Fashion Icon #29: John Galliano – “Thiên tài lạc lối” với những thiết kế “xé truyện bước ra”

Trong giới thời trang, ít tên tuổi nào gợi lên sự hào nhoáng sân khấu như John Galliano. Không chỉ đưa những câu chuyện huyền ảo vào trong từng thiết kế, con đường làm nghề của ông cũng là một câu chuyện đầy trắc trở khi rơi vào vực thẳm từ đỉnh vinh quang và tiếp tục hành trình chuộc lại lỗi lầm.
Fashion Icon là chuỗi bài về gương mặt đứng sau các biểu tượng thời trang đình đám trên thế giới do Brands Vietnam thực hiện. Thông qua chuỗi bài này, marketers có thể hiểu hơn về lịch sử hình thành và sự phát triển của các đế chế thời trang trên toàn cầu.
Thiên tài trẻ được săn đón khi vừa tốt nghiệp
Câu chuyện của John Galliano (sinh năm 1960) có khởi đầu cách rất xa những sàn diễn lộng lẫy ở Paris. Ông là con trai của một thợ sửa ống nước người Tây Ban Nha, cả gia đình đã chuyển đến vùng ngoại ô nghèo ở Nam Luân Đôn khi ông mới sáu tuổi. Cuộc sống trước năm 20 tuổi của Galliano gắn liền với đòn roi từ người ba cục cằn và chuỗi ngày bị bắt nạt ở trường, chỉ bởi vì ông có vẻ “ăn diện quá mức” và “yếu đuối” so với một bé trai.

John Galliano có khởi đầu cách rất xa những sàn diễn lộng lẫy ở Paris.
Nguồn: L’OFFICIEL
Những cảm thụ đầu tiên của Galliano về thời trang đến từ người mẹ làm giáo viên dạy flamenco – một vũ điệu truyền thống của Tây Ban Nha. Là một người phụ nữ biết tôn lên vẻ ngoài lộng lẫy của bản thân, mẹ ông luôn biến những chuyến đi ngắn đến cửa hàng tạp hóa thành những dịp đặc biệt để nói về những bài học về cách ăn mặc.
Ở tuổi 16, ông rời khỏi Trường Nam Sinh Wilson’s Grammar để theo học thiết kế dệt may tại East London College. Năm 1980, ông vào Học viện Nghệ thuật St. Martin’s ở Luân Đôn, nơi ông say mê với trang phục lịch sử. Bộ sưu tập tốt nghiệp năm 1984 của ông lấy cảm hứng từ Cách mạng Pháp, có tựa đề Les Incroyables đã được chủ của một boutique thời trang độc quyền ở Luân Đôn mua ngay từ sàn diễn của trường.
Thực tế, Galliano không hề muốn trở thành một nhà thiết kế thời trang mà lại thực sự muốn trở thành một nhà diễn họa thời trang (Fashion Illustrator). Nếu không có sự thuyết phục của các giáo sư ở Central Saint Martins yêu cầu ông chuyển những bản phác thảo của mình thành những bộ trang phục, thì bộ sưu tập nổi tiếng này cũng sẽ không bao giờ ra đời.
Ông đã phác thảo bộ sưu tập và được rất nhiều bạn bè ủng hộ. Tuy nhiên, ngay cả các giáo sư cũng không thể ngờ được phản ứng của công chúng trước bộ sưu tập này. Sau khi buổi trình diễn đầu tiên nhận được sự đón nhận nồng nhiệt, rất nhiều người chen lấn để tham dự hai buổi diễn tiếp theo. Chỉ sau một đêm, Galliano từ một sinh viên bình thường đã trở thành nhà thiết kế được săn đón nhất Luân Đôn và bất ngờ được đưa vào một ngành công nghiệp mà chính ông cũng chưa chuẩn bị sẵn sàng.
Bộ sưu tập Les Incroyables 1984 của John Galliano.
Nguồn: Minie Muse
Nhiều tên tuổi lớn trong ngành thời trang đã đến gặp John ở hậu trường, trong đó có chủ sở hữu của Browns – một cửa hàng nổi tiếng nhờ hỗ trợ các nhà thiết kế trẻ với gu thiết kế thú vị. Người này đã mua toàn bộ bộ sưu tập của Galliano ngay lập tức để bán tại cửa hàng, tất cả đều nhanh chóng “cháy hàng”.
