Mẫu thiết kế logo của bạn đáng giá bao nhiêu?

Thực tế là mẫu thiết kế logo giá cao hay thấp không ảnh hưởng nhiều đến tính thẩm mỹ mà đội ngũ thương hiệu kỳ vọng.

Thiết kế logo là một phần không thể thiếu trong nhận diện thương hiệu, đó là hình ảnh đầu tiên xuất hiện trong tầm mắt, trí nhớ và nhận thức của mỗi người tiêu dùng khi đề cập đến thương hiệu tương ứng. Lẽ tất yếu, mẫu thiết kế logo là đại diện về mặt hình ảnh cho bản sắc và văn hoá thương hiệu đó.

Có nhiều ý kiến và quan điểm khác nhau về tầm quan trọng của thiết kế logo. Nhiều người cho rằng mẫu thiết kế logo chỉ là một phần của hình ảnh và nhận diện thương hiệu, nó quan trọng nhưng không phải là tất cả – không nhất thiết phải chi nhiều tiền, thời gian hay nguồn lực vào quá trình thiết kế.

Số khác nhận định vai trò của mẫu thiết kế logo là vô cùng quan trọng, thậm chí khẳng định luôn “logo chính là thương hiệu”. Những người này chưa vội tuyên bố rằng không nhất thiết phải chi nhiều tiền, thời gian hay nguồn lực vào quá trình thiết kế logo. Nhưng cũng không có nghĩa là bản thân họ sẵn sàng chi nhiều tiền, thời gian hay nguồn lực để sở hữu thiết kế logo của riêng mình.

Có câu nói vui trong giới giao thương, buôn bán là “chỉ có người mua lầm chứ người bán không bao giờ lầm”. Nhưng nếu tính trong thế giới thương hiệu và thiết kế, sáng tạo nội dung bằng hình ảnh thì quan điểm này chưa hoàn toàn chính xác.

Đặt trường hợp một khách hàng doanh nghiệp muốn nhận báo giá thiết kế mẫu logo. Có hai đối tác thiết kế thương hiệu gửi báo giá, trong đó, đối tác A đưa báo giá rất thấp còn đối tác B thì đưa báo giá quá cao. Nhưng khi phía doanh nghiệp hỏi về lý do vì sao có báo giá quá cao (hoặc quá thấp) như vậy, cả đối tác A và B đều không thể trả lời được.

Thực tế này đến từ việc nhiều đội ngũ thiết kế thương hiệu vẫn chưa có góc nhìn cụ thể, hay những đánh giá chính xác về năng lực sáng tạo của từng thành viên trong đội. Họ không có nhiều cơ sở khách quan, đáng tin cậy để định giá chính xác từng sản phẩm thiết kế hình ảnh của mình – trong đó bao gồm cả những mẫu thiết kế logo.

Với động lực góp phần làm cho thế giới thương hiệu nói chung và thiết kế hình ảnh, nhận diện thương hiệu nói riêng trở thành môi trường làm việc minh bạch, nhìn nhận rồi tôn vinh đúng mức năng lực sáng tạo của mỗi cá nhân và tập thể. Vũ muốn gửi đến tất cả các bạn bài chia sẻ lần này với chủ đề: Mẫu thiết kế logo của bạn đáng giá bao nhiêu?

Designer tại Vũ đang tìm cảm hứng cho mẫu thiết kế logo.
Nguồn: Vũ Digital

Mẫu thiết kế logo và vai trò của tính thẩm mỹ

Nhiều người cứ đề cập đến thiết kế logo là nói ngay đến tính thẩm mỹ, trong nhận thức của họ một mẫu thiết kế logo ấn tượng và hiệu quả thì chỉ cần đẹp là xong. Họ quên mất rằng ngoài tính thẩm mỹ, ngoài chuyện là đại diện về mặt hình ảnh của thương hiệu, thiết kế logo còn có nhiệm vụ truyền tải chính xác bản sắc và văn hoá thương hiệu đó – trong mỗi lần xuất hiện hoặc tiếp cận công chúng bằng nhiều nền tảng truyền thông.

