Marketer Bạch Hạnh
Bạch Hạnh

Content Executive @ Brands Vietnam

Young Agencies #6 – GUDJOB: Khách hàng ở đâu, thương hiệu nên hiện diện ở đó

Tại Việt Nam, social media là một trong những kênh có vai trò quan trọng đối với hoạt động marketing của thương hiệu, với ưu thế ngân sách triển khai không quá cao và ngày càng nhiều người Việt sử dụng. Theo nguyên tắc, ở đâu có khách hàng, thương hiệu nên hiện diện ở đó. Chẳng hạn như trước đây khi chỉ có TV, thì thương hiệu sẽ tìm cách tiếp cận khách hàng qua kênh này, còn bây giờ là thời đại của mạng xã hội và digital, thương hiệu cũng phải “hoà nhập” để theo kịp nhu cầu của người tiêu dùng.

Đó là chia sẻ của anh Duy Nguyễn, CEO/ Founder GUDJOB agency trong số thứ 6 chuyên mục Young Agencies.

Năm 2017, khi chỉ mới 22 tuổi, với niềm đam mê lớn trong lĩnh vực tiếp thị và kinh doanh, anh Duy Nguyễn thành lập GUDJOB, chuyên về marketing trên social media cho các doanh nghiệp SME tại Việt Nam. Sau 3 năm chinh chiến trên thị trường, GUDJOB nhận được quả ngọt đầu tiên khi giành được giải thưởng Công ty SME có tốc độ phát triển nhanh tại Việt Nam do tạp chí SME Magazine Châu Á trao tặng.

Young Agencies là chuyên mục do Brands Vietnam sản xuất nhằm giới thiệu những agency trẻ, triển vọng trong lĩnh vực tiếp thị, truyền thông và quảng cáo của Việt Nam hiện nay. Bởi những nhân tố trẻ, tài năng cần được trao cơ hội để làm mới cũng như nâng cao chuẩn mực của ngành.

Nếu bạn là một agency trẻ thoả mãn hai điều kiện sau: Founder khởi ngiệp trước 30 tuổi và Agency hoạt động dưới 3 năm, hãy gửi portfolio cho chúng tôi qua email: [email protected]. Có thể bạn sẽ trở thành nhân vật tiếp theo của chuyên mục này.

Thâm nhập thị trường bằng dịch vụ Social Media

* Cơ duyên khởi nghiệp GUDJOB đến từ đâu?

Sau quá trình làm việc tại một số công ty trong ngành truyền thông và quảng cáo, tôi nhận ra rằng mình thực sự rất muốn làm việc theo quy trình và định hướng riêng thì mới có thể phát huy hết tiềm năng. Đồng thời, với niềm đam mê kinh doanh từ nhỏ, tôi quyết định thành lập GUDJOB với dịch vụ chính là marketing trên social media vào năm 2017.

* GUDJOB hiện được định vị là một social media agency, vậy tại sao anh lại chọn khởi nghiệp trong mảng này?

Tại Việt Nam, social media là một trong những kênh có vai trò quan trọng đối với hoạt động marketing của thương hiệu, với ưu thế ngân sách triển khai không quá cao và ngày càng nhiều người Việt sử dụng. Theo nguyên tắc, ở đâu có khách hàng, thương hiệu nên hiện diện ở đó. Chẳng hạn như trước đây khi chỉ có TV, thì thương hiệu sẽ tìm cách tiếp cận khách hàng qua kênh này, còn bây giờ là thời đại của mạng xã hội và digital, thương hiệu cũng phải “hoà nhập” để theo kịp nhu cầu của người tiêu dùng.

Tuy vậy, không phải ai cũng sử dụng kênh này hiệu quả. Nhiều doanh nghiệp SME còn triển khai manh mún, thiếu chiến lược, chưa chú trọng đầu tư vào nội dung và hình ảnh.

Nhận thấy đây là một thị trường tiềm năng, và bản thân cũng có thể đồng hành cùng doanh nghiệp cải thiện những vấn đề trên bằng năng lực và kinh nghiệm tích luỹ trước đây, nên tôi chọn dịch vụ social media để khởi nghiệp.

Về chiến lược kinh doanh, social media cũng là “cánh cửa” giúp GUDJOB thâm nhập vào thị trường nhanh nhất. Sau khi đã có mặt trên thị trường, chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng số lượng và quy mô dịch vụ. Hiện tại, GUDJOB còn cung cấp giải pháp thiết kế và xây dựng thương hiệu. Đặc biệt, dịch vụ của GUDJOB luôn có sự kết hợp giữa 3 yếu tố: Chiến lược, Sáng tạo và Digital để tạo ra hiệu quả tốt nhất.

Văn phòng làm việc hiện tại của GUDJOB

Luôn chủ động tiếp cận khách hàng thay vì đợi khách hàng tìm đến

* Khi mới thành lập, GUDJOB làm cách nào để có được những hợp đồng đầu tiên, và thuyết phục khách hàng tin tưởng, lựa chọn mình?

