ROI – Một chỉ số, đa ngành nghề (Phần 3)

Trong bài viết phần 2, chúng ta đã tìm hiểu thêm 3 yếu tố tăng cường cho cách tính ROI, bài viết kỳ này sẽ trình bày tiếp yếu tố tăng cường còn lại là Rủi Ro cùng 2 chủ đề sau cùng về ROI là: Thế nào là ROI tốt; và Cốt lõi của ROI cũng như ứng dụng đa lĩnh vực của nó.

5. Thuế

Trước tiên, chúng ta sẽ tìm hiểu xem Rủi Ro tác động thế nào đến ROI. Rủi Ro ở đây biểu hiện qua 2 phương diện:

  • Khả năng xảy ra rủi ro – được biểu thị bằng con số %, khả năng này do bạn phán đoán theo trực giác, kinh nghiệm hoặc tham khảo từ các báo cáo số liệu
  • Kết quả của rủi ro đó – biểu thị bằng số liệu lời hay lỗ của dự án.

Ví dụ: với tình huống đầu tư kinh doanh trà sữa với số vốn 50 triệu VND, doanh thu dự trù cuối năm 1 là 200 triệu VND; ROI = (200,000,000 - 50,000,000)/50,000,000 = 300%

Nếu cân nhắc kĩ càng hơn, chúng ta sẽ thấy một vấn đề là dự án đầu tư nào cũng có rủi ro… lỗ, vấn đề là khả năng xảy ra điều đó là bao nhiêu. Chẳng hạn sau khi xem xét, cân nhắc, bạn đưa ra nhận định: 50% khả năng dự án thất bại – tức doanh thu là 0; và 50% khả năng dự án thành công với doanh thu cuối năm 1 là 200 triệu VND; khi này, con số ROI tổng hợp chính là con số ROI trung bình trọng số cho cả 2 khả năng trên:

ROI (TB) = 50% x [(0 – 50,000,000)/50,000,000] + 50% x [(200,000,000 – 50,000,000)/50,000,000] = 100%

ROI của bạn đã giảm xuống 3 lần khi cân nhắc đến rủi ro; vậy với ROI 100% trong trường hợp này, chúng ta có nên chọn đầu tư hay không? Hay nói cách khác, thế nào là ROI tốt?

ROI TỐT

Thật ra câu trả lời hoàn toàn tùy thuộc vào… bạn, vì tiền đầu tư là của bạn, chính bạn quyết định nên hay không nên; nói cụ thể hơn, nó tùy theo khả năng chấp nhận rủi ro của bạn. Trong tình huống trên, ROI tổng hợp là 100%, một con số tương đối cao nhưng xác suất thất bại là 50%, liệu bạn chấp nhận được 50% này không? Có người có, và có người không. Vì vậy, bạn hãy cân nhắc và tự lập một ngưỡng chấp nhận rủi ro cho mình để ra quyết định. Thông thường, những người thận trọng có xu hướng chấp nhận một con số ROI không quá cao để đổi lấy rủi ro thấp – chẳng hạn như gửi tiền vào ngân hàng.

CỐT LÕI CỦA ROI

Đến đây, chúng ta đã tiếp cận qua nhiều cách tính toán, điều chỉnh ROI; bạn có thể rút ra một điều rằng: về cốt lõi, ROI là một loại chỉ số đo lường cái bạn nhận được so với cái bạn bỏ ra khi bạn thực hiện một công việc nào đó. Dựa trên cốt lõi đó, chúng ta có thể vận dụng ROI rộng rãi hơn nữa. Sau đây là một số trường hợp tham khảo:

  • ROI xã hội – Social Return On Investment. Nói vắn tắt, cách tính ROI truyền thống chỉ thuần túy đo lường về số tiền, và chỉ quan niệm cái nhận lại – Return – là lợi nhuận của dự án mà thôi; tuy nhiên, bên cạnh việc mang lại lợi nhuận, nhiều dự án còn gây những tác động khác đến cộng đồng, xã hội, môi trường… – cả tích cực lẫn tiêu cực. Chẳng hạn một công ty sản xuất thực phẩm xả thải trực tiếp xuống sông gây ô nhiễm, phần thiệt hại do ô nhiễm này không được quy ra tiền và không được tính vào phép tính ROI; tương tự, một dự án xây dựng công viên tạo mảng xanh và không gian sinh hoạt sạch cho cộng đồng, giúp tăng chất lượng sống cho cộng đồng, đây là phần lợi ích không được tính đếm trong phép tính ROI. Do đó, hiện nay có nhiều tổ chức phi chính phủ, thiện nguyện, hoặc các công ty làm dự án cộng đồng áp dụng cách tính SROI – tức ROI xã hội; họ sẽ cố gắng dự trù, liệt kê các lợi ích/thiệt hại đến môi trường, cộng đồng, xã hội nói chung và quy đổi ra giá trị tiền để đưa vào phép tính ROI.
  • ROI cho các chiến dịch Marketing, truyền thông. Tương tự như trên, chúng ta có thể tính ROI cho một bài post trên fanpage bằng cách quy thời gian, nỗ lực viết bài cùng số lượt tương tác với bài viết ra giá trị tiền. Nỗ lực viết bài sẽ được đo bằng thời gian làm việc để hoàn thành bài viết đó, hoặc tham khảo giá bài viết trên thị trường. Số lượt tương tác sẽ được quy ra tiền bằng cách tính trung bình bao nhiêu lượt tương tác sẽ có một lượt mua hàng…
  • Bạn cũng có thể áp dụng ROI cho các vấn đề cá nhân: chẳng hạn việc học. Lúc này, bạn không nhất thiết phải quy ra tiền, mà có thể biểu thị ROI bằng một phân số. Chẳng hạn: (3 đơn vị kiến thức/1 giờ học); hoặc (1 bài/2 giờ học)

KẾT

Qua loạt bài viết này, chúng ta đã tìm hiểu tương đối kĩ càng về chỉ số tài chính ROI, Cask hy vọng việc vận dụng ROI sẽ giúp bạn có những lựa chọn đầu tư hiệu quả.

Khóa học "Finance for Non-Finance Managers" tại CASK Academy – Tài chính ứng dụng dành cho người làm Marketing, Brand, Trade, Sales & SMEs được hệ thống đầy đủ trong 2 ngày học.

► Link Tham khảo: https://www.cask.vn/business/finance

► Đọc thêm kiến thức về Finance tại: https://www.cask.vn/blog/tai-chinh

DOWNLOAD BROCHURE và xem lịch khai giảng tất cả khóa học trong năm 2023 tại: https://www.cask.vn/lich-khai-giang