Marketer Phương Quyên
Phương Quyên

Content Executive @ Brands Vietnam

Pet Marketing #5 – Phòng khám Thú y Đăng Khôi: Khám thế nào khi “bệnh nhân” không biết khai bệnh?

Với đối tượng “bệnh nhân” đặc thù, lĩnh vực thú y đòi hỏi sự phối hợp từ nhiều phía bao gồm thú cưng, người nuôi và các bác sĩ thú y để quá trình chẩn bệnh và điều trị hiệu quả hơn. Không chỉ vậy, người nuôi còn phải cẩn trọng trong việc chăm sóc sức khỏe thú cưng, nhất là trước những thông tin truyền thông chưa được xác thực.

Trong số lần này, anh Nguyễn Đăng Khôi, người thành lập và hiện là bác sĩ tại Phòng khám Thú y Đăng Khôi sẽ có những chia sẻ xung quanh lĩnh vực thú y từ thăm khám và điều trị cho thú cưng đến tư vấn và hướng dẫn chủ nuôi cách chăm các bé đúng cách.

Pet Marketing là series của Brands Vietnam nhằm khám phá thị trường sản phẩm dành cho thú cưng và tìm hiểu chiến lược sử dụng các “đại sứ 4 chân” trong truyền thông.

* Sau nhiều năm gắn bó với lĩnh vực thú y, anh thấy có sự khác nhau gì giữa thú y và các lĩnh vực y học khác?

Dịch vụ chủ yếu của Phòng khám Thú y Đăng Khôi là thăm khám và chữa bệnh cho thú cưng.

Thú y có một số điểm khác so với những lĩnh vực như y đa khoa, trong đó đặc trưng nhất là việc “bệnh nhân” không biết nói chuyện, đồng nghĩa với việc các bé thú cưng không thể tự khai bệnh cho bác sĩ. Vậy nên, bác sĩ thú y sẽ gặp khó khăn trong việc chẩn đoán bệnh hay xác định “người bệnh” đang đau ở đâu.

Thông thường, để chẩn bệnh cho thú cưng, bác sĩ thú y sẽ đi qua các giai đoạn: đầu tiên là khám lâm sàng và xác định các phản xạ đau hoặc vết thương trên da. Sau đó, bác sĩ sẽ khai thác bệnh sử từ chủ nuôi về các dấu hiệu của bé quan sát được ở nhà. Tuy nhiên, các quan sát của chủ nuôi thường tương đối ít nhưng bác sĩ thú y sẽ phải tìm ra thông tin quan trọng từ những dữ liệu “nhỏ giọt” này. Cuối cùng, bác sĩ sẽ tiến hành các xét nghiệm để chẩn bệnh thông qua các chỉ số bên trong cơ thể bé.

Ngoài việc khám cho những bệnh nhân đặc biệt, vấn đề trang thiết bị của thú y cũng cần được lưu tâm. Tuy các phòng khám bây giờ đều trang bị máy móc phục vụ việc xét nghiệm cơ bản nhưng vẫn chưa nhiều nơi có đủ thiết bị cho loại xét nghiệm hiện đại hơn như PCR và cũng chưa phát triển những trung tâm chuyên xét nghiệm riêng như ở người.

* Hiện nay, Phòng khám Thú y Đăng Khôi cung cấp những sản phẩm và dịch vụ gì?

Dịch vụ chủ yếu của Phòng khám Thú y Đăng Khôi là thăm khám và chữa bệnh cho thú cưng. Cụ thể, bên mình sẽ đồng hành xuyên suốt vòng đời một bé thú cưng:

  • Giai đoạn bé mới sinh, phòng khám cung cấp dịch vụ tiêm phòng, xổ giun, tư vấn chủ nuôi về việc cắt đuôi cho bé…
  • Trong quá trình trưởng thành, bên mình khám và điều trị bệnh từ những ca điều trị bằng thuốc cho đến những ca phức tạp hơn cần xét nghiệm, phẫu thuật…
  • Trường hợp bé trưởng thành và mang thai, phòng khám mình có dịch vụ thai sản để hỗ trợ quá trình sinh và điều dưỡng sau sinh cho các bé.

