Brand Updates W14/2025: Golden Gate mua lại The Coffee House với giá 270 tỷ đồng, ChatGPT gây sốt nhờ tính năng tạo ảnh AI

Ngày 31/3, Golden Gate công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2024, qua đó xác nhận giá trị thương vụ mua lại The Coffee House từng gây xôn xao thị trường F&B hồi cuối tháng 2. Cũng trong tuần qua, lượng người dùng của ChatGPT tăng kỷ lục nhờ tính năng tạo ảnh AI miễn phí, đi cùng với đó là trào lưu tạo ảnh được lan truyền mạnh mẽ... Và nhiều tin tức đáng chú ý khác sẽ được cập nhật trong bản tin Brand Updates tuần này.
Golden Gate mua lại The Coffee House với giá 270 tỷ đồng
Theo báo cáo tài chính kiểm toán năm 2024 của Công ty Cổ phần Tập đoàn Golden Gate, ngày 8/1, tập đoàn đã hoàn thành việc mua 99,98% vốn của Công ty Cổ phần Thương mại Dịch vụ Trà Cà Phê Việt Nam (đơn vị sở hữu chuỗi The Coffee House) với tổng giá phí tạm thời là 270 tỷ đồng. Cuối năm 2024, Golden Gate đã đặt cọc 54 tỷ đồng cho thương vụ này.
Năm 2021, hãng Kiểm toán và Định giá ASCO từng định giá chuỗi The Coffee House ở mức 50 triệu USD (khoảng hơn 1.000 tỷ đồng). Như vậy, The Coffee House đã chấp nhận “bán mình” cho Golden Gate với mức giá chỉ bằng 1/4 so với trước đây. Theo các chuyên gia, một trong những nguyên nhân chính khiến giá trị của The Coffee House giảm mạnh là tình hình kinh doanh thua lỗ và âm vốn chủ sở hữu, dẫn đến tồn đọng nhiều khoản nợ đáng kể.
Tháng 8/2024, chuỗi bất ngờ đóng cửa tất cả chi nhánh tại Cần Thơ sau hơn 5 năm hoạt động, đồng thời lên kế hoạch “rút lui” khỏi TP. Đà Nẵng. Tính đến nay, The Coffee House chỉ còn vận hành 93 cửa hàng, giảm hơn 60 cửa hàng so với thời điểm hơn một năm trước (154 cửa hàng).
Golden Gate mua lại The Coffee House với giá 270 tỷ đồng.
Nguồn: Tổng hợp
Người dùng ChatGPT tăng kỷ lục nhờ tính năng tạo ảnh AI
Tuần qua, ChatGPT tiếp tục tạo nên một “cơn sốt” mới trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam, nhờ tính năng tạo ảnh AI miễn phí. Các ý tưởng tạo ảnh AI thú vị như ảnh mang phong cách hoạt hình Ghibli, ảnh hộp đồ chơi 3D mô phỏng bản thân... được cộng đồng mạng lan toả mạnh mẽ như một trào lưu. Nhờ đó, lượng người dùng của ChatGPT đã tăng đột biến.
“Chúng tôi đã có thêm một triệu người dùng trong một giờ qua”, CEO Sam Altman của OpenAI, viết trên X ngày 1/4. Ông không quên nhắc lại “khoảnh khắc lan truyền điên rồ” vào 26 tháng trước, khi ChatGPT chính thức ra mắt và đạt một triệu người dùng đầu tiên sau 5 ngày, qua đó nhấn mạnh cột mốc kỷ lục mới mà trợ lý AI này vừa đạt được. Công ty phân tích nền tảng trực tuyến SensorTower cũng xác nhận số lượng người dùng hoạt động (active user) và lượt tải ứng dụng ChatGPT đang đạt mức cao nhất, tăng lần lượt 11% và 5% so với tuần trước đó.
Theo nhiều trang tin, nhu cầu tạo ảnh trên ChatGPT tăng cao khiến cho máy chủ OpenAI quá tải, thậm chí có lúc ngừng hoạt động ở quy mô nhỏ do lượng truy vấn quá lớn. Dù vấp phải nhiều ý kiến trái chiều xoay quanh quyền sở hữu trí tuệ, quyền riêng tư… “cơn sốt” tạo ảnh AI bằng ChatGPT, đến nay, vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Trào lưu tạo ảnh AI bằng ChatGPT gây sốt trên toàn cầu.