Trong khoảng 6 tháng đầu tiên mới thành lập công ty, vì chưa có tên tuổi trên thị trường, nên GUDJOB chọn cách chủ động tiếp cận khách hàng. Theo đó, chúng tôi sẽ tìm kiếm những thương hiệu/ doanh nghiệp vừa và nhỏ đang triển khai hoạt động tiếp thị trên social media, rồi đánh giá những điểm tốt/ chưa tốt. Để thuyết phục họ hợp tác với GUDJOB, chúng tôi thực hiện một bản đề xuất ngắn gọn những giải pháp có thể cải thiện hiện quả. Ngoài ra, công ty cũng xây dựng và phát triển nội dung, bộ từ khoá cho website để khách hàng có thể tìm đến thông qua kênh search.

Khi đã có cơ hội tiếp cận trực tiếp với khách hàng, chúng tôi sẽ chủ động trao đổi, tư vấn về những vấn đề họ đang gặp phải, đi kèm là những bản đề xuất chi tiết, có thể triển khai ngay với nền chi phí tối ưu. Dù là thương hiệu nhỏ hay lớn, GUDJOB luôn chú trọng đầu tư việc nghiên cứu, khảo sát, tạo ra những bản đề xuất giải pháp tốt nhất để chinh phục khách hàng.

Nhờ những nỗ lực này, sau 6 tháng, số lượng khách hàng của GUDJOB dần tăng lên và đa dạng ngành nghề hơn, giúp portfolio của công ty càng dày hơn về số lượng lẫn chất lượng. Và đến hiện tại, công ty đã có được sự ổn định về tệp khách hàng, bộ máy nhân sự và cả khâu vận hành.

* Vậy anh hãy kể về một dự án tâm đắc nhất của GUDJOB cho đến thời điểm hiện tại?

Năm 2019, GUDJOB có cơ hội hợp tác với IK Plus – một thương hiệu chuyên về giấy và văn phòng phẩm đến từ Indonesia. Yêu cầu thương hiệu đặt ra là xây dựng nội dung trên Facebook và Instagram để làm tăng mức độ nhận biết thương hiệu (brand awareness) và tình cảm thương hiệu (brand love).

Sau quá trình nghiên cứu brief cũng như khảo sát thị trường, chúng tôi nhận thấy dự án này vừa có thuận lợi, vừa có khó khăn. Thuận lợi nằm ở việc đối với ngành hàng giấy và văn phòng phẩm tại Việt Nam chưa có nhiều hoạt động marketing nổi bật trên social media, nên IK Plus có thể tự tin triển khai. Tuy nhiên, đó cũng chính là khó khăn, vì thực tế không có nhiều dữ liệu về insight hay phản hồi của khách hàng đối với các chiến dịch tiếp thị trong ngành này.

Để giải quyết bài toán này, GUDJOB đầu tư nhiều thời gian và công sức để nghiên cứu thị trường, tình hình của IK Plus cùng các thương hiệu khác rất kỹ lưỡng và chu đáo, sau đó đề xuất giải pháp xây dựng nội dung cho hai kênh truyền thông chính là Facebook và Instagram trong 1 năm. Vì chúng tôi thấy rằng nếu chỉ triển khai một vài nội dung trong thời gian ngắn thì sẽ không thể tác động đến tâm trí khách hàng. Một chuỗi nội dung liên tục, nhất quán về nội dung, hình ảnh trong thời gian dài mới đủ giúp khách hàng biết và nhớ đến thương hiệu.

GUDJOB cũng đề xuất cách tiếp cận và triển khai khác nhau cho 2 kênh social media hiện có của thương hiệu là Facebook và Instagram, vì đối tượng mục tiêu trên hai kênh này hoàn toàn khác biệt. Với Facebook, chúng tôi hướng đến nhóm mục tiêu là 25-40 tuổi, chủ yếu là nhóm nhân viên văn phòng, có thói quen mua sắm trên Facebook và thường xuyên quan tâm đến giấy tờ và văn phòng phẩm. Do vậy nội dung phải được xây dựng xoay quanh đặc tính sản phẩm, giá cả, chương trình khuyến mãi, mini game kích hoạt trải nghiệm... thì mới thu hút sự quan tâm của nhóm này. Trong khi với Instagram, nhóm mục tiêu lại là những người trẻ, ở độ tuổi từ 19-30, thường sử dụng Instagram vì mục đích giải trí, nên nội dung cho kênh này phải mang yếu tố hài hước, sáng tạo, bắt xu hướng và thường là những mẫu truyện tranh công sở để thu hút tương tác của người dùng.

