Marketer Như Hạnh
Như Hạnh

Reporter @ MOT Magazine

Giải mã sức hút của những “cú bắt tay” giữa nhà thiết kế và thương hiệu

Việc hợp tác giữa các thương hiệu và nhà thiết kế không chỉ tạo nên hiệu ứng tốt trong truyền thông mà còn tạo ra chiến lược phát triển kinh doanh hiệu quả.

Nội dung bài viết được đăng lần đầu tại Tạp chí Mốt Việt Nam - Bản in

Xu hướng mới trong ngành thời trang Việt

Co-branding giữa nhà thiết kế và thương hiệu thường khiến công chúng đặt ra câu hỏi: “Vì sao các nhà thiết kế sở hữu thương hiệu riêng vẫn lựa chọn kết hợp cùng thương hiệu khác?”.

BST thời trang bền vững của Faslink và NTK Lâm Gia Khang.

Nhìn lại thị trường thời trang Việt những năm gần đây, việc hợp tác giữa nhà thiết kế và thương hiệu đã tạo tiếng vang nhất định cho doanh nghiệp tiên phong theo hướng đi mới. Vào tháng 6/2023 vừa qua, giới mộ điệu thời trang đã được dịp chiêm ngưỡng một “bản hòa phối” giữa thời trang cao cấp hòa và yếu tố bền vững ấn tượng của Faslink. Được biết, BST được NTK trẻ Lâm Gia Khang sáng tạo nhằm đánh dấu kỷ niệm 15 năm phát triển Faslink.

“Sandal Boot VAS x T.A.O Limited Edition” của Vascara và NTK Võ Công Khanh

Không chỉ đồng hành cùng các NTK đình đám trong các show diễn thời trang, cuối năm 2022, Vascara đã khuấy động thị trường thời trang Việt khi cùng NTK Võ Công Khanh, một trong những nhân vật gạo cội ghi dấu ấn của thời trang Việt, ra mắt một mẫu thiết kế với tên gọi “Sandal Boot VAS x T.A.O Limited Edition”. Bên cạnh đó, màn hợp tác giữa Hanoia và NTK Lưu Việt Anh trong những sản phẩm thời trang cao cấp sử dụng vải lụa Lãnh Mỹ A trong BST phụ kiện “Hanoia x Luu VietAnh 2022” cũng tạo nên sự thú vị cho ngành thời trang.

Ngoài ra, năm 2020 cũng chứng kiến một sự kiện gây sức hút không kém khi thương hiệu Biti’s Hunter ra mắt phiên bản giày có cá tính đương đại mang tên “Biti’s Hunter Nameless Edition x Công Trí”. Sự kết hợp với nhà thiết kế tên tuổi của làng thời trang Việt, người từng nhiều lần chinh phục thị trường quốc tế, đã khiến sản phẩm nhanh chóng nhận được sự chú ý trước khi ra mắt.

Những màn kết hợp đi vào lịch sử

Co-Branding là một trong những chiến lược hiệu quả của ngành thời trang. Mới đây, thông tin NTK người Anh – Clare Waight Keller – kết hợp cùng UNIQLO trong BST Fall/Winter 2023 cũng đã khiến giới mộ điệu thích thú. Bởi đây được xem là dấu mốc của một thời kỳ mới cho dòng trang phục nữ của thương hiệu này.

UNIQLO không phải là thương hiệu đầu tiên tạo ra xu hướng thú vị này. Trước đây, đã có nhiều nhà thiết kế từng tạo nên lịch sử cùng các nhà mốt đình đám. Có thể kể đến hàng loạt các thương vụ co-branding thành công trong quá khứ như: Sự kết hợp giữa nhạc punk và di sản, quá khứ và tương lai của Burberry với NTK Vivienne Westwood (2018); Stella McCartney hợp tác với tập đoàn xa xỉ LVMH để thúc đẩy thương hiệu Stella McCartney House (2019); hay Anthony Vaccarello cùng Helmut Lang tạo nên tác phẩm điêu khắc trong dự án Saint Laurent Rive Droite của Saint Laurent (2020)...

UNIQLO Fall/Winter 2023 của NTK Clare Waight Keller.

Ngay cả những thương hiệu thời trang nhanh cũng không bỏ lỡ chiến lược co-branding để nâng tầm danh tiếng. Kinh điển nhất là màn hợp tác sáng tạo lâu dài của H&M với các nhà thiết kế được giới mộ điệu công nhận là huyền thoại. Gã khổng lồ Thụy Điển mở ra cuộc “cách mạng hóa” ngành thời trang cao cấp trong hơn hai thập kỷ kể từ khi ra mắt BST đại diện cho mối quan hệ hợp tác đầu tiên với Karl Lagerfeld (2004). BST nhanh chóng cháy hàng ngay lần đầu ra mắt.