Nếu mẫu thiết kế logo không phải là tất cả của nhận diện thương hiệu, vậy thì tính thẩm mỹ cũng không phải là tất cả của quy trình thiết kế logo. Khi sa đà quá nhiều vào tính thẩm mỹ, bản thân nhà sáng tạo có thể quên mất nhiệm vụ truyền đạt bản sắc, văn hoá thương hiệu của tổng thể thiết kế.

Về phía doanh nghiệp, tâm lý theo đuổi đến cùng tính thẩm mỹ và yêu cầu nhà sáng tạo chỉ cần “thiết kế sao cho đẹp là được” cũng dẫn đến nhiều hệ luỵ. Vì không đảm bảo tính hiệu quả và năng lực ứng dụng thực tế, mẫu thiết kế logo chẳng có gì ngoài đẹp chỉ gây ấn tượng cho phía doanh nghiệp khoảng 70%. Tuy nhiên, tỉ lệ tương đối này sẽ nhanh chóng sụt giảm xuống còn 60%, 50% hay thậm chí thấp hơn nhiều – chỉ sau một vài lần phản hồi và tiến hành hiệu chỉnh.

Lúc này, nhà sáng tạo đã rơi vào trạng thái vô định, mỏi mệt vì chẳng còn nhận ra thiết kế ban đầu vốn chứa trọn tâm huyết. Trong khi phía doanh nghiệp lại đang rơi vào “hố đen” do chính mình tạo ra – nơi mọi suy nghĩ và kỳ vọng ban đầu đều bị bẻ cong, bản thân mình muốn gì cũng không thể biết rõ, yếu tố duy nhất để bám víu vào là tính thẩm mỹ giờ cũng đang mất đi sự ổn định mà nó nên có.

Vũ đang trình bày các mẫu thiết kế logo với khách hàng doanh nghiệp.
Nguồn: Vũ Digital

Yêu cầu cực đoan về tính thẩm mỹ khi thiết kế logo chẳng khác gì bạn chọn tìm hiểu, yêu đương và vội vàng kết hôn với một người chỉ vì người đó đẹp.

Tuần trăng mật qua đi cũng là thời điểm bạn vỡ mộng một cách chóng vánh, khi một loạt những yếu điểm và cái chưa được ở sâu bên trong người bạn đời từ từ phơi bày. Ấn tượng về sắc đẹp của đối phương mờ nhạt dần, nhường chỗ cho cách ứng xử thiếu tế nhị với người xung quanh, thói quen bừa bộn và cẩu thả trong sinh hoạt hay quan điểm nuôi dạy con cái có quá nhiều khác biệt.

Một mẫu thiết kế logo đẹp, đầy màu sắc và bố cục hoành tráng cũng có thể đem đến kết cục tương tự. Cũng như một phần thức ăn nhanh chứa quá nhiều calo rỗng được dung nạp vào cơ thể, khi người ta đã “no nê” với hình ảnh bên ngoài của tổng thể thiết kế, độ hiệu quả thấp và tính ứng dụng gần như bằng không lại khiến đội ngũ thương hiệu “mau đói” hơn.

Dẫn đến quyết định làm mới và thay đổi mẫu thiết kế logo chỉ sau một thời gian ngắn, bắt đầu vòng lặp vô tận của hành trình Thiết kế logo đẹp – Nhận ra mình đã sai – Thay đổi mẫu thiết kế logo rồi ôm khư khư cái sai vì mãi chẳng thoát ra khỏi tính thẩm mỹ sáo rỗng.

Vậy mẫu thiết kế logo của bạn đáng giá bao nhiêu?

Thực tế trong thế giới thương hiệu và đặc biệt là mỗi quy trình thiết kế nhận diện, thiết kế logo thì không chỉ “người mua” lầm mà “người bán” cũng có thể lầm. Nghĩa là bản thân nhà sáng tạo hay đội ngũ thiết kế cũng không biết định giá sản phẩm của mình ra sao, bằng cách nào và dựa trên những yếu tố gì.

