Vừa tốt nghiệp chuyên ngành PR ra trường, làm gì để có mức lương 2000 USD/tháng?

* Vừa tốt nghiệp chuyên ngành PR ra trường, làm gì để có mức lương 2000 USD/tháng?

Trả lời:

Đây là một câu hỏi hết sức sâu sắc!

Những người chưa vào nghề, hay mới chập chững vào nghề thường rất hiếm khi dám đặt câu hỏi này, vì các bạn biết rằng bản thân chưa vững kiến thức về PR và cũng không đủ kinh nghiệm. PR vẫn là cái gì đó trừu tượng và khó nắm bắt.

Thậm chí, sau khi đi làm thực tế 2 năm, tuy đã quen công việc đang làm hàng ngày, bạn cũng vẫn cảm thấy bản thân chưa thực sự hiểu hết về PR và luôn trong tình trạng thiếu thốn kinh nghiệm.

Và việc đặt ra câu hỏi này có thể bị đánh giá là tham vọng, ảo tưởng, tham lam và phi thực tế.

  • Có vẻ mong muốn được trả lương 2000 USD/tháng sau khi vừa tốt nghiệp là sự ảo tưởng chăng?
  • Không! Mong muốn này không phải là ảo tưởng. Mong muốn này sẽ được thỏa mãn nếu mức lương nhận được tương xứng với năng lực đóng góp cho tổ chức mà thôi.

Thực tế là, đối với những người mới vào nghề PR, khi phần thực hành chưa nhiều, các bạn sẽ cảm thấy không vững vàng, bởi vì năng lực chính là kiến thức được áp dụng thành công vào thực tế. Nhưng vì, giữa sự học và sự hành luôn có khoảng cách. Dù học giỏi đến đâu đi nữa, thì vẫn phải cần thực hành thì ta mới có thể thông hiểu được những gì mình đã học.

Còn đối với những người đã vào nghề PR, các bạn thường bị cuốn xoáy vào công việc chi tiết nhiều đến nỗi bản thân chưa nhìn ra một bức tranh công việc PR toàn diện. Cứ lay hoay viết bài, đăng bài, quay phim, dựng phim, chụp hình, tổ chức sự kiện, thiết kế… mà không nhìn ra được bức tranh PR tổng thể.

Trong tình trạng này, đề nghị mức lương 2000 USD/tháng là tham lam, không có cơ sở.

  • Vậy ta nên chuẩn bị, rèn luyện như thế nào?
  • Bạn cần nắm hiểu bức tranh tổng thể về chuyên môn PR, để từ đó xây dựng cho mình một nền tảng năng lực chuẩn mực.

Bức tranh tổng thể về chuyên môn PR là tập hợp 13 mảng công việc, được đảm nhận bởi 13 bộ phận chuyên môn để thực hiện một chiến dịch/dự án PR bài bản.

Ví dụ khi triển khai một dự án PR quảng bá cho một lon sữa bột X, chúng ta sẽ cần đến 13 bộ phận chuyên môn sau đây kết nối thành một guồng máy vận hành chung, bao gồm:

  1. Bộ phận Khảo sát dư luận xã hội: tìm hiểu xem, hiện nay công chúng đang nghĩ gì, cảm nhận gì về lon sữa bột X, có điều gì trong tâm trí đã khiến họ không muốn mua sữa X.
  2. Bộ phận Lập chiến lược: đưa ra cách tiếp cận khán giả, thông điệp chủ đạo, câu chuyện và lựa chọn phương tiện truyền thông phù hợp, để đạt được mục tiêu PR cuối cùng là gỡ bỏ những chướng ngại tâm lý và thúc đẩy khách hàng quyết định mua lon sữa X.
  3. Bộ phận Nội dung: phát triển thông điệp chủ đạo thành các bài viết, kịch bản truyền hình, kịch bản sự kiện, bài phát biểu, thông cáo báo chí, và các nội dung in trên vật phẩm quảng bá (backdrop, standee, POSM, folder, leaflet, brochure…)
  4. Bộ phận Sáng tạo: thiết kế và trình bày nội dung lên các vật phẩm quảng bá.
  5. Bộ phận Digital: phát triển thông điệp chủ đạo thành các câu chuyện, các chia sẻ, các comment rất đời thường để sử dụng trên mạng xã hội, diễn đàn, chat.
  6. Bộ phận Booking: thực hiện mua trang, mua sóng quảng cáo, đăng bài, phát sóng.
  7. Bộ phận Quan hệ Báo chí: thiết lập, duy trì và vận động sự ủng hộ của báo chí đối với dự án
  8. Bộ phận Quan hệ Chính phủ: thiết lập, duy trì và vận động sự ủng hộ của Chính quyền nhằm tạo điều kiện thuận lợi đối với doanh nghiệp và sản phẩm của doanh nghiệp.
  9. Bộ phận Quan hệ Nhà đầu tư, Ngân hàng, Tổ chức tài chính: thiết lập, duy trì và vận động sự ủng hộ về tài chính cho dự án, cho doanh nghiệp.
  10. Bộ phận Tổ chức sự kiện: thực hiện tổ chức các sự kiện, buổi tư vấn, buổi đào tạo cho khách hàng, tham quan nhà máy.
  11. Bộ phận Hành chính, IT: hỗ trợ máy móc, kĩ thuật, đường truyền, wifi, công cụ dụng cụ làm việc.
  12. Bộ phận Kế toán: hỗ trợ thủ tục hợp đồng, thanh toán, và công nợ.
  13. Bộ phận Thẩm định: đánh giá kết quả thực hiện dự án so với cam kết ban đầu với khách hàng.

Một người có năng lực vững vàng về PR là người am hiểu sự tổ chức công việc như trên và có kinh nghiệm ở 13 bộ phận chuyên môn này. Với năng lực như vậy, 2000 USD/tháng là mức lương không cao.

Còn nếu như bạn chỉ vừa tốt nghiệp, mà đã sẵn có năng lực cao như vậy, việc bạn yêu cầu một mức lương xứng đáng là chuyện bình thường. Chỉ là bạn cần thêm sự may mắn, đó là được một công ty lớn có nhu cầu sử dụng tài năng của bạn, và có khả năng trả lương và các chế độ đãi ngộ xứng đáng với năng lực của bạn mà thôi.

Sự may mắn của bạn có thể tìm thấy ở đâu?

Sự may mắn có nguồn gốc từ luật Nhân quả. Để có được nhiều may mắn, ta nên tìm mọi cách giúp đỡ nhiều người khác thành công trong công việc (ví dụ. bạn bè, đồng nghiệp). Khi ta có đủ tài, đủ đức, thành công và hạnh phúc tự nhiên sẽ tìm đến với bạn. Làm gì cũng dễ thành công. Ngược lại, dù nỗ lực đến đâu, học giỏi đến đâu, hiểu biết nhiều đến cỡ nào đi nữa, thì làm cái gì cũng hay bị bế tắc, bị hãm hại, bị vướng mắc. Đã có rất nhiều người rơi vào trường hợp này. Nỗ lực thành công khi đó chỉ là sự mắc công.

Vì thế, bên cạnh việc bạn quyết tâm rèn luyện kiến thức, kinh nghiệm hàng ngày, Tôi cũng chúc thêm rằng, bạn sẽ luôn chủ động tự tạo ra nhiều may mắn cho chính mình để thành công và hạnh phúc trong công việc và cuộc sống!

Lê Trần Bảo Phương
Trích quyển “Giải mã bí mật PR”
Nguồn: letranbaophuong.com