Marketer Khuất Quang Hưng
Khuất Quang Hưng

Giám đốc Đối ngoại & Truyền thông @ Nestlé Việt Nam

Khủng hoảng là gì?

Hàng loạt các sự việc xảy ra trong xã hội gần đây được gắn mác “khủng hoảng”. Tuy nhiên trong đa số trường hợp, đó là các vấn đề hoặc sự cố chứ chưa hẳn là khủng hoảng.

Hiện nay tôi thấy có nhiều định nghĩa về khủng hoảng rất rõ ràng và cụ thể nhưng vẫn có nhiều người nhầm lẫn giữa “có vấn đề” với “khủng hoảng”.

Thế nào là “có vấn đề”?

Một sự việc có thể được coi là “có vấn đề” nếu sự việc đó gây ảnh hưởng tới doanh nghiệp hoặc tổ chức. Đó có thể là các vấn đề gây tranh cãi (ví dụ: CEO được nhận khoản thù lao cực kỳ lớn), hoặc một quyết định không được sự ủng hộ của số đông (cắt giảm đầu tư hoặc thu hẹp quy mô hoạt động).

Một số “vấn đề” chính ảnh hưởng đến các doanh nghiệp ngày nay bao gồm:

Bảo vệ môi trường; Chất lượng dịch vụ/sản phẩm; Mối quan hệ với người lao động; Sức khỏe/An toàn của người tiêu dùng và cộng đồng; Tuân thủ quy định và luật pháp.

Bộ phận truyền thông trong doanh nghiệp được coi là thành công khi nó bảo vệ được danh tiếng và hình ảnh của doanh nghiệp, xác định những rủi ro tiềm tàng, giảm nhẹ ảnh hưởng, và kịp thời phản ứng khi các rủi ro này xảy ra.

Bộ phận truyền thông trong doanh nghiệp được coi là thành công khi nó bảo vệ được danh tiếng và hình ảnh của doanh nghiệp. Hình bản quyền bởi StockUnlimited.

Vậy khủng hoảng là gì?

Khủng hoảng hiển nhiên là khác với “vấn đề” và không phải tất cả các “vấn đề” đều trở thành khủng hoảng. Tuy nhiên nếu một vấn đề không được quản lý đúng mức, vấn đề đó có thể trở thành một cuộc khủng hoảng. Một vấn đề trở thành một cuộc khủng hoảng khi nó tác động lớn đến uy tín của một doanh nghiệp hoặc khả năng hoạt động bình thường của doanh nghiệp đó.

Theo ông Jonathan Bernstein, một chuyên gia xử lý khủng hoảng Mỹ: “Khủng hoảng là tình thế đe dọa nghiêm trọng tới uy tín, làm gián đoạn nghiêm trọng công việc hoặc hoạt động kinh doanh, ảnh hưởng tiêu cực tới giá trị cổ phiếu.”

Một công ty của Mỹ khác thì định nghĩa khủng hoảng là “một sự kiện đặc biệt hoặc một loạt các sự kiện có ảnh hưởng xấu đến tính toàn vẹn của sản phẩm, danh tiếng và sự ổn định tài chính của tổ chức , hay sức khỏe hoặc phúc lợi của nhân viên, cộng đồng hoặc công chúng ở quy mô lớn. ”

Còn Tạp chí Kinh doanh Havard thì định nghĩa rằng khủng hoảng là một tình thế đã đạt tới giai đoạn nguy hiểm, gay cấn, cần phải có sự can thiệp ấn tượng và bất thường để tránh hay để sửa chữa thiệt hại lớn.

Nếu một vấn đề không được quản lý đúng mức, vấn đề đó có thể trở thành một cuộc khủng hoảng.

Tóm lại, để xác định khủng hoảng là gì, bạn cần phải trả lời đủ 4 câu hỏi sau:

Đây có phải là một sự việc mở đầu cho những rủi ro nghiêm trọng không? Sự việc này liệu có được giám sát chặt chẽ không? Sự việc này có gây trở ngại cho hoạt động kinh doanh bình thường không? Sự việc có gây nguy hại cho hình ảnh của công ty hay tác động về tài chính không?

Trong thực tế khủng hoảng được chia làm hai loại: khủng hoảng xảy ra đột ngột và khủng hoảng có thể tiên liệu trước.

Một cuộc khủng hoảng xảy ra đột ngột là khủng hoảng không thể dự đoán được. Ví dụ: thảm họa gây ra bởi thiên tai. Trong khi đó, một cuộc khủng hoảng có thể tiên liệu trước là một vấn đề mà khi không được quản lý phù hợp thì phát triển thành một cuộc khủng hoảng. Ví dụ: bị đình chỉ hoạt động do vi phạm các quy định xử lý chất thải nguy hại.

Nếu bạn hiểu sự khác nhau giữa một vấn đề và một cuộc khủng hoảng, bạn sẽ tìm ra cách phản ứng thích hợp. Chiến lược xử lý khủng hoảng vì thế cũng sẽ thay đổi tùy thuộc vào bản chất của các cuộc khủng hoảng đó.