Marketer Mai Quang Quỳnh
Mai Quang Quỳnh

Giám đốc sáng tạo @ Công ty TNHH Truyền thông AIO

Nụ cười Hạ Long, xin đừng dừng lại ở nụ cười

Hình ảnh thiếu nữ Việt Nam đội nón lá cười rạng rỡ với câu định vị là “Việt Nam – Điểm đến của thiên niên kỷ mới” đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi du khách khi đặt chân đến dài đất hình chữ S nhiều ký ức này. Và vừa mới đây lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh với khẩu hiệu “Nụ cười Hạ Long” cùng nụ cười tươi để làm quà với du khách bốn phương, tuy nhiên cười không thôi thì chưa đủ.

Thay vì cố gắng làm hài lòng du khách, chúng ta nên hỏi xem thực sự họ mong muốn điều gì?

Còn nhớ năm 2001 hình ảnh cô gái đội nón lá với nụ cười rạng rỡ ấy đã là siêu lòng không biết bao nhiêu du khách. Sự đôn hậu, đoan trang và rất hiền hòa ấy cùng câu khẩu hiệu “Việt Nam – Điểm đến của thiên niên kỷ mới” này đã lần đầu tiên mang du lịch Việt Nam đến với bạn bè khắp quốc tế, slogan này đã làm rất tốt vai trò của mình là chạm vào giác quan cảm xúc của du khách muốn khám phá một Việt Nam nhiều ký ức nhưng rất hiếu khách này. Vậy nhưng đến năm 2004, du lịch Việt Nam được thay thế bởi một biểu tượng mới với tà áo dài và định vị mình với câu khẩu hiệu “Hãy đến với Việt Nam”. Ngay lập tức logo và slogan này đã vấp phải sự phản đối dữ dội của các chuyên gia và người dân. “Welcom to Việt Nam” bị chê là hết sức bình thường không chút sáng tạo, không gợi lên sự tò mò hay bất cứ gì về Việt Nam, câu khẩu hiệu và biểu tượng mới này một sự thất bại hoàn toàn của du lịch Việt Nam. Thế nên logo và slogan này tồn tại trong chưa đầy một năm thì đã bị thay thế bởi logo mới là bông sen với chữ i kéo dài cách điệu cùng câu khẩu hiệu mới là “Vẻ đẹp tiềm ẩn”, sau này là “Vẻ đẹp bất tận”. Đồng ý là Việt Nam rất đẹp, từ con người đôn hậu hiền hòa, cảnh quan không đâu có, lịch sử rất phong phú, sự ưu ái của thiên nhiên thì tuyệt vời, văn hóa nhiều sắc màu đan xen ... Vẻ đẹp bất tận không sai nhưng vẫn không đủ để chạm vào cảm xúc của mỗi du khách. Thay vì đánh đố du khách bằng sự bất tận ấy, chúng ta nên hỏi xem du khách thực sự họ muốn gì? họ thích tự mình trải nghiệm và khám phá hay thích ngồi cáp treo để lên núi xuống hang? Họ muốn thưởng thức những thứ đặc sắc thuần Việt hay những thứ lai tạp vô duyên? Họ thích có những tour du lịch đặc biệt dành riêng cho dịp đặc biệt hay bị ghép vào một tập hợp tây ta tàu đủ cả để cốt đủ chỗ cho chuyến ngắm vịnh ...

Là ngành được chính phủ quy hoạch để trở thành mũi nhọn, du lịch Việt Nam còn quá thua kém so với các nước trong khu vực, như với Thái Lan mặc dù biểu tình suốt những tháng đầu năm nhưng dự kiến vẫn đón tới 28,01 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2014 (nguồn tổng cục Du lịch Thái Lan), đảo quốc Singapore cũng đặt mục tiêu là 15 triệu lượt khách trong năm 2014 (nguồn Tổng cục Du lịch Singapore), láng giềng gần như Camphuchia cũng ngoạn mục với dự kiến đạt 4,6 triệu lượt khách trong năm 2014 (nguồn Tổng cục du lịch Camphuchia). Trong khi đó Việt Nam cũng chỉ dám đặt mục tiêu là có 4,85 triệu lượt khách (nguồn Tổng cục du lịch Việt Nam), quá thấp so với tiềm năng và lợi thế được thiên ưu đãi như Việt Nam. Chúng ta có 40.000 di tích, có 8 di sản được UNESCO công nhận, có 117 bảo tàng, có 30 vườn quốc gia, có 400 nguồn nước nóng từ 40-150 độ, có 125 bãi tắm biển và hầu hết là các bãi tắm đẹp, là 1 trong 12 quốc gia có vịnh đẹp nhất thế giới, có sự đa dạng văn hóa với 54 dân tộc, có bề dày lịch sử suốt 4.000 năm, có 7.966 lễ hội trong năm ... nghĩa là mỗi bước chân du khách đều chạm vào di tích, mỗi cái với tay là chạm vào lịch sử, mỗi giờ trôi qua là lại có một lễ hội để du khách đắm mình ...

