Marketer Nguyễn Tô Thanh An
Nguyễn Tô Thanh An

Senior Content Executive @ Brands Vietnam

Production House #3: Vai trò của agency và production house trong quá trình sản xuất

Ở tập 3, hãy cùng tìm hiểu về quy trình sản xuất phim quảng cáo dưới góc nhìn của agency lẫn production house, với hai đại diện là anh Đạt Nguyễn và chị Trang Bùi — hai chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực production.

Production House là chuỗi bài viết được thực hiện bởi ME Group x YAM hợp tác với Brands Vietnam, nhằm giúp các bạn trẻ có cái nhìn toàn diện hơn về công việc tại production house, thông qua những chia sẻ thú vị của các chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm thực chiến trong ngành.

Ở tập thứ ba của series này, hãy tiếp tục cùng host Vân Anh thảo luận với hai vị khách mời dày dặn kinh nghiệm là anh Đạt Nguyễn – Creative Director @ Vero Vietnam và chị Trang Bùi – Executive Producer @ 18 Studios.

Nguồn: ME Group x YAM

* Đầu tiên, anh Đạt và chị Trang có thể “flex” một xíu về một dự án tâm đắc nhất không?

Đạt Nguyễn: Trong gần một thập kỷ làm nghề, dự án đáng nhớ mà anh đã thực hiện cũng là dự án đầu tiên có liên quan đến lĩnh vực production. Đó cũng là dự án đánh dấu cột mốc của anh khi từ một Graphic Designer chuyển sang Creative. Anh ấn tượng với dự án này rất nhiều, đến mức năm nào anh cũng sẽ đăng lại TVC này trên trang cá nhân.

Đó là dự án CSR của một thương hiệu kem đánh răng. Với dự án này, anh cùng với các thành viên trong đoàn phim đến Cà Mau để ghi hình. Lý do khiến anh nhớ mãi dự án này là vì nhờ đó mà anh nhận ra được những triết lý khi làm nghề production: Dù sản xuất nội dung nào, điều quan trọng là phải tạo ra giá trị. Đối với dự án đó là giúp những bạn trẻ có thể nhận được học bổng để hướng đến một tương lai tươi sáng hơn. Kể từ đó, anh luôn nhắc nhở bản thân rằng phải truyền tải được một giá trị nhất định trong những thước phim đã thực hiện.

Anh Đạt Nguyễn – Creative Director @ Vero Vietnam và chị Trang Bùi – Executive Producer @ 18 Studios.
Nguồn: ME Group x YAM

Trang Bùi: Với chị, dự án để lại nhiều dấu ấn là khi thực hiện cho một thương hiệu mì ăn liền. Khi đó, phía nhãn hàng đã yêu cầu sản xuất ba TVC với thời lượng 15 giây. Điều khó khăn là vào thời điểm đó thì cả nước đang bị phong tỏa do COVID-19, vậy nên mọi hoạt động trong giai đoạn pre-production gặp rất nhiều khó khăn. Đến bây giờ nhớ lại, chị vẫn không tin được rằng mọi người có thể hoàn thành công việc trong giai đoạn đó.

May mắn thay, phía thương hiệu cũng thông cảm và hiểu rằng khi ấy mọi người đã cố gắng tận dụng hết mọi thứ trong khả năng. Các diễn viên cũng đã chủ động chuẩn bị để mọi thứ có thể diễn ra một cách thuận lợi, bao gồm công đoạn chuẩn bị, thậm chí là họ tự ghi hình để hoàn thành cảnh quay. Do vậy, đó là một kỷ niệm mà chị không thể nào quên được trong suốt nhiều năm làm nghề.

* Tiếp theo, anh Đạt và chị Trang có thể chia sẻ về quy trình sản xuất phim quảng cáo được không?

Dù sản xuất nội dung nào, điều quan trọng là phải tạo ra giá trị.

Đạt Nguyễn: Quy trình sản xuất thường bắt đầu từ phía agency trước, sau đó mới đến production house. Đầu tiên, agency sẽ nhận được client brief, tức là những “đề bài” từ phía thương hiệu. Sau đó, đội ngũ nhân sự của agency sẽ nghiên cứu và brainstorm với nhau để tìm ra ý tưởng. Khi đã có được ý tưởng, đội ngũ agency tiếp tục phát triển thành kịch bản và gửi cho khách hàng duyệt.

Sau khi phía client và agency đã thống nhất với nhau về mọi thứ, phía agency sẽ bắt đầu tìm kiếm và lựa chọn production house phù hợp để tiến hành dự án.

Trang Bùi: Khi production house nhận được brief từ phía agency, bước đầu tiên cần làm là scout – tức là tìm kiếm, chọn lọc khoảng 3 đến 4 đạo diễn có phong cách làm phim phù hợp với kịch bản để agency lựa chọn. Đối với những kịch bản phức tạp hơn thì agency sẽ muốn biết về director treatment – tức là giải pháp xử lý cảnh quay của đạo diễn. Cụ thể hơn, đạo diễn sẽ giới thiệu và mô tả về phong cách kể chuyện mà họ dùng cho bộ phim, cũng như tạo hình nhân vật, phong cách quay phim, nhịp phim, mood and tone (cảm xúc và phong cách của bộ phim).

