Marketer Brands Vietnam
Brands Vietnam

Community Admin @ Brands Vietnam

Đường đến Vua Cua

Thành lập công ty kinh doanh hải sản dựa trên kinh nghiệm của một “tay ngang”, giờ đây người đứng đầu Vua Cua đang đặt cược vào công nghệ để tăng trưởng.

Gặp Đoàn Thị Anh Thư tại văn phòng chính của Vua Cua ở quận 1, cô đang khá tất bật với các dự định của Vua Cua sắp tới. Sau ba năm khởi sự kinh doanh, thương hiệu này đang sở hữu 5 chi nhánh ở TP.HCM, một con số không hề khiêm tốn trong thị trường kinh doanh F&B ngành hải sản ở Việt Nam.

Tháng 11, Vua Cua sẽ nâng cấp chi nhánh Võ Văn Kiệt để mang đến trải nghiệm mới cho thực khách và khai trương cơ sở tiếp theo tại Thủ Đức chỉ sau đó đúng một tháng. Thư cho biết 100% vốn mở quán là từ lợi nhuận tái đầu tư, không có sự tham gia của cổ đông mới.

“Vua Cua đang muốn tối ưu doanh thu mỗi mặt bằng hiện tại.”, Thư khẳng định.

Điều này cũng đồng nghĩa Vua Cua sẽ tạm dừng kế hoạch mở rộng, ít nhất là hết năm nay. Nhà sáng lập 8x đang muốn đạt được tỉ suất sinh lời cao nhất trên mỗi mặt bằng để việc mở rộng bền vững hơn.

Không gian sang trọng của một chi nhánh Vua Cua.

Theo dữ liệu mới nhất của Hiệp hội Bất Động Sản TP.HCM (HoREA), thành phố hiện có 13 triệu dân (tính cả nhập cư), bình quân mỗi năm tăng thêm khoảng 200.000 người. Business Monitor International (BMI) dự báo rằng ngành thực phẩm, đồ uống cũng như dịch vụ ẩm thực tại Việt Nam duy trì mức tăng trưởng kép hằng năm là 10,9% cho giai đoạn 2017-2019, nhờ thu nhập được cải thiện và xu hướng tiêu dùng các sản phẩm có giá trị cao hơn.

Số liệu của Tổng cục Thống kê những năm gần đây cho thấy, khi tốc độ tăng trưởng kinh tế duy trì ở mức 6-7%, các lĩnh vực chế biến thực phẩm và đồ uống, dịch vụ ăn uống, nhà hàng cũng đạt mức tăng trưởng cao, từ mức 7% hàng năm trở lên. Chính vì thế, BMI dự báo lĩnh vực này sẽ tiếp tục duy trì mức tăng trưởng tốt nhờ vào tốc độ tăng trưởng GDP tích cực trong giai đoạn 2019-2020.

Tự nhận là tay ngang tham gia kinh doanh F&B theo chuỗi, Thư có cái nhìn rất khác từ việc chọn mặt bằng cho đến mở rộng. Nếu như vị trí là kim chỉ nam trong việc kinh doanh chuỗi nhà hàng, nữ doanh nhân lại chọn các mặt bằng không cần đẹp nhưng phải dễ tìm, dễ nhớ, có chỗ đậu xe và an toàn khi dừng xe vào quán.

Mặt bằng không cần đẹp nhưng phải dễ nhớ, dễ tìm, có chỗ đậu xe và không gian trò chuyện.

Dựa trên kinh nghiệm, Thư nhận thấy vị trí đẹp là đường thứ chính, diện tích từ 200-250m2, giao thông thuận tiện, có thể đậu xe hơi và xe máy. Không gian quán dứt khoát phải được thiết kế sang trọng, ấm áp phù hợp với số tiền khách chi cho bữa ăn.