Từ đây, H&M trở thành một trong số ít thương hiệu thành công trong việc hợp nhất thời trang cao cấp với thời trang dạo phố. Sau này, tiếp bước Karl Lagerfeld, các nhà thiết kế gạo cội khác như Viktor và Rolf, Roberto Cavalli, Jimmy Choo, Lanvin, Martin Margiela, Rei Kawakubo, Donatella Versace, Balmain, Kenzo, Moschino… cũng đã đóng góp tên tuổi của họ vào chiến lược hợp tác dài lâu của H&M.

Karl Lagerfeld mở ra thời kỳ hợp tác huyền thoại cho H&M.

Lý giải sức hút của những “cú bắt tay”

Tại sao nhà thiết kế và thương hiệu lại quyết định kết hợp? Đầu tiên, phải khẳng định, mọi mối quan hệ hợp tác đều tạo ra hiệu ứng mạnh về mặt truyền thông, tăng nhận diện thương hiệu từ đó thúc đẩy doanh số bán hàng. Với chi phí không hề nhỏ đầu tư cho mỗi BST, màn hợp tác của nhà thiết kế và doanh nghiệp thời trang sẽ tận dụng được tên tuổi và lượng khách hàng có sẵn của thương hiệu. Đồng thời, chiến dịch có thể kết hợp cùng nhiều chương trình khuyến mãi tại thời điểm đó nhằm thúc đẩy doanh số dễ dàng.

Điển hình là năm 2019, mối quan hệ hợp tác gây chú ý của H&M với nhà may thời trang Giambattista Valli có trụ sở tại Paris đã được công bố tại Gala amfAR thường niên lần thứ 26, với Kendall Jenner, Chiara Ferragni, Bianca Brandolini, Ross Lynch… Năm đó là lần đầu tiên, H&M thực hiện đợt giảm giá kép cho BST phiên bản giới hạn ra mắt tại các cửa hàng vào ngày 25/5 và lần thứ hai (giảm giá lớn hơn) vào tháng 11 theo truyền thống.

BST Giambattista Valli tạo doanh số cao nhất trong lịch sử H&M.

Đối với các nhà thiết kế trẻ, việc hợp tác với các thương hiệu thời trang bán lẻ có thể xem như một bệ phóng vững chắc. Tại New York, các nhà thiết kế Prabal Gurung, Jason Wu và Proenza Schouler đã hợp tác với Target. Tại London, các “ngôi sao” sàn runway như Christopher Kane, Ashish, House of Holland, Charles Jeffrey và Meadham Kirchhoff đã dựa vào sự hợp tác với Topshop để thúc đẩy hoạt động kinh doanh.

NTK Jonathan Anderson cho biết tại buổi ra mắt sự hợp tác của JW Anderson với Converse: “Đôi khi bạn phải thay đổi những nguyên tắc cơ bản của lĩnh vực mà mình đang theo đuổi, việc này tốn rất nhiều công sức. Bạn phải tự đặt câu hỏi và nghĩ cách giữ cho thương hiệu của mình luôn phát triển”. Jonathan Anderson đã hợp tác với một số thương hiệu – bao gồm UNIQLO, Sunspel, Topshop, Converse – đồng thời thừa nhận rằng hợp tác với các thương hiệu hàng đầu là một phần thiết yếu trong việc phát triển một nhãn hiệu non trẻ.

Thiết kế Christopher Kane cho Topshop.

Khi các Giám đốc Sáng tạo có thể đến và đi khỏi thương hiệu một cách đột ngột, sự hợp tác bên ngoài mang lại cho các nhà điều hành thời trang và thương hiệu cảm giác an toàn hơn. Ngoài ra, kết hợp với các nhà thiết kế không phải nhân sự trong doanh nghiệp như một “làn gió mới” giúp thương hiệu có nhiều BST mới mẻ, đột phá. Đặc biệt, đối với các doanh nghiệp thời trang bán lẻ hướng đến khách hàng đại trà, sự đòi hỏi về giá thành, chất lượng và tính thời trang càng cao. Lúc này, việc hợp tác có thể tạo ra các phiên bản rẻ hơn cho các thiết kế, đủ mới lạ để thu hút sự chú ý nhưng vẫn phù hợp với phong cách quen thuộc của họ.

Tuy việc kết hợp giữa nhà thiết kế và thương hiệu không phải là một khái niệm mới, nhưng vẫn còn nhiều tiềm năng trong tương lai. Và chắc chắn, với các tín đồ thời trang luôn yêu thích sự mới mẻ, sự kết hợp tạo ra cá tính mới cho BST của thương hiệu luôn là sự kiện đáng mong chờ.

Như Hạnh