Marketer Phương Quyên
Phương Quyên

Content Executive @ Brands Vietnam

Fashion Icon #30: Raf Simons – Công thần trong cuộc cách mạng từ Dior đến Prada

Fashion Icon #30: Raf Simons – Công thần trong cuộc cách mạng từ Dior đến Prada

Xuất thân từ gia đình không có nền tảng nghệ thuật, nhưng với tinh thần tiên phong và góc nhìn độc đáo, ông đã thay đổi cục diện thời trang suốt hơn ba thập kỷ. Tinh thần tuổi trẻ, sự nổi loạn và nét u tối đã trở thành DNA trong các thiết kế của Raf Simons, đưa văn hóa thành nguồn cảm hứng lên những sàn diễn danh giá nhất thế giới.

Fashion Icon là chuỗi bài về gương mặt đứng sau các biểu tượng thời trang đình đám trên thế giới do Brands Vietnam thực hiện. Thông qua chuỗi bài này, marketers có thể hiểu hơn về lịch sử hình thành và sự phát triển của các đế chế thời trang trên toàn cầu.

Buổi diễn định mệnh “sinh ra” một thiên tài

Raf Simons, nhà thiết kế thời trang người Bỉ, sinh năm 1968 trong một gia đình không có nền tảng nghệ thuật. Cha ông là bảo vệ ca đêm, còn mẹ làm giúp việc. Ban đầu, ông theo học cao đẳng công nghiệp và nội thất tại Genk, Bỉ, và khởi nghiệp trong lĩnh vực thiết kế nội thất cho các triển lãm. Từ năm 1991 đến 1993, Simons làm thợ học việc tại studio thời trang của Walter Van Beirendonck – một thành viên của nhóm Antwerp Six.

Vào đầu những năm 1990, nếu đến quán cà phê Witzli-Poetzli ở Antwerp, bạn có thể sẽ bắt gặp Simons cùng những người bạn và cộng sự tương lai bàn luận về làn sóng thời trang mới của Bỉ. Trong một cuộc phỏng vấn với Alexander Fury, ông nhớ lại niềm đam mê dành cho phong cách tiên phong của Martin Margiela. Buổi trình diễn “white show” của Margiela vào mùa thu năm 1989 đã trở thành cột mốc quan trọng, thôi thúc ông theo đuổi thời trang.

Fashion Icon #30: Raf Simons – Công thần trong cuộc cách mạng từ Dior đến Prada

Buổi trình diễn Martin Margiela năm 1989.
Nguồn: Business of Fashion

Buổi trình diễn ấy đã trở thành huyền thoại trong giới thời trang. Trái ngược với sự hào nhoáng và xa xỉ thường thấy, nhà mốt này đã mang thời trang đến gần hơn với mọi người, bất kể tầng lớp hay mức độ hiểu biết về thời trang. Lần đầu tiên, giữa một khu phố hoang vắng, khán giả được chứng kiến những người mẫu sải bước trong những bộ trang phục bị cắt xén đầy ngẫu hứng, trong khi các khán giả nhí háo hức chen nhau ở hàng ghế đầu.

Khi đó, Simons đang thực tập tại văn phòng của Van Beirendonck. Chứng kiến sự bùng nổ sáng tạo của Margiela, người từng coi thời trang là nhàm chán như ông đã thay đổi quan điểm. Từ khoảnh khắc ấy, ông quyết định chuyển hướng sự nghiệp, dấn thân vào thời trang và theo đuổi vẻ đẹp đa tầng ẩn sau mỗi bộ sưu tập.

Không có nền tảng chính quy trong ngành, nhưng với một chiếc TV và máy fax làm cầu nối với thế giới thời trang, ông thành lập thương hiệu thời trang nam mang tên mình vào năm 1995, khi mới 27 tuổi. Tài năng của Simons nhanh chóng được công nhận. Joan Juliet Buck, Tổng biên tập Vogue Pháp thời điểm đó, nhận định: “Khi cậu ấy dẫn đầu, mọi người đều phải theo sau”.

