Re-think CSR #9 – Chị Thư Vũ @ Coco Dressing Room: “Quy mô nhỏ là lợi thế của các doanh nghiệp SME khi làm CSR”

“Làm CSR không tuỳ thuộc vào quy mô doanh nghiệp mà tuỳ vào quan điểm của người làm chủ. Nếu muốn, họ sẽ tìm được cách triển khai các hoạt động CSR giúp đỡ cộng đồng từ chính mô hình kinh doanh của mình”.

Đó là chia sẻ từ chị Thư Vũ, CEO của Coco Dressing Room (CDR) với Brands Vietnam trong số thứ 9 của chuyên mục Re-think CSR. Buổi trò chuyện xoay quanh những cơ hội và khó khăn của một doanh nghiệp SME khi bắt tay vào làm hoạt động trách nhiệm xã hội.

Chuyên mục “Re-think CSR” của Brands Vietnam phỏng vấn các chuyên gia đến từ nhiều ngành hàng và quy mô doanh nghiệp khác nhau, chia sẻ về quan điểm, chiến lược, thực thi và kết quả thực tế có được từ hoạt động CSR của chính những doanh nghiệp này. Từ đó, cung cấp những ý tưởng và cách tiếp cận đa dạng đối với một vấn đề tưởng chừng quen thuộc nhưng vẫn còn khá xa lạ tại thị trường Việt Nam.

* Đầu tiên, chị hãy chia sẻ về một số hoạt động CSR của Coco Dressing Room?

Trước hết, CSR thể hiện ngay trong mô hình kinh doanh của Coco Dressing Room. CDR mong muốn kéo dài vòng đời cho những món trang phục, phụ kiện không được dùng đến nữa nhưng vẫn còn giá trị sử dụng. Bởi vì một hiện trạng đáng báo động là nguồn tài nguyên gốc đang ngày càng cạn kiệt, và tài nguyên gốc được dùng để sản xuất trang phục là nước: 2.700 lít nước mỗi cái áo. Như vậy, việc tái sử dụng trang phục sẽ giúp bảo tồn một số tài nguyên không thể tái tạo. Mặt khác, mô hình của CDR cũng tạo cơ hội việc làm cho thế hệ Millennials, Gen Z – thế hệ muốn tạo ra tác động tích cực cho cộng đồng, xã hội từ chính công việc của họ.

Ngoài ra, CDR là nhà quyên góp định kỳ (3 tháng/1 lần) cho quỹ Saigon Children nhằm giúp các trẻ em, thanh thiếu niên đang gặp hoàn cảnh khó khăn tại Việt Nam.

The Sunday Talkshow – một trong những sự kiện do CDR tổ chức nhằm quyên góp cho Quỹ Saigon Children’s Charity

* Nhiều người thường cho rằng CSR là làm việc thiện nguyện cho cộng đồng địa phương. Chị nghĩ như thế nào về quan điểm này?

Tôi được nghe một quan điểm khá hay từ anh Nguyễn Ngọc Đạt – CEO của Di Động Việt bàn về việc “cho cá hay cho cần câu” khi nhắc đến các hoạt động CSR. Theo tôi, điều quan trọng không nằm ở việc doanh nghiệp cho đi cái gì, mà là cho như thế nào và động cơ đằng sau việc làm đó.

Điển hình là hiện trạng “tẩy xanh” (green-washing). Giả dụ, một doanh nghiệp công bố việc sử dụng nguyên liệu tái chế, đặt mục tiêu theo đuổi phát triển bền vững với cộng đồng. Thế nhưng, trong thực tế, hành động này lại có vẻ điều hướng cộng đồng, tránh việc người tiêu dùng lên án doanh nghiệp bóc lột sức lao động. Hay một doanh nghiệp làm CSR với tư tưởng chỉ nhằm “bù đắp” lại những thiệt hại gây ra cho môi trường, xã hội, người lao động…

Người tiêu dùng thời nay rất thông minh và họ chính là người có thể khiến các doanh nghiệp có trách nhiệm hơn với hoạt động CSR của mình. Thế nên, tôi nghĩ chiến lược CSR của doanh nghiệp cần triển khai liên tục và hướng đến sự thay đổi tích cực thực sự.

