhiệm xã hội?

Theo quan điểm cá nhân, tôi thấy trong lĩnh vực công nghệ có rất nhiều cơ hội để chúng ta đóng góp cho cộng đồng, chỉ cần khai thác tối đa thế mạnh và đóng góp tốt nhất trong khả năng của mình. Các doanh nghiệp không nên đặt nặng vấn đề ngân sách, công sức hay trở ngại về nguồn lực khi thực hiện. Vì chỉ cần chúng ta cố gắng thực hiện và lan toả được tinh thần tích cực cho nội bộ công ty, tiềm lực của từng cá nhân trong công ty sẽ là “nguồn lực” rất lớn và hoàn toàn có thể giúp đỡ được rất nhiều trường hợp khó khăn ngoài xã hội.

Ngành công nghệ thông tin hiện đang ở vai trò rất thuận lợi cho việc giúp đỡ cộng đồng nên tôi cũng hy vọng các công ty công nghệ thông tin khác quan tâm hơn đến vấn đề CSR và hỗ trợ cộng đồng. Suy cho cùng, khi chúng ta chung tay hỗ trợ giải quyết các vấn đề trong xã hội sẽ giúp Việt Nam ngày một mạnh hơn, tên tuổi ngành công nghệ thông tin nước nhà cũng trở nên hấp dẫn hơn. Từ đó, đem lại lợi ích cho xã hội nói chung và ngành công nghệ nói riêng.

Xem thêm bài viết cùng chuyên mục tại đây.

Thu Nga / Brands Vietnam
* Nguồn: Brands Vietnam