Marketer Lam Phương
Lam Phương

Content Executive @ Brands Vietnam

Klook: 85% du khách Gen Z và Millennials tại APAC sẵn sàng chi tiền cho trải nghiệm

Trong ba quý đầu năm 2023, ngành du lịch đã bắt đầu thấy ánh sáng phục hồi sau đại dịch, mặc dù tăng trưởng vẫn chưa đạt được mức cao như trước đây. Điều đáng chú ý là cách mà thế hệ du khách mới đang thay đổi hành vi du lịch - họ đặt ưu tiên vào trải nghiệm và sẵn sàng chi tiêu một cách hào phóng, không quá đặt nặng câu chuyện lạm phát của nền kinh tế.

Tình hình phục hồi của ngành du lịch trong năm đầu sau đại dịch

So với năm 2019, ngành du lịch tại Mỹ và Châu Âu đang thể hiện sự phục hồi khả quan, tăng trưởng dần đều từ mức 25% lên mốc xấp xỉ trước đại dịch. Còn về khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, mặc dù tốc độ tăng trưởng chậm hơn so với các quốc gia phương Tây, nhưng nhìn chung, ngành du lịch tại APAC cũng đang trong quá trình phục hồi, với tỷ lệ phục hồi khoảng 75% so với cùng kỳ năm 2019, theo như ghi nhận trong mùa hè gần đây.

Theo ông CS Soong, Phó Tổng Giám đốc Phát triển Thị trường tại Klook, khách du lịch đang dần trở lại những điểm đến du lịch ưa thích của họ một cách thận trọng và dè dặt. Trong thời điểm này, trải nghiệm du lịch đã trở thành đơn vị tiền tệ quan trọng mới, đặc biệt với sự sẵn sàng chi tiêu của khách du lịch từ Thái Lan, Việt Nam và Ấn Độ.

Ông CS Soong, Phó Tổng Giám đốc Phát triển Thị trường tại Klook chia sẻ về tình hình của ngành du lịch trong năm 2023

Số tiền mà du khách dành cho trải nghiệm du lịch đang có xu hướng gia tăng ngay sau thời kỳ COVID-19. Đáng chú ý là 85% thế hệ Millennials và Gen Z tại Châu Á Thái Bình Dương cho biết họ đã sẵn sàng đầu tư và bỏ tiền vào các trải nghiệm. Cụ thể:

  • Hoạt động giải trí và sự kiện: Được xếp đầu bảng xếp hạng hoạt động yêu thích của khách du lịch từ Úc, Trung Quốc và Thái Lan.
  • Mát-xa & suối nước nóng: Là trải nghiệm ưa thích đối với khách du lịch từ Singapore (56%), Hồng Kông (54%), Hàn Quốc (54%), và Nhật Bản (50%).
  • Hoạt động khám phá thiên nhiên và ngoài trời: Được xếp hạng cao nhất bởi du khách đến từ Việt Nam (71%), Malaysia (70%), Ấn Độ (69%), và Philippines (67%).

Xu hướng du lịch Việt Nam năm 2023

Theo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, từ tháng 1 đến tháng 8 năm 2023, Việt Nam ghi nhận 86 triệu lượt khách du lịch nội địa, tăng 44% so với năm 2019. Đây là mức tăng trưởng vượt bậc, cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ của thị trường du lịch nội địa sau đại dịch COVID-19.

Nguyên nhân chính của sự tăng trưởng này đến từ các chuyến đi qua đêm, tăng 73% so với năm 2019. Điều này cho thấy du khách nội địa đang có xu hướng lựa chọn các chuyến du lịch dài ngày hơn, tận hưởng trọn vẹn vẻ đẹp của đất nước.

Ông Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc Điều hành Klook Việt Nam chia sẻ về hành vi của thế hệ du khách mới

Theo Klook, nhu cầu du lịch trong nước 8 tháng đầu năm 2023 đã tăng gấp đôi so với năm 2019. Các điểm tham quan, đặc biệt là các công viên giải trí và công viên nước là những trải nghiệm được du khách nội địa đặt nhiều nhất.

