Marketer Võ Văn Quang
Võ Văn Quang

Brand Guru - Chuyên gia thương hiệu @ Chief Marketing Officer

Thương hiệu Nông nghiệp Hữu cơ

ĐẦU TƯ NÔNG NGHIỆP HỮU CƠ – TIỀM NĂNG PHÁT TRIỂN VÀ HỘI NHẬP

“Đầu tư làm nông nghiệp hữu cơ cả Vinamilk và Tập đoàn TH Milk đang góp phần xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp Việt Nam”, Chuyên gia thương hiệu Võ Văn Quang.

Chỉ trong tháng 3 năm 2017, ngành nông nghiệp Việt Nam liên tiếp đón nhận tin vui khi hai “ông lớn” thị trường sữa Việt Nam là Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) và Tập đoàn TH công bố dự án nông nghiệp hữu cơ (Organic).

Từng tham gia xây dựng thương hiệu cho nhiều sản phẩm trong ‘chuỗi giá trị nông nghiệp’, chuyên gia thương hiệu Võ Văn Quang – người có trên 25 năm kinh nghiệm marketing quốc tế và tại Việt Nam đã gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết đánh giá tác động của các dự án bò sữa Organic của Vinamilk và Tập đoàn TH đối với thương hiệu sữa Việt Nam nói riêng và thương hiệu nông nghiệp Việt Nam nói chung.

Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam xin gửi đến độc giả bài viết của chuyên gia thương hiệu Võ Văn Quang.

Bước đi táo bạo

Nông nghiệp là một trong những hoạt động cơ bản nhất của loài người bởi vì con người cần nuôi dưỡng cơ thể hàng ngày. Lịch sử, văn hóa và những giá trị xã hội đều gắn bó mật thiết với nông nghiệp mà nông nghiệp hữu cơ có thể xem là hình thức sản xuất lâu đời nhất của nông nghiệp trên trái đất.

Việt Nam là đất nước nông nghiệp, sau hơn 30 năm đổi mới nông nghiệp Việt Nam đã giành được những thành quả đáng khích lệ. Từ nước phải nhập khẩu, Việt Nam vươn lên vị trí xuất khẩu hàng đầu về nông sản như gạo, cà phê, cao su với nhiều chuỗi giá trị nông nghiệp chế biến đang được hình thành … Tuy nhiên, điều khiến cho nông sản nước ta chưa khẳng định được đẳng cấp trên thị trường thế giới chính là chất lượng sản phẩm còn thấp và chưa vươn đến đích của chuỗi giá trị. Nói theo Philip Kotler thì Việt Nam phải là Bếp ăn của Thế giới, nghĩa là phải chế biến sản phẩm nông nghiệp trở thành thực ẩm và phù hợp với khẩu vị và tâm lý người tiêu dùng của các thị trường khác nhau của thế giới.

Hiện nay, ngành nông nghiệp có 10 sản phẩm nông lâm thủy sản xuất khẩu chính, trong đó có 8 sản phẩm có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD (cà phê, cao su, gạo, thủy sản, điều, hồ tiêu, rau quả, gỗ và sản phẩm gỗ…) và có mặt ở hầu hết các thị trường nhập khẩu lớn của thế giới như Mỹ, EU và Nhật Bản…

Mặc dù vậy, có đến 90% nông sản của Việt Nam vẫn xuất khẩu dưới dạng thô, kim ngạch còn thấp do giá xuất khẩu thấp hơn các sản phẩm cùng loại của nhiều nước khác. Ngay cả nước mắm, theo quan sát tại Manhattan New York vừa qua, 100% vẫn là Nước mắm Phú Quốc xuất xứ từ Thái Lan.

Giá trị nông sản thấp cùng với chất lượng không đồng đều do sản xuất quy mô nhỏ, không tập chung cũng như ý thức của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh kém dẫn đến sự cố tạp chất và dư lượng kháng sinh, tình trạng bơm chích tạp chất vào tôm…

Trong khi sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam đang còn nhiều vấn đề thì ở các nước công nghiệp phát triển như Mỹ, Nhật, Châu âu…xu hướng người tiêu dùng đang chú trọng phát triển các sản phẩm hữu cơ, với yêu cầu khắt khe ngay từ nguyên liệu đầu vào như Phân bón hữu cư, Nguyên liệu thức ăn chăn nuôi hữu cơ…