Sau 1 năm triển khai, chiến dịch đem về nhiều kết quả tích cực về lượng tiếp cận, tương tác, nhận biết thương hiệu... Đặc biệt khi so với benchmark của toàn ngành, nội dung của IK Plus vẫn nổi trội hơn nhiều thương hiệu khác. Bước qua năm thứ 2 hợp tác, chúng tôi cũng đang lên kế hoạch làm mới lại một số nội dung cho nhãn hàng này.

Quả ngọt đánh dấu 3 năm hoạt động: Top 100 công ty SME có tốc độ phát triển nhanh nhất tại Việt Nam do SME Magazine Châu Á bình chọn

* Vậy, GUDJOB xây dựng văn hoá doanh nghiệp như thế nào?

GUDJOB hướng đến xây dựng văn hoá doanh nghiệp lành mạnh, lấy con người làm động lực phát triển. Chúng tôi rất muốn tạo ra một môi trường làm việc văn minh, vui vẻ và khoa học (balance & healthy) để mọi người cùng tiến bộ và cảm thấy hạnh phúc với công việc mình làm.

Theo đó, công ty đang áp dụng mô hình làm việc Pod Approach nhằm giúp các đội ngũ trong công ty làm việc với nhau hiệu quả hơn. Ở mô hình này, vai trò của các bộ phận như Account, Copywriter, Digital, Design sẽ được xếp ngang nhau và đều phải làm việc trực tiếp với khách hàng trong mỗi dự án.

Vì với mô hình truyền thống của agency, người giữ vị trí Account thường sẽ là đầu mối làm việc trực tiếp với khách hàng, nắm hết thông tin của dự án, chỉ chia sẻ một phần thông tin dự án và yêu cầu của khách hàng cho team creative (Design, Copywriter). Đôi khi điều này làm cho các bạn creative nhận thiếu thông tin nên tạo ra một sản phẩm không phù hợp với brief của khách hàng, dẫn đến những mâu thuẫn giữa các team.

Trong khi với Pod Approach, người Account sẽ làm đúng vai trò của mình là quản lý dự án, và là người kết nối khách hàng với đội ngũ thực thi của GUDJOB. Như vậy thì tất cả mọi thành viên trong dự án đều sẽ trực tiếp làm việc với khách hàng, nên sẽ nhận thông tin ở mức đầy đủ nhất. Chẳng hạn, nếu có vấn đề liên quan đến phần nội dung và hình ảnh, team creative sẽ trao đổi với khách hàng để hiểu rõ mong muốn, ý đồ và thông điệp truyền tải. Quá trình chỉnh sửa cũng diễn ra nhanh chóng và hiệu quả hơn, bớt đi các khâu trung gian của người account như trước kia. Và người creative sẽ hiểu rõ mình cần phải làm gì cho mỗi dự án, thay vì tiếp nhận thông tin thụ động và đợi phản hồi của Account như trong mô hình làm việc truyền thống.

Bên cạnh đó, GUDJOB cũng liên tục củng cố kiến thức và bồi dưỡng kỹ năng cho nhân viên. Một trong số đó là chương trình đào tạo GUDJOB Talent Development Program với 80% hàm lượng kiến thức là branding, còn 20% là digital được tổ chức hàng tháng nhằm giúp nhân viên nắm chắc kiến thức về ngành. Ngoài ra, chúng tôi cũng tổ chức các buổi hội thảo training kỹ năng thiết kế, nội dung với diễn giả là những anh/ chị có nhiều kinh nghiệm từ các agency lớn để các bạn có thể học hỏi thêm nhiều điều mới.

* Vậy định hướng phát triển trong tương lai của GUDJOB là gì?

Trong tương lai, GUDJOB muốn mở rộng quy mô dịch vụ để trở thành một agency full-service, cung cấp được nhiều giải pháp marketing hơn cho khách hàng, đặc biệt là những thương hiệu lớn. Ngoài ra, công ty cũng có kế hoạch chăm sóc khách hàng cũ để tăng mức độ retention rate bằng những buổi gặp mặt, tìm hiểu nhu cầu định kỳ để đề xuất những dịch vụ mới, phù hợp hơn.

Đặc biệt, cuối năm 2020, GUDJOB nhận được giải thưởng giải top 100 công ty SME Việt Nam có tốc độ phát triển nhanh (Vietnam Fast Moving Companies - SME 100 Awards 2020) trong lĩnh vực Truyền thông và Sáng tạo do tạp chí SME Magazine Châu Á đề cử. Đây được xem như phần thưởng ghi nhận nỗ lực của chúng tôi sau 3 năm phát triển, và cũng là động lực thôi thúc giúp toàn công ty phát triển hơn nữa trong tương lai.

* Cảm ơn anh về những chia sẻ trên!

Thông tin liên hệ của GUDJOB: https://gudjob.net

Xem thêm bài viết cùng chuyên mục tại đây.

Hạnh Bạch / Brands Vietnam
* Nguồn: Brands Vietnam