Marketing cho dịch vụ outsource

Outsource (hay còn gọi là thuê ngoài) đang ngày càng trở nên phổ biến ở một số nước châu Á, có đông nhân lực về công nghệ thông tin, hạ tầng IT tương đối phát triển như Việt Nam, Philipins, Baladesh, Ấn Độ (được coi là cường quốc outsource)... Do yêu cầu đầu tư thấp, có thể trao đổi công việc qua các công cụ online, thanh toán cũng tương đối đơn giản nên thu hút nhiều nhân tố mới, đặc biệt là các bạn trẻ, dẫn đến sự cạnh tranh vô cùng khốc liệt trong ngành, mà không chỉ dừng lại ở quy mô trong nước mà là quy mô toàn thế giới.

Vậy làm thế nào để có thể tìm kiếm khách hàng trong ngành outsource này, dưới đây là 1 số kênh chính:

  • Qua website:

Làm outsource bạn bắt buộc phải có ít nhất 1 website và tích cực đưa website lên các thứ hạng tìm kiếm cao ở các thị trường tiềm năng. Vì hầu hết các ngành outsource được đều hướng đến các thị trường phát triển như khu vực Châu Âu, Mỹ, những quốc gia đang thiếu hụt nhân sự triển khai kỹ thuật, nên ngôn ngữ website tốt nhất nên chọn ngôn ngữ tiếng anh là ngôn ngữ chính. Tất nhiên bạn nên trau chuốt phần câu chữ giới thiệu, video chuyên nghiệp và phù hợp với phong cách quốc tế. Theo kinh nghiệm và nghiên cứu 1 số các trang web outsource lớn, nhân tố nước ngoài là yếu tố tạo nên sự tin tưởng của khách hàng, nếu trong tổ chức của bạn có sếp hay 1 nhân sự nào đó người nước ngoài, nên để họ giới thiệu về công ty, ngắn gọn, súc tích, đừng dài dòng, văn vẻ. Nếu khách hàng mục tiêu của bạn là thị trường Mỹ, có thể đưa 1 chút funny vào đó, tự nhiên 1 chút đừng gượng ép, đó là tác phong của người Mỹ, còn nếu là thị trường UK thì họ khá nghiêm túc và đề cao sự chuyên nghiệp, hãy cho họ thấy điều đó trong website của bạn. Tóm lại là bạn cần phải nghiên cứu thị trường và hiểu về phong cách của thị trường đó. Một cách hữu hiệu nhất để làm điều này đó là lướt kha khá các website tại thị trường đó để tìm ra giải pháp cho website của bạn, đôi khi nó còn liên quan đến thói quen tìm hiểu các thông tin trên website của khách hàng mục tiêu nữa. Nếu để ý, bạn có thể thấy rằng, các website của Mỹ thường chỉ có mục dịch vụ và sản phẩm, rất đơn giản và không có nhiều thông tin tin tức quảng bá doanh nghiệp như ở Việt Nam. Về kỹ thuật SEO website, về căn bản không có điểm gì khác biệt so với kỹ thuật SEO các website cho thị trường nội địa, quan trọng nhất vẫn là nội dung. Thứ nhất bạn phải hiểu được sản phẩm, dịch vụ của mình là gì, chắc chắn rồi. Thứ 2, quan trọng không kém, bạn phải biết được thói quen tìm kiếm từ khóa liên quan đến nguồn cung cấp dịch vụ này của khách hàng là gì, nghiên cứu thị trường là một thách thức lớn nhất với các đơn vị outsource, nguồn lực nhỏ nhưng thị trường thì cực rộng, ngăn cách về văn hóa và khoảng cách lớn. Còn chưa kể với nhận thức của một marketer, vốn kiến thức kỹ thuật rõ ràng là sẽ bị hạn chế, không tiếp xúc trực tiếp với vùng thị trường. Nếu như không tìm hiểu kỹ, bạn sẽ dễ dàng rơi vào trạng thái miệt mài xây nội dung nhưng không được gì cả. Trước hết hãy nắm thật kỹ và cụ thể dịch vụ của bên bạn, sau đó, từ 1 số các trang check keywords tool uy tín để tìm kiếm cụm từ khóa phù hợp cho dịch vụ của bạn. Có 1 cách cũng khá hiệu quả đó là “rình rập” 1 số website và phân tích các cụm từ khóa họ sử dụng cho website của họ, phần tiêu đề và mô tả website là phần thể hiện rõ nhất các thông điệp mà họ đưa ra. Đó là phần website, còn ti tỉ những công cụ khác trong SEO mà bạn phải thật kiên trì và nỗ lực cày nội dung trên đó mới có được kết quả như mong muốn. Nhưng hãy nhớ rằng tất cả công cụ phải đưa về 1 mục tiêu/ thông điệp chung.