Không ít các cá nhân, đội ngũ thiết kế thương hiệu ngày nay đang định giá sản phẩm bằng số năm làm việc, chiều sâu kinh nghiệm hay thậm chí là độ uy tín của các khách hàng cũ. Đây đều là những thước đo có phần một chiều, phiến diện và không phản ánh chất lượng cụ thể của sản phẩm thiết kế.

Một trong nhiều dự án thiết kế logo Vũ đã thực hiện.
Nguồn: Vũ Digital

Có nhiều năm làm việc trong lĩnh vực thiết kế thương hiệu và đóng góp năng lực qua nhiều cấp bậc khác nhau. Từ chỗ một freelancer cá nhân, freelancer đội nhóm cho đến việc thành lập công ty, phát triển doanh nghiệp thiết kế thương hiệu; bản thân Vũ đã có cho riêng mình một thước đo chi tiết và cụ thể để định giá sản phẩm, xây dựng chiến lược giá cho nhóm dịch vụ thiết kế hình ảnh, nhận diện thương hiệu nói chung.

Ngày hôm nay Vũ muốn phân tích và hệ thống lại một lần nữa, rồi chia sẻ đến các bạn 4 khung giá thiết kế logo thương hiệu phía bên dưới.

Mẫu thiết kế logo thương hiệu dưới 1 triệu đồng

Câu hỏi đầu tiên khi một nhà sáng lập, đội ngũ nhân sự bắt tay vào xây dựng nhận diện thương hiệu của mình thường là: “Mình có thể tự thiết kế logo được không?”.

Tự thiết kế logo thương hiệu là một ý tưởng không tồi, nhất là với doanh nghiệp hay mô hình kinh doanh có nguồn vốn hạn chế, nhân lực chưa dồi dào và cũng không có nhiều kinh nghiệm hợp tác với đội ngũ thiết kế bên ngoài.

Ưu điểm của việc tự lên ý tưởng rồi hoàn thiện thiết kế logo là bản thân nhà sáng lập, đội ngũ nhân sự đã sớm thấm nhuần triết lý, tầm nhìn và văn hoá của thương hiệu mình. Hơn bất cứ ai khác, họ là những người phù hợp nhất để gửi gắm và truyền tải bản sắc thương hiệu thông qua thiết kế logo.

Một số mẫu thiết kế logo từ stocks có sẵn.
Nguồn: Zapier

Với ngân sách và chất lượng của một mẫu thiết kế logo dưới 1 triệu đồng, chúng ta không thể đòi hỏi năng lực thiết kế đồ hoạ ở người sáng lập cùng các cộng sự. May mắn là, nhiều nền tảng hỗ trợ hình ảnh hiện nay đang cung cấp rất nhiều stocks nền hay icon có sẵn, giúp quy trình tự thiết kế logo thương hiệu trở nên tiện lợi và nhanh chóng hơn bao giờ hết.

Nhược điểm của các mẫu thiết kế logo này là nó được tạo ra nhờ nền tảng có sẵn, những chi tiết hay điểm nhấn quan trọng trên thiết kế có thể bị trùng lặp, hoặc làm liên tưởng đến logo của một thương hiệu đi trước trên thị trường.

Mẫu thiết kế logo thương hiệu từ 1-5 triệu đồng

Phân khúc giá 1-5 triệu đồng là khá lý tưởng với các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ, vừa sở hữu mẫu thiết kế logo đẹp mắt mà cũng không cần chi trả quá nhiều tiền. Ở chiều ngược lại, đây cũng là nguồn thu đáng mơ ước của các freelancer thiết kế tại Việt Nam, thậm chí vẫn khá hấp dẫn với các agency thiết kế vừa mới thành lập.

Tuy nhiên nếu không thể đòi hỏi năng lực thiết kế đồ hoạ khi tự thiết kế mẫu logo, thì cũng khó đòi hỏi logo thương hiệu vừa đẹp mắt lại vừa hiệu quả cao trong tầm giá 1-5 triệu đồng.