Tuy không có ý định trở thành nhà thiết kế thời trang, thiết kế của Galliano vẫn nhận được nhiều sự quan tâm của giới thời trang, khách hàng và các doanh nhân. Nhưng để những thiết kế này có thể tiến xa hơn, John Galliano cần một nhà đầu tư.
Ngay lập tức, Johann Brun – một trong những người say mê thiết kế của Galliano từ buổi lễ tốt nghiệp – đã đồng ý tài trợ cho Galliano, chỉ bằng một thỏa thuận miệng, công ty John Galliano Bron Limited được thành lập với số vốn ban đầu 3.000 bảng Anh.
Với nguồn tài chính đó, Galliano có thể mua vải, tìm được một studio, thuê nhân viên có kinh nghiệm và phát triển thương hiệu đầu tiên. Chỉ sau bốn tháng, bộ sưu tập Xuân-Hè 1985 chính thức ra mắt với những món đồ lấy cảm hứng từ chất liệu lịch sử.
Kết quả là, buổi trình diễn đã thành công vang dội: thu về khoảng 44.000 bảng Anh và thương hiệu thậm chí còn có thể từ chối một số đối tác tiềm năng để duy trì vị thế thương hiệu xa xỉ.
Buổi trình diễn năm 1985 của John Galliano đã gây chấn động giới mộ điệu.
Nguồn: BBC
Đôi tay “hóa phép” cho Givenchy và Dior
Tuy nhiên, vì cái tôi nghệ thuật của Galliano sớm được công nhận và liên tục được “vỗ về” khi ông vẫn còn trẻ, những ý tưởng cứ thế lớn dần và vượt khỏi ranh giới “thực tế”. Nhiều người chuyển sang phán xét bộ óc quá bay bổng của ông. Cộng thêm việc từ đầu Galliano vốn chưa sẵn sàng cho một công việc kinh doanh thời trang lâu dài, ông gần như phá sản vào năm 1990.
Sau đó, ông quyết định đến kinh đô thời trang Paris để tìm kiếm nguồn đầu tư mới. Với tài năng bẩm sinh và quyết tâm không ngừng, ông nhanh chóng gây ấn tượng với Anna Wintour – Tổng biên tập của Vogue. Bà cũng là người đã giới thiệu nhiều nhân vật có ảnh hưởng trong ngành thời trang.
Nhờ vậy, ông có thể tổ chức buổi trình diễn bộ sưu tập gồm 17 mẫu váy dù tình trạng kinh phí hạn hẹp, một biệt thự sang trọng được cho mượn, nhiều ngôi sao đồng ý tham gia miễn phí. Và chỉ bấy nhiêu là đủ để tạo ra điểm gặp gỡ giữa những người yêu thời trang và thiết kế giao thoa tinh tế giữa phong cách Đông và Tây của Galliano. Buổi trình diễn không chỉ giúp thương hiệu tiếp tục lan tỏa sức ảnh hưởng mà còn khiến tập đoàn xa xỉ LVMH cũng bắt đầu để mắt tới tài năng của Galliano.
Bước ngoặt đến vào năm 1995, khi Galliano được LVMH mời đến tiếp quản Givenchy. Và thế là, John Galliano trở thành nhà thiết kế Anh đầu tiên đứng đầu một nhà mốt Haute Couture Pháp. Dưới tay của Galliano, Givenchy hiện lên trong sự tinh tế và lãng mạng, pha chút nét cổ điển huyền ảo, với những bộ sưu tập được lấy cảm hứng từ những câu chuyện tình lịch sử, những thị trấn cổ tích đầy bí ẩn, khu rừng rậm hùng vĩ trong tác phẩm của Shakespeare.
Thiết kế của Givenchy năm 1996 qua bàn tay của John Galliano.
Nguồn: L’OFFICIEL
Tài năng của ông tiếp tục lan rộng, được khẳng định qua các đề cử Nhà thiết kế của Năm vào các năm 1994 và 1995. Hơn nữa, vào năm 1997, ông và nhà thiết kế Alexander McQueen, người kế nhiệm ông tại Givenchy đã cùng nhau nhận giải thưởng danh giá này.
