Marketer Nguyễn Tô Thanh An
Nguyễn Tô Thanh An

Senior Content Executive @ Brands Vietnam

Sự phẫn nộ của Đại tá KFC, vụ kiện của YouTuber MrBeast và nỗi lòng của nhà sáng lập

Dù xảy ra ở hai thời điểm khác nhau và tưởng chừng không liên quan, song vụ kiện của Đại tá Kentucky và YouTuber MrBeast có khá nhiều điểm giống nhau, đồng thời để lại nhiều điều khiến các nhà sáng lập phải suy ngẫm và trăn trở.

Sự tức giận của Đại tá KFC

Vào năm 1971, Đại tá Kentucky Harland David Sanders – biểu tượng kinh điển của KFC, đã quyết định bán lại thương hiệu KFC cho công ty Heublein. Cho đến năm 1974, The New York Time đưa tin Đại tá Sanders đã đưa đơn kiện và yêu cầu công ty Heublein bồi thường 122 triệu USD. Cụ thể hơn, công ty Heublein bị cáo buộc lạm dụng hình ảnh và tên tuổi của Đại tá Sanders để quảng bá cho các sản phẩm khác như bánh ngọt, bánh mì và các sản phẩm từ sữa… mà không được thông báo.

Tuy nhiên, đến năm 1975, vợ chồng ông Sanders nhận được chi phí hòa giải là 1 triệu USD từ công ty Heublein. Vụ kiện xem như được dàn xếp ổn thỏa, đồng thời vị Đại tá vẫn tiếp tục duy trì vai trò Đại sứ Thương hiệu cho KFC.

Chân dung Đại tá Kentucky Harland David Sanders – biểu tượng kinh điển của thương hiệu KFC.
Nguồn: KFC

Dẫu vậy, vị Đại tá vẫn còn nhiều điều bất mãn và không hài lòng về cách điều hành của công ty Heublein. Vào tháng 9/1976, tức là 4 năm trước khi Đại tá Sanders qua đời, The New York Time phát hành bài viết “For the Colonel, It Was Finger‐Lickin” kể về sự tức giận và tiếc nuối của Đại tá Sanders khi đã bán lại hình ảnh thương hiệu cho công ty Heublein.

Bài viết mở đầu với chuyến ghé thăm bất ngờ của vị Đại tá tại cửa hàng KFC ở Greenwich Village. Nguyên nhân dẫn đến chuyến ghé thăm này là khi ông nhận được lời phàn nàn từ một người quen về món gà rán ở cửa hàng KFC, cộng thêm việc vị Đại tá vốn dĩ đã không hài lòng với cách vận hành của KFC kể từ khi ông nhượng quyền và bán lại thương hiệu.

Bài viết “For the Colonel, It Was Finger‐Lickin” được đăng trên The New York Times vào năm 1976
Nguồn: The New York Times

Khi ông Sanders ghé thăm cửa hàng, ông tình cờ gặp được hai mẹ con đang dùng bữa tại đó. Cậu bé ấy đã rất ngạc nhiên khi nhìn thấy một hình ảnh quen thuộc cậu luôn nhìn thấy khi ăn gà rán. Trong khi đó, người mẹ lại có vẻ hoài nghi, vì bà dường như chưa bao giờ nghĩ rằng biểu tượng đó là một người có thật. Sau đó, vị Đại tá chủ động trò chuyện với hai mẹ con và tặng cho cậu bé một tấm ảnh của chính ông có kèm theo chữ ký.

Tiếp theo, vị Đại tá cứ thế bước vào căn bếp của cửa hàng mà không cần xin phép bất cứ ai. Ông Thaddeus Singleton – Quản lý Chi nhánh KFC Greenwich Village đã nhiệt tình mời vị Đại tá vào tham quan mà không hề nghĩ ngợi về những gì sắp xảy ra.

Khi vừa bước vào căn bếp, vị Đại tá liên tục phàn nàn về chất lượng thức ăn mà cửa hàng này phục vụ. Đầu tiên, ông bước tới thùng gà rán và nói rằng những miếng gà này có màu sắc quá tối và lẽ ra chúng nên có màu vàng nâu. Không chỉ vậy, ông thấy rằng thời gian chiên gà đến 12 phút là quá lâu, chỉ cần 6 phút là đủ. Ông cũng chú ý rằng lượng dầu đang dùng để rán gà nên được thay mới từ tuần trước. Vị Đại tá còn khẳng định đây là món gà rán tệ nhất mà ông từng thấy.