Cửa hàng Coco Dressing Room

* Có nhận định cho rằng hoạt động CSR thường phù hợp với các doanh nghiệp lớn, ngân sách cao và nguồn lực nhiều, chứ không hợp với những doanh nghiệp vừa và nhỏ do hạn chế về nguồn lực. Vậy theo chị, các doanh nghiệp SME có thể triển khai hoạt động CSR như thế nào?

Theo tôi, làm CSR không tuỳ thuộc vào quy mô doanh nghiệp mà tuỳ vào quan điểm của người làm chủ. Nếu muốn, họ sẽ tìm được cách triển khai các hoạt động CSR giúp đỡ cộng đồng từ chính mô hình kinh doanh của mình. Bởi vì hoạt động kinh doanh chỉ nhằm giải quyết vấn đề cho một đối tượng duy nhất là khách hàng, thì đây là kiểu kinh doanh đã cũ. Bởi nhiều doanh nghiệp ngày nay, đặc biệt là các startup, đã tạo nhiều giải pháp góp phần giải quyết vấn đề cho các bên liên quan (stakeholder) khác như khách hàng, người yếu thế, môi trường…

Việc cho đi không khó và không phụ thuộc vào quy mô doanh nghiệp, vấn đề nằm ở chỗ người làm chủ có muốn làm hay không.

Theo đó, 17 mục tiêu phát triển bền vững của UN được giới startup trẻ như CDR gói gọn lại trong 3 từ: Bền vững (Sustainability), Hội nhập (Inclusivity), và Bình đẳng, Công bằng (Equality). Nghĩa là doanh nghiệp cần đảm bảo: (1) Tính phát triển bền vững nằm trong cốt lõi của hoạt động kinh doanh, (2) Minh bạch trong việc sử dụng và đối xử nhân viên, và (3) Không phán xét, bất công trong đề bạt, lương bổng giữa nhân viên.

Vậy với những tiêu chí trên, doanh nghiệp SME có thể làm CSR như thế nào? Dựa trên kinh nghiệm của tôi, quy mô nhỏ chính là lợi thế của các doanh nghiệp SME khi triển khai các hoạt động CSR. Bởi doanh nghiệp có thể tự quyết định nhiều thứ mà không có sự can thiệp của các bên liên quan như nhà đầu tư. Ví dụ trong việc tuyển dụng, doanh nghiệp có thể trao cơ hội làm việc cho những lao động thuộc nhóm yếu thế. Nhìn chung, thời gian đào tạo, kinh nghiệm, kỹ năng làm việc là 3 thứ doanh nghiệp có và có thể cho đi. Hay doanh nghiệp quyết định sử dụng bao bì tái chế không có branding. Có thể thấy, việc cho đi không khó và không phụ thuộc vào quy mô doanh nghiệp, vấn đề nằm ở chỗ người làm chủ có muốn làm hay không.

* Vậy liệu doanh nghiệp SME có thu lại được hiệu quả gì cụ thể khi triển khai các hoạt động CSR không?

Đây là vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm trong lĩnh vực thời trang, đặc biệt khi khái niệm “thời trang bền vững” trở nên phổ biến vào những năm gần đây. Trong đó, kinh tế là mối bận tâm lớn cho các doanh nghiệp theo đuổi xu hướng này. Đây là điều dễ hiểu bởi doanh nghiệp cần đầu tư không ít nguồn lực để phát triển các kỹ thuật sản xuất tân tiến, không gây lãng phí nguồn tài nguyên. Tuy nhiên theo tôi, xem theo đuổi mục tiêu phát triển bền vững là chi phí hay cơ hội sẽ tuỳ thuộc vào góc nhìn của chủ doanh nghiệp.

Điển hình tại CDR, việc làm CSR đã mang lại cho chúng tôi khá nhiều thuận lợi.

Đầu tiên, CSR giúp doanh nghiệp tăng doanh thu. Ý tưởng thanh lý ký gửi quần áo cung cấp nhiều lựa chọn hơn cho nhóm phụ nữ vừa muốn thoả mãn nhu cầu mua sắm vừa có thể ủng hộ xu hướng thời trang bền vững. Việc cung cấp đúng sản phẩm cho đúng người, đúng thời điểm đã giúp CDR xây dựng nhóm khách hàng trung thành.