Ngoài dịch vụ sức khỏe thú cưng, Phòng khám Thú y Đăng Khôi còn bán các sản phẩm từ thức ăn đến sản phẩm chăm sóc, làm đẹp cho thú cưng. Trong đó, các sản phẩm thiết yếu như thức ăn, sữa tắm và cát mèo được chủ nuôi mua nhiều nhất. Còn những sản phẩm có vòng đời lâu và nhu cầu không liên tục như bát ăn hay quần áo thì chủ nuôi không thường xuyên mua.

Anh Nguyễn Đăng Khôi, người thành lập và hiện là bác sĩ tại Phòng Khám Thú Y Đăng Khôi

* Theo anh quan sát, có sản phẩm hay dịch vụ nào chủ nuôi ít quan tâm nhưng lại rất cần thiết cho thú cưng?

Đa số chủ nuôi thường đưa thú cưng đến phòng khám khi bé có dấu hiệu bệnh và rất ít người đưa thú cưng đi xét nghiệm tầm soát bệnh. Một số bệnh về gan ở thú cưng, khi xuất hiện các dấu hiệu quan sát được thì hầu như đã vào giai đoạn khó điều trị. Vì vậy, việc xét nghiệm tầm soát định kỳ (6 tháng/lần) sẽ giúp bác sĩ và chủ nuôi theo dõi được mầm bệnh ngay từ những giai đoạn đầu.

Tuy vậy, cũng dễ hiểu vì việc chủ động phòng bệnh tương đối tốn kém nên không phải tất cả mọi người đều sẵn sàng và đủ điều kiện để thường xuyên đưa thú cưng đi tầm soát bệnh. Vì xét nghiệm tổng quát cho thú cưng cũng tương tự ở người, cần thực hiện toàn diện các loại xét nghiệm để bác sĩ hình dung ra bức tranh tổng quan về sức khỏe.

* Mọi người thường biết và đến phòng khám thông qua những kênh nào?

Nguồn khách chính của bên mình trước hết đến từ những người sống ở khu vực xung quanh. Yếu tố tiện lợi không gian khiến họ cân nhắc đến phòng khám và sau khi trải nghiệm họ giới thiệu bạn bè, người thân đến phòng khám nhiều hơn. Vì đa số khách đến nhờ lời giới thiệu của những khách quen trước nên bên cạnh chuyên môn, mình luôn quan tâm đến việc nâng cao chất lượng về trang thiết bị và thái độ phục vụ khách hàng của những bác sĩ tại phòng khám.

Hiện tại, đối với các kênh online của phòng khám như website hay Facebook, mọi người thường xem các kênh này như nguồn tham khảo thông tin, kiến thức hoặc giải đáp thắc mắc. Do đó, lượng khách hàng đến từ kênh này chưa đáng kể nhưng mình vẫn dành thời gian tư vấn và giải đáp thắc mắc cho chủ nuôi kể cả chưa phải là khách hàng của mình hoặc là khách hàng của một phòng khám khác.

Các chuyên gia của Zoetis, công ty chuyên cung cấp vaccine thú cưng, ghé thăm phòng khám.

* Chủ nuôi thường ít có kiến thức chuyên môn thú y, vậy các bác sĩ ở Phòng khám Thú y Đăng Khôi thường tư vấn thông tin cho chủ nuôi như thế nào?

Đầu tiên, bác sĩ cần nắm rõ bệnh sử của thú cưng để tư vấn đúng nhất cho chủ nuôi. Sau đó, dựa vào tính chất và mức độ của vấn đề mà các bác sĩ sẽ có quy trình diễn giải khác nhau.

Đối với các vấn đề cơ bản như tiêm phòng và xổ giun, bác sĩ sẽ cung cấp thông tin bao quát về lịch trình tiêm và nhắc nhở các loại vaccine cần tiêm. Phức tạp hơn, với vấn đề gây ra bởi cơ chế sinh lý như bé bị ngứa da, bác sĩ sẽ cùng chủ nuôi thảo luận để có phương án thích hợp.

Trong bối cảnh thông tin không rõ nguồn gốc mọc lên như nấm, chủ nuôi cần quan tâm đến việc xác nhận tính chính xác đối với các hướng dẫn chăm sóc thú cưng.

Đầu tiên, bác sĩ thú y liệt kê các nguyên nhân có khả năng gây ra vấn đề như nguồn nước, thức ăn, sữa tắm hoặc môi trường sống của bé. Sau đó, chủ nuôi quan sát tại nhà để xác định nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng của thú cưng. Với các vấn đề này, có nhiều trường hợp xác định đúng nguyên nhân và loại bỏ chúng khỏi thói quen sinh hoạt của thú cưng thì tình trạng các bé có thể tự thuyên giảm và khỏi hẳn.

