Marketer Lâm Hồng Lan
Lâm Hồng Lan

Giảng viên chuyên ngành Truyền thông và Fashion Marketing @ RMIT University Vietnam

Fashion Marketing #50: Triển vọng ngành thời trang toàn cầu năm 2025 và 10 điểm gợi ý trong việc phát triển chiến lược

Fashion Marketing #50: Triển vọng ngành thời trang toàn cầu năm 2025 và 10 điểm gợi ý trong việc phát triển chiến lược

Với đà tăng trưởng chậm vẫn tiếp tục cho ngành hàng xa xỉ và việc thay đổi hành vi tiêu dùng, năm 2025 được dự báo có nhiều thách thức nhưng cũng không ít cơ hội cho ngành thời trang toàn cầu.

Nội dung bài viết được đăng lần đầu tại blog Lamhonglan.

Trong số này tôi lược dịch một số điểm chính trong báo cáo The State of Fashion 2025 đăng trên BoF tháng 1/2025 về triển vọng ngành thời trang thế giới năm 2025 và mười điểm gợi ý trong việc phát triển chiến lược của thương hiệu. Và như thường lệ là một số gợi ý cho thị trường Việt Nam.

Tương tự như năm trước, 2025 được dự đoán lại là một năm khó lường đối với ngành thời trang thế giới, với chỉ 20% chuyên gia trong cuộc khảo sát cho rằng tình hình sẽ khá hơn năm 2024, trong khi 39% bi quan hơn khi cho rằng tình hình sẽ còn tệ hơn và 41% còn lại dự đoán cục diện sẽ không thay đổi nhiều. Có ba lý do dẫn đến dự đoán này. Thứ nhất là triển vọng nền kinh tế tăng trưởng chậm trên toàn cầu khiến người tiêu dùng có phần thận trọng khi mua sắm. Thứ hai là tình hình chính trị bất ổn trên thế giới dẫn đến những biến động cho nền kinh tế toàn cầu. Và cuối cùng là tình hình lạm phát ngày càng trở nên khó kiểm soát trên diện rộng, khiến người tiêu dùng càng thắt chặt hầu bao hơn.

Từ những dự đoán trên, các chuyên gia cho rằng ngành thời trang năm 2025 sẽ tăng trưởng chậm chỉ với một con số. Các thương hiệu cũng sẽ phải điều chỉnh lại chiến lược của mình, xoay quanh việc giữ vững thị phần hiện có thay vì tăng trưởng mở rộng như một vài năm trước. Để giữ vững thị trường, việc tập trung gia tăng doanh số sẽ là trọng tâm thay vì chiến lược tăng giá bán.

Bài học năm 2024 về việc tăng giá bán khiến các thương hiệu mất đi phần lớn nhóm khách hàng trung lưu, nhóm khách rất nhạy cảm với giá cả, khi việc mua sắm hàng thời trang phải được tính toán kỹ lưỡng khi thu nhập không còn rủng rỉnh như trước. Trong bối cảnh không thuận lợi này, các chuyên gia cũng chỉ ra mười điểm các thương hiệu thời trang cần lưu ý trong việc phát triển chiến lược năm 2025.

Các chuyên gia thời trang thế giới không lạc quan về triển vọng phát triển của ngành trong năm 2025.

Các chuyên gia thời trang thế giới không lạc quan về triển vọng phát triển của ngành trong năm 2025.
Nguồn: BoF

1. Tái cấu trúc chiến lược sản xuất sản phẩm

Thương mại toàn cầu đang thay đổi do những yếu tố chính trị gần đây khiến các thương hiệu phải điều chỉnh việc sản phẩm toàn cầu phù hợp, với việc tìm kiếm các nhà cung cấp, nhà máy gần thay vì dựa vào những nơi xa giá rẻ ở Châu Á như trước. Trong khi AI và các trải nghiệm kỹ thuật số vẫn được coi trọng, các chuyên gia cho rằng việc ổn định giá bán là cần thiết và tránh đầu tư vào những mảng công nghệ và những dịch vụ không cần thiết.

