Marketer Lam Phương
Lam Phương

Content Executive @ Brands Vietnam

Người tiêu dùng APAC quan tâm sản phẩm đầu tư gì khi lạm phát?

Khủng hoảng kinh tế gia tăng đã tạo ra lo ngại về tài chính trên toàn khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (APAC). 55% người tiêu dùng đã cảm nhận được mức độ rủi ro của tình trạng này trong vòng 5 năm tới.

Đây là một trong những phát hiện chính của báo cáo Dentsu Finance DNA: Future of Finance and Payments, khảo sát người tiêu dùng ở 10 quốc gia APAC và khám phá cách họ thay đổi phương thức quản lý tài chính trong bối cảnh bất ổn kinh tế.

Nền kinh tế khu vực APAC đang trải qua giai đoạn tăng trưởng chậm lại và áp lực lạm phát ngày càng gia tăng. Do đó, người tiêu dùng đang tích cực tìm kiếm các dịch vụ tài chính mang tính cá nhân hóa và hiệu quả để giải quyết các vấn đề tài chính của họ một cách nhanh chóng.

Sức khỏe tài chính được coi là một phần không thể thiếu của sức khỏe tổng thể
Nguồn: Dentsu

Qua đó, báo cáo nhấn mạnh sự thay đổi đáng kể trong cách mà thế hệ Millennials đối diện với việc đầu tư và tiết kiệm, khi có tới 45% trong số họ đang quan tâm đến tiết kiệm, tăng lên từ con số 31% của năm 2020. Bên cạnh đó, ngày càng có nhiều người quan tâm đến việc đầu tư vì lo ngại về việc nợ công tăng cao và tính ổn định của hệ thống lương hưu trong tương lai.

Bình luận về những phát hiện này, Prerna Mehrotra, Chief Client Officer và CEO Media tại Dentsu APAC, cho biết:

“Trên khắp khu vực APAC, người tiêu dùng tập trung vào việc đảm bảo tương lai tài chính song song với việc tìm kiếm các thương hiệu không chỉ cung cấp sự tiện lợi thông qua công nghệ tiên tiến mà còn ưu tiên tính nhạy bén và thấu hiểu cảm xúc. Trong kỷ nguyên bất ổn này, sức khỏe tài chính được coi là một phần không thể thiếu của sức khỏe tổng thể. Mọi người đang tìm kiếm các đơn vị không chỉ đơn thuần cung cấp các giải pháp tài chính. Các ngân hàng, công ty bảo hiểm và công ty FinTech đang đáp ứng bằng cách tích hợp hướng dẫn về đầu tư và thói quen tài chính tốt vào các sản phẩm và dịch vụ của họ.”

Giá trị bền vững của các dịch vụ tài chính do con người cung cấp

Người tiêu dùng ngày nay chủ yếu ưa thích sử dụng dịch vụ ngân hàng trực tuyến và di động, có tới 77% người trong độ tuổi từ 25 đến 34 sử dụng internet hàng tuần để thực hiện các giao dịch ngân hàng. Hầu hết đều sẵn sàng dùng thêm các dịch vụ ngân hàng khác thông qua các kênh kỹ thuật số.

Tuy nhiên, 70% người tiêu dùng APAC vẫn thích tương tác với con người khi khiếu nại về sản phẩm hoặc dịch vụ. Ngay cả khi các ngân hàng kỹ thuật số đang phát triển mạnh mẽ, báo cáo cho thấy giá trị bền vững của các dịch vụ vẫn nằm ở con người, đặc biệt là trong những thời điểm khó khăn.

Người tiêu dùng vẫn thích giao tiếp với con người dù có sự hỗ trợ của các công cụ tự động
Nguồn: Dentsu

Ngoài ra, sự hỗ trợ mang tính cảm thông vẫn là một yếu tố quan trọng của các dịch vụ tài chính, nhằm đảm bảo người tiêu dùng sẽ nhận được sự giúp đỡ mà họ cần khi gặp khó khăn về tài chính.

Cân bằng giữa tiến bộ công nghệ và sự cảm thông của con người

Báo cáo cũng tiết lộ mức độ quan tâm của người tiêu dùng đối với các dịch vụ tài chính được hỗ trợ bởi trí tuệ nhân tạo (AI) ngày càng tăng. 60% người tiêu dùng APAC bày tỏ sự quan tâm của mình với việc AI hỗ trợ ra quyết định đầu tư.

Sự thay đổi đáng kể trong cách mà thế hệ Millennials đối diện với việc đầu tư và tiết kiệm
Nguồn: Dentsu

Khả năng phát triển của AI dự kiến sẽ làm thay đổi cách hoạt động của ngành bảo hiểm qua việc cải thiện quy trình mua và xử lý các yêu cầu bồi thường, đồng thời giúp người tiêu dùng xây dựng khả năng ứng phó trước các rủi ro liên quan đến tài chính và khí hậu.

Việc đầu tư ngày càng nhiều vào AI sẽ giúp các công ty tài chính và bảo hiểm nhanh chóng cải thiện khả năng cung cấp các dịch vụ tự động, cá nhân hóa với tốc độ cao. Tuy nhiên, thách thức quan trọng đối với các thương hiệu là phải đảm bảo rằng họ có khả năng đáp ứng nhanh các nhu cầu của khách hàng trong khi vẫn giữ được cảm giác kết nối con người. Sự cân bằng giữa tiến bộ công nghệ và sự cảm thông của con người sẽ là chìa khóa thành công của họ.

Xem chi tiết báo cáo Finance DNA: The Future of Finance and Payments tại đây.

Theo Lam Phương / Brands Vietnam
* Nguồn: Dentsu