Biến Năm kỷ niệm thành cơ hội phủ sóng truyền thông, nâng tầm nhận diện

Năm kỷ niệm không chỉ là cột mốc quan trọng đánh dấu chặng đường phát triển của doanh nghiệp mà còn là cơ hội vàng để tăng cường nhận diện thương hiệu và thúc đẩy doanh số.
Trong bối cảnh marketing không ngừng thay đổi, việc tận dụng những sự kiện kỷ niệm để tạo dấu ấn mạnh mẽ trên thị trường là một chiến lược đầy tiềm năng. Đây không chỉ là dịp để doanh nghiệp nhìn lại hành trình phát triển, mà còn là cơ hội để kết nối sâu hơn với khách hàng, khơi gợi cảm xúc và nâng tầm thương hiệu.
Mỗi sự kiện trong năm kỷ niệm như ngày thành lập, kỷ niệm ra mắt sản phẩm hay cột mốc ghi dấu hành trình tại một thị trường mới… đều có giá trị truyền thông lớn. Khi được khai thác đúng cách, những cột mốc này có thể tạo ra sức lan tỏa mạnh mẽ, giúp doanh nghiệp nổi bật giữa thị trường cạnh tranh, xây dựng lòng tin và thúc đẩy tăng trưởng bền vững.
Đâu là những cột mốc quan trọng mà doanh nghiệp cần tận dụng?
Mỗi thương hiệu đều có một hành trình phát triển riêng, với những dấu mốc quan trọng đánh dấu sự trưởng thành và bước tiến lớn. Đây là điểm chạm giúp doanh nghiệp nhìn lại hành trình đã qua, tôn vinh giá trị cốt lõi và truyền tải thông điệp về sự phát triển bền vững trong tương lai. Đối với khách hàng, những dấu mốc này mang đến cảm giác gắn kết, biến họ trở thành một phần trong câu chuyện của thương hiệu.
1. Kỷ niệm ngày thành lập doanh nghiệp
Ngày thành lập không chỉ đơn thuần là một con số, mà còn là cột mốc thể hiện sự bền vững và thành công của doanh nghiệp trước những biến động thị trường. Đây là cơ hội để thương hiệu khẳng định uy tín, tôn vinh hành trình phát triển và truyền tải giá trị cốt lõi đến khách hàng, đối tác và nhân viên.
Các chiến dịch kỷ niệm ngày thành lập thường được tổ chức hoành tráng vào các mốc năm lẻ hoặc năm tròn như 5, 10, 25 năm… với quy mô lớn và được đầu tư mạnh tay về mặt concept, truyền thông và ngân sách.
Trong những dịp này, doanh nghiệp có thể tận dụng ngày kỷ niệm để tổ chức chương trình tri ân khách hàng, tung ra các ưu đãi đặc biệt, thiết kế logo phiên bản kỷ niệm hoặc làm mới giao diện thương hiệu trên nền tảng số. Bên cạnh đó, việc chia sẻ những câu chuyện về hành trình phát triển, những thách thức và thành công đã đạt được cũng là cách giúp doanh nghiệp tạo kết nối cảm xúc sâu sắc hơn trong lòng công chúng.
Năm 2016 đánh dấu kỷ niệm 100 năm thành lập của Tập đoàn BMW. Nhân dịp này, một chiến dịch mang tên “The Next 100 Years” đã được BMW thực hiện và kéo dài trong suốt một năm nhằm khẳng định vị thế toàn cầu của thương hiệu. Trong sự kiện đặc biệt này, BMW đã ra mắt bốn mẫu xe Vision Vehicles mang đầy âm hưởng và tầm nhìn về phương tiện của tương lai.
Sự kiện kỷ niệm 100 năm thành lập được BMW triển khai kéo dài suốt 1 năm.
Nguồn: Rubyk Agency
Ngoài ra, BMW cũng tăng cường tương tác với khách hàng thông qua nội dung số trên trang web kỷ niệm, các buổi thảo luận trực tiếp trên mạng xã hội, và trải nghiệm AR/VR thông qua ứng dụng “BMW VISIONS”.
Chiến dịch kỷ niệm này giúp BMW thu hút hàng trăm nghìn khách hàng tham gia các sự kiện trực tiếp và trực tuyến, củng cố hình ảnh của một thương hiệu tiên phong trong ngành công nghiệp ô tô.
Tại Việt Nam, ngày kỷ niệm năm thành lập cũng được các doanh nghiệp “chịu chi” hơn với rất nhiều hoạt động đặc sắc và ấn tượng.
Nhân dịp kỷ niệm 30 năm thành lập, Tập đoàn Vingroup đã cho ra mắt MV “Tự hào bay cao” mang đậm tinh thần tự hào và tầm vóc của một tập đoàn kinh tế tư nhân hàng đầu Việt Nam. Ngay khi vừa ra mắt, MV đã thu về nhiều kết quả ấn tượng: Hơn 1 triệu lượt xem, hơn 90.000 lượt chia sẻ và lọt Top 1 Social Trend sau 72 giờ phát hành (theo YouNet Media).
MV “Tự hào bay cao” ra mắt nhân kỷ niệm 30 năm thành lập Tập đoàn Vingroup.
2. Kỷ niệm năm ra mắt sản phẩm
Sự ra đời của một sản phẩm, dịch vụ mới vừa đánh dấu bước đột phá trong danh mục sản phẩm vừa thể hiện sự đổi mới, sáng tạo và khả năng đáp ứng nhu cầu thị trường của doanh nghiệp. Việc kỷ niệm cột mốc này là cơ hội để thương hiệu kể lại hành trình phát triển, chia sẻ câu chuyện đằng sau sự ra đời của sản phẩm. Đồng thời nhấn mạnh những giá trị bền vững mà sản phẩm mang lại cho khách hàng.