Nguồn: Tổng hợp
Coca-Cola tái khởi động chiến dịch “Share a Coke” trên toàn cầu
Tuần qua, Coca-Cola thông báo tái khởi động chiến dịch “Share a Coke” trên toàn cầu – một trong những chiến dịch thành công nhất của thương hiệu, thay thế logo bằng tên riêng của người tiêu dùng theo phông chữ đặc trưng của Coca-Cola. Theo đại diện Coca-Cola, thương hiệu sẽ giới thiệu “số lượng tên nhiều nhất từ trước đến nay”, song, danh sách tên sẽ khác nhau tuỳ theo từng thị trường, dựa trên dữ liệu nghiên cứu và sự hợp tác với các đối tác.
Trong lần trở lại này, những người không tìm thấy tên mình trên bao bì tại cửa hàng có thể quét mã QR để truy cập nền tảng tuỳ chỉnh trực tuyến và trải nghiệm đa dạng công cụ cá nhân hoá khác. Bên cạnh các trải nghiệm số, Coca-Cola vẫn duy trì những phương thức truyền thông truyền thống, bao gồm chiến dịch quảng cáo ngoài trời và một TVC mang tên “The Magic of Sharing”, nhằm truyền tải trọn vẹn ý nghĩa của thông điệp “Share a Coke”.
Người tiêu dùng của hơn 120 quốc gia sẽ bắt đầu tìm thấy những lon hoặc chai Coca‑Cola có tên trên kệ hàng từ tháng 4 này. Tuy nhiên, thời gian ra mắt cụ thể sẽ khác nhau tuỳ theo từng quốc gia.
Coca-Cola tái khởi động chiến dịch “Share a Coke” trên toàn cầu.
Nguồn: Coca-Cola
Tinder hợp tác với OpenAI, ra mắt tựa game giúp người dùng rèn luyện kỹ năng “thả thính”
Tinder vừa ra mắt trò chơi “The Game Game”, sử dụng mô hình GPT-4o của OpenAI, cho phép người dùng tương tác với chatbot AI để rèn luyện kỹ năng tán tỉnh và nhập vai trong các tình huống “gặp gỡ tình cờ dễ thương” (meet-cute). Trò chơi mới của Tinder mang đến cảm giác chân thật nhờ sử dụng Chế độ Giọng nói nâng cao (Advanced Voice Mode) của OpenAI.
Trong trò chơi, người dùng sẽ được phát một bộ bài, mỗi lá bài tương ứng với một nhân vật AI và một tình huống gặp gỡ cụ thể, ví dụ như vô tình cầm nhầm hành lý của ai đó ở sân bay. Thách thức đặt ra cho người chơi là phải lấy được số điện thoại của đối phương hoặc đề xuất thành công một buổi hẹn trong thời gian giới hạn. Sau đó, người chơi sẽ nhận điểm đánh giá theo thang 3 biểu tượng ngọn lửa của Tinder, kèm theo các gợi ý cải thiện kỹ năng hẹn hò. Ngoài ra, người chơi cũng sẽ nhận được điểm thưởng khi nói ra những câu “thả thính” duyên dáng hoặc thú vị để duy trì cuộc trò chuyện.
Bà Devyn Simone, đại diện Tinder, cho biết “The Game Game” được xây dựng dựa trên các nguyên lý tâm lý học xã hội để tính điểm và đưa ra các gợi ý phù hợp. Mục tiêu là giúp người chơi rèn luyện khả năng lắng nghe, đặt câu hỏi, cũng như học cách bày tỏ sự chân thành và thể hiện đúng bản chất của họ.
Song, đại diện Tinder cũng nhấn mạnh đây chỉ là một trò chơi giải trí, khả dụng tại Mỹ trên nền tảng iOS trong một khoảng thời gian giới hạn. “Trò chơi không nhằm thay thế các cuộc trò chuyện giữa con người. Ngược lại, nó được tạo ra để khuyến khích những cuộc trò chuyện chân thật, với người thật ngoài đời”, bà Simone khẳng định. Do đó, người chơi chỉ được chơi tối đa 5 lần mỗi ngày, để nhớ rằng Tinder là ứng dụng hẹn hò với con người thật, không phải với AI.
Tinder “bắt tay” với OpenAI trong tựa game mới.
Nguồn: Tinder
Thế Giới Di Động có CEO mới
Thế Giới Di Động vừa thông báo miễn nhiệm chức vụ Giám đốc Tài chính đối với ông Vũ Đăng Linh, và bổ nhiệm ông vào vị trí Tổng Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật của doanh nghiệp từ ngày 3/4.
Theo bản công bố của Thế Giới Di Động, ông Vũ Đăng Linh gia nhập công ty từ năm 2008. Trong suốt 17 năm gắn bó, ông Linh đã trải qua nhiều vị trí công tác quan trọng như: Trưởng phòng Kế toán, Giám đốc Tài chính. Với quyết định bổ nhiệm mới, ông Vũ Đăng Linh sẽ tham gia ứng cử vào HĐQT Thế Giới Di Động nhiệm kỳ 2025-2028.