Đặc trưng cơ bản trong nông nghiệp hữu cơ là không sử dụng phân bón hóa học và các chất kích thích sinh trưởng, không sử dụng các hóa chất bảo vệ thực vật hoặc các chất diệt cỏ…nông nghiệp hữu cơ cũng từ chối sử dụng giống và các vật liệu biến đổi gen. chẳng hạn trong dự án phát triển Đạm Cà Mau bước đầu mới có những dòng Humat TE đạt chuẩn Hữu cơ của Bộ Nông nghiệp Mỹ - ‘USDA Organic’…

(chuẩn Logo Hữu cơ của Bộ Nông nghiệp Mỹ - Logo và quy trình quản lý được Bộ Nông nghiệp giao cho Phòng Marketing quyản lý - Ở VN chưa thấy có Phòng Marketing & Thương hiệu do Bộ Nông nghiệp VN thành lập – và cũng chưa nghe noí có thương hiệu chứng nhận Organic cho Vật tư Nông nghiệp cũng như cho đa số thành phẩm )

Nông nghiệp hữu cơ, sản phẩm nông nghiệp hữu cơ sẽ là sự lựa chọn của con người thế kỷ XXI, của thời kỳ cách mạng khoa học 4.0. Sản phẩm nông nghiệp Việt Nam muốn xuất khẩu tạo ra giá trị kinh tế phải đi theo con đường này.

Tuy nhiên phát triển nông nghiệp hữu cơ đòi hỏi vốn và khoa học công nghệ đòi hỏi sự tham gia đầu tư của doanh nghiệp. Với tiềm lực tài chính và kinh nghiệm của mình Tập đoàn TH và Vinamilk qua cách làm khác nhau nhưng cùng chung ý tưởng làm sữa hữu cơ Organic.

Việc hai doanh nghiệp cùng quyết định đầu tư trang trại bò sữa hữu cơ hướng đến sản xuất sữa Organic với qui mô lớn, khép kín là hướng đầu tư táo bạo, thể hiện sự nhạy bén thị trường.

So với đầu tư trang trại bò sữa bình thường, doanh nghiệp đầu tư trang trại bò sữa Organic sẽ phải tốn chi phí hơn. Với cách nuôi thông thường thức bò sẽ được nuôi nhốt theo phương pháp công nghiệp vì thế lượng sữa cho ra sẽ lớn hơn.

Tuy nhiên với trang trại bò sữa Organic bò sẽ chăn thả tự nhiên, bò tự gặm cỏ vì thế đòi hỏi diện tích trang trại lớn. Thức ăn cho bò là cỏ được chăm sóc đặc biệt không sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật… Do cách chăm sóc hoàn toàn tự nhiên nên sản lượng sữa bò Organic sẽ thấp hơn, trong khi nhân công và diện tích trang trại lớn hơn.

Khi đó sữa Organic bán ra thị trường sẽ cao hơn so với sữa thông thường từ đó cũng gây khó cho doanh nghiệp trong việc cạnh tranh. Nói như vậy để thấy chỉ những doanh nghiệp tâm huyết mới dám bỏ hàng trăm tỷ đồng để đầu tư những dự án nông nghiệp hữu cơ.

Xây dựng thương hiệu sạch cho nông nghiệp Việt

Bên cạnh dự án trang trại bò sữa hiện Tập đoàn TH đang đầu tư sản xuất sản phẩm nông nghiệp hữu cơ khác như dự án rau củ quả sạch mang thương hiệu FVF và dược liệu sạch mang thương hiệu TH Herbals (sản phẩm đang bán tại Mỹ).

Trong đó riêng trang trại rau FVF được Tập đoàn TH xây dựng Trên diện tích 100 ha, bao gồm nhà kính và cánh đồng mở, FVF trồng các nhóm rau ăn lá ngọn; rau ăn thân hoa; rau ăn củ quả; rau gia vị; rau mầm; hoa quả.

Tại đây, mỗi quy trình sản xuất đều được giám sát nghiêm ngặt. Các loại rau của trang trại sản xuất theo tiêu chuẩn Vietgap, Global gap. Và từ năm 2015, môt tiêu chuẩn mới được áp dụng tại trang trại là organic (hữu cơ) Châu Âu và Mỹ (chứng nhận EC 834-2007, EC 889-2008 của Châu Âu và USDA-NOP của Mỹ)

Quá trình triển khai thực tế ở trang trại rau hữu cơ FVF cho thấy sự tuân thủ các tiêu chuẩn khắt khe nhất để có những sản phẩm hữu cơ ở đẳng cấp quốc tế (Châu Âu và Mỹ).

Mới đây nhất, Tập đoàn TH tiếp tục đầu tư dự án sản xuất rau của quả hữu cơ và lúa chất lượng cao ở Thái Bình, điều đầu tiên tập đoàn TH gây dựng vẫn là niềm tin vào nông sản sạch.

