Marketer Thanh Uyên
Thanh Uyên

Content Editor @ Brands Vietnam

BAEMIN chính thức dừng hoạt động tại Việt Nam

Trong thông báo gửi người dùng và đối tác nhà hàng, BAEMIN xác nhận sẽ rút khỏi thị trường Việt Nam từ 0h ngày 8/12/2023. Theo BAEMIN, quyết định dừng hoạt động được đưa ra sau thời gian công ty chịu ảnh hưởng của tình hình kinh tế khó khăn trên toàn cầu, cũng như sự canh tranh khốc liệt của thị trường.

Sáng ngày 24/11, người dùng và đối tác nhà hàng của BAEMIN nhận được thông báo trên ứng dụng này rằng BAEMIN sẽ dừng hoạt động tại thị trường Việt Nam từ 0h ngày 8/12/2023, chính thức khép lại hơn 4 năm gia nhập thị trường. Trước ngày này, người dùng vẫn có thể đặt đơn bình thường qua ứng dụng.

Riêng với đối tác nhà hàng, ngày cuối cùng ứng dụng Đối tác Nhà hàng BAEMIN còn khả dụng là ngày 12/12/2023. Theo BAEMIN, các đối tác sẽ nhận được thông tin chi tiết về việc thanh toán các gói hợp tác và nghĩa vụ cần hoàn thành trong thời gian sớm nhất. Công ty cam kết sẽ thanh toán đầy đủ các khoản công nợ trong thời gian hoạt động còn lại, đồng thời hoàn trả chi phí quảng cáo và tiếp thị đã trả trước cho tháng 12/2023 sau khi hoàn thành đối soát.

Thông báo tạm biệt của BAEMIN.

BAEMIN là ứng dụng giao đồ ăn của startup kỳ lân Woowa Brothers – công ty giao thực phẩm được định giá hàng tỷ USD với nền tảng giao đồ ăn Baedal Minjok, hiện chiếm hơn 50% thị phần tại xứ Kim Chi. Tháng 6/2019, BAEMIN chính thức chào sân thị trường Việt Nam, hoạt động đầu tiên tại khu vực TP.HCM. Đến cuối năm 2019, công ty giao đồ ăn của Đức – Delivery Hero – đồng ý mua Woowa Brothers với giá 4 tỷ USD. Đây được xem là một trong những thương vụ lớn nhất toàn cầu trong phân khúc ứng dụng giao đồ ăn.

Trong quá trình hoạt động tại Việt Nam, BAEMIN luôn nỗ lực đa dạng hoá các mảng kinh doanh và mở rộng thị phần. Thương hiệu đã vận hành nhà bếp riêng để cung cấp thực phẩm chế biến sẵn, hay ra mắt thương hiệu mỹ phẩm Lazy Bee để “không chỉ dừng lại là một ứng dụng gọi đồ ăn mà phát triển thành một nền tảng phong cách sống”. Ngoài ra, BAEMIN cũng tạo dấu ấn khác biệt so với các ứng dụng giao đồ ăn khác thông qua chiến lược marketing sáng tạo và thân thiện.

Biến động thị trường và nhiều nguyên nhân khác nhau đã khiến BAEMIN lâm dần vào khủng hoảng.
Nguồn: BAEMIN

Tuy nhiên, biến động thị trường và nhiều nguyên nhân khác nhau đã khiến BAEMIN lâm dần vào khủng hoảng. Theo báo cáo của Momentum Works, tại Việt Nam, quy mô thị trường giao đồ ăn ước đạt 1,1 tỷ USD trong năm 2022. Grab đứng đầu với 45%, kế đến là ShopeeFood đạt 41%; trong khi đó, BAEMIN chỉ chiếm 12%. Chính ông Niklas Östberg – đồng sáng lập và Giám đốc Điều hành của Delivery Hero – cũng từng nhận định triển vọng của công ty đối với Châu Á là tích cực, ngoại trừ ở Việt Nam, nơi họ cho rằng hoạt động kinh doanh “không bao giờ có lãi”.

Đến ngày 29/9/2023, Delivery Hero lần đầu xác nhận có sự thay đổi chiến lược tại thị trường Việt Nam, trong đó bao gồm việc thu hẹp quy mô hoạt động và phạm vi dịch vụ của ứng dụng.

Và chỉ gần 2 tháng sau, BAEMIN Việt Nam chính thức đưa ra thông báo dừng hoạt động. Như vậy, thời gian tới, người tiêu dùng Việt Nam sẽ không còn thấy hình ảnh linh vật Mèo Mập và các anh shipper mặc áo màu xanh ngọc phủ sóng trên các nẻo đường.

* Nguồn: Tổng hợp