Mặt khác, Thế Giới Di Động cũng thông báo ông Trần Huy Thanh Tùng không còn đảm nhiệm chức Tổng Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật của doanh nghiệp từ ngày 3/4. Đại diện Thế Giới Di Động đánh giá cao hơn 20 năm làm việc của ông Tùng, cùng những đóng góp to lớn của ông trong sự phát triển chung của tập đoàn. Năm 2025, ông có nguyện vọng từ nhiệm chức vụ và không tái ứng cử vào HĐQT nhiệm kỳ mới.
Thế Giới Di Động bổ nhiệm ông Vũ Đăng Linh vào vị trí Tổng Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật từ ngày 3/4.
Nguồn: Dân Trí
Qualcomm mua lại bộ phận phát triển AI của VinAI
Ngày 1/4, Qualcomm thông báo đã hoàn tất thương vụ mua lại MovianAI, trước đây là bộ phận AI tạo sinh của VinAI – startup thuộc tập đoàn Vingroup của Việt Nam. “Thương vụ này thể hiện cam kết của chúng tôi trong việc đầu tư mạnh mẽ vào R&D để trở thành động lực chính của làn sóng đổi mới AI tiếp theo”, ông Jilei Hou, Phó Chủ tịch cấp cao mảng Kỹ thuật của Qualcomm, cho biết trong thông cáo báo chí, “Việc tiếp nhận đội ngũ nhân tài từ VinAI sẽ củng cố năng lực của chúng tôi trong việc cung cấp các giải pháp AI tiên tiến, phục vụ đa dạng ngành nghề và người dùng”.
VinAI, do cựu nhà nghiên cứu của DeepMind – ông Bùi Hải Hưng – sáng lập, phát triển nhiều công nghệ AI tạo sinh, bao gồm thuật toán thị giác máy tính (computer vision) và mô hình ngôn ngữ (language model). Năm 2024, tập đoàn Vingroup tách VinAI thành hai pháp nhân, trong đó có MovianAI. Trong thông cáo báo chí, Vingroup cho biết đã bán 65% vốn MovianAI cho Qualcomm. Và ông Bùi Hải Hưng, hiện là CEO của VinAI, sẽ gia nhập Qualcomm sau khi thương vụ hoàn tất.
Trước đó, Qualcomm và startup thuộc hệ sinh thái của Vingroup cũng đã nhiều lần hợp tác. Năm 2023, VinAI và Qualcomm giới thiệu giải pháp AI GuardPro – một sản phẩm dùng mô hình trí tuệ nhân tạo và công nghệ thị giác máy tính, có khả năng phân tích dữ liệu hình ảnh của 150 luồng camera trên mỗi bộ vi xử lý.
Qualcomm thông báo mua lại bộ phận phát triển AI của VinAI.
Nguồn: VinAI
TikTok được gia hạn thêm 75 ngày tại Mỹ
Chiều ngày 4/4 (theo giờ Mỹ), Tổng Thống Donald Trump ký một sắc lệnh hành pháp, tiếp tục đẩy lùi lệnh cấm TikTok thêm 75 ngày, đồng nghĩa với việc cho công ty mẹ ByteDance và các nhà đầu tư thêm thời gian để đạt được thoả thuận nhằm duy trì hoạt động của TikTok tại Mỹ.
Theo đạo luật của chính phủ Mỹ vào năm 2024, ByteDance – công ty mẹ của TikTok có trụ sở tại Trung Quốc – buộc phải thoái vốn khỏi TikTok, nếu không ứng dụng này sẽ đối mặt với lệnh cấm vĩnh viễn tại Mỹ.
Trước đó, quỹ đầu tư tư nhân Blackstone là một trong những ứng viên hàng đầu khi đang xem xét đầu tư một phần nhỏ vào hoạt động kinh doanh của TikTok tại Mỹ. Ngoài ra, “ông lớn” thương mại điện tử Amazon, “gã khổng lồ” công nghệ Microsoft, cùng các công ty khác như Oracle và AppLovin… cũng lần lượt đưa ra đề nghị mua lại nền tảng video ngắn này. Song, đến nay, ByteDance vẫn chưa đưa ra bất kỳ bình luận chính thức nào.
TikTok tiếp tục được gia hạn thêm 75 ngày tại Mỹ.
Nguồn: Getty Images
Xem thêm bài viết cùng chuyên mục tại đây.
Theo Thanh Uyên / Brands Vietnam
* Nguồn: Tổng hợp