Đối với các ca bệnh phức tạp có tiến hành xét nghiệm hoặc phẫu thuật, thông thường, chủ nuôi sẽ quan tâm nhiều đến việc cần làm gì để chữa khỏi chứ không để tâm nhiều đến các khía cạnh chuyên môn.

Tuy nhiên, bên mình vẫn sẽ tư vấn cặn kẽ các thuật ngữ quan trọng nếu chủ nuôi muốn hiểu. Cụ thể, bác sĩ sẽ bắt đầu giải thích các từ chuyên môn trong kết quả xét nghiệm ví dụ chỉ số bạch cầu là gì, đóng vai trò gì trong cơ thể bé. Sau đó, bác sĩ hướng dẫn chủ nuôi chăm sóc như thế nào để các chỉ số đang có dấu hiệu bất thường này trở lại bình thường.

* Những ca bệnh nào của thú cưng xuất phát từ nguyên nhân chủ nuôi vô ý hoặc tin theo thông tin truyền thông sai lệch? Anh có thể đưa ra một vài gợi ý cho chủ nuôi trong việc chọn lọc thông tin không?

Thực tế, có rất nhiều trường hợp chủ nuôi vô ý hoặc làm theo những thông tin chưa được kiểm chứng, khiến bệnh của thú cưng chuyển biến xấu.

Thú cưng không đơn thuần là động vật mà còn là một người bạn bốn chân trong gia đình. Vì vậy, chủ nuôi nên dành nhiều tình yêu thương và quan tâm hơn trong việc chăm sóc sức khỏe các bé.

Cụ thể, có một khách hàng của mình đưa mèo đến tiêm vaccine, sau 30 phút quan sát không có gì bất thường, bên mình cho bé về để theo dõi tại nhà. Khi bác sĩ liên lạc để cập nhật trạng thái bé mèo, chủ nuôi kể lại bé có sốt nhẹ và đã cho bé dùng thuốc giảm sốt có chứa paracetamol dành cho người. Ngay lập tức, bên mình báo chủ nuôi ngừng sử dụng và đưa bé đến cấp cứu để súc ruột vì paracetamol là chất độc cấp tính với cơ thể mèo. Trường hợp này, do người nuôi chủ quan là thuốc cho người vẫn dùng cho mèo được, dẫn đến tình huống hết sức nguy hiểm. May mắn, vì liều lượng sử dụng không nhiều và bé được cấp cứu kịp thời nên không ảnh hưởng tính mạng.

Còn rất nhiều trường hợp người nuôi làm theo thông tin không chính thống trên mạng gây ảnh hưởng sức khỏe thú cưng. Ví dụ, một bé chó có triệu chứng ói mửa nhưng chủ nuôi tin theo hướng dẫn từ một trang mạng nói rằng cho bé uống rượu và lòng đỏ trứng để chữa. Sau đó, tình trạng bé không khá hơn mà còn bị ngộ độc rượu và tính mạng nguy kịch.

Trong bối cảnh thông tin bùng nổ, các thông tin không rõ nguồn gốc cũng mọc lên theo như nấm. Vì vậy, chủ nuôi cần quan tâm đến việc xác nhận tính chính xác đối với các hướng dẫn chăm sóc thú cưng. Đầu tiên, cần xem xét thông tin do ai chia sẻ, người đó có uy tín và có địa chỉ hành nghề cụ thể hay không? Thứ hai, người đó đưa thông tin nhằm phục vụ mục đích gì, có phải vì thương mại hay quảng bá các sản phẩm không rõ nguồn gốc hay không? Cuối cùng, tuyệt đối không làm theo các chỉ dẫn từ những người không có chuyên môn trong ngành đối với việc sử dụng thuốc hay cho bé ăn.

Ngày nay, thú cưng không đơn thuần là động vật mà còn là một người bạn bốn chân trong gia đình. Vì vậy, chủ nuôi nên dành nhiều tình yêu thương và quan tâm hơn trong việc chăm sóc sức khỏe các bé.

* Cảm ơn anh vì những chia sẻ thú vị của mình.

Xem thêm bài viết cùng chuyên mục tại đây.

Phương Quyên / Brands Vietnam
* Nguồn: Brands Vietnam