Startup của bạn nên đầu tư bao nhiêu vào thương hiệu

Một trong những câu hỏi phổ biến nhất của những startup là ngân sách dành cho việc xây dựng thương hiệu bao nhiêu là vừa và khi nào thì nên xây dựng thương hiệu?

Xét cho cùng, việc xây dựng thương hiệu thường tập trung vào việc tạo ra hình ảnh đẹp đi kèm một câu chuyện hấp dẫn để có thể mang lại cho việc kinh doanh nhiều lợi thế hơn trên thị trường. Nhưng điều quan trọng là cần chọn ra một ngân sách cùng với thời điểm thích hợp. Chi tiêu quá nhiều và quá sớm để tạo danh tiếng có thể làm ảnh hưởng đến nguồn lực ngân sách cho sự phát triển của mảng kinh doanh chính. Đầu tư quá ít hoặc quá muộn sẽ dẫn đến việc không đạt được hiệu quả vốn có hoặc mờ nhạt với các đối thủ cạnh tranh.

Nhìn chung, một gói xây dựng thương hiệu của các startup thường tập trung khuếch tán tên tuổi công ty hoặc sản phẩm, hệ thống nhận diện thương hiệu (logo, màu sắc, kiểu chữ… các yếu tố hỗ trợ thị giác), câu chuyện thông điệp, định vị phân khúc và cuối cùng là bộ tài liệu ấn phẩm quảng cáo từ danh thiếp, tờ rơi, bản tin cho đến website.

Đối với một số startup có thể tự triển khai việc định vị, xây dựng thương hiệu. Nhưng một số startup chọn cách thuê ngoài. Cả hai đều có những điểm mạnh và điểm yếu khác nhau. Sau đây là hai câu hỏi mà các nhà tư vấn thương hiệu thường đặt ra cho khách hàng của họ, hy vọng nó có ích với startup của bạn.

Câu hỏi 1: Startup gọi vốn như thế nào?

Có nhiều hình thức vốn đầu tư của một startup. Nó có thể là tiền tiết kiệm cá nhân, các khoản vay không thế chấp gắn liền với việc làm thuê ban ngày vừa dành ra thời gian để làm chủ vào ban đêm và cuối tuần. Thật ra, đây chính là hình thức được khuyến khích và phổ biến nhất, thường gặp ở các công ty khởi nghiệp đang trong thời kỳ “đầu ươm mầm – pre-seed funded”.

Trong khi một số dự án khởi nghiệp khác kêu gọi vốn từ gia đình, bạn bè, hay hình thức gọi vốn cộng đồng “Crowndfunding” cũng như từ các nhà đầu tư thiên thần. Với hình thức này, các dự án thường mang tính khả thi cao, có sức thuyết phục và tỷ lệ mang lợi tiền mặt lớn, được gọi chung là các công ty hạt giống – “seed-funded startup”.

Một khi công ty khởi nghiệp của bạn đã tạo được nền tảng nhất định và có sức hút lớn từ người dùng. Dù đã nhận được đầu tư trước đó, bạn vẫn có thể tiếp tục gọi vốn dựa trên giá trị của công ty đạt được. Những công ty này chính thức được gọi chung là “ventured funded” – công ty khởi nghiệp.

Theo Chris Grams, ở cả 3 giai đoạn trên, các startup đều có thể triển khai các chiến dịch quảng bá thương hiệu. Chỉ là cách thức tiếp cận, chiến lược và công cụ để triển khai cần phải cân nhắc.

Câu hỏi 2: Startup của bạn có đang tạo ra lợi nhuận? Nếu có, cụ thể là bao nhiêu? Nếu không, bạn có kế hoạch cụ thể để tạo ra doanh thu trong tương lai không?

Mọi công ty khởi nghiệp đều có những khởi đầu. Đó là thời điểm mà Google hay Apple kiếm được những đồng đô la đầu tiên, hay quá trình họ phải nổ lực không ngừng để có được 1 triệu đô la đầu tiên. Vì vậy, tự tin về triển vọng khởi nghiệp của mình nhưng bạn cũng cần dựa vào tình hình tài chính của công ty để đưa ra quyết định phù hợp cho việc xây dựng thương hiệu.