Câu hỏi duy nhất cần đặt ra khi chọn thiết kế, hoàn thiện logo thương hiệu trong tầm giá này đó là: “Thiết kế logo có đẹp mắt và đủ ấn tượng không?”. Đẹp mắt nghĩa là đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn và thước đo của tính thẩm mỹ, còn ấn tượng nghĩa là thuyết phục người xem về phần nhìn ngay từ ánh mắt đầu tiên.

Một số ví dụ mẫu thiết kế logo trong tầm giá 1-5 triệu đồng.
Nguồn: Inspirationfeed

Bởi thiết kế logo không chỉ xuất hiện trên bộ nhận diện thương hiệu, hoặc trong các tài liệu nội bộ có liên quan đến hoạt động doanh nghiệp. Mẫu thiết kế logo còn được sử dụng ở ngoài môi trường, rộng rãi trên các nền tảng truyền thông khác nhau và đủ sức tiếp cận hàng triệu khách hàng tiềm năng mỗi ngày.

Tính thẩm mỹ có thể không phải tất cả trong tiêu chuẩn thiết kế logo, nhưng chắc chắn là yếu tố tối thiểu phải có để tự tin ứng dụng thiết kế logo trên thị trường.

Khách hàng doanh nghiệp và chủ mô hình kinh doanh quy mô nhỏ, hộ gia đình thậm chí có thể chi nhiều hơn 5 triệu đồng nếu thiết kế logo thật sự đẹp và ấn tượng. Ngược lại, nếu nhìn vào tính thẩm mỹ mà còn thua kém một mẫu thiết kế logo đáng giá vài trăm nghìn, thì thà tự thiết kế để còn tiết kiệm thêm một phần chi phí không nhỏ.

Mẫu thiết kế logo thương hiệu từ 6-15 triệu đồng

Thiếu đảm bảo hiệu quả không phải nhược điểm duy nhất của phân khúc giá thiết kế logo dưới 5 triệu đồng. Với những khách hàng doanh nghiệp hay chủ mô hình kinh doanh chưa có nhiều trải nghiệm, kinh nghiệm làm việc với các đối tác thiết kế bên ngoài, họ còn phải đối mặt với rủi ro mẫu thiết kế logo hoàn thiện không đúng như kỳ vọng ban đầu.

Nguyên nhân thường gặp nhất đó là đối tác thiết kế phóng đại quá mức năng lực của mình, cung cấp tư liệu tham khảo là những mẫu thiết kế logo không phải do mình làm ra, cũng không phù hợp với năng lực và nguồn lực thực tế của đội ngũ.

Phân khúc giá 6-15 triệu đồng bắt đầu có sự phân nhánh về chất lượng.
Nguồn: Vũ Digital

Họ tạo ra kỳ vọng to lớn đến mức phi lý nơi khách hàng doanh nghiệp, sau đó khiến khách hàng “vỡ mộng” khi bàn giao concept thiết kế hoặc mẫu thiết kế logo hoàn chỉnh kém đặc sắc, không ấn tượng và tất nhiên là không hiệu quả.

Những nhược điểm của phân khúc giá thấp hơn chắc chắn sẽ được khắc phục, giải quyết nhanh chóng bởi sản phẩm thuộc phân khúc giá cao hơn. Thực tế này đúng khi áp dụng vào mọi lĩnh vực, ngành hàng và thị trường mục tiêu. Quá trình thiết kế logo thương hiệu tất nhiên cũng không phải ngoại lệ.

Không chỉ vì sản phẩm thiết kế đắt tiền hơn, dùng nhiều thời gian hơn và tốn nhiều nguồn lực hơn thì có chất lượng cao hơn sản phẩm phân khúc giá rẻ. Mà thực tế từ phân khúc giá 6-15 triệu đồng thì thị trường thiết kế đồ hoạ bắt đầu có sự phân nhánh – cả về chất lượng lẫn tính ứng dụng ngoài đời thực.

Lúc này một mẫu thiết kế logo không thể dừng lại ở tính thẩm mỹ, nhìn xa hơn, nó phải đáp ứng những yêu cầu về mặt chất lượng sử dụng. Thiết kế logo không chỉ đẹp mắt, ấn tượng về phần nhìn mà còn phải đóng vai trò là hình ảnh đại diện cho một thương hiệu.