Với những kịch bản phức tạp, agency sẽ muốn biết về director treatment – tức là giải pháp xử lý cảnh quay của đạo diễn.
Nguồn: ME Group x YAM

Sau đó sẽ đến giai đoạn pre-production, đội ngũ production house sẽ chuẩn bị những thứ cần thiết cho quá trình ghi hình, chẳng hạn như tìm kiếm địa điểm, tuyển chọn diễn viên… Cũng trong giai đoạn này, đạo diễn sẽ thực hiện shooting boards (kịch bản phân cảnh chi tiết). Tiếp đến là những buổi PPM (Pre-production meeting) giữa agency, production house và client để thống nhất mọi thứ trước ngày quay.

Khi quay xong thì sẽ đến giai đoạn post-production, gồm giai đoạn offline, color grading và online. Trong giai đoạn offline, đạo diễn sẽ chỉnh sửa để tạo ra mạch phim dựa trên các footage (các cảnh quay – chất liệu dựng phim) đã quay. Khi giai đoạn offline được agency và client duyệt thì đến giai đoạn color grading (hiệu chỉnh màu sắc) và online (hoàn thiện phim về mặt kỹ xảo và hiệu ứng). Giai đoạn cuối cùng là bàn giao thành phẩm để phát hành nội dung trên các nền tảng.

* Chị Trang có thể cho biết sau khi production house nhận được brief từ phía agency, những bên nào có thể tham gia đóng góp hoặc chỉnh sửa brief?

Trang Bùi: Ở phía production house, người có vai trò nhiều nhất trong việc phát triển và đóng góp vào brief là đạo diễn. Thông thường, đạo diễn sẽ không yêu cầu thay đổi cấu trúc kịch bản của agency đề xuất mà đã được client phê duyệt, mà chỉ đóng góp ý kiến về cách thức quay phim, chẳng hạn như bối cảnh, nhịp phim, nhạc phim… Nói một cách ngắn gọn, đạo diễn sẽ đóng góp ý kiến để câu chuyện được kể một cách sinh động, thú vị, đồng thời truyền tải thông điệp và cảm xúc tốt hơn.

Ở phía production house, người có vai trò nhiều nhất trong việc phát triển và đóng góp vào brief là đạo diễn.
Nguồn: ME Group x YAM

* Anh chị có thể cho biết agency sẽ tham gia vào giai đoạn nào trong ba giai đoạn pre-production (tiền kỳ), shoot (đi quay) và post-production (hậu kỳ) không?

Đạt Nguyễn: Trên thực tế thì agency tham gia vào cả ba giai đoạn trên, bởi vì agency là đơn vị đứng giữa client và production house trong quá trình sản xuất nội dung. Agency sẽ tham gia nhiều nhất vào lúc xử lý client brief, cụ thể là tìm ý tưởng, cũng như chuẩn bị cấu trúc kịch bản, sau đó thì tìm đến production house và đạo diễn.

Ngoài ra, agency cũng theo sát production house trong giai đoạn pre-production (tiền kỳ), shoot (đi quay) và post-production (hậu kỳ), nhằm đảm bảo chất lượng đầu ra của sản phẩm.

Trang Bùi: Có thể nói rằng production house là đơn vị thực thi, còn agency có vai trò giám sát, nhằm đảm bảo ý tưởng của họ được thực hiện một cách “đúng và đẹp” như yêu cầu của client. Do vậy, mấu chốt vẫn nằm ở việc các bên có sự tôn trọng lẫn nhau, cùng nhau thảo luận để tìm ra giải pháp khi có vấn đề phát sinh.

* Theo hai anh chị, trong ngày ghi hình, đâu là những yếu tố quan trọng cần lưu ý?

Đạt Nguyễn: Như chị Trang đã nói, khi làm việc tại agency mà đảm nhận một dự án có liên quan đến production thì Agency Producer hay Account sẽ có vai trò kết nối để truyền tải thông tin giữa agency và production house. Ngoài ra, trong agency sẽ có đội ngũ Creative được quản lý bởi Creative Director (CD). Các thành viên khác trong team Creative còn có Associate Creative Director (ACD), Art Director, Designer và Copywriter. Những người này đều tham gia vào quá trình phát triển ý tưởng để xây dựng kịch bản, cũng như thiết lập thông điệp và câu chuyện.

Agency là đơn vị đứng giữa client và production house trong quá trình sản xuất nội dung.
Nguồn: ME Group x YAM

Vậy thì với một đội ngũ đông đúc như thế, làm thế nào để ngày ghi hình công việc diễn ra một cách suôn sẻ và nhanh chóng? Để làm được điều đó thì cần có một quy trình làm việc rõ ràng.

