Công nghệ mang tính nhân bản- thành tựu đáng ghi nhận nhất của Steve Jobs

Steve Jobs, người đàn ông đem đến sự thay đổi trong suy nghĩ cũng như định hướng phát triển công nghệ bằng việc chia sẻ khái niệm về tính nhân bản mà công nghệ vốn thật sự chứa đựng trong bản chất hình thành và phát triển của nó. Theo Zdnet, thành tựu đáng ghi nhận nhất của ông không phải nằm ở việc xây dựng nên sự thành công vượt trội của Apple Inc., hay những chiến lược Marketing thông minh và hiệu quả, mà đó chính là khái niệm về công nghệ mang tính nhân bản.

Vậy công nghệ mang tính nhân bản là gì?

Steve Jobs, tại Macworld Expo 1997, đã bộc lộ quan điểm xây dựng nên sự phát triển không ngừng trong các sản phẩm công nghệ của mình rằng “Các sản phẩm công nghệ cần dựa trên trải nghiệm của người dùng. Bạn không thể phát triển công nghệ trên nền tảng của chính nó, sau đó cố gắng tìm nơi để bán nó”.

Quan điểm trên của Steve Jobs đã khơi dậy một định nghĩa phát triển hoàn toàn mới của công nghệ, dần trở thành một lý tưởng kinh doanh của rất nhiều các công ty công nghệ khác nhau đến từ khắp nơi trên thế giới - Công nghệ sinh ra để phục vụ và nhu cầu của con người.

Chính vì vậy, những ai tham gia vào cuộc chiến tranh giành vị thế của mình trên thị trường tiêu dùng buộc lòng phải sở hữu khối óc sáng tạo không giới hạn và khả năng nắm bắt nhanh xu thế phát triển của xã hội, như một yếu tố quyết định ai là người tiên phong, ai là người chạy theo. Giá trị và hình ảnh thương hiệu phần nào đó chịu ảnh hưởng từ giá trị công nghệ mang tính nhân bản này.

Nguồn: Google

Công nghệ mang tính nhân bản trên thực tế

Ứng dụng tra cứu nhạc và chương trình TV Shazam

Shazam, một ứng dụng quen thuộc đối với những đối tượng người dùng đam mê âm nhạc và sử dụng smartphone, trở nên phổ biến rộng rãi nhờ vào khả năng tra cứu giai điệu âm nhạc bất kỳ và nhanh chóng xuất tên bài hát hoặc chương trình TV cho người dùng bằng việc sở hữu hệ thống dữ liệu chứa đựng hàng triệu bài hát và chương trình TV kết hợp với công nghệ phân tích âm thanh “Audio fingerprinting”.

Nhờ Shazam, người sử dụng có thể tìm được bài hát ưa thích chỉ thông qua việc thu phát giai điệu trên ứng dụng. Sự thành công của Shazam thể hiện qua số lượt sử dụng trên toàn thế giới lên đến con số 100 triệu và hiển nhiên giành ưu thế là một trong những ứng dụng hàng đầu toàn cầu. Nhanh chóng nhận được sự ủng hộ từ người dùng, Shazam không ngừng phát triển ứng dụng của mình với những tính năng khác gồm khả năng lưu trữ nhạc, tìm lời bài hát, kết nối và chia sẻ qua các ứng dụng nhắn tin miễn phí, v.v…

Nguồn: Google

Ứng dụng nhắn tin miễn phí - Zalo, thế giới riêng của người Việt

Các ứng dụng nhắn tin miễn phí kết nối tất cả người dùng từ khắp mọi nơi trên thế giới vượt qua những giới hạn về địa lý và không gian chỉ bằng internet. Do vậy, bản chất của những ứng dụng là giống nhau, vậy những nhà phát triển ứng dụng này đã phải làm gì để tạo cá tính riêng cho chính mình?

Kakaotalk (100 triệu lượt tải về) Line (500 triệu lượt tải về), 2 ứng dụng này đánh mạnh vào sở thích thể hiện tâm trạng bằng những icon và biểu cảm dễ thương.

Wechat (100 triệu lượt tải về) Nét nổi bật của ứng dụng nằm ở “People Nearby”, giúp kết nối những người dùng cùng sử dụng tính năng này để làm quen và gặp gỡ nhau.

Whatsapp (1 tỉ lượt tải về )Truyền tải nội dung nhanh chóng, bảo vệ quyền riêng tư với mã hóa đầu cuối “end-to-end encryption”, chia sẻ tập tin dữ liệu tiện lợi.

