Cốc Cốc: Người tiêu dùng ngành thời trang đang tìm kiếm gì?

Trên Cốc Cốc, có tới 15 triệu người dùng quan tâm tới ngành hàng thời trang. Vậy hành vi tìm kiếm của họ trên “sóng online” được thể hiện như thế nào?

Theo AZ Việt Nam 2022, thời trang chiếm 13,9% chi phí tiêu dùng của người Việt. Đây là một ngành công nghiệp phát triển nhanh chóng và đóng góp đáng kể vào nền kinh tế quốc gia. Những chủ đề xoay quanh thời trang luôn nhận được sự quan tâm đông đảo của người tiêu dùng.

Nhằm đưa ra những insight mới nhất về ngành thời trang, Cốc Cốc đã thực hiện nghiên cứu hành vi tìm kiếm của người dùng trên Công cụ tìm kiếm Cốc Cốc và trên website của 4 sàn thương mại điện tử: Shopee, Lazada, Tiki, Sendo thông qua Trình duyệt Cốc Cốc. Việc thấu hiểu hành vi người tiêu dùng sẽ là một cơ hội lớn giúp các nhà hoạch định đưa ra chiến lược phù hợp để bứt phá trong ngành hàng này.

Người dùng Cốc Cốc đang tìm kiếm điều gì?

Theo kết quả khảo sát trên Cốc Cốc, hiện có 15 triệu người dùng quan tâm đến ngành hàng thời trang. Đây là những người dùng có hành vi tìm kiếm hoặc nhấp chuột vào các chủ đề liên quan đến thời trang trên Trình duyệt Cốc Cốc. Phần lớn nằm ở nhóm tuổi khá trẻ từ 15-34 tuổi, chiếm gần 73%. Theo số liệu thống kê, người dùng thường tìm kiếm nhiều về thời trang vào cuối quý I và cuối quý IV. Trung bình 1 người dùng4 lượt tìm kiếm về thời trang mỗi tháng.

Với nữ giới:

  • Quần áo là sản phẩm được tìm kiếm nhiều nhất. Các món đồ cơ bản để hoàn thiện một “outfit” như quần, áo, váy, đầm… chiếm tới hơn 84% lượng tìm kiếm về các sản phẩm thời trang nữ.
  • Bên cạnh đó, giày, dép, sandal nữ – thành phần quan trọng góp mặt trong một bộ trang phục cũng nhận được sự quan tâm của người dùng, chiếm 12,2% tổng lượng tìm kiếm.
  • Các từ khóa về sản phẩm phụ kiện như túi xách, ví nữ… ít được quan tâm hơn với chỉ 3,4%.

Với nam giới:

  • Quần áo vẫn là món đồ thời trang thu hút sự quan tâm lớn nhất với hơn 50% tìm kiếm các nội dung về quần áo, đồ bộ…
  • Nam giới tỏ ra quan tâm khá đồng đều giữa các phụ kiện đi kèm như ví, thắt lưng… và giày dép, sandal… khi tỷ lệ tìm kiếm lần lượt là 27,6% và 18,7%

Theo tổng hợp dữ liệu tìm kiếm, áo thun, áo polo, quần jeans là Top 3 từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất về quần áo. Đồng hồ, túi xách, dép là các từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất về phụ kiện. Theo đó, người dùng Cốc Cốc cho thấy xu hướng “người Việt tin dùng hàng Việt” khá rõ nét khi Top 3 lượng tìm kiếm là về thương hiệu Việt. Trong Top 30, các thương hiệu về quần áo và giày dép được “ưa chuộng” hơn so với các thương hiệu về phụ kiện.

Người tiêu dùng tìm kiếm gì trên sàn thương mại điện tử?

Theo số liệu ghi nhận trên Top 10.000 từ khóa trên 4 sàn TMĐT bao gồm Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, hạng mục thời trang nữ “áp đảo” thời trang nam. Cụ thể:

  • Lượng tìm kiếm về quần áo nữ cao gấp 3,6 lần quần áo nam
  • Lượng tìm kiếm về giày dép nữ cao gấp 1,8 lần giày dép nam
  • Tổng các từ khóa mặt hàng phụ kiện bao gồm phụ kiện thời trang, túi ví, đồng hồ chiếm 23,7% lượng tìm kiếm toàn ngành.

Tính trên cả 4 sàn, quần áo nữ được kiếm nhiều nhất, đồng hồ được tìm kiếm ít nhất. Tuy vậy, dữ liệu ghi nhận lại chỉ ra những điểm chung và điểm khác biệt giữa các sàn. Cụ thể:

  • Trên Shopee, người dùng ít tìm kiếm về quần áo nam hơn so với các sàn khác khi mà tỷ lệ tìm kiếm về mặt hàng này trên 3 sàn còn lại cao gấp 1,6-2,6 lần tỷ lệ này trên Shopee
  • Phụ kiện thời trang phổ biến trên Shopee, Lazada, Tiki hơn trên Sendo
  • Thời trang trẻ em được ưa chuộng trên Shopee hơn khi mà xếp hạng 3 về lượng tìm kiếm trên Shopee và chỉ xếp hạng 6 trên 3 sàn còn lại.

Xem và tải báo cáo đầy đủ tại đây.