  • Mạng xã hội Linkedin

Bỏ qua các mạng xã hội khác, tất nhiên là bạn phải rải thông tin trên các nhiều kênh càng tốt, nhưng mình sẽ tập trung nói về mạng Linkedin. LinkedIn là một mạng xã hội và người sử dụng chủ yếu là những thành viên chuyên nghiệp. Khác với MySpace và Facebook, LinkedIn chỉ tập trung vào đối tượng là các doanh nghiệp, hoặc các cá nhân chuyên nghiệp có nhu cầu kết nối tìm việc, tuyển dụng và tìm kiếm cơ hội. Bạn hoàn toàn có thể tìm kiếm đối tác thuộc lĩnh vực kinh doanh của bạn, kết nối, nói chuyện, giới thiệu cơ hội hợp tác, tìm kiếm thông tin (email, số điện thoại…) của đối tác (phần này là spam, nhiều người không khuyến khích :P). Tùy thuộc vào nhu cầu sử dụng của bạn mà bạn có thể sử dụng miễn phí hoặc trả tiền cho tài khoản. Theo mình được biết thì Linkedin phổ biến ở các nước châu Á, và các nước nói tiếng anh, còn ở các nước nói tiếng Đức thì sử dụng phổ biến mạng www.xing.com, các nước nói tiếng Pháp thì apsense.com phổ biến hơn, đây đều là mạng xã hội kết nối các doanh nghiệp, việc làm tương tự như linkedin, bạn cần cân nhắc sử dụng mạng nào cho khu vực thị trường phù hợp.

Ngoài ra, theo mình biết thì lĩnh vực công nghệ hay kỹ thuật phần mềm thường có 1 số nơi (hub/ forum) để tập trung giao lưu, trao đổi các vấn đề chuyên môn, tìm kiếm đối tác trên toàn thế giới. Tích cực hoạt động tại các địa chỉ này chính là cách bạn thể hiện năng lực chuyên môn, Pr về dịch vụ cung cấp của bạn đến những đối tượng liên quan và đang quan tâm. Ngoài ra, bạn hoàn toàn có thể đánh giá được sự phát triển cũng như nhu cầu về dịch vụ của thị trường mục tiêu và đối thủ cạnh tranh, vấn đề cực kỳ khó khăn với các đơn vị outsource không chỉ ở Việt Nam mà ở các nước khác trên thế giới.

  • Email marketing:

Bằng bất cứ hình thức nào thu thập được email của khách hàng, hãy gửi mail giới thiệu cho họ dịch vụ của bạn. Hãy xây dựng một email chào hàng cùng portfolio của bạn một cách chuyên nghiệp và đầy đủ nhất, tập trung vào những gì khách hàng đang tìm kiếm, thế mạnh của bạn, hãy gửi mail một cách khoa học, không spam. Cứ chăm chỉ gửi mail và cập nhật thông tin các chương trình, sẽ có ngày họ liên hệ lại với bạn.

  • Các kênh freelancer:

Tại các kênh này, bạn sẽ kết nối trực tiếp với những đơn vị có nhu cầu thuê outsource. Một số kênh freelancer phổ biến là www.upwork.com, www.guru.com... Tips thành công cho bạn là đầu tiên hãy xây dựng một profile thật chuyên nghiệp và hoàn thiện, đủ sức gây ấn tượng với khách hàng, show ra các sản phẩm đã làm, nhận xét của khách hàng cũ để tạo niềm tin về chất lượng dịch vụ của bạn. Thứ 2 là set giá thầu. Với những kênh khách hàng mới tại các trang này, sẽ rất khó khăn để họ thuê bạn làm lần đầu tiên với một mức giá cao. Hãy để mức giá hợp tác lần đầu thấp để 2 bên có thể “thử thách” nhau, và tập trung hoàn thành công việc với chất lượng cao nhất. Khi bạn đã có khách hàng và đạt được sự tin tưởng tuyệt đối với họ thì chắc chắn những lần hợp tác sau sẽ dễ dàng với bạn hơn. Niềm tin là thách thức lớn nhất trong ngành outsource vì vậy hãy cố gắng tạo dựng và duy trì nó dù phải chịu thiệt thòi trong mối quan hệ hợp tác ban đầu này.

  • Các tổ chức hợp tác thương mại/ mậu dịch quốc tế/ hội thảo chuyên môn

Kênh này ở Việt Nam phổ biến ở trong Sài Gòn còn ở Hà Nội thì chỉ có một vài các tổ chức thương mại của Hàn Quốc, hay Nhật Bản nhưng không thuộc lĩnh vực outsource. Một số doanh nghiệp nước ngoài khi tìm kiếm đối tác ở Việt Nam thường tìm thông qua một số các tổ chức hợp tác thương mại quốc tế như Liên minh Vnito (tổ chức về ngành outsource IT tại Việt Nam),… Các tổ chức này cũng thường xuyên có các hoạt động triển lãm, hội nghị, hội thảo để kết nối doanh nghiệp trong và ngoài nước. Vì vậy, đây cũng là một kênh khả thi để bạn có thêm mối quan hệ với các khách hàng tiềm năng.

Đây là một số kênh mình đã hoạt động và tổng kết ở đây, hy vọng sẽ giúp ích cho một số bạn. Ngoài ra, nếu có những ý kiến đóng góp hay bổ sung thì đừng ngần ngại comment dưới đây.

Thanks a lot!