Marketer Phố Hương
Phố Hương

Content Executive @ Brands Vietnam

6 điều không đòi hỏi tài năng

“Chuyên môn có thể học, nhưng sự chuyên nghiệp là một sự lựa chọn”.

Một ngày đầu năm mới, sếp chia sẻ với tôi 6 điều bên dưới và nói vui đây là “bí quyết” để cảm thấy “healing in the office”. Tôi đã gói ghém những chia sẻ của sếp thành 6 “hộp quà” bài học, nhưng bóc một mình thì thật kém vui, tôi muốn mời bạn – độc giả của Brands Vietnam cùng tôi mở 6 hộp quà này, từng hộp từng hộp một.

Đừng xem đây là “sếp”, hãy xem đây là những lời thật lòng của một người “anh lớn” giấu tên.

Being on time – Hãy đúng giờ

Bên cạnh việc có thời gian để chuẩn bị mọi thứ thật chỉn chu, từ diện mạo đến nội dung mình sắp trao đổi, đúng giờ có một ý nghĩa khác quan trọng hơn. Đó là thể hiện sự tôn trọng với người mình sắp gặp, nó như một dấu hiệu để người đó biết rằng mình thích gặp họ.

Đi làm rồi anh mới nhận ra, với một số người, đúng giờ là quy tắc tiên quyết, nghĩa là họ luôn cực kì tôn trọng chuyện này. Với những người như vậy, việc mình đến trễ dù chỉ 5 phút cũng dễ khiến cho họ cảm thấy mình đang phí phạm thời gian của họ.

Với một số người khác, việc đến trễ với họ lại là chuyện… bình thường, họ không xin lỗi và cũng không cảm thấy áy náy. Ngoài chuyện bị mất hình ảnh, hành động này còn thể hiện sự không chuyên nghiệp, thậm chí ảnh hưởng đến sự tôn trọng của người khác dành cho mình. Lúc đó, chuyện chuyên môn trình độ có thể cứu vãn được hay không có lẽ cũng… còn tùy.

Với một số người, đúng giờ là quy tắc tiên quyết.
Nguồn: Pexels

Anh nghĩ chúng ta phải thừa nhận với nhau rằng, đến trễ vốn là chuyện có thể dự báo được từ lúc bắt đầu khởi hành. Chẳng hạn, đi từ quận 7 đến quận 9 mình biết sẽ mất 30 phút, nhưng hôm nay mình chỉ khởi hành trước 10 phút thì đó là thiếu hoạch định về mặt thời gian, và rõ ràng, mình biết trước chuyện đó.

Vì vậy, sự chuyên nghiệp nằm ở chỗ nếu mình đã biết sẽ không thể đến đúng giờ, ngoài câu xin lỗi, mình nên nhắn tin cho người sắp gặp. Thế nhưng dĩ nhiên, vẫn sẽ rất khó chấp nhận nếu chuyện đó diễn ra nhiều lần.

Having a positive attitude – Giữ thái độ tích cực

Anh nghĩ rằng trong công việc, không thể nào tránh được những lúc viết một bài viết và bị chê tơi tả, gửi proposal không được duyệt, phòng ban bên cạnh không tiếp nhận yêu cầu, rớt số sales, hay thậm chí là người đồng nghiệp đang thân thiết bỗng nhiên trở nên xa cách. Trong quá trình đi làm, không phải mọi thứ sẽ luôn “thuận buồm xuôi gió”, có đôi lúc, mình phải đối diện với những phản hồi, quyết định, quá trình giao tiếp không như mong muốn.

Có lẽ, điểm khác biệt lớn nhất giữa một người có thái độ tích cực và một người thường tiêu cực hóa mọi thứ, đó là trong cùng một tình huống, mình nhìn thấy vấn đề, hay nhìn thấy giải pháp. “Mình xui quá”, “nhỏ đó đáng ghét ghê”, “chắc đồng nghiệp chơi xấu mình”... Nếu là người tích cực, họ sẽ không nghĩ như vậy, vì điều họ quan tâm sẽ là kết quả cuối cùng họ muốn cho công việc này là gì. Họ sẽ đặt ra câu hỏi “tại sao” thay vì những câu hỏi trách mình hay trách người.