Năm 1996, ông đảm nhiệm vai trò nhà thiết kế chính của nhà mốt cao cấp Christian Dior. Khi Galliano được bổ nhiệm làm giám đốc sáng tạo tại nhà mốt này, tập đoàn LVMH đã mua lại công ty của ông từ Bult. Bernard Arnault, người đứng đầu LVMH – chủ sở hữu của cả Givenchy và Dior – hy vọng rằng Galliano sẽ thu hút được khách hàng trẻ hơn, không chỉ đối với các bộ sưu tập haute couture mà còn với các dòng thời trang may sẵn theo mùa của cả hai hãng.
Thực tế, sự xuất hiện của Galliano đã mở ra một khởi đầu mới cho tương lai không mấy lạc quan của haute couture. Với vai trò giám đốc sáng tạo của hai thương hiệu, ông đã có được vị thế vô song trong giới thiết kế Anh.
Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận rằng kiểu dáng “New Look” của Dior – một bộ trang phục kết hợp áo khoác có vai đệm và váy dài tới mắt cá chân – gần gũi hơn với thẩm mỹ của chính ông so với phong cách thiết kế bảo thủ của Givenchy. Vì vậy, năm 1996, ông rời Givenchy và tập trung hoàn toàn vào Dior. Nhà thiết kế thời trang người Anh Alexander McQueen đã kế nhiệm ông viết tiếp câu chuyện cho Givenchy 5 năm sau đó.
Ở Dior, dù là việc tái hiện trang phục nam với những chiếc áo vest lấy cảm hứng từ nội y, hay sáng tạo hơn cả với hàng loạt bộ sưu tập từ trang phục trượt tuyết, áo choàng dạ hội đến các phụ kiện tinh xảo, công trình của Galliano luôn là minh chứng cho sức mạnh biến hóa của sự sáng tạo không ngừng.
Bộ sưu tập Dior mùa Xuân 1998.
Nguồn: Harper’s Bazaar Vietnam
Giữa làn sóng thương mại hóa, Galliano vẫn kiên định với nghệ thuật, thăng hoa cùng Haute Couture. Mỗi bộ sưu tập của ông là một câu chuyện giao thoa giữa lịch sử và văn hóa, táo bạo, lãng mạn nhưng đầy ma mị. Từ công chúa cổ tích, Marie Antoinette bi kịch đến nền văn minh Ai Cập cổ đại – tất cả đều được ông tái hiện qua những thiết kế độc đáo.
Những sáng tạo của Galliano cho bộ sưu tập thời trang cao cấp Christian Dior 2004 được lấy cảm hứng từ Ai Cập cổ đại.
Nguồn: BBC
“Gã thiết kế ngỗ nghịch” và cú trượt dài trong sự nghiệp
Năm 2011, Galliano bị sa thải khỏi Dior.
Vào tháng 2/2011, Galliano bị cáo buộc phát ngôn chống Do Thái sau khi ông được cho là đã đưa ra những lời lăng mạ mang tính phân biệt chủng tộc trong một quán cà phê ở Paris. Chỉ sau 1 tháng, Dior đã sa thải ông, và tháng tiếp theo, Galliano cũng bị sa thải khỏi hãng thời trang mang tên ông. Trong thời gian này, Galliano đã nhập viện cai nghiện do rượu và ma túy, và sau đó ông đã phải chính thức xin lỗi về những lời phát ngôn của mình.
Tháng 9/2011, ông bị kết tội vì đã “phát ngôn công khai mang tính phân biệt tôn giáo, chủng tộc, dân tộc” và nhận một khoản phạt treo. Trong hai năm tiếp theo, Galliano hầu như bị thế giới thời trang xa lánh, mặc dù ông vẫn được nhắc tới khi là bàn tay đứng sau thiết kế chiếc váy cưới cho người mẫu Kate Moss vào năm 2011. Lúc bấy giờ, thế giới vẫn đinh ninh sự nghiệp của Galliano chính thức lụi tàn.
Chiếc váy cưới Galliano thiết kế cho Kate Moss.
Nguồn: L’OFFICIEL
Khi Galliano bị sa thải khỏi Dior, ông nói rằng mình đã chịu đựng quá nhiều áp lực – phải sản xuất lên đến 32 bộ sưu tập mỗi năm. Mức áp lực và kỳ vọng đó là một trong nhiều lý do đẩy ông đến vòng xoáy nghiện rượu, cùng với cái chết của người bạn và cộng tác viên Steven Robinson. Tuy nhiên, cơn khát phát triển của ngành thời trang chỉ ngày càng tăng, trở thành một vực sâu không đáy đòi hỏi nhiều hơn mỗi ngày: nhiều quần áo, nhiều túi xách, nhiều khoảnh khắc lan truyền, nhiều bộ trang phục được may đo cho một khách hàng toàn cầu.
