Chủ Tịch VNPR: “Truyền thông có trách nhiệm vẫn là xu hướng nền tảng”

Đó là nhận định khái quát về xu hướng truyền thông toàn cầu hiện nay mà ông Nguyễn Khoa Mỹ, Chủ tịch Mạng lưới Quan hệ Công chúng Việt Nam – VNPR, đúc kết sau loạt sự kiện hàn lâm ngành Quan hệ Công chúng – Truyền thông vào tháng 9 vừa qua.

Bên cạnh những xu hướng toàn cầu đã được cập nhật và bàn luận, Việt Nam làm thế nào để không tụt hậu trước làn sóng hội nhập là một khía cạnh thú vị được các chuyên gia đầu ngành phân tích thông qua 4 hội nghị Quan hệ Công chúng – Truyền thông (QHCC-TT) Quốc tế đáng chú ý hàng đầu thời gian vừa qua. Đặc biệt, chuỗi sự kiện còn góp phần tôn vinh sức sống của QHCC-TT – không chỉ với tư cách một nghề nghiệp mà còn là một thành tố có chỗ đứng quan trọng trong xã hội.

Tái khẳng định giá trị cốt lõi của uy tín và niềm tin

* Ngành QHCC-TT nói riêng và thế giới nói chung đã có những bước tiến lớn trong những năm qua. Bên cạnh truyền thông có trách nhiệm và tính xác thực, đâu là những xu hướng ông cho rằng các tổ chức và doanh nghiệp (TC&DN) cần chú ý và chuẩn bị sớm trong thời gian sắp tới?

Tham dự nhiều hội nghị về QHCC-TT quốc tế trong tháng 9 vừa qua, tôi nhận thấy các chủ đề thảo luận đều xoay quanh những nội dung rất nhất quán: vai trò và tác động của ngành QHCC-TT trong xã hội hiện tại và tương lai, cũng như những yếu tố hình thành vai trò đó.

Truyền thông có trách nhiệm vẫn là xu hướng nền tảng nơi giá trị của cộng đồng được tôn vinh bằng sự minh bạch, nghiêm túc và uy tín. Bên cạnh đó, những triển vọng trong tương lai cũng là xu hướng được được vào bàn luận với những chủ đề như bắt kịp thời đại bằng công nghệ mới, đúc kết rằng chúng ta nên học cách kiểm soát, thích nghi và sử dụng chúng một cách hiệu quả trên nền tảng nhân văn thay vì sợ hãi trước sự thay thế của công nghệ.

Cuối cùng và không kém phần quan trọng là ESG (Environmental, Social, Governance – Môi trường, Xã hội, Quản trị). Trong giai đoạn hiện nay, ESG đã phát triển đến cấp độ mà phương pháp tiếp cận đã có thể được đo đạc bằng kết quả cụ thể, từ đó thể hiện sự phát triển mang tinh thần trách nhiệm của một doanh nghiệp.

* Với xu hướng Truyền thông và Quan hệ công chúng gắn với trách nhiệm xã hội làm nền tảng, ông có lời khuyên và định hướng gì cho các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp Việt Nam trong thực thi trách nhiệm xã hội?

Trách nhiệm xã hội từ lâu đã có vai trò rất quan trọng trong sự tồn tại, hoạt động và phát triển của các doanh nghiệp. Qua thời gian, đây gần như không còn đơn thuần là một sự lựa chọn mà đã trở thành xương sống trong sự hình thành của mỗi TC&DN. Trách nhiệm xã hội cần được xây dựng dựa trên mục tiêu hoạt động của TC&DN, thể hiện được giá trị, tôn chỉ của TC&DN và phải gắn liền với bản chất của sản phẩm và dịch vụ mà TC&DN cung cấp. Hơn hết, trách nhiệm xã hội còn phải gắn bó chặt chẽ với lợi ích của những bên chịu tác động cũng như nhận được giá trị từ sản phẩm và dịch vụ, những bên đóng góp vào sự thành công của TC&DN và chịu tác động bởi những gì TC&DN làm. Đó là cộng đồng, môi trường xung quanh, các đối tác và cơ quan quản lý.

Doanh nghiệp cần hình thành hệ thống nguyên tắc nơi các doanh nghiệp các tổ chức chủ động và minh bạch cung cấp những báo cáo về hoạt động xã hội dựa trên những phương pháp đánh giá khoa học và kiểm định bởi những bên thứ ba độc lập. Qua đó cho thấy hướng đi đúng đắn của TC&DN trong thực thi trách nhiệm về vấn đề môi trường, xã hội, văn hóa và con người.

Song song đó, các doanh nghiệp cần xây dựng văn hóa ứng xử trong cộng đồng cũng như tạo dựng một môi trường quản trị lành mạnh, đề cao những giá trị con người như quyền được làm việc, quyền mưu cầu có được một cuộc sống ý nghĩa. Theo tôi, đó là những nền tảng cơ bản để thúc đẩy sự phát triển lành mạnh, bền vững của TC&DN nói chung và bản thân người làm nghề cũng như là các cá nhân trong xã hội nói riêng.

* Trong bối cảnh đã nêu trên, ông nhận định như thế nào về tốc độ bắt nhịp với xu hướng toàn cầu của ngành QHCC-TT Việt Nam trong những năm gần đây?