2. Tìm kiếm thị trường mới tại Châu Á

Với nền kinh tế Trung Quốc vẫn chưa hồi phục, các thương hiệu sẽ phải tìm kiếm những thị trường mới tại Châu Á, trong đó Ấn Độ sẽ là thị trường tiềm năng tiếp theo cho những thương hiệu bình dân và Nhật Bản là thị trường màu mỡ cho những thương hiệu cao cấp.

Nhật Bản dự kiến sẽ là thị trường màu mỡ cho những thương hiệu cao cấp.

Nhật Bản dự kiến sẽ là thị trường màu mỡ cho những thương hiệu cao cấp.
Nguồn: Shutterstock

3. Cá nhân hóa tìm kiếm sản phẩm

Khi người tiêu dùng “bội thực” với quá nhiều sự lựa chọn dẫn đến việc không mặn mà tương tác và “chốt đơn”, thì nội dung tương tác và công cụ tìm kiếm được hỗ trợ bởi AI sẽ giúp họ tập trung vào những sản phẩm phù hợp được tuyển chọn cho riêng họ, từ đó giúp họ đưa ra quyết định dễ dàng hơn.

4. Khách hàng thế hệ “bạc”

Các thương hiệu thời trang thường tập trung vào nhóm khách hàng trẻ, nhưng năm 2025 là cơ hội cho nhóm khách hàng thế hệ “bạc” với tuổi đời trên 50. Nhóm này đang ngày càng tăng trong dân số các thị trường mới nổi và là một thị trường rất tiềm năng vì khả năng chi tiêu rủng rỉnh của họ sau khi đã tích lũy một thời gian trước, so với nhóm trẻ đang chật vật với tình hình khó khăn hiện tại.

Năm 2025 là cơ hội cho nhóm khách hàng thế hệ “bạc” với tuổi đời trên 50.

Năm 2025 là cơ hội cho nhóm khách hàng thế hệ “bạc” với tuổi đời trên 50.
Nguồn: Pexels

5. Tạo sự khác biệt

Tạo sự khác biệt là yếu tố sống còn trong năm 2025, từ việc thiết kế sản phẩm đến trải nghiệm mới cho khách hàng hoặc tìm những thị trường ngách phù hợp. Mô hình “địa phương hóa” sản phẩm cũng như kênh bán hàng và đa dạng hóa giá bán với những phân khúc sản phẩm khác nhau được đề cao, đặc biệt cho những thị trường mới nổi như Ấn Độ.

6. Trải nghiệm thực tế

Trải nghiệm thực tế tại cửa hàng sẽ là chìa khóa thành công trong việc các thương hiệu tương tác với khách hàng và người tiêu dùng tiềm năng. Thương hiệu cần chú trọng việc huấn luyện nhân viên bán hàng, giúp họ trở thành “đại sứ” không chính thức của thương hiệu, là sợi dây vô hình gắn kết thương hiệu mà những chatbot ảo không làm được.

Trải nghiệm thực tế tại cửa hàng sẽ là chìa khóa thành công trong việc các thương hiệu tương tác với khách hàng và người tiêu dùng tiềm năng.

Trải nghiệm thực tế tại cửa hàng sẽ là chìa khóa thành công trong việc các thương hiệu tương tác với khách hàng và người tiêu dùng tiềm năng.
Nguồn: DragonImages

7. Thương mại điện tử trên đà “nhiễu động”

Sau khi các sàn thương mại điện tử ngành hàng thời trang xa xỉ bị lao dốc trong thời gian gần đây, năm 2025 sẽ là một năm khó khăn với các sàn dành cho các thương hiệu bình dân. Thương hiệu cần một sự cải tổ toàn diện về vai trò của mình trong hệ thống phân phối ngành hàng thời trang để phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng thời hậu Covid-19, khi sàn thương mại điện tử lên ngôi và đóng vai tròn độc tôn trong việc phân phối sản phẩm.

8. Trận chiến phân khúc ngành hàng thể thao

Các thương hiệu thể thao mới nổi đã dành được lợi nhuận hơn 50% trong ngành hàng thể thao năm 2024, tăng từ 20% trong năm 2020. Điều này có nghĩa trận chiến giữa các thương hiệu mới và lâu đời trong ngành hàng thể thao càng trở nên khốc liệt hơn. Do vậy, để tăng thị phần, các thương hiệu sẽ cần phải tập trung vào việc phát triển sản phẩm độc lạ, lựa chọn người đại diện và kênh quảng bá phù hợp để có thể thu hút được người tiêu dùng qua câu chuyện thương hiệu của mình.