Theo Thư, các vị trí đẹp, đắc địa sẽ tốn rất nhiều chi phí để thuê và nguồn này tác động trực tiếp đến sự sống còn của chi nhánh đó. Vì thế, cô có xu hướng đầu tư cho các mặt bằng theo chuẩn “đẹp” của riêng mình và hướng đến quảng cáo, tiếp thị trong thời gian đầu. Logic rất đơn giản: khi khách nhớ đến quán, tiền quảng cáo sẽ giảm theo thời gian - điều không thể xảy ra với chi phí cho thuê mặt bằng đắc địa.

Trong chiến lược gia tăng nguồn thu trên mỗi mặt bằng, Vua Cua đang hướng đến việc đẩy mạnh thực đơn buổi trưa, bán hàng đóng gói cũng như phát triển mảng đặt và giao hàng trực tuyến. Đây là xu hướng chung của thị trường Việt Nam hiện nay, chỉ khác là công ty tự đầu tư xây dựng hệ thống từ đặt hàng cho đến đội ngũ giao nhận nội bộ.

Vua Cua đang hướng đến việc đẩy mạnh thực đơn trưa, bán hàng đóng gói và phát triển giao hàng trực tuyến bằng đội ngũ giao nhận nội bộ.

Quay lại thời điểm năm 2016, ý tưởng hình thành chuỗi nhà hàng cao cấp hiện nay đến từ trải nghiệm bỏ mối cua Cà Mau trong phòng trọ rộng 15m2 của cô gái trẻ Anh Thư. Thú vị hơn khi mọi thứ xuất phát từ “một người không biết nấu ăn hay kinh doanh ngành F&B trước đây”, như lời Thư bộc bạch.

Thua lỗ một thời gian dài kể từ khi Tiki.vn, Lazada.vn kinh doanh hàng điện tử, Thư buộc phải đóng cửa website chuyên cung cấp điện thoại từng đạt nhiều thành tựu cả về bộ máy lẫn tài chính. Lúc ấy, cô nhớ lại ngày xưa rất thích ăn cua và tìm được vài chỗ cung cấp cua Cà Mau rất ngon nên ý tưởng bỏ mối nhanh chóng hình thành. Thời gian đầu, Thư nhận đặt hàng trên Facebook. Cô cũng mày mò tự chế biến thêm các loại nước sốt và sơ chế sẵn vì khách hàng phần lớn không có thời gian thực hiện.

“Cứ 4 giờ sáng đến chợ đầu mối lấy cua, đem về phòng trọ nghỉ ngơi một tý rồi dậy sơ chế và bắt đầu đem giao lúc 8 giờ”, Thư kể.

Các đơn hàng trên Facebook bắt đầu tăng theo thời gian, doanh thu hàng tháng dần đạt trên 40 triệu đồng. Lúc này, Thư mạnh dạn nghĩ đến việc mở quán vì thử nghiệm công thức ban đầu rõ ràng đã được thị trường chấp nhận.

Chi nhánh đầu tiên trên đường Võ Thành Trang (quận Tân Bình) kinh doanh khá ổn. 6 tháng sau, cô mở thêm chi nhánh thứ 2 trên đường Vũ Huy Tấn (quận Bình Thạnh). Tuy nhiên, sự cố bắt đầu xảy ra ở chi nhánh thứ 2 khi tiền lỗ mỗi ngày gần 1 triệu đồng. Kết quả, sau ba tháng, Thư phải đóng cửa chi nhánh đầu tiên để bù lỗ, và trực tiếp đứng bếp cùng ba nhân viên tại nhà hàng còn lại.

Đã từng nghĩ đến việc đóng cửa vì không chịu nổi áp lực công việc và vòng xoay lỗ - vốn.

Đoàn Thị Anh Thư - CEO & Founder Vua Cua.

Không còn nhiều lựa chọn, nữ sáng lập quyết định đổi mô hình kinh doanh, chuyển sang buffet cua với giá 269.000 nghìn đồng/ khách. Bước đột phá này mang đến cho Thư 200 lượt khách một ngày. Tuy nhiên, việc xác định mức giá ban đầu quá vội vàng nên dù đông khách, quán chỉ đủ chi phí duy trì hằng tháng.

