Marketer Phố Hương
Phố Hương

Content Executive @ Brands Vietnam

Vào ngành Marketing #1: Sáng tạo thôi là chưa đủ?

Những năm gần đây, Marketing là một trong những ngành luôn thu hút sự quan tâm của các thí sinh trên cả nước. Năm nay, Marketing tiếp tục trở thành một trong những ngành có điểm chuẩn cao nhất tại nhiều trường đại học.

Ở số đầu tiên này, hãy cùng lắng nghe những chia sẻ của Tiến sĩ Nguyễn Văn Thăng Long, Giảng viên cao cấp Truyền thông chuyên nghiệp, khoa Truyền thông và Thiết kế Đại học RMIT Việt Nam.

Những năm gần đây, Marketing là ngành luôn thu hút sự quan tâm của các thí sinh trên cả nước. Năm nay, Marketing tiếp tục trở thành một trong những ngành có điểm chuẩn cao nhất tại nhiều trường đại học. Vậy sức hút của ngành Marketing đến từ đâu? Từ học Marketing đến làm Marketer: Sinh viên cần chuẩn bị gì? Hãy cùng Brands Vietnam tìm câu trả lời qua chia sẻ của các giảng viên đã có nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy bằng series “Vào ngành Marketing”.

Marketer Gen Z mang đến cho thương hiệu góc nhìn sâu sắc và insights của “người trong cuộc”

* Theo thầy, đâu là những yếu tố giúp ngành Marketing giữ được “độ hot” trong nhiều năm qua?

Sức hút của ngành Marketing không những không giảm nhiệt, mà còn ngày càng thu hút hơn nữa. Đó là nhờ vào vai trò quan trọng của nhân sự Marketing trong rất nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam hiện nay.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Thăng Long, Giảng viên cao cấp Truyền thông chuyên nghiệp, khoa Truyền thông và Thiết kế Đại học RMIT Việt Nam.

Đầu tiên, tình hình kinh tế vĩ mô về dài hạn vẫn chuyển biến tốt, các doanh nghiệp ở Việt Nam cũng tăng trưởng không chỉ ở thị trường trong nước, mà còn mở rộng ra nước ngoài. Dư địa phát triển của thị trường trong và ngoài nước đều còn rất lớn. Do đó, việc xây dựng đội ngũ Marketing mạnh cũng nằm trong chiến lược phát triển dài hạn của nhiều doanh nghiệp.

Thứ hai, sự thay đổi nhanh chóng trong thời đại kỹ thuật số, “Internet of things” làm cho toàn bộ cách thức vận hành doanh nghiệp, tiếp cận thị trường, hành vi tiêu dùng, truyền thông quảng bá và quan hệ công chúng thay đổi. Với sự thay đổi như vậy, nhiều doanh nghiệp vận hành theo cách truyền thống (từ doanh nghiệp lớn đến doanh nghiệp vừa và nhỏ) đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng căng thẳng và khốc liệt trên thị trường.

Điều đó buộc các doanh nghiệp phải bứt phá trong chiến lược Marketing để duy trì tăng trưởng bền vững. Họ cần phải cập nhật các kiến thức về Marketing hay yêu cầu thêm về nhân sự nắm vững các kiến thức, kỹ năng Marketing trong thời đại mới, từ đó dẫn tới nhu cầu của ngành Marketing ngày càng cao.

Thứ ba, thời đại kỹ thuật số tạo điều kiện cho các startup, các ý tưởng sáng tạo, ý tưởng kinh doanh nhất là với các bạn trẻ có thể được thực hiện dễ dàng hơn. Chúng ta có thể thấy trong 1-2 năm nhiều bạn đã có thể thành công nhờ vào việc sáng tạo nội dung, cung cấp giải pháp dịch vụ, thương mại điện tử mua bán trên mạng…

Tuy vậy, sự thành công này khó có thể duy trì lâu dài nếu thiếu đi nền tảng căn bản hay nâng cao về Marketing, chiến lược phát triển, và điều này đòi hỏi các bạn trẻ phải học hành Marketing bài bản. Những bài toán khó này là sân chơi để các nhân sự Marketing đột phá, bước ra khỏi vùng an toàn và mang đến những giá trị vừa sáng tạo vừa hiệu quả.

* Thầy đánh giá thế nào về chất lượng đào tạo ngành Marketing tại Việt Nam trong những năm gần đây?

Với tính chất luôn cần thay đổi và cập nhật theo tình hình thị trường, nhiều kiến thức, xu hướng mới của ngành Marketing cũng mang đến những thách thức không nhỏ đến việc đào tạo nguồn nhân sự Marketer chất lượng, nắm bắt được những tiêu chuẩn được cập nhật liên tục để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Tuy nhiên, giáo dục về ngành Marketing của Việt Nam nhìn chung cũng bắt kịp rất nhanh so với mặt bằng chung về giáo dục kiến thức Marketing trên toàn thế giới.