Giá trị của công nghệ nhân bản được Zalo áp dụng như thế nào khi họ phải đối đầu với các đối thủ quá mạnh như trên?

Đầu tiên nằm ở việc Zalo là ứng dụng dành cho người Việt, do người Việt. Chính vì vậy, không có một ứng dụng nhắn tin miễn phí nào khác có thể sở hữu giao diện trải nghiệm thân thiện và dễ hiểu hơn Zalo đối với người dùng Việt Nam. Kết hợp với những tính năng phổ biến thường thấy ở các đối thủ, Zalo cho phép kết nối với mọi người xung quanh, chia sẻ khoảnh khắc cuộc sống trên trang cá nhân, kho biểu tượng cảm xúc miễn phí và đa dạng, phù hợp với văn hoá Việt. Có thể nói Zalo là một ứng dụng thu thập và học hỏi những tính năng thành công từ phía các đối thủ trên quy mô toàn cầu, nhưng đã thành công trong việc xây dựng hình ảnh và vị thế của riêng mình đối với thị trường trong nước, với hơn 10 triệu lượt tải về trên tổng số dân hơn 90 triệu (2016).

Nguồn: Google

Grab và Uber - Cuộc chiến thị phần khốc liệt

Uber (100 triệu lượt tải về), người tiên phong trong việc xây dựng mô hình dịch vụ kết nối chia sẻ xe với khả năng cung cấp phương tiện di chuyển cho người có nhu cầu với mức giá rẻ hơn dịch vụ taxi, thuận tiện hơn so với các phương tiện công cộng.

Tiếp tục phát huy các giá trị hướng vào người sử dụng, Uber tối ưu hoá trải nghiệm của người dùng qua những lần nâng cấp ứng dụng, từ khách hàng cho đến người lái xe. Tháng 12 năm 2015, Uber đã đem đến tính năng mới giúp người lái có thể nhận khách mới trước khi trả khách cũ, giúp tăng số lượng cuốc xe và tiết kiệm thời gian một cách hiệu quả. Về phía khách hàng, tính năng “Schedule” của Uber giúp họ đặt xe tự động vào một mốc thời gian nhất định trong ngày, đặc biệt vào những giờ cao điểm. Ngoài ra, uberPOOL - dịch vụ kết nối những người dùng đi cùng hướng, giúp tiết kiệm chi phí hơn mà vẫn đảm bảo hiệu quả trong thời gian di chuyển.

Grab (10 triệu lượt tải về), là ứng dụng mới được đưa vào hoạt động từ năm 2012 chạy theo mô hình của Uber và được tập trung phát triển ở khu vực Đông Nam Á. Thời gian đầu, Grab chưa thực sự khai thác giá trị của công nghệ mang tính nhân bản mà mới chỉ phát triển các hoạt động khuyến mãi để lấy thị phần khách hàng từ Uber. Tuy nhiên, nhận ra Việt Nam là một thị trường có đặc thù khác hẳn các nước trong khu vực, nơi mà xe máy là phương tiện di chuyển chính và thuận tiện nhất, Grab lại vượt lên khỏi Uber trong ý tưởng tạo ra GrabBike. Uber tại Việt Nam cũng không thể bỏ qua tính năng thực tiễn đó từ đối thủ và đành phải trở thành “kẻ chạy theo” khi tung ra UberMOTO không lâu sau đó.

Nguồn: Google

Công nghệ mang tính nhân bản thực chất có thể đem đến điều gì?

Công nghệ không chỉ đơn thuần đại diện cho sự phát triển của một thế giới thông minh và hiện đại hóa, như Steve Jobs đã khẳng định, nếu người phát triển công nghệ không thể định hướng khả năng phục vụ và đáp ứng cho nhu cầu của người dùng, tạo ra được các ý tưởng khác biệt mang tính thực tế thì sẽ không thể là người chiến thắng.

Bài viết được thực hiện bởi Hà My/ Khanh Ly – iPrice Group. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết, xin liên hệ: [email protected]

iPrice Group là bộ máy tìm kiếm, so sánh giá cả tại bảy thị trường Đông Nam Á: Malaysia, Indonesia, Singapore, Việt Nam, Thái Lan, PhilippinesHồng Kông. Được thiết lập tháng 10 năm 2014, iPrice hiện đang triển khai trên 50 ngàn đầu mục sản phẩm trong hệ thống. iPrice hoạt động kinh doanh trong ba lĩnh vực chính: so sánh giá cả về thiết bị điện tử, sức khỏe & làm đẹp; thời trang; nhà cửa & đời sống; và coupon cho các thị trường Đông Nam Á.