Điểm khác biệt lớn nhất giữa một người tích cực và một người tiêu cực, đó là trong cùng một tình huống, mình nhìn thấy vấn đề hay nhìn thấy giải pháp.
Nguồn: Unsplash

“Tại sao khách hàng chưa thích, có phải là họ chưa hiểu ý tưởng của mình hay không, có điều nào mình có thể tiếp tục bảo vệ, điều nào cần sửa lại để đúng ý khách”. Người tích cực sẽ cố gắng tìm ra nút thắt, và gỡ nó. Dĩ nhiên, không thể phủ nhận sẽ có những cảm xúc tiêu cực nhen nhóm khi phải nghe những lời nhận xét không như mong muốn. Nhưng đôi khi, có một thái độ tích cực là biết lượt bỏ sự tiêu cực trong ngôn ngữ để đi tìm câu trả lời cho câu hỏi: “Vậy rốt cuộc, anh chị đang muốn điều gì?”. Vì dù thế nào đi chăng nữa, phải xong được nhiệm vụ này trước đã.

Khi ngừng trách móc và không để cảm xúc lấn át, đó có thể là lúc mình hiểu được nguyên nhân tại sao. Câu hỏi “Điều gì đã xảy ra?” rất… kì diệu, thay vì tự phán đoán, băn khoăn rồi im lặng, nghĩ tiêu cực “hẳn là do tôi có lỗi gì đó”. Hãy nói chuyện với nhau. Sau cuộc trò chuyện, có thể mình không thể tiếp tục mối quan hệ thân thiết với người đồng nghiệp kia. Nhưng trò chuyện thẳng thắn vẫn là một giải pháp tốt để ít nhất sẽ không có sự tiêu cực nào ở đây, vì mọi chuyện đã được giải quyết rõ ràng.

Hay một trường hợp khác là vào buổi họp, số sales bị rớt và mọi người bắt đầu tấn công lẫn nhau, đổ lỗi cho nhau, truy cứu việc rớt sales này là lỗi ở team nào. Dĩ nhiên, việc đào sâu vẫn quan trọng, nhưng đào sâu không phải là để “soi” vấn đề, đào sâu là để biết vấn đề đang nằm ở đâu, giải pháp là gì và ai là người nên đứng ra giải quyết.

Có thể đôi khi mình cũng mất kiểm soát, hành xử cảm tính, bị tấn công và cũng tấn công ngược lại. Anh nghĩ rằng với những chuyện như vậy, ai cũng sẽ gặp qua một vài lần, điều quan trọng là sau đó, mình học được bài học gì. Khi đến một độ tuổi khác và nhớ lại những chuyện ngày xưa từng trải qua, có thể mình sẽ nhận ra, những vấn đề tưởng “to” đó thật ra lại rất “nhỏ”.

Keeping your word – “Nói được làm được”

Mọi người thường nghĩ nói được làm được có nghĩa là giữ đúng lời mình đã hứa, nhưng với anh, “keeping your word” trước nhất phải là sự tự kỷ luật với bản thân.

Điều này có nghĩa là khi đã hoạch định ra điều gì cho bản thân mình thì nên làm chuyện đó. Nếu hôm nay đã hứa với bản thân sẽ tập chạy bộ, dù công việc có bận cũng phải giữ lời hứa đó với chính mình.

Thứ hai là khi mình hứa với người khác điều gì, mình cũng phải giữ lời với họ. Nó có thể chỉ ở những việc rất nhỏ như tôn trọng deadline với khách hàng, cho đến những việc lớn hơn như nếu đã hứa khởi nghiệp cùng ai đó thì có nghĩa là mình phải cam kết dành thời gian cho ý tưởng khởi nghiệp đó.

“Keeping your word” không chỉ là giữ lời hứa với người khác, mà còn là tự kỷ luật và thành thật với bản thân.
Nguồn: Designkuy

Và cuối cùng, với anh “keeping your word” không phải chỉ là giữ lời hứa, mà còn là sự thành thật: thành thật về những điều mình cảm thấy, điều mình trân trọng hay điều mình muốn trở thành. Thành thật với những gì mình nói ra để không mắc “bệnh” lời này dành cho người này, nhưng với người khác lại nói một nội dung khác, với một thông điệp khác. Khi luôn giữ đúng quan điểm của mình trong tất cả mọi việc, mình sẽ có cuộc sống nhẹ nhàng hơn và cũng… đơn giản hơn.

