Marketer Chuyên gia tư vấn Đặng Thanh Vân
Chuyên gia tư vấn Đặng Thanh Vân

Tổng giám đốc @ Công ty CP Thương hiệu và Quản trị Thanhs

Dĩ bất biến - ứng vạn biến trong kinh doanh

Câu nói “Dĩ bất biến ứng vạn biến” nổi tiếng của Hồ Chủ Tịch tặng cụ Huỳnh Khúc Kháng vào năm 1954 khi Người sang Pháp dự hiệp ước Gionevo, và giao lại toàn quyền điều hành đất nước cho Nhân sĩ yêu nước họ Huỳnh.

Múa sạp: nếu không bình tĩnh nhìn "quy luật" chắc chắn bạn sẽ bị sạp nứa đập vào chân và phải nhảy lại từ đầu.

Ý nghĩa cơ bản của câu thành ngữ có tầm chiến lược này là lấy cái bất biến (không thay đổi) mà ứng phó với cái vạn biến (cái luôn thay đổi) và dù mọi sự vật hiện tượng luôn phong phú, đa dạng, thay đổi khôn lường nhưng đều xoay quanh trục của nó, đó là bản thể. Binh pháp Tôn tử cũng có kế sách “lấy tĩnh chế động” tương tự.

Đó là vấn đề mang tầm triết học. Còn với tôi, dĩ bất biến, ứng vạn biến là sự bình thản khi con gái bỏ ăn, vì bản chất vấn đề là chúng ta sẽ ăn khi đói, hoặc khi thích ăn; còn nếu không muốn ăn là vì không đói hoặc đơn giản là chán rồi.

Trong cuộc sống và công việc cũng thế, nếu manh động và vội vàng đáp ứng, ứng xử với các hiện tượng, thì ta không đủ bình tĩnh để nhận ra bản chất. Nếu bạn vội vàng mắng một nhân viên ngày nào cũng đi làm muộn, thì có thể bạn không hiểu bản chất của người nhân viên đó có thể làm gấp đôi năng lực người khác trong cùng một khoảng thời gian – hoặc bạn sẽ không biết người nhân viên đó thực sự muốn gì.

Hoạt động kinh doanh vốn “vạn biến”, đa dạng, phong phú, khó lường. Nhiệm vụ của những người nghiên cứu, những nhà lý luận là tìm ra cái “bất biến”, tìm ra quy luật trong sự hỗn độn. Còn nhiệm vụ của các nhà quản lý và tư vấn, là “ứng dụng quy luật” và sử dụng “bản chất bất biến” để “ứng biến”, giải quyết vấn đề.

Có lẽ vì thế, trong ngành Marcom, cái đáng quan tâm nhất và được yêu thích nhất là các CASE (trường hợp, bài học thực tế) được giới chuyên môn phân tích, đánh giá. Tuy nhiên, cũng chính vì các case, mà đa phần dân ngoại đạo, vốn là các doanh nhân trong một phạm vi hẹp của bài viết, thấy càng đọc càng thấy rối, rằng “hay thì thật là hay” mà không thể ứng dụng được.

Lý do: vì chúng ta quen nhìn cái “vạn biến” và đọc cách xử lý vấn đề theo kiểu “vạn biến” – mỗi case là một giải pháp và dường như không có giải pháp nào giống nhau.

Chẳng hạn khi Marketer giới thiệu Case “I love Mom” của P&G, thì đa phần chúng ta thấy rất hay, nhưng tặc lưỡi “doanh nghiệp nhỏ lấy đâu ra ngân sách khủng thế này” để làm IMC (truyền thông tích hợp); hoặc lấy đâu ra tiền mà trả cho việc sáng tạo nên concept này. Thực tế cái “bất biến” trong hàng loạt những Case nổi bật của các “ông lớn’ đang triển khai thành công chỉ gói gọn trong HAI VẤN ĐỀ đơn giản:

1. CÔNG CHÚNG TƯƠNG TÁC VỚI NHAU (chứ không phải là Công chúng tương tác với thương hiệu): công chúng chủ động tham gia vào truyền thông bằng cách kể các câu chuyện của mình, và vì là chuyện cá nhân (nhưng được public) nên họ chủ động chia sẻ với bạn bè của họ, thậm chí lôi kéo mọi người vào câu chuyện đó (bằng việc mời share, like, vote…)

2. PLATFORM: Nền tảng và môi trường truyền thông Internet – công cụ tuyệt vời để “1 người phụ nữ với hai con vịt thì thành một cái chợ” (mượn câu ngạn ngữ nổi tiếng của người VIệt).