Kế đến, khi ông Singleton giải thích cách chế biến món khoai tây nghiền và salad trộn, vị Đại tá tiếp tục bày tỏ sự bực dọc. Ông ví món khoai tây nghiền giống như miếng giấy dán tường và nếu thêm một ít nước sốt màu nâu vào thì nó chẳng khác gì một đống bùn. Đối với món salad trộn, vị Đại tá nói rằng không có ai làm theo công thức của ông và lẽ ra món này không cần có cà rốt, chỉ có mỗi bắp cải là đủ.

Khi ông Singleton trả lời rằng ông chỉ làm theo những gì được hướng dẫn. Đại tá Sander mới nhẹ nhàng nói rằng: “Đó không phải lỗi của anh. Anh chỉ đang làm việc cho một công ty mà họ không biết mình đang làm gì.”

“Thật tệ, vì những điều ảnh hưởng tiêu cực đến danh tiếng thương hiệu”. Vị đại tá để lại câu nói ấy trong lúc rời đi.

Đại tá Sanders không hài lòng với cách vận hành thương hiệu KFC của công ty Heublein.
Nguồn: KFC

Không bao lâu sau, ông Anthony Tortorici – Giám đốc Quan hệ Công chúng tại Heublein gọi điện thoại cho Đại tá nói rằng: “Chúng tôi rất biết ơn khi có Đại tá ở bên để giúp chúng tôi cẩn trọng hơn, nhưng ông ấy là người theo chủ nghĩa thuần túy và các tiêu chuẩn của ông ấy chỉ phù hợp khi điều hành một vài cửa hàng. Nhưng hiện tại chúng tôi có hơn 5.500 người và điều đó có nghĩa là hơn 10.000 đầu bếp chiên gà thuộc nhiều lứa tuổi và năng lực chuyên môn khác nhau.

Món gà chiên chưa chín kỹ khiến khách hàng không hài lòng. Do đó chúng tôi sử dụng giải pháp an toàn là chiên ở nhiệt độ thấp với thời gian lâu hơn so với đại tá đề nghị. Chúng tôi cũng cho rằng món salad trộn có thêm cà rốt sẽ tạo thêm màu sắc và bắt mắt hơn.

Có vẻ Đại tá có tiêu chuẩn rất cao đối với các sản phẩm của ông cũng như cách ứng xử cá nhân. Tuy nhiên, chúng tôi cần những tiêu chuẩn rộng hơn để thích ứng với thế giới thực tế. Dẫu vậy, tôi xin đảm bảo rằng khi quay lại cửa hàng của chúng tôi, mọi người sẽ thấy sự cải thiện rõ rệt.”

Vụ kiện tụng giữa YouTuber MrBeast và công ty Virtual Dining Concepts

Trước khi tiếp tục với câu chuyện của Đại tá Kentucky, hãy cùng đến với một vụ việc khác khá tương đồng: Đó là vụ kiện tụng chưa đi đến hồi kết giữa ông Jimmy Donaldson – người được biết đến với cái tên YouTuber MrBeast – và công ty Virtual Dining Concepts (VDC).

Vào năm 2020, cả hai đã hợp tác để thành lập thương hiệu thức ăn nhanh MrBeast Burgers dưới hình thức “ghost kitchens”. Điều này có nghĩa là MrBeast Burger sẽ không có biển hiệu vật lý ở trước cửa hàng (storefront), mà thực đơn thức ăn sẽ được chế biến và phục vụ tại những quán ăn sẵn có. Kể từ đó, YouTuber MrBeast đã tận dụng danh tiếng của bản thân trên mạng xã hội để thu hút khách hàng. Được biết, có hơn 10.000 người xuất hiện tại buổi khai trương MrBeast Burger tại New Jersey. Tính đến cuối năm 2022, MrBeast Burger đã có mặt tại hơn 1.700 quán ăn trên toàn quốc.

Hơn 10.000 người xuất hiện tại buổi khai trương thương hiệu MrBeast Burger tại New Jersey.
Nguồn: Getty Images

Tuy nhiên, sau khi một số khách hàng phàn nàn về chất lượng thức ăn tại MrBeast Burger, ông Donaldson đã đâm đơn kiện công ty VDC vì những ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh thương hiệu MrBeast. Cụ thể hơn, theo Bloomberg đưa tin, đơn khởi kiện từ phía ông Donaldson đã trích dẫn nhiều đánh giá tiêu cực về chất lượng thức ăn lẫn cách phục vụ của khách hàng. Ngoài vấn đề về chất lượng thức ăn, văn bản khởi kiện của YouTuber đình đám cũng đưa ra một số lý do khác, chẳng hạn như giao hàng chậm trễ, bao bì gói thức ăn không có tên thương hiệu, giao thiếu sản phẩm trong đơn đặt hàng của khách hàng…