Công ty khởi nghiệp “ươm mầm – pre-seeding funded”

Công thức cho các công ty khởi nghiệp ươm mầm “pre-seeding” là chi không quá 5 đến 15% cho việc xây dựng thương hiệu. Nếu bạn đang dùng 600 triệu đồng từ tài khoản tiết kiệm của mình vừa phải đi làm thuê cho một công ty khác thì ngân sách xây dựng thương hiệu từ 30 triệu đến dưới 100 triệu đồng là phù hợp. Nếu bạn đang có 2 tỷ đồng thì ngân sách xây dựng thương hiệu là 100 triệu đến dưới 300 triệu đồng. Cứ theo công thức 5% đến 15% cho giai đoạn ươm mầm này là hợp lý.

Ngân sách này còn phụ thuộc vào mảng kinh doanh mà startup của bạn đang hướng đến. Ví dụ, các startup trong ngành công nghệ mà khách hàng chủ yếu là doanh nghiệp thì không cần tốn quá nhiều chi phí cho việc quảng cáo. Hoặc nếu bạn có kinh nghiệm trong việc quảng cáo tiếp thị thì việc bạn cần cân nhắc là thời gian và công sức tự làm website, hay triển khai các chiến dịch quảng cáo có làm ảnh hưởng đến thời gian cho các sản phẩm chính của công ty không.

Nếu công ty khởi nghiệp của bạn nằm trong danh sách những công ty “thương hiệu là tất cả”, ví dụ như startup về hàng tiêu dùng, thức ăn và nước uống chẳng hạn, thì việc ngân sách quảng cáo trên 15% là điều có thể xảy ra. Trên thực tế, đã có một số công ty khởi nghiệp dành ra 50% ngân sách cho việc xây dựng thương hiệu. Việc cần làm trong trường hợp này là một kế hoạch xây dựng thương hiệu chi tiết đi kèm chiến lược thiết thực. Hơn hết, kế hoạch cần phải đảm bảo nó rút ngắn khoảng cách thu về lợi nhuận từ các khoản đầu tư hạ tầng, phát triển sản phẩm.

Cuối cùng, Grams khuyên ở những công ty khởi nghiệp “pre-seed” thì việc tận dụng các nền tảng miễn phí như Wordpress để làm website, hay tìm hiểu các công cụ thiết kế, hiệu ứng hình ảnh là rất cần thiết để hiểu và đưa ra hình ảnh phù hợp cho thương hiệu của mình.

Lược dịch từ bài viết của Chirs Grams, tác giả quyển Ad-Free Brand, phản ánh chân thật cách thức quảng cáo của thời đại Internet. Như bạn đã biết, với Internet, bạn có thể xây dựng thương hiệu một cách bền vững với chi phí thấp đáng kinh ngạc mà không cần các chiến dịch quảng cáo đắt tiền, ngân sách tiếp thị khổng lồ hay các đơn vị quảng cáo chuyên nghiệp thuê ngoài.

Chris Grams tích hợp các khái niệm định vị thương hiệu cổ điển với các chiến lược số, các công cụ tiếp thị số của thế kỷ 21, giúp cho thương hiệu của bạn lan toả với chi phí thấp nhất hoặc trở thành thương hiệu không quảng cáo. Trong phần thực hành, Grams trình bày những phương thức mới để bạn có thể tiếp cận, khám phá, liên hệ và phát triển các ý tưởng để định vị thương hiệu của mình. Kết hợp các giá trị thương hiệu với văn hoá công ty cũng như bí quyết cần có để xây dựng thương hiệu hiệu quả với ngân sách thấp nhất.

