Marshall – Thương hiệu biểu trưng của tinh thần Rock ‘n’ Roll

Marshall – thương hiệu với những sản phẩm mang tính cách mạng đã thay đổi cách chúng ta trải nghiệm âm thanh có một bề dày lịch sử phong phú bắt đầu từ những năm 1960.
Từ một cửa hàng nhỏ đến thương hiệu mang tính di sản
Sinh ngày 29/7/1923 tại London, Jim Marshall dành phần lớn thời thơ ấu trong bệnh viện để điều trị bệnh lao xương khớp. Cha ông đã khuyến khích ông theo học khiêu vũ để giúp đôi chân khỏe mạnh hơn, và chính từ đây, niềm đam mê âm nhạc của ông bắt đầu nhen nhóm.

Jim Marshall (1923-2012) – nhà sáng lập thương hiệu Marshall.
Nguồn: Marshall
Jim có cơ hội đầu tiên để trở thành một tay trống khi thành viên chơi trống ban đầu của một ban nhạc 16 người bị gọi nhập ngũ trong Thế chiến II. Trong những năm tháng ấy, Jim không chỉ là một người chơi nhạc, ông còn là một học sinh xuất sắc và đã trở thành kỹ sư điện. Ban ngày, ông bắt tay vào chế tạo các hệ thống khuếch đại âm thanh di động, mang âm nhạc đến gần hơn với mọi người. Vào ban đêm, ông tham gia các dàn nhạc, gõ nhịp trên những chiếc trống, hòa mình vào những buổi diễn sôi động.
Đến những năm 1950, Jim bắt đầu dạy trống cho các nghệ sĩ khác. Mỗi tuần, ông dạy hơn 60 học viên trong khi vẫn biểu diễn tại các buổi diễn. Một số học trò nổi bật của ông bao gồm Mitch Mitchell và Micky Waller, người được biết đến qua những màn trình diễn cùng Jeff Beck Group. Sau đó, ông quyết định bước vào con đường kinh doanh và mở một cửa hàng nhạc cụ nhỏ tại Hanwell, London.
London có không dưới 800 tấm biển xanh nhằm vinh danh các nơi sinh hoặc nơi ở của những người nổi tiếng. Tuy nhiên, điều kỳ lạ là chỉ có hai tấm biển dành cho nghệ sĩ nhạc rock: một dành cho John và George của The Beatles tại địa điểm của Apple Boutique, và một tại số 23 Brook Street ở Mayfair – nơi từng là nơi ở của của nghệ sĩ guitar bậc thầy Jimi Hendrix.
Vào năm 2012, một tấm biển khác được gắn lên bức tường tại số 76 Uxbridge Road, Hanwell, phía tây London. Đây chính là địa điểm gắn liền với di sản không chỉ của Hendrix mà còn của hàng ngàn nghệ sĩ khác – cửa hàng đầu tiên của thương hiệu Marshall.
Những năm đầu thập niên 1960, địa chỉ số 76 chính là cửa hàng nơi những chiếc ampli (thiết bị khuếch đại âm thanh) đầu tiên mang thương hiệu Marshall được bán ra. Chỉ rộng 3,3 mét, cửa hàng nhỏ bé này đánh dấu bước khởi đầu của một hành trình dài, dẫn đến những cửa hàng khác, rồi các xưởng sản xuất, cuối cùng là cơ sở hiện đại tại Bletchley ngày nay.
Cửa hàng nhỏ bé tại Hanwell không đơn thuần là nơi buôn bán nhạc cụ, mà còn là cái nôi cho một cuộc cách mạng âm thanh sắp sửa diễn ra. Chính tại nơi này, Jim Marshall và đội ngũ của ông đã tạo ra những sản phẩm đặc biệt – những âm thanh thay đổi mãi mãi diện mạo của nhạc rock.
Cửa hàng đầu tiên của thương hiệu Marshall.
Nguồn: Marshall
Những sản phẩm mang tính cách mạng
Sự ra đời của Marshall Amplification
Ban đầu, cửa hàng của ông chỉ bán trống, chũm chọe và các phụ kiện dành cho tay trống. Nhưng khi ngày càng nhiều nghệ sĩ lui tới, Jim nhận ra nhu cầu của họ không chỉ dừng lại ở nhạc cụ bộ gõ. Ông mở rộng sang bán các thiết bị nhạc cụ nhập khẩu đắt tiền như Gibson 335s, Fender Strats và Fender Tremoluxes.