Cách đây 5-10 năm, việc tìm kiếm tư liệu học tập về Marketing còn hạn chế ở vài đầu sách, ứng dụng digital trong việc giảng dạy và huấn luyện còn hạn chế. Thế nhưng hiện nay, các nguồn tài liệu trở nên phong phú hơn, đa dạng hơn về cả hình thức và chất lượng.

Các giáo trình quốc tế đã có phiên bản tiếng Việt, các nội dung giảng dạy vừa bằng sách, vừa có video tham khảo, vừa có bài tập trực quan, case-study để có ví dụ rõ ràng. Các nguồn mở phục vụ cho việc học tập cũng phong phú hơn (YouTube, Facebook, Vimeo). Các giáo trình giảng dạy cũng được cập nhật liên tục và đội ngũ giảng viên cũng có kinh nghiệm thực tế nhiều hơn.

Các case-study mới nhất ở trên thế giới và ở Việt Nam giúp cho cả giảng viên lẫn sinh viên, học viên dễ dàng nắm bắt bài giảng. Do đó, về mặt bằng chung, các nhân sự mới ra trường hiện nắm được những lý thuyết và kỹ năng cơ bản một Marketer cần có tốt hơn các thế hệ trước.

Giáo dục về ngành Marketing của Việt Nam nhìn chung cũng bắt kịp rất nhanh so với mặt bằng chung về giáo dục kiến thức Marketing trên toàn thế giới.
Nguồn: NEU

* Cơ hội việc làm cho nhân sự ngành Marketing đang có những thay đổi ra sao so với thời điểm trước dịch COVID-19?

Đại dịch COVID-19 mang đến nhiều biến động hơn về nhân sự của nhiều ngành nghề, bao gồm cả ngành Marketing. Bản chất của ngành Marketing là đặc tính thường xuyên đổi mới và biến chuyển liên tục để đáp ứng với tình hình mới. Do đó, COVID-19 mặc dù gây nhiều khó khăn cho xã hội và nền kinh tế, nhân sự Marketing hầu như ít có sự biến động lớn. Điều này là bởi việc tiến hành Marketing vẫn được thực hiện thường xuyên trong mùa dịch, dịch chuyển nhiều từ offline sang online nhằm đáp ứng nhu cầu “ở nhà vẫn vui” của mọi người.

Sau đại dịch, các nhu cầu căn bản khác bắt đầu tăng dần như du lịch, đi lại, sức khoẻ, ăn uống… Sự tăng trưởng đáng kể và mở rộng quy mô của các hoạt động Marketing trong doanh nghiệp nhằm vực dậy sau đại dịch thúc đẩy thêm nhu cầu của ngành. Các vị trí việc làm Marketing ngày càng tăng lên, cho thấy tín hiệu tích cực với các bạn trẻ về cơ hội việc làm.

Ở thời điểm hiện tại và trong tương lai gần, các Marketer trẻ sẽ được tiếp cận với nhiều cơ hội việc làm hơn nếu định hướng phát triển theo hướng hình chữ T. T-shaped Marketer là những người vừa có hiểu biết rộng các chủ đề xã hội, văn hoá, con người, vừa biết sâu về kỹ năng khác nhau của Marketing. Doanh nghiệp đang trông đợi và quan tâm đến các Marketer trẻ vừa có kiến thức tổng quan, vừa có kinh nghiệm chuyên sâu để cải thiện hiệu quả trong hoạt động Marketing có quy mô ngày càng lớn, phức tạp và có tính tương hỗ.

Mô hình T-shaped Marketer.
Nguồn: Growth Tribe

* Có một số ý kiến cho rằng, ngành Marketing hot như vậy vì còn liên quan đến “đặc điểm của thế hệ”. Cụ thể, Marketing là lĩnh vực rất phù hợp với các bạn trẻ Gen Z năng động, sáng tạo, lớn lên cùng công nghệ. Thầy nghĩ thế nào về ý kiến trên?

Sức mua và tiêu thụ của Gen Z ngày càng gia tăng mạnh mẽ và Gen Z sẽ dần thay thế Gen Y, trở thành nguồn chi tiêu chủ chốt của thị trường trong thời gian rất gần. Đó là một trong những yếu tố quan trọng mà các công ty đang bắt đầu xây dựng chiến lược Marketing bài bản nhằm tiếp cận Gen Z.

Tuy nhiên, do không hiểu rõ về thế hệ này, đồng thời đội ngũ nhân sự Marketing ở nhiều doanh nghiệp cũng cần được “thay máu” theo thời gian. Do đó, việc tuyển dụng Gen Z làm trong ngành Marketing cũng là điều bắt buộc.