Công ty khởi nghiệp hạt giống “seeding funded”

Nếu bạn đã nhận được khoản đầu tư trên 100,000 đô la Mỹ, hoặc doanh thu công ty đang ở mức 250,000 đô la, trước hết xin chúc mừng. Chắc chắn bạn đã áp dụng hết tất cả các vốn liếng vừa được trình bày ở phần “pre-seeding funded” để xây dựng thương hiệu, đúng không?

Tỷ lệ cho ngân sách xây dựng thương hiệu ở giai đoạn này vẫn ở mức 5 đến 15%. Nhưng giờ đây, với nguồn tiền dồi dào hơn đủ để cho bạn tìm công ty chuyên nghiệp từ bên ngoài hoặc sở hữu bộ phận xây dựng thương hiệu riêng biệt của công ty. Và nên nhớ rằng, bất cứ đồng tiền nào bạn chi ra đều phải mang về lợi nhuận, ít nhất, nó phải là lý do thuyết phục để nhà đầu tư chi tiền.

Nếu ngân sách xây dựng thương hiệu của công ty bạn trong giai đoạn này ở dưới mức 60 triệu đồng thì cách tốt nhất là bạn nên đọc thêm thật nhiều sách về nhận diện thương hiệu, thị giác, kiểu chữ… nhằm trang bị cho mình kiến thức nền tảng về nhận diện thương hiệu. Sau đó, bạn có thể tìm một người làm thiết kế tự do mà mình quen biết hoặc biết rõ về phong cách của người đó để cùng hiện thực hoá các ý tưởng cho bộ nhận diện thương hiệu. Bí quyết để tìm ra một “bàn tay vàng” là nên tìm những người đang cần xây dựng nhân hiệu của họ trên các bảng thành tích.

Bạn có đang có ngân sách xây dựng thương hiệu 300 triệu đồng thì ngoài việc có thể thuê ngoài một công ty tư vấn chuyên nghiệp quy mô 2 đến 3 người thì bạn còn có thể làm website cho công ty của mình. Nếu bạn không có thời gian và không tự tin để làm nội dung giới thiệu về công ty cũng như bản thân mình, bạn cũng có thể yêu cầu các công ty tư vấn làm việc này thay bạn.

Ngân sách xây dựng thương hiệu cho một công ty startup được đầu tư 250,000 đến 500,000 đô la Mỹ thường dao động từ 30,000 đến 75,000 đô la Mỹ. Nó đủ để bạn thuê một công ty thiết kế sáng tạo bộ nhận diện thương hiệu và cả việc truyền thông tiếp thị, làm nội dung giới thiệu về công ty. Nhưng cần lưu ý, thường thì hai công việc này nên tách rồi nhau hoặc có thể tiết kiệm để tập trung hẳn vào một việc. Ví dụ, nếu công ty bạn có nội dung và định vị về thương hiệu hãy chọn hẳn một công ty về thiết kế trực quan chuyên nghiệp cho bộ nhận diện thương hiệu ấn tượng cho công ty của mình.

Công ty khởi nghiệp “Ventured Funded”

Như đã đề cập ở phần trên, các công ty khởi nghiệp “Ventured Funded”, có số vốn đầu tư trên 1 triệu đô la hầu hết sẽ chọn cách xây dựng bộ phận phát triển thương hiệu nội bộ và hạn chế thuê ngoài. Nhưng thật ra, lời khuyên dành cho bạn là nên tìm và thuê ngoài các công ty xây dựng thương hiệu chuyên nghiệp.

Cụ thể, nếu sản phẩm hay dịch vụ của công ty bạn về sức khoẻ, thì các công ty xây dựng thương hiệu, thiết kế bộ nhận diện thương hiệu cho mảng y tế sẽ hiểu và nắm bắt tốt nhất sở thích và thói quen của người dùng để đem lại các hiệu ứng tốt nhất từ logo, màu sắc cho đến bộ tài liệu truyền thông tiếp thị. Mọi thứ nhằm đem lại sự chuyên nghiệp và tạo nên giá trị cho startup của bạn.

Hồng Đức
iPrice Group