“Tinh thần tuổi trẻ hoàn toàn thuộc về Simons”

Simons đã có tầm nhìn rõ ràng về định hướng của thương hiệu, gói gọn trong những đường cắt may gắt gao, dáng vẻ u tối với một tinh thần tuổi trẻ đầy bùng nổ. Lấy cảm hứng trọn vẹn từ sự nổi loạn của văn hóa post-punk A. Trong các bộ sưu tập 1995-1996, ông đã khắc họa hình ảnh giới trẻ qua những bối cảnh lấy cảm hứng từ đồng phục học đường, áo len sọc và trang phục ôm sát theo phong cách của David Bowie – người cũng xuất hiện với một vai trò nhỏ trên những chiếc áo thun in “Aladdin Sane” của bộ sưu tập. Tất cả được trình diễn dưới dạng những cuốn phim 8mm đầy hoài niệm.

Năm 1996, ông tiếp tục ra mắt bộ sưu tập “We Only Come Out at Night” như một bản ghi chép về những giờ khuya. Một câu chuyện Gothic về những bộ vest ôm sát và trang phục len tối hiện ra trong video tự chế, trong khi một nhóm thanh niên tụ tập trong một ngôi nhà lung linh ánh nến, xen lẫn giữa phim kinh dị, bảng ouija và dường như vô số điếu thuốc.

Bộ vest đen với vai hẹp và quần ôm sát của những bộ sưu tập đầu tiên nhanh chóng trở thành biểu tượng của một bộ đồng phục, không phải vì sự nghiêm khắc mà là vì tính nổi loạn (dù vẫn được may đo tỉ mỉ) và là mã hiệu nhận diện của một “đồng chí” giới trẻ. Như Alexander Fury từng nói: “Trong khi những bộ vest ôm sát nợ Helmut Lang một lời cảm ơn thì sự trẻ trung hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát của Simons”.

Hình ảnh về nỗi băn khoăn tuổi teen và sự nổi loạn của nhà thiết kế đã leo thang trong các bộ sưu tập Thu Đông 2001 và Xuân Hè 2002 mang tên “Riot, Riot, Riot” và “Woe unto Those Who Spit on the Fear Generation… The Wind Will Blow it Back”, trở thành một lời phê bình thời đại.

Các người mẫu trong buổi trình diễn Xuân Hè 2002 cầm theo ngọn đuốc khi đi dạo quanh một trường trung học ở Paris, khoác những chiếc khăn quàng che khuôn mặt và mặc trang phục trắng rộng rãi với khẩu hiệu “Be Pure, Be Vigilant, Behave”. Khán giả như được đưa vào trạng thái du kích và nỗi kinh hoàng. Nhiều người gọi bộ sưu tập là một dấu hiệu báo trước tương lai u ám của vụ tấn công ngày 09/11 xảy ra cùng năm.

Fashion Icon #30: Raf Simons – Công thần trong cuộc cách mạng từ Dior đến Prada Fashion Icon #30: Raf Simons – Công thần trong cuộc cách mạng từ Dior đến Prada Fashion Icon #30: Raf Simons – Công thần trong cuộc cách mạng từ Dior đến Prada Fashion Icon #30: Raf Simons – Công thần trong cuộc cách mạng từ Dior đến Prada

Các người mẫu Bộ sưu tập Xuân Hè 2002 cầm theo ngọn đuốc khi trình diễn.
Nguồn: Vogue

Mang “New Look” trở lại thời hoàng kim

Từ năm 2005 đến 2012, Raf Simons đảm nhận vai trò Giám đốc Sáng tạo tại Jil Sander, thương hiệu thời trang dành cho cả nam và nữ thuộc tập đoàn Prada. Ngay từ màn ra mắt, ông đã nhận được nhiều lời khen ngợi khi mang đến một nét quyến rũ mới cho thương hiệu mà vẫn giữ nguyên tinh thần tối giản đặc trưng của Jil Sander.

