Giải mã ngành hàng tiêu dùng nhanh và xu hướng tiêu dùng tại Việt Nam

Ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) tại Việt Nam đã phục hồi vô cùng ấn tượng kể từ năm 2022. Nguyên nhân cho sự trở lại là nhờ vào nhu cầu tăng vọt của người tiêu dùng đối với các nhu yếu phẩm, sản phẩm chăm sóc gia đình và chăm sóc cá nhân. Trong bài viết này, hãy cùng Ori khám phá những xu hướng tiêu dùng mới nhất cũng như sự thay đổi trong hành vi mua sắm và ý định chi tiêu của khách hàng. Cuối cùng, bài viết sẽ đề cập một vài chiến lược chính giúp các công ty hoạt động trong ngành FMCG tại Việt Nam gặt hái được thành công trong bối cảnh lạm phát, suy thoái kinh tế toàn cầu như hiện nay.

Nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng FMCG tại Việt Nam đã tăng trưởng trở lại bình thường

Tại Việt Nam, ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) đã trở lại bình thường. Đây là tín hiệu tích cực cho sự khởi sắc của nền kinh tế. Theo dữ liệu của NIQ, năm 2022, tốc độ tăng trưởng của ngành FMCG chạm mốc 9,6%, vượt qua mức trước COVID của năm 2019. So với năm 2021, ngành này đã có mức tăng trưởng vượt trội khi chạm mốc 17,5%. Điều này càng khẳng định về một tương lai đầy hứa hẹn.

Sự gia tăng nhu cầu đối với các sản phẩm liên quan đến sức khỏe và vệ sinh cũng như các sản phẩm thiết yếu hàng ngày đã đóng góp đáng kể vào sự tăng trưởng của ngành FMCG. Rõ ràng, sự tăng trưởng này cho thấy khả năng phục hồi nhanh chóng trong việc thích ứng với những sự thay đổi trong hành vi cũng như sự quan tâm của người tiêu dùng của ngành hàng tiêu dùng nhanh.

Theo NielsenIQ

Lạm phát tác động đến doanh số bán hàng của ngành FMCG

Khi theo dõi báo cáo của NIQ, tiêu dùng hữu cơ (organic consumption) và biến động giá cả là hai tác nhân chính ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng của ngành FMCG trong năm 2022. Đặc biệt, sự thay đổi trong giá cả chiếm 5,8% vào tổng mức tăng trưởng chung.

Tuy nhiên, sự các yếu tố liên quan đến giá cả đóng góp vào sự tăng trưởng chung đã dẫn đến tình trạng lạm phát. Báo cáo của NIQ đã ghi nhận trong những quý đầu năm, ảnh hưởng của việc định giá đến tốc độ tăng trưởng có sự tăng lên đều đặn. Cũng theo dữ liệu của NIQ, Quý 1 năm 2023, ngành FMCG có mức tăng trưởng đạt 10,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù mức tăng trưởng này là một dấu hiệu tích cực nhưng các đơn vị sản xuất và các nhà bán lẻ cần theo dõi tác động của lạm phát đối với doanh số bán hàng trong những tháng tới. Sau đó, hãy điều chỉnh chiến lược giá của cho phù hợp để đảm bảo sự tăng trưởng bền vững.

Theo NielsenIQ

Ngoài ra, trên thực tế, các danh mục sản phẩm khác nhau sẽ có các mức giá khác nhau và đóng góp không đồng đều cho sự tăng trưởng chung của ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG). Chẳng hạn, yếu tố giá cả của các sản phẩm bia được ghi nhận đang đóng góp 14,2% cho sự tăng trưởng của ngành hàng này. Trong khi đó, thực phẩm thiết yếu hàng ngày (gạo, ngô, ngũ cốc,...) và các chế phẩm từ sữa đóng góp lần lượt 7,7% và 4,8%. Như vậy, rõ ràng, các tác động của giá cả đối với sự tăng trưởng của ngành hàng tiêu dùng nhanh là không đồng đều. Do đó, các công ty cần xem xét kỹ các danh mục sản phẩm cụ thể mà họ đang sản xuất và cung cấp cho thị trường. Qua đó, họ sẽ phát triển các chiến lược định giá phù hợp.

Xác định xu hướng, sự thay đổi trong tiêu dùng của người Việt Nam

Theo khảo Consumer Outlook 2023 được tiến hành bởi NIQ, khoảng 80% người tiêu dùng trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương có khả năng thay đổi sở thích mua sắm của họ trong năm 2023. Tại Việt Nam, xu hướng này được thể hiện rõ ràng đối với ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG). Cụ thể, người tiêu dùng Việt đã thay đổi hành vi mua sắm dựa trên mong muốn sang nhu cầu thực tế. Các mặt hàng thiết yếu như lương thực hàng ngày (gạo, ngũ cốc,...), sản phẩm từ sữa, nhu yếu phẩm gia đình hay các sản phẩm chăm sóc cá nhân, mỹ phẩm là những ưu tiên hàng đầu.