Để đạt mục tiêu đó, quá trình thiết kế phải được thực hiện bởi những đôi tay “nghệ sĩ” có giàu kinh nghiệm, có sự xuất hiện của một số phần mềm thiết kế đồ hoạ chuyên nghiệp nhất (không phải Canva), có định hướng và quy tắc ứng dụng thiết kế logo một cách chi tiết ngoài đời thực…

Quan trọng hơn hết, thẩm mỹ thiết kế phải được thay thế bởi khoa học thiết kế. Chúng ta không loại bỏ hoàn toàn tính thẩm mỹ khỏi mẫu thiết kế logo, nhưng khi đặt tính thẩm mỹ và tính ứng dụng lên bàn cân thì tỉ lệ phải ít nhiều thay đổi.

Một mẫu thiết kế logo trong phân khúc giá 6-15 triệu đồng.
Nguồn: Etsy

Ý tưởng chung là tạo ra một thiết kế logo không chỉ đẹp, ấn tượng mà còn giúp hình ảnh thương hiệu đi sâu vào nhận thức khách hàng. Bản thân nhà thiết kế thương hiệu phải đưa vào sản phẩm các quy luật thị giác cần có, tuân thủ và theo đuổi triệt để nguyên lý thị giác bằng cách hiệu chỉnh lại các chi tiết, đường nét đồ hoạ bằng hệ thống lưới thiết kế.

Ví dụ một số màu sắc đối lập có thể dẫn đến hành động đối lập của người xem, hoặc một khoảng không gian âm vừa có thể làm hoàn thiện thiết kế hơn nữa, nhưng đồng thời có thể phá vỡ toàn bộ cấu trúc thiết kế nếu ứng dụng thiếu cẩn trọng.

Mẫu thiết kế logo thương hiệu trên 20 triệu đồng

Đi qua nhiều phân khúc giá của quy trình thiết kế logo, chúng ta đã nhận thấy nhiều khác biệt quan trọng ở mỗi tầm giá dành cho cả khách hàng doanh nghiệp, mô hình kinh doanh lẫn các nhà sáng tạo thương hiệu với mục tiêu định giá sản phẩm của mình.

Sau nhiều năm tìm tòi, nghiên cứu và thực hiện một loạt trải nghiệm thực tiễn, nhiều chuyên gia đã đi đến kết luận rằng bản chất những chiếc xe Ferrari, túi xách LV hay đồng hồ Rolex không có chất lượng quá vượt trội khi so sánh với nhiều thương hiệu khác. Bản thân mức giá đắt đỏ của chúng đã quá đủ để tạo nên sức hút cho khách hàng toàn cầu.

Thế nhưng điều tương tự lại không xảy ra trong thế giới thương hiệu, đặc biệt là với quy trình thiết kế logo cho các thương hiệu lớn nhỏ. Mỗi phân khúc giá thiết kế lại mang đến những dấu hiệu, trải nghiệm và giá trị sản phẩm hoàn toàn khác biệt.

Mẫu thiết kế logo giá cao đòi hỏi quy trình và trải nghiệm thiết kế khác biệt.
Nguồn: Vũ Digital

Khi chuyển từ phân khúc 6-15 triệu đồng lên một phân khúc vượt trội hẳn – chẳng hạn như phân khúc trên 20 triệu đồng, những trải nghiệm và giá trị khác biệt lại trở nên rõ ràng, cụ thể hơn bao giờ hết. Giá trị vượt trội đó không chỉ thuyết phục các khách hàng doanh nghiệp về mặt thẩm mỹ, cảm xúc mà còn tấn công trực diện vào lý trí của mỗi con người.

Tầm giá này chắc chắn là thị trường riêng dành cho các agency thiết kế thương hiệu. Bởi chẳng ai can đảm giao phó một dự án thiết kế quan trọng, có mức đầu tư lên đến vài chục triệu đồng cho một đội nhóm mà bản thân chưa từng gặp trực tiếp. Trong khi như đã nói các sản phẩm thiết kế tham khảo chưa chắc do chính tay đội nhóm đó tạo ra, tiêu chuẩn về chất lượng và hiệu quả ứng dụng thì còn mông lung hơn thế rất nhiều.