Doanh nghiệp trông đợi vào Marketer trẻ vừa có kiến thức tổng quan, vừa có kinh nghiệm chuyên sâu để cải thiện hoạt động Marketing quy mô ngày càng lớn, phức tạp và có tính tương hỗ.

Marketer Gen Z mang đến cho thương hiệu góc nhìn sâu sắc và insights của “người trong cuộc”. Góc nhìn này vô cùng phong phú bởi Gen Z là thế hệ đa dạng và hòa nhập nhất từ trước đến nay, giúp cho hoạt động Marketing của thương hiệu có chiều sâu hơn, chạm được đến “pain points” của các tệp khách hàng khác nhau và mang lại kết quả tối ưu hơn. Do đó, không thể phủ nhận nguồn năng lượng năng động, sáng tạo của Gen Z mang đến làn gió mới lạ, độc đáo và tân tiến cho các chiến dịch Marketing thời gian gần đây.

Các bạn trẻ Gen Z cũng có rất nhiều đóng góp ở các khía cạnh khác, và nhân sự Gen Z cũng được tuyển dụng nhiều vì lý do đó. Tuy nhiên, các lợi thế đó chỉ có thể giúp các bạn Gen Z trong giai đoạn “nhập môn”. Marketing là một ngành đòi hỏi sự hợp tác và kết hợp với rất nhiều “stakeholder” khác nhau, do đó đòi hỏi nhiều về tính chuyên nghiệp, đảm bảo deadline và kỹ năng mềm để xử lý tình huống.

Vì vậy, Marketer Gen Z không chỉ cần năng động, sáng tạo, thành thạo công nghệ, mà còn cần thêm rất nhiều kỹ năng mềm khác (làm việc nhóm, tôn trọng sự khác biệt, tính kỷ luật) để bổ trợ cho quá trình phát triển theo ngành Marketing và sự phát triển của doanh nghiệp. Và để xây dựng đội ngũ kế thừa, doanh nghiệp cần Gen Z phát triển hài hoà các kỹ năng đó để đảm bảo sự chuyển giao thế hệ tốt hơn.

Team 22, đạt giải Gold của hạng mục Marketers bảng Student tại Vietnam Young Lions 2022
Nguồn: RMIT Việt Nam

Kiến thức có thể thay đổi, nhưng kỹ năng mềm vẫn là điều căn bản để tiến xa và nâng cấp bản thân mình

* Để trở thành một Marketer trong thời đại số, đâu là những kiến thức và kỹ năng mà các bạn trẻ cần chú ý trang bị, trau dồi ngay từ năm nhất?

Về kiến thức, sinh viên từ năm nhất có thể bắt tay vào trang bị ngay cho mình một nền tảng kiến thức thật vững chắc. Trong suốt thời gian đại học, các bạn sinh viên cần cập nhật liên tục kiến thức tổng quan về tình hình thị trường, những xu hướng và công nghệ mới trên thế giới và Việt Nam. Những kiến thức này thực ra cũng nằm trong các giao tiếp, cập nhật tin tức, giải trí hàng ngày của các bạn. Nhưng các bạn cần phải “nâng cấp” cách xử lý thông tin bằng cách ghi nhận cách các thông tin đó truyền tải, kênh truyền thông họ sử dụng, đối tượng khách hàng, các dạng content, cách bố trí các thông tin quảng cáo.

Về kỹ năng cứng, khả năng nghiên cứu thị trường, nghiên cứu khách hàng, cách sử dụng – vận hành các nền tảng Marketing và cách tối ưu hóa ý tưởng sáng tạo trong môi trường thực tiễn là những bước khởi đầu quan trọng trong quá trình học tập và đào tạo để trở thành một Marketer. Đồng thời, các bạn cũng học hỏi và đúc kết từ các chiến dịch thành công trước đây và hiện tại (best practices) để mở rộng vốn hiểu biết và ứng dụng các kỹ năng đã học.

Tuy nhiên ở nền tảng cơ bản nhất, một sinh viên ngành Marketing trẻ cần trau dồi kỹ năng mềm thật vững chắc trước khi tiếp cận kiến thức và kỹ năng chuyên môn. Đó là kỹ năng tự học, tinh thần học hỏi, tò mò, cầu tiến, và khả năng giao tiếp – làm việc nhóm với các đối tác khác nhau. Kiến thức có thể thay đổi, nhưng kỹ năng mềm vẫn là điều căn bản để tiến xa và nâng cấp bản thân mình.

* Có hiểu lầm hay ngộ nhận nào đó về ngành thường gặp phải ở các bạn tân sinh viên mà thầy muốn “đính chính”?