Hơn nữa, làm CSR giúp chúng tôi tiết kiệm chi phí quảng cáo, truyền thông. Tôi khởi nghiệp chỉ với ngân sách 5 triệu đồng nên khả năng đầu tư vào quảng cáo lúc bấy giờ hầu như không có. Điều giúp CDR được biết đến nhiều hơn chính là truyền miệng. Tôi tin nếu doanh nghiệp có tác động thực sự đến cộng đồng, xã hội, người tiêu dùng sẽ lan toả sự tích cực đó. Chẳng hạn, có thể dễ dàng bắt gặp việc khách hàng chủ động chia sẻ hình ảnh về các quán cà phê sử dụng ống hút tre, ống hút cỏ nhằm bảo vệ môi trường.

Ngoài ra, CSR cũng có thể mang lại những cơ hội mới cho SME. Hiện nay, nhiều mô hình kinh doanh không chỉ gây lãng phí nguồn lực tài chính mà còn tạo tác động xấu lên môi trường. Do đó, các nhà đầu tư thường tìm kiếm những doanh nghiệp có ý tưởng, giải pháp vừa tạo ra doanh thu vừa giúp giải quyết các vấn đề liên quan đến phát triển bền vững. Và đây chính là điều giúp CDR gây được sự chú ý với các nhà đầu tư trong vòng gọi vốn đầu tiên.

Với những thuận lợi kể trên, tôi tin “CSR là cơ hội hay chi phí” nằm ở cách nhìn nhận và triển khai của mỗi doanh nghiệp.

* Liệu hoạt động CSR có những khó khăn gì trong quá trình vận hành hay không?

Vì tính bền vững nằm trong giá trị cốt lõi của doanh nghiệp nên khó khăn khi làm CSR cũng chính là thách thức khi vận hành của CDR.

Về căn bản, mục đích kinh doanh của CDR đang “đối đầu” với ngành thời trang nhanh – ngành có ảnh hưởng tiêu cực tới xã hội, môi trường. Để nâng cao ý thức tiêu dùng của nhiều người hơn, chúng tôi cần mở rộng tập khách hàng của mình. Tuy nhiên, các công ty thời trang nhanh thường có nguồn lực dồi dào, dễ chiến thắng hơn trong cuộc chiến này.

“CSR là cơ hội hay chi phí” nằm ở cách nhìn nhận và triển khai của mỗi doanh nghiệp.

Ngoài ra, để giúp khách hàng hiểu rõ hơn về tính bền vững trong ngành thời trang, chúng tôi còn đầu tư vào hoạt động “educate”. Có thể thấy khi nói ô nhiễm nguồn nước, không khí… người tiêu dùng có thể dễ dàng mường tượng được ngay. Nhưng liên kết sản xuất quần áo với hiện trạng ô nhiễm hay cạn kiệt nguồn tài nguyên lại chẳng dễ dàng. Không những vậy, điều này còn liên quan đến việc thay đổi thói quen mua, dùng quần áo. Và khiến một thói quen thay đổi chúng ta cần sự tác động đủ lâu với tần suất liên tục.

Một khó khăn khác là đo lường hiệu quả. CDR cam kết tạo ra một kênh mua bán không chỉ mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp, mà còn tạo tác động tích cực đến môi trường. Vậy, những tác động tích cực đó được đo lường bằng những chỉ số nào? CDR cần có mô hình hoạt động minh bạch, rõ ràng để không trở thành một trong những doanh nghiệp “tẩy xanh” như tôi có nhắc ở trên.

Tôi tin khó khăn sẽ ngày một nhiều và lớn hơn khi doanh nghiệp mở rộng quy mô. Thế nên, điều quan trọng là sự kiên trì theo sát giá trị cốt lõi của doanh nghiệp.

* Cảm ơn những chia sẻ của chị.

Xem thêm bài viết cùng chuyên mục tại đây.

Thảo Nguyên / Brands Vietnam
* Nguồn: Brands Vietnam