Marketer Như Hạnh
Như Hạnh

Reporter @ MOT Magazine

Nước hoa và Thời trang: Sự song hành đầy đam mê

Vốn là biểu tượng của sáng tạo, sự thời thượng và xa hoa, từ lâu thời trang đã truyền cảm hứng mạnh mẽ để phát triển nước hoa, đồng thời nước hoa cũng hòa nhập với thời trang trên sàn diễn để tạo ra các BST hoàn hảo. Cùng Mốt Việt Nam du hành thời gian, tìm kiếm mối liên hệ giữa thời trang cao cấp và mùi hương mê hoặc.

Khởi nguồn của sự gắn bó bền chặt

Có thể nói, Gabrielle Bonheur Chanel chính là người đưa nước hoa bén duyên với thời trang. Kể từ khi Coco Chanel nhờ Ernest Beaux tạo ra CHANEL N°5 mang tính biểu tượng, trở thành loại nước hoa nổi tiếng chất đầy những bông hoa đắt tiền, đã đánh dấu sự khởi đầu chưa từng có với ngành nước hoa. Và kể từ đó, các bộ sưu tập của Chanel đã đi đầu trong xu hướng thời trang, tiên phong trong “thuật ngữ” ngày nay gọi là “vẻ ngoài tổng thể”; ngụ ý rằng một bộ trang phục không thể hoàn thiện nếu thiếu mất nước hoa.

Hình ảnh đại diện đầu tiên được biết đến của nước hoa CHANEL N°5.
Nguồn: The Wall Street Journal

Ngay sau đó, Christian Dior, Yves Saint Laurent, Givenchy… tất cả những nhà thiết kế vĩ đại đều nối gót Coco Chanel. Năm 1947, Dior tạo ra Miss Dior và giống như Chanel đã làm, quảng bá nước hoa như một phong cách sống và một khái niệm vượt lên trên chính thương hiệu. “Nước hoa là bước hoàn thiện cho một chiếc váy. Một loại nước hoa là một cánh cửa mở ra một vũ trụ được khám phá lại. Đó là lý do tại sao tôi trở thành một nhà chế tạo nước hoa: bằng cách mở một chai, bạn có thể thấy tất cả những chiếc váy của tôi...” – Christian Dior từng chia sẻ.

Đến những năm 1970, việc sản xuất nước hoa trở nên quốc tế và dân chủ hơn, các thương hiệu “pret-a-porter” Hugo Boss, Cacharel và Lacoste bắt đầu tung ra các dòng nước hoa của riêng họ. Và thương vụ gần nhất là màn bắt tay giữa L’Oréal với Valentino (2018), để sản xuất nước hoa và mỹ phẩm cho nhãn hiệu thời trang Ý. Có thể nhiều người chưa biết, L’Oréal cũng là nhà sản xuất nước hoa, mỹ phẩm cho Armani cũng như Saint Laurent.

Ngày nay, thời trang cao cấp và nước hoa gắn chặt gần như không thể tách rời. Bất kể là Gucci, Tom Ford, Prada, Armani, Givenchy, Valentino, hay Viktor & Rolf... những thương hiệu này đều đồng thời gợi lên trong tâm trí khách hàng phong cách thời trang và nước hoa xa xỉ mỗi khi được nhắc đến.

Mặc dù chưa phát huy được hết vai trò của nước hoa đối với thời trang, nhưng tại thị trường Việt Nam những năm gần đây, một số local brands thời trang đã tinh tế hơn trong việc sử dụng nước hoa tô điểm cho các BST thời trang. Điển hình như: SIXDO của NTK Đỗ Mạnh Cường lựa chọn F Fresh Spray như một mùi hương “Signature” để tạo sự khác biệt cho các BST của thương hiệu; nước hoa CM24 của Coolmate giúp tăng độ hấp dẫn cho phái mạnh.