Tuy nhiên, có một vấn đề lớn: các bộ khuếch đại Fender – vốn rất được ưa chuộng – lại khan hiếm và quá đắt đỏ. Nhạc rock tại Anh khi đó đang bùng nổ, nhưng khoảng trống trong thị trường ampli khiến nhiều nghệ sĩ gặp khó khăn. Các sản phẩm nội địa như ampli Dominator, Bird Golden Eagle hay thậm chí cả Vox AC30 cũng không thể lấp đầy khoảng trống đó. Đặc biệt, ampli dành cho guitar bass gần như không thể tìm thấy vào đầu những năm 1960.
Từ trái qua: Ken Bran, Jim Marshall, Dudley Craven.
Nguồn: Fuzzfaced
Năm 1962, một bước ngoặt lớn diễn ra. Ken Bran, một kỹ thuật viên sửa ampli vừa được Jim thuê, đưa ra một đề xuất: thay vì tiếp tục nhập khẩu ampli Fender với giá cao, tại sao họ không tự sản xuất ampli bằng các nguồn lực sẵn có? Ý tưởng này nhanh chóng nhận được sự ủng hộ từ những khách hàng thân thiết của Jim, bao gồm Big Jim Sullivan, Brian Poole của Tremeloes và đặc biệt là Pete Townshend của The High Numbers (sau này là The Who). Họ đều mong muốn một bộ khuếch đại có âm thanh mạnh mẽ như Fender nhưng với mức giá hợp lý hơn.
Jim hiểu rằng nếu muốn thành công, họ cần một người có chuyên môn sâu về điện tử. Và thế là Dudley Craven, một chuyên gia từng làm việc tại BBC, gia nhập đội ngũ. Bộ ba Jim Marshall – Ken Bran – Dudley Craven bắt tay vào một nhiệm vụ quan trọng: tự tạo ra một chiếc ampli (bộ khuếch đại).
Đến năm 1963, Marshall chính thức ra mắt mẫu ampli đầu tiên mang thương hiệu của mình – Marshall JTM45. Chỉ trong vài năm, Marshall Amplification trở thành một hiện tượng. Bộ khuếch đại này nhanh chóng trở nên phổ biến trong giới nghệ sĩ guitar và nhạc sĩ trên toàn thế giới. Những nghệ sĩ vĩ đại như Jimi Hendrix, Eric Clapton và ban nhạc rock Anh “Free” bắt đầu sử dụng ampli Marshall, biến chúng thành biểu tượng của rock.
Năm 1963, Marshall ra mắt mẫu ampli đầu tiên mang thương hiệu – Marshall JTM45.
Nguồn: Marshall
Từ JTM45 đến JTM45/100
Cuối năm 1965, Pete Townshend của The Who đứng trước một vấn đề nan giải: cây guitar của ông không thể át được tiếng trống ầm ĩ của Keith Moon. Với một ban nhạc luôn khao khát đẩy giới hạn của âm thanh lên mức tối đa, ampli lúc bấy giờ đơn giản là chưa đủ lớn.
Và đó là lúc Jim Marshall đưa ra một giải pháp mang tính cách mạng: tăng gấp đôi số lượng đèn công suất, sử dụng hai bộ chỉnh lưu đèn cùng hai biến áp đầu ra của JTM45. Kết quả là JTM45/100 – tiền thân của dòng ampli Marshall 100W huyền thoại đã được ra đời. Lúc này, thiết kế hai thùng loa 4×12 xếp chồng cao gần 2m trở nên phổ biến. Ban đầu, Townshend muốn một thùng loa 8×12 khổng lồ, nhưng đội ngũ kỹ thuật đã khuyên nên chia nhỏ nó thành hai phần. Thùng loa 4x12 về sau đã trở thành sản phẩm chủ lực trong ngành công nghiệp âm nhạc.
Jim Marshall bên cạnh mẫu ampli JTM45/100.
