Marketer Mai Hồng Ngọc
Mai Hồng Ngọc

CEO @ B-RISE Integrated Marketing Agency

6 phương pháp đặt tên thương hiệu

Giữa hàng ngàn sản phẩm có công dụng như nhau, tên gọi là yếu tố tiên quyết giúp khách hàng dễ dàng ghi nhớ để lựa chọn thương hiệu của bạn. Mặc dù hiểu rõ tên thương hiệu đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với doanh nghiệp, nhưng để đặt được một tên gọi phù hợp không phải là điều dễ dàng.

Nếu bạn vẫn còn nhiều băn khoăn trong việc chọn tên thương hiệu, dưới đây là 6 phương pháp mà bạn có thể tham khảo.

1. Phương pháp mô tả (descriptive)

Descriptive là sử dụng những từ ngữ mô tả, gợi tả về sản phẩm hoặc dịch vụ mà chúng ta muốn kinh doanh.

Chẳng hạn như 7-Eleven mang ý nghĩa là cửa hàng tiện lợi mở cửa từ 7 giờ sáng đến 11 giờ đêm, hay General Motors có nghĩa là một công ky kinh doanh xe hơi thông dụng.

Phương pháp này giúp bạn dễ dàng tìm được một tên gọi phù hợp cũng như dễ dàng truyền đạt cho người tiêu dùng ý nghĩa, công dụng của sản phẩm. Tuy nhiên, bạn sẽ khó để đăng ký bản quyền tên thương hiệu vì có thể sẽ xuất hiện những tên gọi tương tự.

2. Phương pháp khơi gợi (evocative)

Giống như tên gọi, đây là phương pháp đặt tên để gợi về cảm xúc, định vị hoặc những câu chuyện của thương hiệu một cách có chiều sâu.

Đây cũng chính là cách mà Nike, ông lớn trong ngành thể thao đặt tên cho thương hiệu của mình. Theo thần thoại Hy Lạp, Nike là tên của vị nữ thần hiện thân cho sự chiến thắng. Nhằm khơi gợi cảm xúc về sự mạnh mẽ, sự nỗ lực, sự chiến thắng, cũng chính là những tính chất khiến người ta dễ liên tưởng đến tinh thần thể thao, thương hiệu này đã quyết định đổi tên từ Blue Ribbon Sports thành Nike vào năm 1971.

Ưu điểm của phương pháp khơi gợi là tạo được sự liên kết, từ đó giúp khách hàng dễ liên tưởng về đặc tính thương hiệu. Tuy nhiên, tên thương hiệu được đặt theo phương pháp này cũng có nhược điểm tương tự như phương pháp mô tả, đó là có thể đã được thương hiệu khác sở hữu.

3. Chơi chữ (lexica)

Bằng cách sử dụng các từ ghép, từ láy, từ tượng thanh, từ nước ngoài… ta có thể tạo ra một tên thương hiệu thật sự khác biệt. Phương pháp đặt tên này rất dễ nhớ, gợi cho khách hàng suy nghĩ về các hình ảnh nhất định và gần như không có nhược điểm.

Một ví dụ điển hình cho phương pháp này đó là tên của thương hiệu thời trang đến từ Nhật Bản – UNIQLO. Đây vốn là từ ghép của hai từ UNIQUE (duy nhất) và CLOTHES (quần áo).

Hay với một thức uống khá quen thuộc – Redbull thường được gọi là “bò húc”. Thương hiệu đã “cố tình” chọn sự đối lập giữa Red (màu đỏ) và Bull (con bò) để gây ấn tượng với khách hàng bằng hình ảnh hai con bò màu đỏ đang húc nhau.

Một số thương hiệu lại sử dụng các từ tượng thanh có tương quan trực tiếp đến đặc tính của thương hiệu như TikTok hay Cốc Cốc.

4. Sáng tạo mới (invented)

Nếu bạn muốn tạo nên sự khác biệt và dễ dàng trong việc đăng ký bảo hộ tên thương hiệu, thì đây chính là phương pháp đáp ứng được những mong muốn đó. Sáng tạo mới là phương pháp sử dụng cách ghép từ, thêm hoặc bớt một số từ ngữ hoặc viết lệch đi để tạo ra một từ ngữ mới.

Chẳng hạn như Kleenex, một thương hiệu giấy của công ty Kimberly-Clark chuyên sản xuất các sản phẩm về giấy như khăn giấy, khăn giấy lau mặt... vốn có xuất phát điểm bằng từ gốc là “clean”; hay Pinterest với xuất phát điểm là từ “interest” gắn thêm chữ “p” phía trước.

Một ví dụ khác là cách đặt tên của ứng dụng cung cấp các dịch vụ gọi điện, nhắn tin, chia sẻ thông tin miễn phí trực tuyến – Skype. Tên gọi này được ghép từ chữ “sky” + “peer-to-peer” (person to person – người dùng đến người dùng).

Điều cần lưu ý ở phương pháp này chính là bạn cần cẩn thận để đảm bảo tên không trở nên vô nghĩa hay ngớ ngẩn.

5. Nguồn gốc (origins)

Phương pháp này cũng rất phổ biến, hiểu một cách đơn giản, đây là phương pháp đặt tên dựa trên nguồn gốc của sản phẩm, chẳng hạn như dùng tên của người sáng lập để đặt tên cho thương hiệu.

Có thể kể đến như Honda (lấy từ tên nhà sáng lập người Nhật Soichiro Honda), Walt Disney (ông chủ “vùng đất hạnh phúc nhất thế giới” – Walter Elias Disney)...

Vì tính chất “duy nhất”, nên bạn sẽ sở hữu được tên thương hiệu khi đặt tên bằng phương pháp này, cũng như dễ dàng bảo vệ tên thương hiệu khi có tranh chấp và không mất thời gian sáng tạo tên gọi.

Tuy nhiên, cũng chính vì vậy mà bản thân thương hiệu sẽ gắn bó chặt chẽ với người sáng lập, gây khó khăn khi thương hiệu muốn chuyển giao cho một đơn vị khác về sau.

6. Ngẫu hứng (arbitrary)

Bạn hoàn toàn có thể đặt tên một cách ngẫu hứng hay trừu tượng và không liên quan gì đến sản phẩm hay thị trường.

Một câu chuyện khá thú vị để làm ví dụ cho phương pháp này là câu chuyện của người sáng lập hãng đồng hồ xa xỉ Rolex. Ông Hans Wilsdorf từng kể rằng có một ngày khi ông đang đi dạo thì bỗng nghe tiếng thì thầm là “rolex rolex”. Sau đó, ông đã quyết định lấy tên này để đặt tên cho thương hiệu. Ông gọi đó là “lời thì thầm của những vị thần”.

Có thể thấy, bạn sẽ được cấp bản quyền một cách dễ dàng khi đặt tên thương hiệu theo cách này. Tuy nhiên, phương pháp ngẫu hứng yêu cầu sự sáng tạo cao. Quan trọng nhất đó là có thể tên thương hiệu sẽ rất mới với người tiêu dùng, vì vậy sẽ tốn công sức để xây dựng thương hiệu.