Trong năm 2025, trận chiến giữa các thương hiệu mới và lâu đời trong ngành hàng thể thao sẽ càng trở nên khốc liệt hơn.

Trong năm 2025, trận chiến giữa các thương hiệu mới và lâu đời trong ngành hàng thể thao sẽ càng trở nên khốc liệt hơn.
Nguồn: Getty Images

9. Chiến lược tồn kho đúng đắn

Với những bộ luật về thời trang bền vững được áp dụng từ năm 2025 trong việc xử lý hàng tồn kho và sức ép đạt lợi nhuận trong năm 2025, một năm được dự đoán là tiếp tục khó khăn, các thương hiệu phải rất cẩn trọng trong việc lên kế hoạch sản xuất cũng như cập nhật đơn hàng thường xuyên. Việc tận dụng công nghệ để dự đoán chính xác nguồn cung cầu trong chuỗi cung ứng sẽ là chiến lược chủ đạo.

10. Cùng chung sức vì một ngành thời trang bền vững

Ngành công nghiệp thời trang đã và đang gặp những trở ngại lớn trong việc chung tay giảm thiểu những thiệt hại đối với môi trường và thuyết phục người tiêu dùng mạnh tay ủng hộ cho các sản phẩm thời trang bền vững. Nhưng với việc biến đổi khí hậu đang ngày càng theo chiều hướng xấu, ngành công nghiệp thời trang cần nhận thấy trách nhiệm của mình và phải cùng nhau hợp lực để tạo ra những ảnh hưởng tích cực.

Ngành công nghiệp thời trang cần nhận thấy trách nhiệm và cùng nhau hợp lực để tạo ra những ảnh hưởng tích cực đến môi trường.

Ngành công nghiệp thời trang cần nhận thấy trách nhiệm và cùng nhau hợp lực để tạo ra những ảnh hưởng tích cực đến môi trường.
Nguồn: WWD

Cơ hội tại thị trường Việt Nam

Trong mười điểm nêu trên, tôi gợi ý ba điểm đang là thế mạnh của các thương hiệu vừa và nhỏ tại Việt Nam và có thể áp dụng được ngay.

Thứ nhất là điểm #4. Khách hàng thế hệ “bạc”. Nhóm khách hàng tiềm năng này ngày càng tăng do dân số ngày càng già đi tại Việt Nam. Theo công ty nghiên cứu thị trường Kantar WorldPanel (2019), dân số Việt Nam từ 50-64 tuổi sẽ tăng từ 14 triệu (năm 2018) lên 20 triệu (năm 2038). Ở độ tuổi này, họ đã tích lũy một số vốn nhất định và ưu tiên vấn đề sức khỏe thể chất và tinh thần. Do vậy các thương hiệu nhắm vào đối tượng này nên có những câu chuyện thương hiệu phù hợp.

Thứ hai là điểm #5. Tạo sự khác biệt. Như đã trao đổi trong những kỳ trước, thế mạnh của các thương hiệu Việt khi cạnh tranh với các thương hiệu thời trang nhanh quốc tế là sự khác biệt, là tính văn hóa bản địa, là dịch vụ khách hàng. Đây luôn là hướng đi đúng, đặc biệt cho năm 2025 nhiều thách thức, khi người tiêu dùng cần có đủ lý do để thuyết phục họ “xuống tiền” cho một sản phẩm ưng ý.

Cuối cùng là điểm #6. Trải nghiệm thực tế. Đây là một ý nối dài của số #5 khi một trải nghiệm khác biệt giúp họ gắn kết với thương hiệu nhiều hơn. Với lợi thế quy mô nhỏ, thương hiệu Việt sẽ có cách tiếp cận gần gũi hơn, giúp trải nghiệm của khách hàng thú vị hơn, từ đó họ sẽ không chỉ quay lại mà còn giới thiệu thêm khách hàng tiềm năng cho thương hiệu.

Nếu các bạn muốn trao đổi thêm về những cơ hội này, hãy email cho tôi: [email protected].

Xem thêm bài viết cùng chuyên mục tại đây.

* Nguồn: Blog Lamhonglan