Vậy là, bản chất của vấn đề là lấy cái “bất biến” : văn hóa của loài người, để tồn tại và phát triển là hoạt động trao đổi (thông tin) với nhau, cho dù sự trao đổi đó giờ đây diễn ra qua một môi trường đậm chất công nghệ chứ không còn là môi trường “không khí” như xưa; ứng xử với cái “vạn biến”, đa dạng khó lường là văn hóa dân tộc, sở thích, lối sống, hành vi, phân tầng xã hội, phân đoạn tuổi tác, phân vùng địa lý… để xây dựng nên những concept phù hợp.

Một người bạn, chủ một trường chuyên đào tạo SEO – vốn là doanh nghiệp nhỏ (như anh tự nhận) nhưng tôi đánh giá đặc biệt cao tầm tư duy hệ thống và nhận biết “bản chất” của người lãnh đạo tổ chức. Chính anh là người sáng tạo nên cái gọi là “công nghệ đào tạo online” khi tạo ra nhiều tầng Group FB cho nhiều tầng khách hàng/công chúng tương tác (với nhau là chính). Mặc dù không học anh ngày nào, nhưng tôi đoán (mò) rằng kết quả của các khóa đào tạo do anh đứng lớp cũng dựa trên việc nắm được “bản chất, bản thể” sự vật hiện tượng đó.

Một đối tác chiến lược khác của Thanhs cũng trong lĩnh vực Digital lại là “Vua” trong việc sáng tạo giải pháp để “ứng vạn biến”. Đừng hỏi anh có biết về cái “bất biến” không, đương nhiên nếu không biết thì làm sao mà “ứng biến nhanh như điện” được?

Vậy thế nào là “bản chất”? Làm sao để tìm ra “bản chất”? – Những người thích câu cá sẽ dễ dàng trả lời câu hỏi này. Bằng việc kiên nhẫn học hỏi và theo dõi “người đi câu” lẫn “hồ cá”, họ tự tìm ra quy luật về giờ câu, mồi câu, chỗ ngồi hay là sở thích của một con cá to…

Những người bán hàng “lề đường” hay “online” cũng vậy, họ chẳng biết đến lý luận cao siêu, cũng chẳng hề nghĩ đến việc tìm “bản chất”; nhưng họ biết bán hàng gì cho khách nào vào thời gian nào và thậm chí nói-câu-gì-với-ai. Sau một số kết quả tốt nho nhỏ với 1 vài người khách quen, họ nhân việc đó lên trên phạm vi rộng hơn với nhiều khách hàng hơn. Và điểm mấu chốt là HỌ KHÔNG QUAN TÂM ĐẾN CÁCH LÀM KHÁC vì cách hiện tại ĐÃ TỐT RỒI. Họ chẳng bị lan man bởi ý nghĩ Truyền thông trên Youtube hay QC Google Adword, đặt banner ở đầu đường hay chả cần banner, bán thêm hoa quả dầm hay chỉ bán mỗi nước chè với hạt hướng dương?

Thực tế, họ nắm được bản chất vấn đề, là có một số tập khách hàng thích mua hàng nhưng lười đi chọn đồ và sẵn sàng mua nếu thấy nhiều người đã mua; hoặc có một số tập khách hàng khác cần một chỗ ngồi vỉa-hè-không-phủi để chém gió.

Với các bạn trẻ, những người rất thích case-study, rất thích sự sáng tạo và khác biệt, hãy dành chút thời gian nghĩ về bản chất và quy luật. Nắm được điều này, các bạn đã có trong tay vũ khí để chiến đấu với bất kỳ “đối thủ” nào.

p/s: Việc đi học ở trường đại học, hay ở bất kỳ trung tâm đào tạo hoặc học ở “đại học bôn ba” – cũng đều là quá trình học QUY LUẬT và tìm ra BẢN CHẤT, chứ đừng nên vội vàng cho rằng, “học xong không ứng dụng được gì” mà lỡ mất cơ hội một ngày nào đó sẽ câu được con cá to.

Nguon: http://www.dangthanhvan.com/2014/03/di-bat-bien-ung-van-bien-trong-kinh.html