Chọn làm việc, hợp tác với một agency thiết kế thương hiệu mang đến chuỗi giá trị đủ khoả lấp những rủi ro trên. Quyết định này cũng đồng nghĩa rằng phía doanh nghiệp đã tin tưởng, chấp nhận để đội ngũ xây dựng hình ảnh thương hiệu, thiết kế mẫu logo trở thành một phần quan trọng trong bức tranh tổng thể của doanh nghiệp.

Không chỉ tạo ra mẫu thiết kế logo đẹp, đáp ứng những tiêu chuẩn thẩm mỹ ở mức độ cao nhất, các agency thiết kế chuyên nghiệp còn cùng gắn bó, đồng hành để ngày một thấu hiểu hơn nữa về bản sắc của thương hiệu; từ đó lồng ghép chúng một cách khéo léo vào trong thiết kế logo, cũng như các thiết kế nhận diện thương hiệu khác.

Một đặc tính quan trọng trong nhiều thiết kế logo thuộc phân khúc high-end đó là, định hướng thiết kế thường theo phong cách trừu tượng, luôn có ẩn ý đằng sau và không bao giờ thể hiện sản phẩm hay giá trị của doanh nghiệp “một cách lộ liễu”.

Logo phân khúc high-end luôn ẩn chứa ý nghĩa và bản sắc thương hiệu.
Nguồn: Vũ Digital

Thay vào đó, một agency thiết kế thuộc phân khúc cao cấp luôn tâm niệm rằng: “Chính những gì đội ngũ thương hiệu làm hằng ngày sẽ tạo ra ý nghĩa, giá trị cho tên gọi và hình ảnh của thương hiệu đó”. Một mẫu thiết kế logo đẹp và hiệu quả phải ẩn chứa trong đó văn hoá, tinh thần và tính trách nhiệm cao của từng thành viên đội ngũ nhân sự.

Vì vậy vấn đề lớn nhất mà những thiết kế logo high-end giải quyết tốt, đó chính là thói quen thiết kế logo mang tính trực diện của nhiều cá nhân hay đội ngũ sáng tạo.

Kinh doanh gạo thì logo thương hiệu phải có hình hạt gạo, kinh doanh giày thì logo thương hiệu phải có hình đôi giày, đây là thói quen xấu khiến nhiều mẫu thiết kế logo đi vào ngõ cụt chỉ sau thời gian ngắn ứng dụng.

Giúp khách hàng dễ dàng nhận biết sản phẩm mình đang kinh doanh là tốt, nhưng ràng buộc họ trong nhận thức cho rằng mình chỉ kinh doanh một sản phẩm hay dịch vụ nào đó sẽ mang lại nhiều rủi ro.

Không ít người sẵn có tâm lý cực đoan sẽ nhìn những thiết kế logo cao cấp và cho biết, mình chẳng thấy chút liên quan nào giữa hình ảnh thương hiệu với sản phẩm thương hiệu đó cung cấp. Tuy nhiên, đó lại là cách để các thiết kế logo phân khúc cao cấp – ra đời từ năng lực sáng tạo của agency chuyên nghiệp “cởi trói” giới hạn đang ôm lấy hình ảnh thương hiệu.

Một mẫu thiết kế logo phân khúc cao cấp từ Vũ Digital.
Nguồn: Vũ Digital

Để trong tương lai khách hàng không chỉ tìm thấy, nhớ đến một thương hiệu khi thật sự có nhu cầu sở hữu sản phẩm, mà hình ảnh thương hiệu luôn in đậm trong nhận thức tích cực nhất của họ. Rồi họ luôn sẵn sàng gọi tên, nhớ đến hay kể cho nhiều người khác nghe về giá trị thương hiệu đó mang lại – dù bản thân có đang muốn mua sản phẩm hay không.

Tất cả đều bắt đầu từ một thiết kế logo đẹp mắt, chuyên nghiệp và hiệu quả.

* Bài viết gốc: Vũ Digital