Bên cạnh đó, những chiến dịch năm kỷ niệm ra mắt sản phẩm cũng là cơ hội để thương hiệu tái định vị sản phẩm, cập nhật công nghệ, thiết kế mới hoặc ra mắt phiên bản nâng cấp nhằm duy trì sức hấp dẫn trên thị trường.
Đầu năm 2018, chuỗi cửa hàng McDonald’s tại Mỹ chứng kiến tình hình kinh doanh có dấu hiệu đi xuống, đặc biệt sự yêu thích dành cho Big Mac – món burger làm nên tên tuổi của thương hiệu này cũng ghi nhận sự sụt giảm đáng báo động. Vì vậy, nhân dịp kỷ niệm 50 năm ra mắt Big Mac, McDonald’s đã triển khai một chiến dịch sáng tạo mang tên “50 Years of Big Mac” và cho phát hành đồng xu độc quyền MacCoin.
Mcdonald’s: Kỷ niệm 50 năm ra mắt Big Mac.
Nguồn: Rubyk Agency
McDonald’s đã tự sản xuất hơn 6,2 triệu xu MacCoin rồi phân phối đến toàn chuỗi cửa hàng trên thế giới để khách hàng có thể dùng những xu này đổi lấy Big Mac. Chiến dịch này, giúp doanh số toàn cầu của Big Mac tăng trưởng 6%. Riêng tại thị trường Mỹ, chỉ trong ngày đầu tiên đã có hơn 400.000 Big Mac được bán ra. Bên cạnh sự thành công về mặt kinh doanh, chiến dịch còn giúp thương hiệu đạt giải Gold Lion hạng mục PR của Cannes Lion 2019.
3. Kỷ niệm hành trình tại thị trường mới
Việc mở rộng sang một thị trường mới là một dấu mốc quan trọng, cho thấy sự phát triển, khát vọng vươn xa và khả năng thích nghi với môi trường kinh doanh đa dạng của doanh nghiệp. Đây là cơ hội để doanh nghiệp thể hiện sự thấu hiểu văn hóa địa phương và xây dựng mối quan hệ bền vững với khách hàng tại thị trường đó.
Để tận dụng tối đa cột mốc này, doanh nghiệp có thể triển khai các chiến dịch truyền thông ấn tượng để gia tăng mức độ nhận diện thương hiệu, nhấn mạnh sự hòa nhập và cam kết lâu dài với thị trường.
Nhân dịp kỷ niệm 10 năm có mặt tại thị trường Việt Nam, Starbucks đã triển khai nhiều sự kiện gắn kết cộng đồng trong suốt năm 2023. Có thể kể đến một số hoạt động nổi bật như: Bộ sưu tập kỷ niệm 10 năm phiên bản giới hạn, khai trương lại cửa hàng Starbucks New World – cửa hàng Starbucks đầu tiên tại Việt Nam, cùng nhiều dự án xã hội tạo ra tác động tích cực đến công đồng địa phương.
Bộ sưu tập đặc biệt của Starbucks tại Việt Nam trong cột mốc kỷ niệm 10 năm với sắc xanh quen thuộc.
Nguồn: Starbucks Vietnam
4. Kỷ niệm những cột mốc quan trọng khác của thương hiệu
Ngoài những cột mốc lớn như đã đề cập ở trên, doanh nghiệp có thể khai thác những sự kiện mang tính biểu tượng khác như sự ra đời của slogan thương hiệu, thay đổi bộ nhận diện hoặc những dấu mốc đạt được về doanh số, phát triển công nghệ… Thông qua những dấu mốc này, thương hiệu sẽ tiếp tục ghi dấu mạnh mẽ trong tâm trí khách hàng và tạo sự khác biệt so với đối thủ cạnh tranh.
Nike đã kỷ niệm 30 năm câu slogan huyền thoại “Just do it” bằng một chiến dịch đầy cảm hứng, tôn vinh những câu chuyện về các vận động viên vượt qua thử thách mang tên “Dream Crazy”.
Chiến dịch kỷ niệm 30 năm ra mắt slogan “Just do it” của Nike.
Nguồn: Rubyk Agency
Trong chiến dịch này, Nike đã mời cầu thủ Colin Kaepernick trở thành gương mặt đại diện. Đây là một cầu thủ bóng bầu dục nổi tiếng đã có hành động quỳ gối và im lặng trong lúc quốc ca Mỹ vang lên nhằm phản đối bất công xã hội và nạn phân biệt chủng tộc. Mặc dù có cả sự ủng hộ và phản đối, nhưng bước đi táo bạo của Nike đã thể hiện đúng tinh thần “Just do it” và đạt được thành công vang dội cả về mặt truyền thông và kinh doanh.
Bằng cách lựa chọn một thông điệp mạnh mẽ và đầy tính toán, Nike không chỉ khẳng định giá trị cốt lõi về sự kiên trì và quyết tâm, mà còn thu hút sự quan tâm toàn cầu, đồng thời củng cố mối quan hệ với khách hàng thông qua nghệ thuật kể chuyện đầy cảm xúc.
Kết
Mỗi cột mốc trong hành trình phát triển của doanh nghiệp không chỉ là dịp để tôn vinh những thành tựu đã đạt được mà còn là cơ hội để kết nối với khách hàng, gia tăng độ phủ truyền thông và thúc đẩy tăng trưởng kinh doanh. Khi được khai thác một cách chiến lược, năm kỷ niệm sẽ giúp thương hiệu tiếp tục khẳng định vị thế, tạo dựng mối quan hệ bền vững với khách hàng và nâng cao giá trị thương hiệu trong dài hạn.
* Nguồn: Rubyk Agency