Nguồn: MuzikQuest
Và nếu hỏi điều gì đã tạo nên thành công cho thương hiệu này, dĩ nhiên, điều đầu tiên không thể bỏ qua là chất lượng âm thanh. Loa Marshall được thiết kế để tái tạo âm thanh rock and roll cổ điển, với chất âm ấm áp và phong phú, nhấn mạnh vào dải tần trung. Các kỹ sư của Marshall kết hợp công nghệ hiện đại và cổ điển để tạo nên chất âm đặc trưng thông qua việc sử dụng các linh kiện cao cấp, bao gồm loa được thiết kế đặc biệt, thùng loa tùy chỉnh và mạch điện độc đáo.
Thứ hai là về độ bền, những chiếc loa Marshall được thiết kế để chịu được những điều kiện khắc nghiệt khi lưu diễn và sử dụng cường độ cao, và triết lý này vẫn được duy trì trong các thiết kế ngày nay. Thùng loa được làm từ gỗ chất lượng cao, không chỉ mang lại đặc tính âm học hoàn hảo mà còn có khả năng chống hao mòn tốt.
Nhưng nếu đã nhắc đến Marshall, sẽ là một thiếu sót rất lớn nếu bỏ qua khía cạnh thiết kế của thương hiệu này.
Đã nhắc đến Marshall, sẽ là một thiếu sót rất lớn nếu bỏ qua khía cạnh thiết kế của thương hiệu này.
Nguồn: Marshall
Thiết kế mang tính biểu tượng
Khi Marshall Amplification mới ra đời, không ai có thể ngờ rằng chỉ trong vài năm, diện mạo của những chiếc ampli này lại thay đổi nhanh chóng đến vậy. Ba năm đầu tiên là khoảng thời gian thử nghiệm và điều chỉnh liên tục – từ chất liệu, thiết kế, cho đến cả những chi tiết nhỏ như vị trí bảng tên.

Thiết kế sử dụng họa tiết “basketweave” (dệt giỏ) mang tính biểu tượng này trên các thùng loa Marshall.
Nguồn: Marshall
Một trong những đặc điểm thiết kế đáng chú ý nhất của loa Marshall là việc sử dụng họa tiết “basketweave” (dệt giỏ) trên thùng loa. Thiết kế mang tính biểu tượng này được lấy cảm hứng từ các bộ khuếch đại Marshall nguyên bản của những năm 1960 và đã trở thành dấu ấn đặc trưng của thương hiệu. Họa tiết basketweave không chỉ tạo nên vẻ ngoài ấn tượng mà còn giúp tăng độ bền và bảo vệ các linh kiện bên trong loa.
Khi nhu cầu về ampli Marshall ngày càng lớn, Jim Marshall quyết định mở rộng quy mô sản xuất. Ông thuê một cửa hàng lớn hơn tại số 97 Uxbridge Road – đối diện cửa hàng cũ để chuyên sản xuất thùng loa và bọc vinyl. Đây cũng là lúc thiết kế ampli Marshall có những thay đổi quan trọng.
Thùng ampli bắt đầu được làm dài hơn, loại bỏ lớp viền mặt trước dày hai lớp của mẫu ban đầu. Màu sắc vẫn giữ nguyên – vỏ đen, mặt trước kem – nhưng bố cục trở nên cân đối hơn: bảng tên kim loại và toàn bộ khung máy được đặt chính giữa. Không lâu sau đó, thiết kế hai tông màu này cũng bị loại bỏ, nhường chỗ cho lớp vỏ đen toàn bộ – phong cách đặc trưng của Marshall tồn tại đến tận ngày nay.
Tuy nhiên, hành trình định hình diện mạo của Marshall vẫn chưa dừng lại. Logo của hãng trải qua hai lần thay đổi nữa trước khi định hình thành mẫu “script” kinh điển vào năm 1965: đầu tiên là dòng chữ đỏ trên tấm perspex bạc lớn, sau đó là chữ đen trên nền vàng. Cùng thời điểm đó, bảng điều khiển ampli cũng thay đổi theo, từ nền perspex trắng chuyển sang perspex vàng – tạo nên biểu tượng “plexi panel” huyền thoại.