Ví dụ, có một quy tắc mà anh luôn nhắc nhở các bạn trong team, đó là không bao giờ đưa ra phản hồi trực tiếp với đạo diễn, hoặc những người trong đoàn quay. Thứ nhất, điều đó thể hiện thái độ tôn trọng đối với chuyên môn của họ. Thứ hai là phải đảm bảo công việc của rất nhiều cá nhân tại buổi ghi hình diễn ra thuận lợi và nhịp nhàng.

Production house là đơn vị thực thi, còn agency có vai trò giám sát.

Hãy thử hình dung rằng nếu ai cũng chạy lại góp ý với đạo diễn thế này thế kia thì buổi ghi hình sẽ bị rối và bị đình trệ. Do đó, các bạn làm việc tại agency phải hiểu được vai trò của từng người và thực hiện đúng theo nhiệm vụ của bản thân khi ở trường quay.

Trang Bùi: Về phía production house, người làm việc trực tiếp với agency là Production Producer. Trong ngày ghi hình, họ có vai trò thu thập thông tin phản hồi từ phía Creative Director và thảo luận với đạo diễn để tìm ra giải pháp. Có thể nói rằng trong ngày ghi hình thì Producer và đạo diễn là hai người có quyền lực nhất, vậy nên mọi thứ đều phải thông qua họ. Ví dụ, dù cương vị của chị là Executive Producer, song đến ngày quay thì nhiệm vụ chính của chị là giám sát chung các hoạt động tại trường quay, chứ không trực tiếp đưa ra ý kiến hoặc phản hồi đối với đạo diễn, cũng như các thành viên khác trong đoàn quay.

Trong ngày ghi hình, Producer và đạo diễn là hai người có quyền lực nhất, vậy nên mọi thứ đều phải thông qua họ.
Nguồn: ME Group x YAM

* Trong buổi ghi hình sẽ có nhiều vấn đề bất ngờ phát sinh, như vậy thì có bao giờ đội ngũ production house phải chấp nhận compromise (thỏa hiệp) để công việc diễn ra suôn sẻ không?

Trang Bùi: Những thay đổi bất chợt trong ngày quay là điều thường xuyên xảy ra, vậy nên đội ngũ production house luôn trong tâm thế sẵn sàng giải quyết vấn đề. Trên thực tế, nếu ghi hình tại studio thì việc kiểm soát mọi thứ sẽ dễ dàng hơn. Tuy nhiên, nếu quay ngoại cảnh ở một nơi xa xôi hoặc không có nhiều điều kiện thì việc thỏa hiệp là điều bắt buộc. Mức độ thỏa hiệp còn phụ thuộc vào việc sự thống nhất giữa đạo diễn và Creative Director phía agency và phía client.

Đạt Nguyễn: Theo anh, tại ngày quay sẽ luôn có những biến số. Việc thỏa hiệp là điều bắt buộc nếu như những biến số đó không ảnh hưởng quá nhiều đến ý tưởng, câu chuyện hoặc sản phẩm cuối cùng được tạo ra. Bởi vì có quá nhiều yếu tố tác động đến quá trình ghi hình, chẳng hạn như thời gian, ngân sách, diễn viên… nên việc thỏa hiệp là cần thiết nếu không tác động quá nhiều đến thành quả cuối cùng.

Việc thỏa hiệp trong ngày quay là cần thiết nếu không tác động quá nhiều đến thành quả cuối cùng.
Nguồn: ME Group x YAM

* Chị Trang có thể giải thích về sự khác nhau giữa hai vị trí công việc Producer và Production Manager trong production house được không?

Trang Bùi: Production Manager có vai trò quản lý chi phí vận hành cho dự án, nhằm đảm bảo không vượt quá mức ngân sách đưa ra của CEO và Executive Producer. Trong khi đó, Producer chủ yếu làm việc trực tiếp với agency, sau đó truyền đạt thông tin đến đạo diễn và các thành viên trong đoàn phim.

Nhìn chung, Producer có vai trò đối ngoại, nhận phản hồi từ phía client và agency, sau đó truyền đạt lại cho Production Manager. Do vậy, đôi khi cả hai vị trí sẽ dễ xảy ra tranh luận, bởi vì khách hàng thường có yêu cầu cao nên muốn bổ sung nhiều thứ, trong khi Production Manager lại phải đảm bảo chi phí không vượt mức ngân sách đề ra. Vì thế, điều quan trọng là cả hai bên phải hiểu được cái khó của mỗi bên, từ đó cùng nhau tìm ra giải pháp để đảm bảo chất lượng của dự án mà không vượt quá ngân sách.

* Xin cảm ơn những chia sẻ hữu ích của anh Đạt và chị Trang!

Xem thêm bài viết cùng chuyên mục tại đây.

Thanh An / Brands Vietnam
* Nguồn: Brands Vietnam