Bên cạnh đó, du lịch nước ngoài từ Việt Nam cũng đang dần phục hồi. Từ tháng 1 đến tháng 8 năm 2023, phân khúc du lịch nước ngoài của Klook Việt Nam đã phục hồi và đạt 109% so với năm 2019. Klook ghi nhận mức chi tiêu cao hơn cho mỗi lượt đặt đơn du lịch nước ngoài, tăng 44% so với năm 2019.

Tương tự như các chuyến du lịch trong nước, các điểm tham quan, đặc biệt là các công viên giải trí và công viên nước cũng là những trải nghiệm được du khách Việt đặt nhiều nhất khi họ đi du lịch nước ngoài.

Với những tín hiệu khả quan trên, du lịch Việt Nam đang dần trở lại quỹ đạo tăng trưởng. Đây là tín hiệu tích cực cho ngành du lịch và nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.

Mạng xã hội là bí kíp du lịch của Gen Z và Millennials

Theo nghiên cứu Nhịp đập Du lịch 2023, mạng xã hội là công cụ quan trọng nhất cho du khách Gen Z và Millennials trong việc lên kế hoạch cho chuyến đi của họ.

Tại Việt Nam, 69% Gen Z sử dụng mạng xã hội là công cụ đầu tiên để tìm cảm hứng và lập kế hoạch du lịch. Trong khi đó, con số này ở APAC là 54%.

9 trên 10 du khách Gen Z và Millennials tham gia nghiên cứu cho biết họ thường kiểm tra các đánh giá và dựa vào các đề xuất du lịch trên mạng xã hội khi lên kế hoạch cho kỳ nghỉ.

67% du khách ở Châu Á Thái Bình Dương và 73% ở Việt Nam thích kiểm tra đánh giá và điểm đánh giá, xem đó là nguồn thông tin quan trọng trước khi đặt vé.

Điều này cho thấy sự chuyển đổi sang du lịch với xã hội - tìm kiếm, nhận và chia sẻ thông tin về du lịch trên mạng xã hội - không chỉ là một giai đoạn nhất thời. Đây được xem là điều bình thường mới.

Ghi nhận sự thay đổi trong cách thế hệ du khách tiếp theo tìm cảm hứng cho kỳ nghỉ, vào 04/10 vừa qua, trong buổi gặp gỡ với báo chí, Klook công bố chiến dịch lớn nhất trong năm dành riêng cho thị trường Việt Nam - Siêu Lễ Hội Du Lịch Klook 2023 - Super Travel Days với những cột mốc quan trọng mới của công ty ở quy mô khu vực và Việt Nam.

Klook công bố chiến dịch Siêu Lễ Hội Du Lịch Klook 2023 - Super Travel Days

“Mục tiêu của chúng tôi là xây dựng một cộng đồng du lịch xã hội (social community) trong và ngoài Việt Nam, mà ở đó các thành viên chia sẻ kinh nghiệm và đánh giá, hướng dẫn và mẹo du lịch, cũng như đề xuất lịch trình du lịch, những việc cần làm, những nơi nên đi, và những món ăn phải thử, qua đó giúp khách du lịch Việt Nam và khách quốc tế đến Việt Nam kết nối với nhau nhiều hơn, và ai cũng có thể tận hưởng một chuyến du lịch liền mạch hơn.”, ông Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc Điều hành Klook Việt Nam chia sẻ.

Cụ thể, một trong những hoạt động thúc đẩy thế hệ du khách tiếp theo mà Klook triển khai chính là ứng dụng công nghệ AI để xây dựng chatbot Klook AI (K.AI) nhằm tối ưu hỗ trợ khách hàng trong việc lập kế hoạch du lịch và quyết định đặt vé.

Theo Lam Phương / Brands Vietnam