Người mua hàng đa kênh sẽ mang lại nhiều cơ hội cho thị trường thương mại điện tử Việt Nam

Thị trường thương mại điện tử Việt Nam đang phát triển vô cùng sôi động trong những năm gần đây cùng với việc người tiêu dùng Việt sở hữu rộng rãi các thiết bị truy cập internet đã khai sinh ra một xu hướng người mua sắm mới “Người Mua Sắm Đa Kênh”, những người tiêu dùng kết nối Internet và sử dụng Internet như một phần không thể thiếu trong kế hoạch sắm của họ.

Theo báo cáo Xu Hướng Người Mua Hàng 2017 của Nielsen, có nhiều sự khác biệt giữa người mua hàng truyền thống và người mua hàng đa kênh và điều này mở ra nhiều cơ hội cho các nhà sản xuất lẫn nhà bán lẻ.

Báo cáo Xu Hướng Người Mua Hàng 2017 nghiên cứu chân dung người mua hàng, thái độ và hành vi của người mua hàng ở các kênh như siêu thị / đại siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng chăm sóc cá nhân và môi trường thương mại điện tử. Báo cáo cũng cho biết sức khỏe thương hiệu của các nhà bán lẻ / nhà bán lẻ online theo nhận định của người mua hàng.

Sự khác biệt đầu tiên được nhìn thấy trong báo cáo lần này là cơ hội phá vỡ việc mua hàng theo kế hoạch/quán tính. Báo cáo chỉ ra rằng 82% người mua hàng truyền thống thường xuyên mua hàng theo kế hoạch. Điều này sẽ trở thành cản trở cho các thương hiệu hay nhà bán lẻ có thể lôi kéo được người tiêu dùng mới cho mình. Tuy nhiên, hơn một nửa người mua đa kênh sẽ so sánh các thương hiệu khác nhau (52%) hoặc sẽ kiểm tra chất lượng hay uy tín của thương hiệu (63%) trước khi quyết định mua hàng.

Bấm vào đây để tải infographic đầy đủ của Báo cáo Xu hướng Người Mua Hàng 2017 của Nielsen.

Ông Roberto Butragueño nhấn mạnh “Do người mua hàng đa kênh kết nối internet nhiều hơn, họ sẽ trở nên chủ động hơn trong việc tìm hiểu thông tin về thương hiệu và sản phẩm mà họ sắp bỏ tiền ra mua. Hình thức phổ biến là họ sẽ tìm hiểu thông tin trên website, đọc các đánh giá về thương hiệu hay sản phẩm và tham khảo ý kiến từ những người xung quanh. Các nhà bán lẻ cần phải xem xét các cửa hàng của họ sẽ đóng vai trò như thế nào trong chiến lược bán lẻ đa kênh của họ và làm thế nào để họ có thể sử dụng những kênh tương tác mới trực tuyến để tiếp cận người mua hàng một cách hiệu quả hơn.”

Tiếp đến đó là sự khác biệt về mục tiêu của những chuyến/lần mua hàng. Báo cáo cho thấy với người mua hàng truyền thống, 30% đi mua hàng vì nhu cầu hàng ngày, 24% vì muốn tận hưởng việc mua sắm, 19% muốn mua hàng dự trữ số lượng lớn và chỉ có 6% người Việt đi mua hàng do muốn tận dụng các chương trình khuyến mãi. Ngược lại, với người mua hàng đa kênh, có đến 57% quyết định mua sắm do các chương trình khuyến mãi, 45% vì nhu cầu hàng ngày, 44% muốn mua hàng dự trữ số lượng lớn và 35% mua hàng vì những dịp đặc biệt.

“Ở kênh thương mại hiện đại, chương trình khuyến mãi có thể chưa phải là yếu tố duy nhất để giúp một thương hiệu nào đó nổi bật khi người mua hàng đang bị quá tải bởi những chương trình khuyến mãi khác nhau từ những thương hiệu khác nhau. Nhưng điều này hoàn toàn khác với người mua hàng đa kênh. Một trong những cách hiệu quả nhất mà có thể giúp nhà bán lẻ tránh được cuộc chiến về giá và chiến lược khuyến mãi không bền vững đó là tăng nhận thức về những lợi ích mà họ cung cấp cho người tiêu dùng. Để đảm bảo người mua hàng sẽ quay lại cửa hàng, các nhà bán lẻ cần phải đáp ứng vượt trên cả mong đợi của người mua hàng, đồng thời cũng phải chứng minh một cách thuyết phục với người mua hàng rằng sản phẩm / dịch vụ họ cung cấp xứng đáng với những giá trị và lợi ích mà sản phẩm / dịch vụ ấy mang lại.”