Khi nhìn vào báo cáo nghiên cứu Economic Divide được thực hiện bởi NIQ, người tiêu dùng Việt Nam được chia thành 5 nhóm riêng biệt dựa trên tình hình tài chính của họ đã bị ảnh hưởng như thế nào trước những áp lực kinh tế và xã hội gần đây. Theo đó, 70% người tiêu dùng Việt Nam thuộc nhóm nhóm "Người chi tiêu thận trọng" (Cautious Spender) và "Người tiêu dùng phục hồi" (Rebounder). Mặc dù hai nhóm này có các cách khác nhau trong việc quản lý chi tiêu, nhưng cả hai có điểm chung là đều chú trọng vào việc mua sắm thông minh và tìm kiếm những giá trị tốt hơn. Cụ thể, họ cắt giảm việc tiêu thụ rượu hay các khoản chi tiêu bên ngoài không cần thiết. Thay vào đó, họ thường xuyên mua sắm tại các cửa hàng giảm giá. Ngoài ra, nếu giá cả tăng lên, nhóm khách hàng này có thể sẽ cắt giảm các mặt hàng không thiết yêu như bánh kẹo, đồ uống có cồn,...

Tuy nhiên, dù vậy, xu hướng trên không đồng nghĩa với việc giảm giá là chìa khóa để thúc đẩy tăng trưởng cho doanh nghiệp. Bởi hành vi tiêu dùng của khách hàng mức tạp hơn rất nhiều. Mặc dù mức giá hợp lý nằm trong khả năng chi trả là yếu tố mà người tiêu dùng Việt Nam cực kỳ quan tâm, tuy nhiên họ cũng sẵn sàng trả giá cao hơn cho những sản phẩm đáp ứng nhu cầu và sở thích cụ thể. Bên cạnh đó, người Việt cũng ngày càng ý thức nhiều hơn về sức khỏe của họ. Do đó, nhu cầu tiêu thị những sản phẩm đồ ăn nhẹ, thực phẩm đóng gói hay đồ uống tốt cho sức khỏe ngày càng gia tăng. Do đó, để tận dụng sự thay đổi trong nhận thức này của người tiêu dùng Việt, các doanh nghiệp có thể xem xét, định vị lại các sản phẩm ở phân khúc cao cấp hơn. Tuy nhiên, doanh nghiệp cần đảm bảo rằng họ phải đáp ứng, giải quyết được các nhu cầu và giá trị cụ thể của tệp khách hàng mục tiêu.

Theo NielsenIQ

Các chiến lược chinh phục hiệu quả cho ngành hàng tiêu dùng nhanh tại thị trường Việt Nam

Khi ngành hàng tiêu dùng nhanh tiếp tục phát triển và hành vi người tiêu dùng cũng liên tục thay đổi, để thích ứng với những điều này, các doanh nghiệp và các đơn vị bán lẻ tại Việt Nam có thể áp dụng một số chiến lược để duy trì tính cạnh tranh cũng như phát triển bền vững:

- Nghiên cứu, phân tích và thấu hiểu ý định chi tiêu của từng phân khúc người tiêu dùng khác nhau để xây dựng chiến lược phù hợp.

- Xem xét, đánh giá lại các nguồn lực đã đầu tư cho toàn bộ danh mục sản phẩm và ưu tiên cao hơn cho danh mục hàng hóa thiết yếu.

- Thúc đẩy tăng trưởng, doanh số bán hàng thông qua chiến lược bán gói lớn hơn và đẩy mạnh các chiến lược tiếp thị cung cấp giá trị cho người tiêu dùng.

- Theo dõi xu hướng thị trường bên ngoài và tìm kiếm thời điểm vàng để thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng đối với những sản phẩm không thiết yếu. Bên cạnh đó, hãy chú ý đến chiến lược giá.

- Xây dựng niềm tin thương hiệu với người tiêu dùng là vô cùng cần thiết. Bởi người tiêu dùng thường mặc định coi các thương hiệu quen thuộc, phổ biến trên thị trường là những “sự lựa chọn an toàn”.

Ngành hàng tiêu dùng nhanh tại Việt Nam thời gian qua đã có sự tăng trưởng vượt bậc. Sở dĩ có sự chuyển biến tích cực này là nhờ những thay đổi trong hành vi cũng như sở thích của người tiêu dùng. Tuy nhiên, các yếu tố như lạm phát và sự thay đổi trong ưu tiên mua sắm của người tiêu dùng có khả năng ảnh hưởng đến doanh số bán hàng và lợi nhuận. Do đó, các doanh nghiệp hoạt động trong ngành FMCG phải theo dõi các chiến lược giá thật chặt chẽ. Điều quan trọng nhất là các công ty phải điều chỉnh cách tiếp cận nhằm đáp ứng các nhu cầu cụ thể và mang đến những giá trị thực sự cho khách hàng mục tiêu. Nhờ vậy các nhà sản xuất hay các đơn vị phân phối, bán lẻ có thể mở ra các cơ hội tăng trưởng hấp dẫn cũng như củng cố vị trí của thương hiệu họ tại thị trường Việt Nam.

Ori Marketing Agency

Ori Marketing Agency định vị là một Performance Agency, chúng tôi đã và đang đồng hành cùng các doanh nghiệp, triển khai các chiến dịch Marketing với nhiều loại ngành nghề khác nhau như Ô tô, Bất động sản, F&B, FMCG, Giáo dục - Khóa học, Sản phẩm sức khỏe....

Chúng tôi sẵn sàng lắng nghe mọi câu chuyện Marketing của bạn, tư vấn hỗ trợ bạn đạt mục tiêu kinh doanh hiệu quả nhất: https://bit.ly/3OF2d3Y