Có lẽ giới thời trang đã không còn nhiều kiên nhẫn với những thiên tài lập dị có thể tạo ra những tác phẩm thử thách những lề lối, nhưng đôi khi các thiên tài này cũng có thể trở thành gánh nặng. Vì vậy, nhiều nhà mốt lớn có lối đi an toàn khi dùng những giám đốc sáng tạo không quá phá cách hoặc đi theo phong cách đại chúng từ ban đầu.
Phần còn lại là cuộc đua của những thương hiệu thay đổi giám đốc sáng tạo với tốc độ chóng mặt, giữ họ ở vị trí chỉ vài năm hoặc thậm chí chỉ một mùa trước khi cho họ ra đi để tìm kiếm những cái tên mới, sáng bóng hơn nhằm làm hài lòng cổ đông.
Một nhà thiết kế có thể đối mặt với khó khăn trong việc ra mắt một thương hiệu độc lập và giữ cho nó tồn tại trên thị trường, hoặc khi họ lên đến vị trí giám đốc sáng tạo cao cấp – một vai trò đòi hỏi cả năng lực thiết kế và bộ óc của một doanh nhân. Điều đó đồng nghĩa phạm vi sáng tạo ngày càng thu hẹp và những quyết định cùng áp lực ngày càng lớn, và những “thiên tài” dễ dàng cảm thấy lạc lõng trong một thế giới xa lạ. Đó là câu chuyện của Galliano.
Tìm lại hào quang và “chào kết” cho màn trình diễn mê hoặc
Sau một thời gian im ắng, sự cứu rỗi của Galliano đến vào năm 2014, khi ông được bổ nhiệm làm giám đốc sáng tạo của thương hiệu Maison Martin Margiela – một nhà mốt tỉ mỉ về cấu trúc vải (sau này là Maison Margiela).
BST SS15 trình diễn trong Tuần lễ Haute Couture tại Paris năm 2015.
Nguồn: Tổng hợp
Tại đây, Galliano đã bộc lộ một bản sắc mới, táo bạo hơn cho tất cả các dòng sản phẩm Couture và Ready-to-Wear. Buổi trình diễn đầu tiên của ông trong Tuần lễ Haute Couture tại Paris năm 2015 là một chiến thắng thực sự của sự sáng tạo và đổi mới, khẳng định rằng nhà thiết kế tầm nhìn này vẫn luôn biết cách làm mọi người bất ngờ.
Sau một thập kỷ miệt mài bứt phá và tìm lại hào quang, bộ sưu tập năm 2024 của Galliano đã thực sự là màn trình diễn xứng đáng quãng thời gian chờ đợi. Đó là một bộ sưu tập đáng kinh ngạc, gợi nhớ đến những buổi trình diễn của Galliano xưa khi những người mẫu – trang điểm như búp bê sứ – lảo đảo và lắc lư trên sàn diễn u ám, với vòng eo bị bóp méo bởi những chiếc áo nẹp và những điểm nhấn tinh tế hé lộ qua lớp tulle.
Được truyền cảm hứng từ tác phẩm chân thực và bí mật của nhiếp ảnh gia Hungary Brassaï, người đã chụp lại Paris và những con người nơi đây sau khi màn đêm buông xuống, bộ sưu tập này đã trở thành hiện tượng trực tuyến và được báo chí ca ngợi là một trong những buổi trình diễn thú vị nhất trong nhiều năm.
Những di sản của John Galliano ở Maison Margiela là một cái kết đẹp để tạm khép lại hành trình đầy thăng trầm của nhà thiết kế.
Nguồn: L’OFFICIEL
Nhưng gần như đây cũng là màn chào kết đặc sắc của Galliano tại Maison Margiela khi ông chính thức thông báo rời nhà mốt vào cuối năm 2024. Trong khi nhiều người sục sôi về bước đi tiếp theo của ông, chúng ta chỉ có thể chắc chắn rằng những di sản của ông ở Maison Margiela là một cái kết đẹp để tạm khép lại hành trình đầy thăng trầm của nhà thiết kế.
Xem thêm bài viết cùng chuyên mục tại đây.
Theo Phương Quyên / Brands Vietnam
* Nguồn: Tổng hợp