Trước đây, ngành QHCC-TT Việt Nam tỏ ra khá chậm trong việc bắt nhịp với khu vực và quốc tế vì nhiều nguyên nhân chủ quan cũng như khách quan. Tuy nhiên, một thập kỷ vừa qua đã chứng kiến nhiều sự đột phá. Việt Nam đang nổi lên như một nền kinh tế năng động với những người trẻ được đào tạo rất cơ bản về chuyên môn, ngôn ngữ lẫn phong thái. Điều đó thể hiện rất rõ qua những sự kiện và hoạt động về giao lưu chuyên môn quốc tế, nơi người làm nghề Việt Nam tự tin hơn trong việc chia sẻ những câu chuyện thành công với ngôn ngữ chuẩn mực và phong thái giao tiếp chuẩn quốc tế. Theo tôi, đó là tiền đề để chúng ta tiếp tục tiến xa hơn và trở thành một phần quan trọng của ngành trên bình diện khu vực cũng như toàn cầu.

“Sự hội nhập của ngành Quan hệ công chúng và Truyền thông Việt Nam đã thể hiện rõ nét trong tháng 9 vừa rồi”.

Ngành truyền thông Việt Nam đón đầu những xu hướng mới

* Ông có thể chia sẻ thêm đánh giá của mình về bức tranh truyền thông Việt Nam thông qua những sự kiện hàng đầu của ngành?

Sự hội nhập của ngành Quan hệ công chúng và Truyền thông Việt Nam đã thể hiện rõ nét trong tháng 9 vừa rồi, khi chúng ta là chủ nhà của Hội nghị Quan hệ công chúng ASEAN lần thứ 4 tại Thành phố Hồ Chí Minh; tham dự Hội nghị Truyền thông và Quan hệ công chúng toàn quốc của Philippines lần thứ 30; diễn đàn Quan hệ Công chúng thế giới do Liên minh toàn cầu về quản trị Quan hệ Công chúng và Truyền thông tổ chức Ở Chennai, Ấn Độ và Hội nghị quốc tế về Truyền thông và Quản trị doanh nghiệp tại Bali, Indonesia.

Qua tất cả những hoạt động đó, chúng ta thấy nỗ lực và động lực để tham gia vào những diễn đàn chuyên môn và giao lưu quốc tế của Việt Nam là rất mạnh mẽ. Chúng ta cũng nhận ra rằng chúng ta không cách quá xa so với thế giới! Điều đó được thể hiện qua trình độ công việc của các doanh nghiệp làm nghề, các cá nhân làm nghề, các chiến dịch, các chương trình và các sáng kiến được thực hiện.

* Với xu hướng hội nhập toàn cầu và tốc độ phát triển của ngành QHCC-TT Việt Nam hiện nay, theo ông, người làm truyền thông cần có những kỹ năng nào để không bị tụt hậu và hòa nhập nhanh với ngành QHCC-TT thế giới?

Để thực hiện được các chương trình và chiến dịch vươn tầm quốc tế, chúng ta cần tiếp tục trau dồi và cọ xát nhiều hơn ở chính những tiêu chuẩn quốc tế.

Về năng lực của người làm nghề, chúng ta có thể tự tin rằng người Việt Nam có đủ khả năng cũng như hệ kĩ năng để tác nghiệp tại khu vực và trên thế giới. Tuy nhiên, vẫn tồn tại một số hạn chế bao gồm ngôn ngữ, phong thái và đặc biệt là khả năng đặt vấn đề và không ngại nêu ra những vấn đề lớn. Chúng ta vẫn chưa bắt kịp các bạn trẻ quốc tế trong việc dám chia sẻ quan điểm cá nhân, nêu ra những vấn đề mới hoặc nhìn nhận về vấn đề cũ theo một lăng kính mới.

Theo tôi, nguyên nhân là sự thiếu tự tin vào bản thân về kiến thức cũng như kinh nghiệm nghề nghiệp mà chúng ta sở hữu, những thứ vốn dĩ không hề thua kém bạn bè quốc tế. Chúng ta hoàn toàn có thể thay đổi điều này bằng cách tham gia nhiều hơn vào các hoạt động quốc tế như hội nghị, diễn đàn, các chương trình giao lưu nghề nghiệp, học hỏi thêm từ các hiệp hội tổ chức quốc tế. Từ đó, chúng ta trang bị cho mình phong thái tự tin và dám nêu lên những góc nhìn cá nhân.

* Trong quá trình hội nhập toàn cầu, đặc biệt là khi sự cạnh tranh trong ngành ngày một gia tăng, ông cho rằng các đơn vị truyền thông, người làm truyền thông và các thương hiệu Việt cần làm gì để vươn tầm quốc tế?

Trên góc độ các giải thưởng QHCC-TT lớn của Việt Nam, ASEAN và toàn thế giới trong thời gian gần đây, chúng ta có thể thấy trình độ các bài thi của Việt Nam là rất cao và cạnh tranh sâu vào các vòng trong. Điều đó tái khẳng định sự tiệm cận về mặt tri thức, chuyên môn, khả năng áp dụng công nghệ và nhất là sự am hiểu về các nền văn hóa khác nhau của ngành QHCC-TT Việt.

Tuy nhiên, để thực hiện được các chương trình và chiến dịch vươn tầm quốc tế, chúng ta cần tiếp tục trau dồi và cọ xát nhiều hơn ở chính những tiêu chuẩn quốc tế. Chẳng hạn, ta có thể sử dụng kinh nghiệm và những bài học sẵn có của mình phát triển thành những chiến dịch mẫu để chia sẻ tại các diễn đàn và cuộc thi toàn cầu. Những cuộc thi như thế này là dịp đáng lưu ý để người làm nghề trui rèn chất lượng chuyên môn trong từng sản phẩm, cạnh tranh và học hỏi từ đồng nghiệp từ nhiều nền văn hóa khác nhau. Từ đó, Việt Nam cũng sẽ góp mặt ngày một tích cực hơn và chia sẻ rộng rãi câu chuyện thành công của mình tại các sân chơi lớn.

* Xin cảm ơn ông!