Doanh nghiệp nhỏ có làm thương hiệu không?

Doanh nghiệp nhỏ luôn gặp phải vấn đề: không giảm giá thì không bán được hàng mà suốt ngày giảm giá thì cũng chẳng còn lãi. Thực tế là doanh nghiệp vẫn bán "hàng hóa" ( commodity) chứ không phải bán thương hiệu ( brand) và thực tế lý do duy nhất để người tiêu dùng chọn mua hàng hóa là giá rẻ. Còn đối với brand thì lại khác.

Thế nhưng doanh nghiệp nhỏ mải lo bán hàng không có thời gian làm thương hiệu. Doanh nghiệp không đủ năng lực xây dựng chiến lược thương hiệu, doanh nghiệp thấy thương hiệu là một phạm trù rất trìu tượng? Muôn vàn rào cản khiến doanh nghiệp không biết và không thể xây dựng thương hiệu. Vậy doanh nghiệp nhỏ phải làm sao để xây dựng thương hiệu ?

Thương hiệu là phạm trù rất rộng lớn, để làm tốt thì cần có đủ kiến thức và trải nghiệm. Tuy nhiên với doanh nghiệp nhỏ, có thể bắt đầu đơn giản với 2 trong rất nhiều nguyên tắc:

Nguyên tắc Onething: Xác định lấy 1 điểm khác biệt duy nhất, đừng tham lam. Người tiêu dùng rất khó để nhớ quá nhiều điểm khác biệt, và thực sự SMEs cũng khó để tạo ra nhiều điểm khác biệt. Do vậy hãy chỉ chọn một điểm khác biệt tốt nhất, có ý nghĩa nhất với khách hàng mục tiêu, khác biệt này khó bị bắt chước và phải đảm bảo giữ được điểm khác biệt này một cách dài hạn. Hạn chế nghĩ đến việc giá rẻ là một khác biệt. Vì nếu giá rẻ do nhập được nguồn hàng rẻ hơn, do cắt lãi, do mua số lượng lớn nên giá rẻ...thì đều dễ bị đối thủ bắt chước. Hơn nữa giá không còn là điều mà khách hàng quá quan tâm nữa, nếu sản phẩm tốt KH có thể mua với giá cao hơn 10~20% (theo kết quả nghiên cứu của Nelson).

Có thể chọn một điểm khác biệt về lý tính ví dụ : về nguyên liệu, nguồn gốc xuất xứ, kiểu, độ bền...nhưng việc này ngày càng trở nên khó khăn do việc sản xuất hàng hóa hay việc nhập hàng hóa có cùng chất lượng và mức giá tương đương là không khó nữa. Do vậy có thể khác biệt bằng cảm tính, ví dụ như : chính sách đổi trả hàng, dịch vụ chăm sóc khách hàng, dịch vụ hậu mãi, dịch vụ bảo hành...

Nguyên tắc Focus: mọi hoạt động truyền thông, bán hàng vào sự khác biệt đó. Vì đã là doanh nghiệp nhỏ thì ít tiền, vậy nên không thể pha loãng tiền truyền thông được. Đặc biệt nên tập trung vào một nhóm khách hàng mục tiêu vừa đủ, không nên target một tập quá lớn không đủ nguồn lực. Ưu tiên các hoạt động quảng cáo trực diện để bán hàng, sau đó là các content hữu ích xoay quanh người dùng nhưng luôn phải nhấn mạnh vào điểm khác biệt đã nêu.

Như vậy với 2 nguyên tắc cơ bản nhưng thiết thực, doanh nghiệp nhỏ đã bắt đầu xây dựng được thương cho mình. Khi công ty lớn mạnh hơn, có nhiều nguồn lực hơn thì có thể đầu tư xây dựng thương hiệu một cách bài bản và kĩ càng hơn. Tuy nhiên những nguyên lý căn bản thì người chủ doanh nghiệp nên nắm vững để xây dựng nền tảng tốt.