Thế mà, 90% khách du lịch đến Việt Nam đều không muốn quay trở lại. Điều gì khiến Việt Nam được các chuyên gia du lịch thế giới đánh giá là đến năm 2010 Việt Nam sẽ trở thành 1 trong 4 quốc gia đứng đầu thế giời về du lịch lại thua kém mọi mặt như thế?

Đến đoạn này thì nụ cười nếu còn cũng có chút méo mó hay đắng nghẹn trong lòng, lý do thì có quá nhiều nơi đề cập rồi nên tôi cũng không muốn nhắc lại. Vấn đề là chúng ta cần phải hành động ngay và quyết liệt hơn thay vì ngồi phòng điều hòa, trà bưng nước rót rồi chỉ biết than vãn. Nếu chúng ta không được “It’s More Fun In The Philippines” (Nhiều niềm vui hơn ở Philippines), “Amazing Thailand Always Amaze You” (Thái Lan kì diệu luôn làm bạn kinh ngạc), “Laos: Simply Beautiful” (Lào: Vẻ đẹp giản đơn), “Malaysia: Truly Asia” (Malaysia: Một châu Á đích thực), “Your Singapore” (Singapore của bạn), “Your Singapore” (Singapore của bạn), “Cambodia: Kingdom of Wonder” (Campuchia: Vương quốc của những kì quan), “Myanmar – Let the journey begin” (Myanmar – Hãy bắt đầu hành trình), “Brunei: The Green Heart of Borneo, The Kingdom of Unexpected Treasures” (Brunei: Trái tim xanh của Boreo, Vương quốc của những báu vật) thì chúng ta cũng nên có một nụ cười tươi rạng rỡ như thông điệp “Nụ cười Hạ Long” của tỉnh Quảng Ninh. Tuy nhiên nhiêu đó thôi vẫn là chưa đủ cho một “đế quốc” về tiềm năng du lịch như Việt Nam và hãy thôi nhắc hai từ "tiềm năng hay tiềm ẩn" mà hãy thay vào đó bằng hai từ "khả năng".

Thay vì phát triển theo kiểu chắp vá, mạnh ai nấy làm thì du lịch Việt Nam cần phải thấu hiểu khách hàng của mình là ai? Họ quan tâm điều gì? Sự thật ngầm hiểu của khách du lịch là gì?. Tiếp đến là xác định được đối thủ là những ai? Họ mạnh, yếu điểm gì? cách truyền thông và quảng bá du lịch của họ thế nào? Và cuối cùng là chúng ta phải thấu hiểu chính chúng ta, cái mà chúng ta muốn nói với khách hàng là gì? chúng ta định vị thương hiệu du lịch Việt Nam ra sao? Những vấn đề khiến khách không muốn quay trở lại Việt Nam là gì? lựa chọn vấn đề nào để truyền thông v.v. từ đó xây dựng điểm khác biệt cho thương hiệu du lịch Việt Nam. Với tầm quy mô là một thương hiệu của quốc gia thì chúng ta cần một chiến lược với một tầm nhìn xa hơn, sâu hơn và rộng hơn. Nếu không thực hiện từ gốc rễ của vấn đề thì chúng ta sẽ rất khó để định hướng cho toàn bộ các vùng miền khi làm thương hiệu, cứ mạnh ai người ấy làm thì du lịch Việt Nam sẽ chẳng thể tiến lên được. Điều này cũng giống như một đoàn quân bước mà chẳng theo nhịp, một trận đánh cứ mạnh ai người ấy xung phong, gây sự lãng phí tiền của nhà nước nhưng không thực sự giải quyết được vấn đề như hiện nay, chúng ta cũng đã thấy sự lãng phí này qua các sự kiện tốn hàng nghìn tỷ đã diễn ra trong thời gian vừa qua.

“Nụ cười Hạ Long” là tín hiệu vui mừng cho sự chuyển biến trong cách nghĩ và sáng tạo trong hành động truyền thông thương hiệu du lịch của tỉnh Quảng Ninh. Nếu có sự cộng hưởng từ các lãnh đạo khác thì tôi tin Việt Nam sẽ đuổi kịp các nước trong khu vực hoặc chí ít chúng ta cũng tạo một xu hướng mới về nhận thức để rồi từ đó thay đổi trong mỗi công việc thực hiện. Khi ấy nụ cười sẽ thực sự có ý nghĩa, và những nụ cười không chỉ có ở lãnh đạo mà nụ cười sẽ đến từ bờ môi, khóe mắt của khách du lịch bốn phương khi đến Việt Nam, đương nhiên khi ấy 90% khách sẽ ở quay lại và Việt Nam thực sự sẽ là thiên đường du lịch cùng đó là đóng góp GDP và tạo ra công ăn việc làm cho hàng triệu lao động Việt Nam. Sẽ là hạnh phúc khi trong khu vực Đông Nam Á Việt Nam là số một về du lịch chứ không phải Thái Lan như hiện nay, và chúng ta hoàn toàn có khả năng làm được điều đó.

Tuy nhiên đó vẫn là mong ước xa vời, và sẽ mãi xa vời nếu ta không hành động.

Mai Quỳnh Brand
Giám đốc chiến lược thương hiệu Azlogo.
http://www.azlogo.net