Ông Donaldson đã đâm đơn kiện công ty VDC vì những ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh thương hiệu MrBeast.
Nguồn: MrBeast Burger

Trong khi đó, theo thông cáo báo chí gửi cho The Verge, bà Amy Sadowsky – Phó Chủ tịch phòng Quan hệ Công chúng tại VDC cho biết, đơn khởi kiện từ phía ông Donaldson có nhiều tuyên bố sai sự thật và không chính xác. Không chỉ thế, họ cũng nói rằng trước đó ông Donaldson đã đưa ra một thỏa thuận mới, nhằm nhận được nhiều lợi ích hơn về mặt tài chính. Khi phía VDC từ chối thỏa thuận đó, cũng như không nhường thêm một số quyền kiểm soát công ty khác, YouTuber MrBeast quyết định đệ đơn kiện để chấm dứt hợp đồng với VDC, đồng thời tạo nên tác động tiêu cực đối với thương hiệu MrBeast Burger.

Sau đó một tuần, trang Variety đưa tin VDC đã đệ đơn kiện yêu cầu ông Donaldson đền bù thiệt hệ trị giá 100 triệu USD. Phía bên VDC đưa ra cáo buộc rằng ông Donaldson không thực hiện những nghĩa vụ đã có trong hợp đồng, bao gồm hoạt động truyền thông và quảng cáo cho thương hiệu, cũng như đưa ra những tuyên bố tiêu cực và không đúng sự thật.

Cho đến thời điểm này (tháng 9/2023), vụ kiện giữa YouTuber MrBeast và công ty đối tác VDC vẫn chưa đi đến hồi kết.

Vụ kiện giữa YouTuber đình đám MrBeast và công ty Virtual Dining Concepts vẫn chưa đi đến hồi kết.
Nguồn: Getty Images

Nỗi lòng của nhà sáng lập

Quay lại với câu chuyện của Đại tá Kentucky, trên thực tế, ông luôn được biết đến là một người có tiêu chuẩn rất cao về ẩm thực. Không chỉ vậy, ông cũng từng đi du lịch và trải nghiệm ẩm thực tại 44 quốc gia. Do đó, việc ông không hài lòng với cách thức phục vụ của những cửa hàng KFC sau khi bán công ty là điều dễ hiểu.

Tại một buổi tiệc, khi có người hỏi Đại tá cảm nhận đối với các sản phẩm mới của KFC như gà rán cực giòn và các loại nướng khác, ông bày tỏ sự tức giận về công ty Heublein và không muốn trả lời về điều đó.

Kế đến, vị Đại tá gần như nổi giận khi nghe được thông tin rằng nhân viên của KFC bỏ gà rán còn nóng hổi vào các hộp giấy. Ông nói rằng nếu làm vậy thì những miếng gà sẽ có mùi rất kinh khủng.

Nếu một nhà sáng lập quá yêu đứa con tinh thần của mình, phải chăng họ không nên nhượng quyền hoặc bán cho người khác?

Cuối cùng, ông nói rằng bây giờ KFC đã quá lớn mạnh và nằm ngoài tầm kiểm soát. Ông nói rằng: “Tôi cảm thấy rất tiếc vì đã bán đi thương hiệu KFC vào năm 1964. Nếu bây giờ công ty có quy mô nhỏ hơn, có lẽ mọi thứ sẽ tốt hơn rất nhiều. Mọi người nhìn thấy hình ảnh của tôi trong những quảng cáo mới và tự hỏi vì sao tôi lại để những sản phẩm đó mang tên mình. Điều đó thật đáng xấu hổ.”

Có thể thấy, cả hai câu chuyện đều có một điểm chung là sự thất vọng của người sáng lập khi không còn toàn quyền kiểm soát thương hiệu do chính mình tạo nên. Dù không rõ nội tình ngọn ngành ra sao, thật đáng tiếc khi Đại tá Sanders và YouTuber MrBeast phải rơi vào cảnh kiện tụng để bảo vệ danh tiếng cho đứa con tinh thần.

Như Đại tá Sanders đã nói, khi một thương hiệu ngày càng lớn mạnh thì càng khó kiểm soát. Để thương hiệu KFC và MrBeast Burger ngày càng được biết đến nhiều hơn, có lẽ điều đánh đổi lớn nhất của hai nhà sáng lập này là mục đích và mong đợi của họ khi thành lập thương hiệu đã không còn nguyên vẹn như ngày đầu.

Như vậy, nếu một nhà sáng lập quá yêu đứa con tinh thần của mình, phải chăng họ không nên nhượng quyền hoặc bán cho người khác?

Theo Thanh An / Brands Vietnam
* Nguồn: Tổng hợp