Đầu tư danh mục sản phẩm, mở rộng kinh doanh
Nhưng Marshall không chỉ dừng lại ở ampli. Đến năm 2010, hãng mở rộng sang thị trường tai nghe, mang chất âm đặc trưng của mình đến một thế hệ mới. Dòng tai nghe Marshall nhanh chóng gặt hái thành công, giúp thương hiệu này ngày càng phổ biến hơn trên toàn cầu.
Hơn nửa thế kỷ trôi qua, Marshall vẫn vững vàng trên đỉnh cao của ngành sản xuất các thiết bị âm thanh. Ngày nay, Marshall không chỉ là cái tên gắn liền với ampli và tủ loa. Danh mục sản phẩm của hãng đã mở rộng đáng kể, bao gồm tai nghe, tai nghe nhét tai (earbuds) và các thiết bị âm thanh hiện đại. Các ampli của thương hiệu là sự kết hợp giữa thiết kế hiện đại và phong cách cổ điển, vẫn giữ được chất âm đặc trưng “roar” của Marshall.
Ngày nay, Marshall không chỉ là cái tên gắn liền với ampli và tủ loa mà đã mở rộng danh mục sản phẩm đáng kể.
Nguồn: Marshall
Trong khi đó, chiến lược quảng bá của Marshall không chỉ tập trung vào sản phẩm ampli mà còn mở rộng tầm ảnh hưởng sang nhiều lĩnh vực khác, biến thương hiệu này trở thành một phần không thể thiếu trong thế giới âm nhạc. Năm 2017, Marshall gây bất ngờ khi bước chân vào ngành công nghiệp âm nhạc với sự ra mắt của Marshall Records – hãng thu âm riêng của mình. Với trụ sở đặt tại Tileyard Studios, London, Marshall Records hợp tác cùng Alternative Distribution Alliance, công ty con của Warner Music Group để hỗ trợ và phát triển các nghệ sĩ độc lập.
Không dừng lại ở lĩnh vực sản xuất, Marshall tiếp tục mở rộng sự hiện diện của mình trong lĩnh vực biểu diễn. Tháng 9/2018, hãng ký thỏa thuận đặt tên cho Arena MK, biến nơi đây thành một địa điểm biểu diễn âm nhạc hàng đầu. Sự kiện khai trương dự kiến là buổi diễn của Black Eyed Peas, đánh dấu một chương mới trong hành trình phát triển của thương hiệu.
The Dirty Youth – ban nhạc đầu tiên ký hợp đồng với Marshall Records.
Nguồn: Mad About Rock
Năm 2022, Marshall tổ chức chuỗi sự kiện “MARSHALL – 60 YEARS OF LOUD” trên phạm vi toàn cầu, lần đầu tiên diễn ra tại Việt Nam. Sự kiện này không chỉ tôn vinh hành trình 60 năm của thương hiệu mà còn giới thiệu các sản phẩm mới như loa di động Willen và Emberton II, nhằm tiếp cận thế hệ trẻ và khuyến khích họ “Never Stop Listening” – luôn lắng nghe và tận hưởng âm nhạc mọi lúc, mọi nơi.
Sự kiện “MARSHALL – 60 YEARS OF LOUD” tại Việt Nam năm 2022.
Nguồn: Sound Way
Theo báo cáo tài chính năm 2023, Marshall Group đã đạt doanh thu thuần kỷ lục, vượt mốc 4 tỷ SEK (khoảng 389 triệu USD), tăng 29% so với năm 2022. Tuy nhiên, doanh số từ dòng sản phẩm ampli guitar chỉ chiếm 5% tổng doanh thu, trong khi 70% đến từ loa và 25% từ tai nghe mang thương hiệu Marshall. Trong quý 3 năm 2024, Marshall Group tiếp tục đà tăng trưởng mạnh mẽ với doanh thu ròng tăng 15% so với cùng kỳ năm trước, đạt 1.118,4 triệu SEK (khoảng 105 triệu USD).
Từ một cửa hàng nhạc cụ nhỏ ở London đến biểu tượng âm thanh của nhạc rock, có lẽ, Marshall không chỉ tạo ra những chiếc ampli – họ đã tạo ra cả một cuộc cách mạng.
Xem thêm bài viết cùng chuyên mục tại đây.
Theo Phố Hương / Brands Vietnam
* Nguồn: Tổng hợp