“Kinh khủng nhất là với 4 nhân viên tính luôn cả tôi, phục vụ 200 người mỗi ngày, tôi như bị cuốn vào vòng xoáy công việc và không có thời gian để nghĩ ra ý tưởng gì mới”, Thư nói.

Dừng lại một chút, cô đảo ánh mắt nhìn vào góc văn phòng rồi nhún vai thú thật rằng mình đã nghĩ đến việc đóng cửa quán, vì chịu không nổi áp lực công việc và quan trọng nhất là không có thời gian để thoát khỏi vòng lặp đó. Mái tóc hớt cao, ánh mắt sắc lẻm và giọng nói to khoẻ, Thư có lẽ là tạng người đi mở đường trong kinh doanh hơn là vận hành.

Rất may mắn, một trong những thực khách từng ăn ở Vua Cua ngỏ ý định đầu tư đổi lấy cổ phần công ty. Thư đồng ý nhưng với điều kiện cô phải là người quyết định toàn bộ chiến lược của công ty. Thương vụ diễn ra chưa tới 2 tháng.

Có tiền trong tay, có kinh nghiệm vận hành, Thư bắt đầu mở thêm các chi nhánh ở Võ Văn Kiệt (Q.1), Bàu Cát (Q.Tân Bình), Landmark 81 (Q.Bình Thạnh - mô hình Delivery), An Đông Plaza (Q.11) và sắp tới là Thủ Đức. Để đảm bảo chất lượng và nguồn nguyên liệu của tất cả các chi nhánh, Thư xây dựng một bếp trung tâm.

Cô cũng nhận thức rõ những khiếm khuyết trong thời gian qua khiến Vua Cua phải đối diện với ngưỡng cửa tiếp tục hay dừng lại, đó là thiếu kiến thức trong lĩnh vực marketing, tài chính, kế toán. Vì vậy, Thư quyết định bổ sung thiếu sót của mình bằng việc kết hợp với các nhân tố có thế mạnh trong lĩnh vực trên bằng cách tặng cổ phần hoặc mời gọi tham gia theo hình thức bán thời gian.

“May mắn giúp tôi gặp được những người có năng lực Vua Cua cần và may mắn hơn nữa là họ đều đồng ý ngồi góp sức cùng với chúng tôi”, Thư nói.

Việc xây dựng hệ thống công nghệ thông tin là cần thiết, tuy nhiên ở Việt Nam rất hiếm công ty F&B trên thị trường đi theo con đường này.

Giờ đây, khi mọi việc đã dần dần đi vào quỹ đạo, Thư quan tâm nhiều hơn đến việc tạo ra nguồn thu bền vững hơn nữa cho Vua Cua. Cũng phải nói thêm, đây không phải là lần đầu tiên CEO 8x thử các mô hình kinh doanh mới.

Trước đó, Thư từng đưa Vua Cua vào Big C thành công nhưng sau 6 tháng buộc phải ngưng vì hiệu quả mang lại không như công ty mong muốn. Thế nhưng nữ giám đốc đánh giá đây cũng là bài học cực kỳ quý giá vì giúp cô tập trung hơn vào mô hình quán ăn, không “tơ tưởng lan man”.

Nhìn xa hơn, Thư tham vọng biến cua thành món ăn hằng ngày chứ không chỉ dành riêng cho tiệc tùng hay các dịp lễ hội, và điều này cũng sẽ kéo theo khá nhiều thay đổi từ chế biến cho đến cách tiếp cận khách hàng.

Việc xây dựng một hệ thống công nghệ thông tin theo định hướng của Thư là cần thiết, nhưng thực tế ở Việt Nam rất hiếm công ty F&B trên thị trường đi theo con đường này vì chi phí cao và rất rủi ro.

“Chúng tôi ý thức được việc tự xây là tốn kém, nhưng đổi lại đó là cách tốt nhất để hiểu rõ khách hàng của mình. Đó cũng là định hướng của Vua Cua: Lấy khách hàng làm kim chỉ nam”, Thư khẳng định.

* Nguồn: Brands Vietnam