The e-Commerce Pivot in Vietnam 2022

Acclime Việt Nam bắt tay với Kantar Worldpanel để thực hiện báo cáo “The e-Commerce Pivot in Vietnam 2022”. Phần lớn dữ liệu được đề cập trong báo cáo được cung cấp bởi Kantar Worldpanel. Ngoài ra, những nền tảng e-Commerce phổ biến tại Việt Nam gồm Tiki, TMX, ShopBack cũng tham gia đóng góp nhiều thông tin hữu ích, góp phần tăng tính chi tiết và trực quan cho báo cáo. Ngoài 2 nguồn trên, báo cáo còn sử dụng dữ liệu từ nhiều nguồn đáng tin cậy khác như Tổng cục Thống Kê Việt Nam, Ngân hàng nhà nước Việt Nam, Google – Temasek and Bain & Company, The World Bank, Statista, McKinsey…

Năm 2021, Việt Nam có 73,2% dân số dùng Internet trong khi Philippines, Malaysia và Thái Lan cũng có tỷ lệ tương tự, mặc dù đứng thứ 6 về lượng người sử dụng Internet nhưng Việt Nam lại có tỷ lệ dân số mua sắm trên các nền tảng thương mại điện tử cao nhất Đông Nam Á, với 49,3 triệu người.

Tổng giá trị hàng hoá của thị trường e-Commerce Việt Nam ước tính 13 tỷ USD trong năm 2021, tăng đến 5 tỷ USD so với năm 2020. Do đó, không quá ngạc nhiên khi Việt Nam được dự đoán sẽ có mức tăng từ 13 tỷ USD trong năm 2021 lên 39 tỷ USD vào năm 2025.

Không những vậy, nếu xem qua thống kê top 10 nền tảng thương mại điện tử có lượng truy cập trung bình tháng trong khu vực Đông Nam Á năm 2020, bạn sẽ thấy có đến 5 cái tên gốc Việt: Thế giới Di động, Tiki, FPT Shop, Sendo và Bách hoá Xanh. 5 cái tên này cũng ghi nhận lượng traffic trung bình hàng tháng cao ngất ngưởng với khoảng 81,6 triệu. Điều này góp phần đưa Việt Nam vào top 2 quốc gia có lượng truy cập e-Commerce hàng tháng cao nhất khu vực (chỉ đứng sau Indonesia).

Theo Kantar Worldpanel, năm 2021, Việt Nam có lượt mua sắm trực tuyến nhiều hơn 65% so với năm trước, với thương mại điện tử chiếm 6% tổng thị trường FMCG (so với Thái Lan là 4%). Thị trường e-Commerce Việt Nam cũng rất cạnh tranh khi có hàng trăm “tay chơi” trong và ngoài nước không ngừng tạo ra giá trị, với nhiều chiến lược giành thị phần.

Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội là 2 thị trường e-Commerce trung tâm ở Việt Nam. Đó là nhờ vị trí chiến lược, cơ sở hạ tầng chất lượng, cộng với khả năng đầu tư trên quy mô lớn của ngày càng nhiều nhà cung cấp dịch vụ logistics. Riêng tại TP.HCM, hiện có 567 nền tảng e-Commerce đang hoạt động. Chúng tôi cũng nhận thấy khoảng cách phát triển của e-Commerce giữa 2 thành phố lớn (Hà Nội và TP.HCM) với các tỉnh khác đang được thu hẹp. Nhiều dịch vụ trực tuyến liên quan đến lĩnh vực e-Commerce được triển khai nhiều hơn ở khu vực địa phương, tiếp cận lượng lớn khách hàng chưa được khai thác từ các tỉnh lẻ của Việt Nam.

Thêm vào đó, vẫn còn 29,3% dân số Việt Nam vẫn chưa tham gia vào nền kinh tế số. Khi so số liệu này với các nước láng giềng như Thái Lan (chỉ 10,1%), có thể thấy tiềm năng phát triển to lớn của ngành e-Commerce Việt Nam trong những năm tới. Thậm chí, thị trường e-Commerce Việt Nam còn được dự đoán sẽ vượt qua Malaysia và Thái Lan vào năm 2025 (theo báo cáo của Google, Temasek và Bain & Company).

Từ những chia sẻ trên, đại diện từ Acclime Việt Nam đánh giá Việt Nam là một trong những thị trường e-Commerce sôi động nhất trong khu vực, với nhiều tiềm năng chưa được khai thác.

Xem thêm bài viết đầy đủ tại đây.