Being loving, Being grateful – Rèn luyện lòng biết ơn

Khi ai đó thật lòng đối tốt với mình, hãy trân trọng họ. Trong cuộc sống, người luôn hết lòng vì mình không nhiều. Bản thân anh mỗi lúc nhận được điều tốt từ một ai đó, anh luôn nghĩ đến chuyện làm sao để mình có thể đáp lại họ, nhất là với những người đã đưa bàn tay ra để mình nắm lấy trong lúc mình cần nhất.

Khi ai đó thật lòng đối tốt với mình, hãy trân trọng họ.
Nguồn: Julie Ayers

Đền đáp có thể không phải là một giá trị vật chất nào đó cụ thể, mà là mình dành cho họ thời gian của mình, cả khi họ “up” hay họ “down”, khi họ thành công hay không thành công.

Và đền đáp cũng có thể là “pay it forward”, nghĩa là mình đối xử tốt với người khác giống như cách mình đã từng nhận được. Chẳng hạn như ngày trước, anh chia sẻ vấn đề anh đang gặp phải với sếp của mình. Sau này, lại có một đàn em khác hỏi anh điều tương tự. Khoảnh khắc đó là khoảnh khắc anh nhận ra “bây giờ mình đã có thể trở thành mentor của một người khác rồi hay sao”.

Khi đó, có lẽ điều tốt đẹp mình có thể làm không phải là đền đáp người mentor cũ, mà là mình nên làm một người mentor tốt cho những mentee khác. Anh nghĩ với một người đi làm, đó đều là những cách để thể hiện tình yêu và lòng biết ơn.

Having a desire to learn – Luôn khát khao học hỏi

Não mình giống như một cái máy, nếu không dùng sẽ bị rỉ sét, trì trệ. Nếu chỉ chạy mãi một đoạn đường, đọc mãi một chủ đề, mãi làm những điều đã quen mà không “nâng cấp”, dần dần mình sẽ thấy chán. Sự tò mò, sự học hỏi là một cách để kích thích trí não mình luôn hoạt động, luôn được làm mới và phát triển. Một hồ nước nếu chỉ đứng yên mà hoàn toàn không có dòng nước chảy vào chảy ra, hồ đó sẽ không bao giờ là một hồ sạch.

Tuy nhiên, khi học cái mới, có thể mình sẽ dễ bị bội thực, do vậy anh nghĩ cách học tốt nhất là biến những gì mình học thành những gì mình làm, làm xong thì chia sẻ, cũng tức là làm trống rỗng đầu của mình, rồi lại tiếp tục “nạp” thêm những điều mới.

“Desire to learn” cũng không nhất thiết như mọi người thường nghĩ là phải đi học một cái gì đó, phải vô bàn ngồi học. Thật ra đó có thể là khi bạn luôn tìm cách làm mới những gì mình làm mỗi ngày bằng các đọc, quan sát, nhận định, thử nghiệm, đánh giá, sẵn sàng nghe nhiều hơn, chú ý nhiều hơn, và tìm một cách làm mới hơn. Học từ nhiều cách, từ nhiều người, từ nhiều nguồn và luôn giữ cho mình sự tò mò: Làm sao để có thể làm tốt hơn những điều mình đã làm tốt?

“Desire to learn” đơn giản là mình phải chọn lọc những thứ mình học hỏi, mình “nạp” vào trong người mỗi ngày, tìm điều mới mẻ thay vì mãi làm mọi thứ theo thói quen, theo quán tính.
Nguồn: Unsplash

Chẳng hạn như sự sáng tạo, ai cũng nói người sáng tạo là người luôn luôn có những ý tưởng mới. Nhưng theo anh, những người sáng tạo là những người thường xuyên quan sát, đánh giá, nhận định. Và rồi khi có yêu cầu sáng tạo đưa đến với họ, một cách tự nhiên, họ lấy ra những gì đã có trong đầu, những gì được đúc kết sau quá trình đó.

Anh nghĩ người trẻ có thời gian cho việc học, nhưng anh “nghi ngờ” về chuyện chúng ta đang dành thời nhiều thời gian để học hay… tiêu thụ. Giống như khi ăn một món ăn, nếu bạn ngửi, nếm, nhai chậm, tận hưởng, sau đó mới cho thức ăn vào miệng, rồi lại suy nghĩ sao người ta có thể làm được mùi vị này, cảm thấy trân trọng và biết ơn, đó là lúc bạn đang thưởng thức món ăn. Ngược lại, bạn sẽ không có những quan sát đó nếu như chỉ “tiêu thụ”.