Bộ sưu tập mùa Xuân 2009 của Jil Sander gây ấn tượng với những thiết kế váy tua rua gợi cảm và táo bạo. Đặc biệt, khi siêu mẫu Miranda Kerr diện một mẫu thiết kế từ bộ sưu tập này tại Met Gala 2009, sự chú ý dành cho Simons càng tăng lên đáng kể.

Fashion Icon #30: Raf Simons – Công thần trong cuộc cách mạng từ Dior đến Prada

Siêu mẫu Miranda Kerr diện một mẫu thiết kế từ bộ sưu tập mùa Xuân 2009 của Jil Sander tại Met Gala 2009
Nguồn: Vogue

Năm 2010 đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp của Simons khi ông ra mắt ba bộ sưu tập thời trang cao cấp đầu tiên. Những thiết kế này thể hiện sự tinh tế về màu sắc, hình dáng và tỷ lệ, mang đẳng cấp haute couture. Đồng thời, đây cũng được xem là những bộ sưu tập nữ tính nhất của ông.

Sự nghiệp của Raf Simons tiếp tục thăng hoa và đạt đỉnh cao vào tháng 4/2012, khi ông được bổ nhiệm làm Giám đốc Sáng tạo của Christian Dior, thay thế John Galliano sau khi thương hiệu này chấm dứt hợp đồng đột ngột với nhà thiết kế lừng danh.

Sau sự cố của John Galliano, việc bổ nhiệm một nhà thiết kế né tránh ánh đèn sân khấu đã được ban lãnh đạo PVH đánh giá cao, nhất là khi Simons luôn gắn bó nồng nhiệt với giới nghệ thuật, trong thời đại vốn văn hóa đang trở thành đặc quyền của các thương hiệu xa xỉ.

Từ buổi trình diễn đầu tiên, Simons đã chứng minh rằng ông hoàn toàn xứng đáng với vai trò mới. Vị Giám đốc Sáng tạo mới đã đắm mình vào kho tàng của Dior và tái hiện cho khách hàng hiện đại những dáng vẻ hình đồng hồ cát siêu nữ tính của váy và áo khoác Bar.

Fashion Icon #30: Raf Simons – Công thần trong cuộc cách mạng từ Dior đến Prada

Bộ sưu tập đầu tiên của Raf Simons cho Christian Dior.
Nguồn: The Impression

Simons đã điểm thêm sức sống cho những chiếc áo thun thắt lưng New Look và trang phục cổ điển nhờ kết hợp màu sắc tương phản. Những thiết kế ngày càng trở nên táo bạo và độc lập hơn so với nguyên bản khi Simons dần tìm thấy tiếng nói riêng của mình trong câu chuyện của thương hiệu. Ở Oscar 2013, Jennifer Lawrence diện một mẫu váy haute couture của Raf Simons. Thiết kế được xếp vào một trong những bộ đầm nổi tiếng và đắt giá nhất mọi thời đại.

Fashion Icon #30: Raf Simons – Công thần trong cuộc cách mạng từ Dior đến Prada Fashion Icon #30: Raf Simons – Công thần trong cuộc cách mạng từ Dior đến Prada

Jennifer Lawrence diện mẫu váy của Raf Simons tại Lễ Trao giải Oscar 2013, cùng khoảnh khắc vấp ngã mang tính biểu tượng của cô.
Nguồn: Tổng hợp

Simons chưa bao giờ che giấu sự tôn trọng sâu sắc với di sản thương hiệu cũng như thẳng thắn chia sẻ về những hạn chế trong việc sáng tạo ở với vai trò của mình.

Năm 2016, ông tiếp tục được tập đoàn PVH mời tham gia nhiệm vụ tái định vị Calvin Klein. Ông đã tỉ mỉ hoàn thiện từ thiết kế logo mới cùng với Peter Saville cho đến các bộ sưu tập của dòng sản phẩm Calvin Klein 205W39NYC, được tạo ra cùng Giám đốc Sáng tạo Pieter Mulier.