Yves Saint Laurent và buổi ra mắt nước hoa Paris năm 1983.
Nguồn: Musée Yves Saint Laurent Paris

Dễ dàng tiếp cận phiên bản sang trọng

Có nhiều lý do để các thương hiệu thời trang cao cấp mở rộng sang thị trường nước hoa, bao gồm: khả năng tiếp cận tệp khách hàng rộng và tạo ra nhiều doanh thu hơn, thiết lập lòng trung thành với thương hiệu, duy trì sự quan tâm của tín đồ thời trang với các BST, thể hiện sự sáng tạo, kéo gần khoảng cách giữa khách hàng và thương hiệu...

Nước hoa là cánh cổng dẫn người tiêu dùng thẳng đến vũ trụ của thương hiệu. Nếu không đủ khả năng mua những bộ váy thời trang xa xỉ, họ có thể sở hữu nước hoa và trở thành “tín đồ” của các nhà mốt. Đối với những thương hiệu thời trang xa xỉ, nước hoa đóng vai trò thiết yếu kép. Trong một thế giới nơi mọi thứ phát triển nhanh chóng, nước hoa cho phép họ “dừng thời gian” bằng những sáng tạo vượt thời gian, như cách CHANEL N°5 huyền thoại đã trường tồn với thời gian. Đồng thời, các thương hiệu chỉ cần bỏ ra ít chi phí sản xuất hơn nhưng thu hút được nhiều nhóm khách hàng khác nhau, đảm bảo lợi nhuận cao.

Vì vậy, các nhà mốt thường tung ra những dòng nước hoa với mức giá phù hợp, để khéo léo thiết lập lòng trung thành của khách hàng. Bên cạnh đó, nhiều người tiêu dùng còn có tâm lý coi nước hoa cao cấp là một cách bắt đầu trải nghiệm giá trị của thương hiệu. Ban đầu họ chỉ thử một phụ kiện đơn giản, sau đó là hương thơm “định vị thương hiệu” theo thời gian, cuối cùng mới là thời trang.

Moschino đưa nước hoa lên sàn catwalk.
Nguồn: Tatler Asia

Thời trang nhanh phai, hương thơm lưu lại

Không giống như BST thời trang thay đổi theo mùa, nước hoa được tạo ra để “du hành”, vượt khái niệm thời gian và xu hướng. Nếu như những đổi mới do thời trang mang tính hiện đại và mới mẻ, thì nước hoa tổng hợp để phát triển theo một chiều hướng trường tồn. Tuy cả hai đối lập nhau nhưng lại bổ sung cho nhau một cách phi thường. Duy trì mối liên kết chặt chẽ giữa nước hoa và thời trang là điều cần thiết đối với các hãng thời trang. Bởi nước hoa luôn đóng vai trò chủ đạo phản ánh hình ảnh mà nhà mốt muốn truyền tải.

Vì vậy, các thương hiệu phụ thuộc rất nhiều vào các sáng tạo nước hoa để làm nổi bật BST, và biến nước hoa thành một biểu tượng thực sự của nhà mốt. Đồng thời, việc xuất hiện trong những tin tức mới của các buổi trình diễn thời trang cũng giúp đưa nước hoa của các hãng trở thành tâm điểm chú ý. Bằng cách kết hợp lâu năm, các nhà mốt thời trang luôn trăn trở để tìm ra sự cân bằng phù hợp giữa thời trang và nước hoa, cũng như sự kết hợp nhất quán giữa sự đổi mới và hình ảnh thương hiệu.

Charo Izquierdo, nhà báo nổi tiếng kiêm viện sĩ danh dự của Học viện Nước hoa, cho biết: “Nước hoa đã trở thành động lực cho các thương hiệu thời trang. Nước hoa là thời trang. Thời trang có lẽ không thể tồn tại nếu không có nước hoa”. Tất cả cho thấy, nước hoa đang giúp các thương hiệu cao cấp xâm nhập ngành công nghiệp thời trang – làm đẹp với lợi nhuận khổng lồ. Các nhà mốt xa xỉ đã tận dụng danh tiếng về chất lượng, tính độc quyền của họ để tạo ra những loại nước hoa danh giá, được ưa chuộng như một cách thể hiện sự sáng tạo, đổi mới, để nâng cao hình ảnh tổng thể của thương hiệu. Như thể nước hoa hỗ trợ để thời trang thực sự trở thành “thời trang” một cách hoàn mỹ.

Như Hạnh