Ở vị trí doanh nghiệp tiên phong đầu tư nông nghiệp hữu cơ lớn nhất Việt Nam. Tập đoàn TH đang thúc đẩy nông nghiệp Việt Nam phát triển theo hướng hiện đại ngang tầm Quốc tế.

Bên cạnh đó, ngay tại thời điểm Tập đoàn TH tham gia Triển lãm thực phẩm quốc tế Moskva 2015, các sản phẩm sữa TH true MILK được người tiêu dùng Nga lựa chọn. Khi đó thế giới đã bắt đầu biết đến sản phẩm sữa Việt Nam, biết đến Việt Nam không chỉ có gạo, có cà phê xuất khẩu mà còn có sữa tươi sạch, chất lượng cao.

Tương tự là Vinamilk, qua Hội chợ Summer Fancy Food Show (New York, Mỹ), Vinamilk đã giới thiệu hai sản phẩm sữa sản xuất tại Việt Nam là sữa đặc và creamer đặc ở thị trường Mỹ.

Ngay sau hội chợ, hai sản phẩm này đã có mặt tại các siêu thị ở bang Arizona và California, đánh dấu một bước tiến mới trong kế hoạch đưa sản phẩm sữa “made in Vietnam” ra thế giới.

Thành công của Vinamilk, TH true MILK đến từ chất lượng, để sản phẩm nông nghiệp Việt Nam vươn ra thế giới cách duy nhất nâng cao chất lượng. Chính nhờ sản phẩm sữa chất lượng của Vinamilk, TH true MILK mà ngành nông nghiệp Việt Nam nói chung, ngành sữa Việt Nam nói riêng đã được thế giới đón nhận.

Không quá khi cho rằng chính hai “ông lớn” ngành sữa Việt Nam đang góp phần xây dựng thương hiệu cho sản phẩm thực phẩm, nông nghiệp Việt Nam trên bản đồ thế giới.

Riêng thị trường sữa trong nước như nói ở trên, sữa Organic với quy trình sản xuất nghiêm ngặt hoàn toàn tự nhiên giá bán sẽ cao hơn sản phẩm sữa tươi thông thường. Vì thế có lý do để lo ngại về việc khó cạnh tranh.

Thiết nghĩ để giúp doanh nghiệp sữa cũng như nhằm minh bạch thị trường sữa, cơ quan quản lý nhà nước cần quy định vấn đề công bố thông tin sản phẩm sữa trên bao bì nhãn mác. Để người tiêu dùng phân biệt giữa sữa tươi 100%, sữa nước hoàn nguyên từ sữa bột, sữa tươi trái cây…với sữa tươi Organic.

Sự minh bạch trên bao bì sản phẩm sẽ giúp người tiêu dùng an tâm lựa chọn sản phẩm phù hợp với nhu cầu sử dụng cũng như cảm nhận được sự thay đổi các dòng sữa.

Tuy nhiên để xây dựng cả một nền Nông nghiệp Hữu cơ thì Việt Nam còn nhiều việc phải làm. Hãy nhìn một chiến lược quốc gia tiêu biểu như New Zealand với chiến lược xoay quang một ý tưởng và chủ trương từ pháo chính phủ với thương hiệu quốc gia ‘100% Pure New Zealand’ để thấy một nỗ lực tổng thể và định hướng cho toàn bộ chính sách, pháp luật quản lý toàn bộ sản xuất và chế biến kể cả doanh nghiệp nhỏ và hộ sản xuất, và có định hướng đầu tư nguồn lực. Thì khi đó mới có thể hy vọng một sự thay đổi triệt để theo hướng Hữu cơ hoàn toàn.

(*) Chuyên gia Thương hiệu Võ Văn Quang có trên 25 năm kinh nghiệm marketing quốc tế và tại Việt Nam. Là tác giả của mô hình tiên tiến 7P Marketing và 10 mô hình Brand Marketing, đã được mời huấn luyện marketing chiến lược cho Ford Motor, LG, Mobifone, Vinaphone, Acecook, Fujifilm và FPT... trải qua 50+ dự án thương hiệu và 20+ keynote tại các diễn đàn thương hiệu quốc gia, bộ ngành và địa phương. Ông có kinh nghiệm trong các lĩnh vực chiến lược và cấu trúc thương hiệu, phát triển sản phẩm và mô hình marketing, thương hiệu quốc gia, sáng tạo và thiết kế thương hiệu, các mô hình phân phối và bán lẻ...