Marketer Thanh Phương Đỗ
Thanh Phương Đỗ

CEO & Founder @ Olivia Vietnam

Ai mua trăng tôi bán trăng cho…

Trăng có bán lấy tiền được không hay chỉ là câu thơ mơ mộng? Trên chuyến bay từ Quy Nhơn về Hà Nội, có một chuyện khiến tôi nhớ đến câu thơ của chàng thi sỹ Hàn Mặc Tử trên đồi Thi Nhân.

“Kính thưa quý khách, Trung thu là dịp Tết dành cho thiếu nhi... Vietjet Air trân trọng gửi tặng mỗi hành khách nhí trên chuyến bay một chiếc đèn lồng như lời chúc một đêm Rằm vui vẻ…” Giọng của cô tiếp viên chợt vang lên trong khoang máy bay. Sau đó tổ tiếp viên cầm lồng đèn ra trong tiếng nhạc “tết Trung thu rước đèn đi chơi, em rước đèn đi khắp phố phường…”.

Hoạt động promote này có khác biệt không? Chiếc lồng đèn không có gì mới, nhưng triển khai lại mới: Mảnh trăng vàng trên khinh khí cầu màu đỏ chuẩn nhận diện của Vietjet, và dễ gợi liên tưởng tương quan trong tâm trí khách hàng. Lên máy bay cũng là bay. Khinh khí cầu cũng là bay, và có thể bay tới...cung trăng luôn!. Cho pin vào là đèn sáng lung linh, kèm theo các bài hát trung thu chuẩn của VN, chứ không phải giọng Trung Quốc eo éo. “Bay là thích ngay”! Khác biệt không cần phải quá to tát lớn lao.

Với truyền thông viral thì khác biệt và sáng tạo là tiên quyết, nhưng lại phải phù hợp với chiến lược thương hiệu. Tại Học viện thương hiệu Plato, anh Nguyễn Đức Sơn và anh Phạm Đình Nguyên đều đồng tình với nhau ở quan điểm này. Vietjet định vị là hãng hàng không giá rẻ, với tính cách thương hiệu sáng tạo, năng động, vui nhộn, theo đuổi hình mẫu người truyền cảm hứng. Từ tham chiếu này, thật không khó hiểu khi hãng liên tục có những hoạt động trẻ trung, bất ngờ như múa bellydance trong khoang hành khách, chụp ảnh bikini dàn siêu mẫu…Vì thế, việc tặng lồng đèn cho bé ngay trên không trung không có gì phải bàn về độ tương thích với chiến lược!

Ngày chính Rằm, nhiều người Việt thích thú vì anh Gúc và anh Mark “có nhời thăm hỏi” đến Trung thu người Việt. Các anh Tây đã lan truyền thương hiệu của mình ở VN một cách xuất sắc. Nhưng điều đó không đáng nói bằng một thương hiệu Việt như Vietjet (và rất nhiều thương hiệu Việt khác) cũng đã khiến những khách hàng như tôi tự nguyện viral câu chuyện trăng rằm.

P/S: Nhắc nhỏ các bạn Vietjet là concept về đồ lưu niệm và quà tặng xuất sắc rồi, nhưng thi công sản phẩm cần tinh tế hơn. Đây là điểm trừ duy nhất. Nhưng bù lại thái độ và sự thấu hiểu thương hiệu của các bạn rất tuyệt vời. Nemo và Gấu nhà tôi không đi trên chuyến bay này, nhưng chúng rất thích các phương tiện giao thông như máy bay, ô tô, nên tôi đã hỏi mua 2 chiếc đèn lồng mang về. Các bạn ấy không bán mà tặng ngay. Thậm chí là vì chỉ còn một cái nên đã năn nỉ tôi chờ vài phút để đi lấy thêm.

"Bán trăng" mua được nụ cười con trẻ và sự hài lòng của khách hàng. Vietjet đang lan truyền thương hiệu một cách tự nhiên. “Lòng vui sướng với đèn trong tay, em múa ca vui đón chị Hằng…” Tối rằm có bao nhiêu người nhìn thấy lồng đèn Vietjet trên phố? Ánh trăng giờ không chỉ là “vốn” của Hàn Mặc Tử, mà còn là giá trị của nhiều thương hiệu thông minh.

Thanh Phương, Marcom Talkshow Moderator