Fashion Icon #30: Raf Simons – Công thần trong cuộc cách mạng từ Dior đến Prada Fashion Icon #30: Raf Simons – Công thần trong cuộc cách mạng từ Dior đến Prada Fashion Icon #30: Raf Simons – Công thần trong cuộc cách mạng từ Dior đến Prada Fashion Icon #30: Raf Simons – Công thần trong cuộc cách mạng từ Dior đến Prada

Bộ sưu tập 2018 của Raf Simons tại Calvin Klein.
Nguồn: Crash

Trong ba năm, Simons và Mulier đã khai thác các hình mẫu và đồng phục để khắc họa giới trẻ Mỹ. Chỉ sau vài mùa trình diễn, cặp đôi thiết kế đã tạo nên một loạt thiết kế hấp dẫn: từ những bộ trang phục và áo khoác chống cháy lấy cảm hứng trực tiếp từ trang phục của chương trình lính cứu hỏa, áo varsity gợi nhớ cơn sốt bóng bầu dục đại học, cho đến những chiếc áo sơ mi phong cách miền Tây.

Tuy nhiên, ban lãnh đạo PVH đã thẳng thắn cho rằng sự trừu tượng trong tầm nhìn của Simons đã khiến sản phẩm trở nên kém hấp dẫn với thị trường thời trang đại chúng và không phù hợp cả về giá cả lẫn gu thẩm mỹ với khách hàng của Calvin Klein. Vì thế, đôi bên đã quyết định “chia tay”.

Cặp bài trùng giới thời trang: Simons và Prada

Mặc dù hành trình của Raf Simons tại Calvin Klein không kết thúc một cách trọn vẹn, tài năng và những cống hiến của ông vẫn được khẳng định xứng đáng. Báo chí quốc tế từng gọi 2017 là “năm của Raf Simons”. Chỉ trong chưa đầy một năm sau khi đảm nhận vị trí Giám đốc Sáng tạo tại Calvin Klein, ông đã đi vào lịch sử khi giành cú đúp danh hiệu “Nhà thiết kế thời trang nam của năm” và “Nhà thiết kế thời trang nữ của năm” tại CFDA 2017 – giải thưởng danh giá tôn vinh những cá nhân có đóng góp quan trọng cho ngành công nghiệp thời trang Mỹ.

Cuối năm đó, Raf Simons tiếp tục được vinh danh là “Nhà thiết kế của năm” tại lễ trao giải British Fashion Awards của Hiệp hội Thời trang Anh, củng cố vị thế của ông như một trong những nhà thiết kế hàng đầu thế giới. 2017 thực sự đánh dấu đỉnh cao trong sự nghiệp của Simons, khi ông được ca ngợi như “vị vua thiết kế” của làng mốt đương đại.

Fashion Icon #30: Raf Simons – Công thần trong cuộc cách mạng từ Dior đến Prada

Raf Simons là nhà thiết kế đầu tiên giành được cả giải thưởng CFDA dành cho nam và nữ kể từ năm 1993.
Nguồn: CFDA

Nếu có ai thực sự trân trọng tư duy sáng tạo của Raf Simons, đó chính là Miuccia Prada. Cùng với chồng, Patrizio Bertelli – một người hâm mộ Simons từ thời Jil Sander – bà đã mời ông đảm nhận vai trò đồng Giám đốc Sáng tạo cho thương hiệu Prada. Simons không chỉ yêu thích những thiết kế của Prada, vốn là một phần không thể thiếu trong tủ đồ của ông, mà còn đồng cảm sâu sắc với cách suy nghĩ của Miuccia Prada. Trong một cuộc phỏng vấn với System Magazine, trước khi mối quan hệ hợp tác giữa hai bên chính thức hình thành, ông từng chia sẻ: “Miuccia có một cách suy nghĩ mà tôi có thể đồng cảm.”