“Ăn” cái gì vào bụng cũng giống như “nạp” cái gì vào đầu. Khi mình lướt Facebook, TikTok, mình đang khám phá hay chỉ đang lướt một cách vô hồn? Đôi lúc, chúng ta chỉ xem và bấm like trong vô thức nên cũng quên đi nội dung mình vừa xem rất nhanh. Với những nội dung vô nghĩa, hời hợt, không có giá trị, mình phải cẩn thận.

Hãy tự đặt câu hỏi với những nội dung mình đang tiêu thụ – những thứ mình “ăn” vào mỗi ngày có tốt hay không. Liệu mình có nên thay đổi kênh đang xem, thay đổi thời lượng xem để tiếp cận những nội dung sâu hơn, những “món ăn” chất lượng hơn. Khi bắt đầu ý thức hơn về những thứ đang “nạp” vào cơ thể, mình sẽ tiêu thụ ít đi và bắt đầu “thưởng thức”, học hỏi nhiều hơn.

Đầu óc của chúng ta cũng sẽ tốt hơn và dễ chịu khi chúng ta “thẩm thấu” nội dung một cách có ý thức, có chọn lọc. “Desire to learn” đơn giản là mình phải chọn lọc những thứ mình học hỏi, mình “nạp” vào trong người mỗi ngày, tìm điều mới mẻ thay vì mãi làm mọi thứ theo thói quen, theo quán tính.

Taking the first step – Bước đầu cho hành trình vạn dặm

Luôn luôn phải bước bước đầu tiên. Tuy nhiên, cần nhớ rằng, “think big” nhưng “act small”. Chẳng hạn, mình muốn tiết kiệm được 100 triệu trong năm nay vậy thì “first step” có thể là ở khoảnh khắc mình nhét vào ống heo số tiền đầu tiên, dù đó chỉ là 100 ngàn đồng.

Điều quan trọng là phải xác định được bước đầu tiên là gì, và dù đó có thể chỉ là một bước chân rất nhỏ, nhưng nếu nó đang đi đúng hướng, nó đưa mình đến được mục tiêu mình đã đặt ra, thì hãy mạnh dạn bước.

Nếu nghĩ rằng phải chạy bộ để có cơ thể đẹp hơn, hãy đi thẳng ra cửa hàng mua đôi giày đầu tiên và bắt đầu chạy chứ đừng chỉ nghĩ về nó, phải chia mục tiêu xuống thành những bước nhỏ, đến bước nhỏ nhất có thể hành động được thì hành động ngay. Ý nghĩa thật sự của bước đầu tiên là tạo động lực để mình bắt đầu.

Nhưng dĩ nhiên, nếu muốn đạt được mục tiêu thì cần phải kết hợp thêm nhiều yếu tố nữa, chẳng hạn như phải xác định được muốn có 100 triệu để làm gì, ví dụ như em muốn tặng ba mẹ thì đó chính là động lực. Khi đã có động lực, em sẽ can đảm bước bước đầu tiên, nhưng để đi đến cuối, em còn cần sự kỷ luật.

Hãy đặt ra những mục tiêu tham vọng, nhưng hành động thì phải thực tế. Có hành động xong thì phải thấy được động lực và kỷ luật đồng thời. Động lực là thứ khiến mình bắt đầu, còn kỷ luật là thứ sẽ khiến mình đến đích.

Điều quan trọng là phải xác định được bước đầu tiên là gì, và dù đó có thể chỉ là một bước chân rất nhỏ, nhưng nếu nó đang đi đúng hướng thì hãy mạnh dạn bước.
Nguồn: Unsplash

Kết

Sau rất nhiều thời gian đi làm, anh cũng nhận ra là 6 yếu tố này đúng là không cần có tài năng đặc biệt, chỉ cần quyết tâm và tinh thần kỷ luật. Nhưng cũng có những người mãi mãi không làm được những điều này dù họ “có tài” hay “hay tuổi”.

Hay nói cách khác, những điều này có lẽ ai cũng biết, nhưng có lựa chọn làm và tôn trọng những điều này hay không, có muốn biết chúng thành một thói quen, một tính cách hay không thì câu trả lời là có người có, có người không.

Và có lẽ, đây cũng là những điều tối thiểu mà một người có tác phong chuyên nghiệp có thể làm được. Chuyên môn có thể học, nhưng sự chuyên nghiệp là một sự lựa chọn.

Phố Hương / Brands Vietnam
* Nguồn: Brands Vietnam