Marketer giỏi là người phân tích dữ liệu thị trường, người dùng, tính toán hiệu quả chi phí, rồi mới tới các cách sáng tạo để làm sản phẩm/ dịch vụ thêm hấp dẫn.
Nguồn: Pexels

Một trong những lời đồn truyền miệng phổ biến khi hướng nghiệp, lựa chọn ngành học mà các bạn thường nghe thấy là Marketer “không cần giỏi toán” hoặc “phải giỏi viết lách”, “chỉ cần sáng tạo”. Trên thực tế, Marketer giỏi là người phân tích dữ liệu thị trường, người dùng, tính toán hiệu quả chi phí, rồi mới tới các cách sáng tạo để làm sản phẩm/ dịch vụ thêm hấp dẫn. Khả năng phân tích số liệu này sẽ vô cùng hữu dụng ở khâu nghiên cứu thị trường và thực thi các hoạt động Digital Marketing.

Hơn nữa, chuyển đổi số đang ngày càng mạnh mẽ và diễn ra rộng khắp các ngành nghề. Điều đó đòi hỏi việc đào sâu vào big data và các dữ liệu số đa ngành để tìm ra insight, business gap, và cần Marketer phải nhạy bén với số liệu cũng như các phần mềm xử lý dữ liệu.

Nếu chỉ sáng tạo theo kiểu bay bổng mà không giải quyết được vấn đề thực tiễn cho thương hiệu về tăng trưởng thì cũng không đạt được hiệu quả tối ưu mà chỉ làm màu cho các trend sớm nở tối tàn. Còn nếu có thể thông thạo cả hai thì Marketer sẽ như “hổ mọc thêm cánh”, tận dụng được điểm mạnh của cả dữ liệu lẫn ý tưởng trong quá trình thực hiện hoạt động Marketing.

Bên cạnh đó, nhiều sinh viên cũng thường ngộ nhận môi trường ngành Marketing là “môi trường thoải mái, có thể tự do sáng tạo những gì mình thích”. Một Marketer giỏi cần phải thấu hiểu giá trị và vấn đề/ cơ hội của thương hiệu, bản chất của sản phẩm/ dịch vụ, tính chất của thị trường/ ngành hàng chứ không chỉ phụ thuộc vào những ý tưởng sáng tạo. Đừng nên mất kiên nhẫn xây những viên gạch đầu tiên thật vững chắc trước khi thiết kế ngoại thất thật bắt mắt và sáng tạo cho “ngôi nhà” của mình trong quá trình theo đuổi ngành Marketing.

* Với các bạn không đủ điểm đỗ ngành Marketing, thầy có lời khuyên nào để các bạn có thể tiếp cận với ngành nếu không được đào tạo tại trường đại học?

Nếu không đủ điều kiện đỗ vào ngành Marketing tại các trường đại học, các bạn trẻ đều có thể tiếp cận với ngành thông qua nhiều hình thức khác nhau. Các chuyên trang chính thống trong nước và quốc tế là nguồn kiến thức cơ bản và tiện lợi nhất để tiếp cận, đọc và tìm hiểu về ngành Marketing cho các bạn trẻ.

Marketer giỏi cần thấu hiểu giá trị và vấn đề/ cơ hội của thương hiệu, bản chất của sản phẩm/ dịch vụ, tính chất của thị trường/ ngành hàng chứ không chỉ phụ thuộc vào những ý tưởng sáng tạo.

Bên cạnh đó, các bạn có thể đăng ký các khóa đào tạo ngắn hạn, trung hạn theo mô hình học trực tiếp mà nhiều học viện đào tạo tại Việt Nam đang cung cấp. Một mô hình đào tạo khác giúp tối ưu lịch trình và cá nhân hóa việc tự học Marketing chính là các khóa học trực tuyến cho Marketers. Hiện tại, Brands Vietnam cũng là một nền tảng tin cậy cập nhật các khóa học liên tục với kiến thức, kỹ năng mới từ những chuyên gia hàng đầu trong ngành.

Nếu các bạn học một ngành khác tại đại học, hãy tìm hiểu, tham khảo và nghiên cứu cách áp dụng những kiến thức ngành học đó vào Marketing. Với quy mô ngày càng mở rộng của ngành Marketing, hiểu biết và áp dụng được nhiều nguồn kiến thức, kỹ năng khác nhau sẽ mang đến cho bạn những lợi thế bất ngờ. Đồng thời, tìm kiếm công việc thực tập, cộng tác viên các vị trí Marketing càng sớm càng tốt là một trong những cách hiệu quả để có thêm kinh nghiệm thực chiến và rút ngắn khoảng cách với các nhân sự khác trên thị trường.

* Cảm ơn thầy vì những chia sẻ bổ ích!

Xem thêm bài viết cùng chuyên mục tại đây.

Phố Hương / Brands Vietnam
* Nguồn: Brands Vietnam