Ngay từ những bộ sưu tập đầu tiên, Simons và Prada đã cùng nhau tái cấu trúc ngôn ngữ thiết kế của thương hiệu, kết hợp tầm nhìn của cả hai thành một cuộc đối thoại sáng tạo. Kết tinh hai bộ óc vĩ đại của ngành thời trang nằm ở bộ sưu tập Xuân Hè 2021, các người mẫu bước đi qua những màn hình và ống kính trong căn phòng màu vàng nhạt của Fondazione Prada, tay khẽ nắm lấy ve áo khoác và khăn choàng. Đó có thể là một lời tri ân đến buổi trình diễn cuối cùng của Simons tại Jil Sander, hoặc gợi nhớ đến cử chỉ quen thuộc của Miuccia Prada khi bà xuất hiện trước công chúng với chiếc chăn bảo vệ.

Fashion Icon #30: Raf Simons – Công thần trong cuộc cách mạng từ Dior đến Prada Fashion Icon #30: Raf Simons – Công thần trong cuộc cách mạng từ Dior đến Prada Fashion Icon #30: Raf Simons – Công thần trong cuộc cách mạng từ Dior đến Prada Fashion Icon #30: Raf Simons – Công thần trong cuộc cách mạng từ Dior đến Prada

Kết tinh của hai bộ óc vĩ đại của ngành thời trang nằm ở bộ sưu tập Xuân Hè 2021.
Nguồn: Show Studio

Những chi tiết tinh tế giữa hai nhà thiết kế liên tục xuất hiện trong các bộ sưu tập: họa tiết đen trên áo hoodie trắng và váy xếp nếp trong bộ sưu tập 2021 là màn tái hiện chính xác phong cách 2002 của Simons, hay sự giản dị đặc trưng của Prada làm nền cho bộ sưu tập 2022. Đến năm 2023, bộ sưu tập vest nam được tinh giản, thay thế chi tiết hoa văn bằng chiếc lederhosen khoe trọn đùi, mở ra cuộc tranh luận về định nghĩa nam tính trong thời trang. Như Miuccia Prada tuyên bố sau buổi ra mắt đầu tiên: “Đây là sự khởi đầu”.

Fashion Icon #30: Raf Simons – Công thần trong cuộc cách mạng từ Dior đến Prada Fashion Icon #30: Raf Simons – Công thần trong cuộc cách mạng từ Dior đến Prada Fashion Icon #30: Raf Simons – Công thần trong cuộc cách mạng từ Dior đến Prada Fashion Icon #30: Raf Simons – Công thần trong cuộc cách mạng từ Dior đến Prada

Bộ sưu tập Xuân 2023 của Prada.
Nguồn: Vogue

Giữa làn sóng cách tân âu phục với phom dáng rộng rãi, Prada dưới bàn tay của Miuccia Prada và Raf Simons lại đi theo hướng ngược lại. Cả hai hồi sinh kiểu dáng suit với vòng eo hẹp, vai mở rộng và phom dáng thon dài, tôn lên cơ thể người mặc. Họ nhận thấy âu phục không chỉ giới hạn trong các sự kiện trang trọng hay môi trường công sở, mà còn có tiềm năng ứng dụng cao hơn. Prada đã tái định nghĩa suit dưới góc nhìn của workwear – dòng thời trang lao động – để tạo ra những thiết kế thanh lịch nhưng linh hoạt và thoải mái hơn.

Đến cuối năm 2022, Simons tuyên bố đóng cửa thương hiệu Raf Simons trong sự ngỡ ngàng của nhiều người yêu thích thương hiệu. Tuy nhiên, hành trình cống hiến của Simons vẫn tiếp tục, trước mắt là sự dốc lòng của ông với tư cách là đồng giám đốc sáng tạo của Prada, và có thể còn nhiều sự đột phá mới trong tương lai dành cho những ai yêu thích phong cách của Simons.

Xem thêm bài viết cùng chuyên mục tại đây.

Theo Phương Quyên / Brands Vietnam
* Nguồn: Tổng hợp